Tạ ơn Chúa là cuối cùng cũng lết lại được hết cái series này để review trước khi bản chuyển thể The Woke of Time của Amazon nó chiếu 🐧.
🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌑 🌑 🌑
7/10
=====
TR;DR
=====
Thế giới cực ổn, nhưng giãn dài quá đà. Phần
giữa đọc mệt, nhưng đầu và đít ổn.
===
CỐT
===
Series có một cái cốt khá là “chuẩn” Epic
Fantasy truyền thống, kể về cuộc chiến truyền kiếp giữa The Creator, tức Đấng
Sáng Thế đã tạo ra thế giới, và các thế lực của Dark One, hiện thân của sự hỗn
mang. Ngay từ khi thế giới mới ra đời, The Creator đã tạo ra một nhà tù và tống
Dark One vào trong đấy, khiến hắn chỉ có thể tác động đến thế giới theo một
cách rất gián tiếp. Tuy nhiên, thời kỳ nào cũng vậy, Dark One luôn ngấm ngầm tạo
ra những sinh vật quái thai, dụ dỗ và tha hóa những cư dân của thế giới với những
lời hứa hẹn về quyền lực vô biên, gieo rắc nghi kỵ, hiềm khích và hỗn loạn giữa
con người, tất cả nhằm xây dựng một lực lượng đủ mạnh để giải phóng bản thân khỏi
nhà tù và thỏa sức nhào nặn thực tại theo ý thích của mình.
Để chống lại mưu đồ ấy, The Creator đã tạo ra
The Dragon, một chiến binh hùng mạnh với linh hồn không ngừng đầu thai (thân
xác ở kiếp mới được gọi là The Dragon Reborn) để dẫn dắt loài người khống chế
các lực lượng của Dark One, đảm bảo hắn không thoát ra được. Tuy nhiên, vì mỗi
lần đầu thai cách nhau cả ngàn năm, cuộc chiến của The Dragon không phải lúc
nào cũng suôn sẻ, và cuộc đời của The Dragon Reborn không phải luôn đầy màu hồng.
Trong kỷ nguyên thứ hai (Age of Legends), The Dragon Reborn cùng quân đội của
mình đã bị gài bẫy, hóa điên và suýt nữa hủy diệt thế giới, khiến cho cái tên
The Dragon bị lịch sử đánh đồng với Dark One, và trở thành nỗi khiếp hãi của
toàn nhân loại.
Và rồi sau cả ngàn năm không thấy bóng dáng
The Dragon đâu nữa, tại một ngôi làng nhỏ mang tên Two Rivers, bấy giờ đang tất
bật chuẩn bị cho lễ hội mùa xuân Bel Tine…
Một trong những vấn đề lớn nhất của Epic
Fantasy là cái bóng của J. R. R. Tolkien quá khổng lồ, khiến cho rất nhiều cuốn
vừa đọc vừa phải gật đầu chào người quen mỏi hết cả cổ, và cuốn đầu tiên của
series này cũng mắc phải cái vấn đề ấy. Khi đọc vào, mọi người sẽ thấy một số
mô típ, cách dẫn dắt, kiểu nhân vật cứ hao hao hành trình ship hàng của một anh
lùn chân lông nào đó. Nhưng dần dần, ta sẽ thấy tác giả Robert Jordan tẽ dần ra
khỏi Tolkien, và nét đặc trưng riêng của series sẽ bắt đầu xuất hiện. Sang đến
tập 2 thì có thể nói là Jordan đã bắt đầu “bạo” hơn trong cách viết, và series
trở thành một thứ mới mẻ hẳn, mặc dù vẫn dùng rất nhiều mô típ High Fantasy
quen thuộc (kiếm thần, phù thủy, hiệp sĩ, Chúa tể Hắc ám, Kẻ Được Chọn,…).
Bản thân câu chuyện thì được viết rất ổn, với
gần như mỗi nhân vật đều có một mạch truyện phát triển riêng, để từ đó ta nhìn
thấy các khó khăn của việc gầy dựng cả một đạo quân khổng lồ cũng như thống nhất
các quốc gia với những mưu đồ riêng và nền văn hóa, quan điểm riêng của mình.
Jordan không để nhân vật búng tay đánh tách một phát là cả thế giới quỳ gối lạy
ngay, mà diễn tả nó một cách khá thực tế, cho dàn nhân vật gặp đủ loại khó khăn
từ chống thế lực của Dark One cho đến việc phải đi ngoại giao với đủ kiểu vua
chúa. Có rất nhiều mạch cốt nhánh, thể hiện nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc
chiến giữa The Creator và Dark One, và anh em kiểu gì cũng sẽ tìm được một mạch
mình thấy thích.
Nhưng mà lạy Light, nó đi lan man vl.
Khoảng mấy tập đầu thì mình thấy cốt ngon lành
(mặc dù quả đánh trùm cuối ở cuối mỗi truyện gần như toàn thế này:
https://www.youtube.com/watch?v=rYH7K_IRTfw), sang đến chỗ giữa thì mạch truyện
lề mề hẳn lại, mãi chẳng thấy cả mạch cốt chính lẫn những mạch cốt phụ đi đến
đâu hết. Mặc dù Jordan đã cơi nới hẳn thế giới của mình ra trong những cuốn
này, đọc thấy cứ toàn bôi mãi mà đến phát bực, đặc biệt Jordan rất hay có tật lặp
đi lặp lại tóm tắt, miêu tả, với tật của nhân vật (mợ kiếp, tôi thề là nếu còn
phải đọc thêm một câu nào về khoanh tay dưới ngực, phủi váy, kéo tóc một lần nữa
thì tôi sẽ xách cuốc đi quật mồ Jordan lên). Tạ ơn Chúa Brandon Sanderson đã xuất
hiện như một vị thần sau khi Jordan qua đời, và khôi phục lại ánh hào quang của
series với 3 cuốn cuối rất đỉnh cao (mặc dù trông cảnh bro này thảm sát các mạch
cốt nhánh kể cũng hơi thốn 🐧 ).
================
Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI
================
Phần này có thể nói là gánh series rất mạnh, gần
như bù luôn được cho mấy quyển Jordan chạy đi làm side quest ở giữa (gần như
thôi 🐧 ).
Đầu tiên là về cái thế giới của nó. Thế giới
này đã trải qua mấy kỷ nguyên, và mỗi một kỷ nguyên đều để lại những truyền
thuyết và huyền thoại rất đặc trưng, hay thậm chí còn cả những thứ “công nghệ”
và di tích khó hiểu. Khi đọc mình rất hay nhảy cóc một số đoạn tả dông dài của
Jordan, đặc biệt trong cái “vùng trũng” ở giữa, nhưng gần như không bao giờ bỏ
qua phần lịch sử của nó cả. Mỗi một câu chuyện lịch sử, một huyền thoại kể lại,
hoặc qua miệng các gleeman (đại khái là người hát rong) hay những nhà tri thức
đều rất hấp dẫn và sống động, thậm chí có thể nói là những chuyến phiêu lưu của
những người hùng xưa còn hấp dẫn hơn cả cốt truyện chính (Artur Hawkwing là
soái ca của lòng em 😢 ). Đặc biệt
là nó có rất nhiều thứ song song với lịch sử thế giới thật của ta, với một số
tiểu tiết còn được ngầm ám chỉ là lịch sử của thế giới thật nhưng bị bóp méo
theo thời gian. Vừa đọc vừa đối chiếu so sánh như kiểu một trò đùa kín rất thú
vị.
Không chỉ dừng lại ở mảng lịch sử, cả cái xã hội
cũng được đầu tư làm rất tử tế. Jordan xây dựng cực kỳ tỉ mỉ các nền văn hóa và
sắc tộc khắc nhau, và ta thực sự có thể cảm nhận được sự tách biệt giữa các quốc
gia với nhau, chứ không chỉ đơn thuần là một đống dân Châu Âu sơn đỏ trắng xanh
vàng cho có vẻ lạ lạ, nhưng về bản chất là cùng cá mè một lứa hết. Sự riêng biệt
được thể hiện qua cả những cái “to” như màu da, vóc dáng, giống loài… lẫn những
thứ tưởng chừng cực kỳ lặt vặt như cái cúc áo, cách nói năng, từ lóng, thói
quen, tư tưởng, tập quán, đức tin,… Thú vị một điều là cũng như lịch sử, rất
nhiều yếu tố văn hóa, xã hội là pha trộn giữa những thứ ta có ngày nay. Ví dụ
như người Aiel, một dân tộc chiến binh sống ở sa mạc, về cơ bản là dân Ireland
pha với Trung Đông; Ogier thì là người lùn khổng lồ (nghe thì hơi ngu nhưng cứ
đọc vào đi, hợp lý lắm 🐧 ) với triết
lý sống của người phương Đông và vốn từ vựng nghe đặc sệt Trung Quốc; Seanchan
thì là người Châu Phi nhưng lại dùng hàng Nhật và đi nô lệ hóa người khác;...
Thêm một cái nữa là hệ thống phép thuật của
series này cũng cực kỳ chi tiết, phức tạp, và được xây dựng rất cẩn thận. Về cơ
bản, các Aes Sedai (“phù thủy” của series) có khả năng sử dụng chính nguồn năng
lượng mà The Creator từng dùng để tạo ra thế giới, gọi là One Power. One Power
được xây dựng dựa trên nguyên lý âm dương, với nửa saidar đại diện cho “âm,” chỉ
nữ mới dùng được, còn saidin đại diện cho “dương”, chỉ nam mới tiếp cận được.
Ngoài ra thì nó còn được chia theo một phiên bản na ná ngũ hành, với 5 “mảng” Đất,
Hồn, Nước, Khí, Lửa. Mỗi một Aes Sedai sẽ mạnh về một vài mảng và yếu về vài mảng,
và mảng nào cũng có thể khắc chế được nhau, hoặc có thể kết hợp lại để tạo
thành những thứ rất phi thường. Vì đây là quyền năng của The Creator, nó có thể
tái tạo lại cả thực tại, xóa bỏ lịch sử nếu muốn. Tuy nhiên, nó lại được ràng
buộc bởi những quy luật cực kỳ chặt chẽ, với những hạn chế rất nguy hiểm, khiến
cho khi dùng phải rất cảnh giác. Thậm chí các hạn chế đó còn có thể bị lợi dụng
để các Aes Sedai hãm hại nhau, hoặc thoát khỏi thế bí. Bên cạnh đó, vì The
Dragon Reborn từng tàn phá thế giới, nhiều kiến thức về phép thuật đã bị mất,
thế nên có một số nhánh phép thuật rất mạnh mà không ai hiểu cụ thể quy luật của
nó, và cũng chẳng dám dùng nhiều, chẳng hạn cái thế giới trong mơ
Tel'aran'rhiod. Điều này khiến cho hệ thống phép thuật của series không đến nỗi
quá cứng nhắc, và vẫn còn đất để độc giả khám phá cùng với nhân vật.
Tiện nhắc đến nhân vật…
=========
NHÂN VẬT
=========
Cả series 14 quyển, mỗi quyển xấp xỉ 700
trang, tính trung bình thì cứ mỗi trang lại nhảy ra 3 nhân vật mới, đoán thử
xem cả thảy có bao nhiêu nhân vật 🐧?
Được một cái là các nhân vật có những cá tính
và tật rất riêng rẽ, cùng với động cơ và mạch truyện riêng để phát triển như đã
nói ở trên, thế nên ai cũng có chiều sâu cả. Và vì có cả tỉ nhân vật, kiểu gì
anh em cũng sẽ kiếm được ít nhất vài ba người thấy ưng. Đặc biệt là Mat. Nhất
là thằng Mat. Bố tổ sư tại sao anh cu này lại không phải là The Dragon Reborn 😢?
Khổ một cái là Jordan đôi khi hơi chú trọng tạo
mấy cái drama linh tinh giữa các nhân vật, hoặc chỉ đơn thuần là cần một cái
plot gì đó xảy ra, thế nên sẽ có lúc nhân vật hành động theo một kiểu cứ… ngu
ngu. Dù các hành động chủ yếu không đến nỗi ngược hẳn với bản chất của nhân vật,
và cũng ngu ở cấp vừa vừa thôi, nhưng quả thực đến một số đoạn ta sẽ không khỏi
phải khoanh tay dưới ngực, phủi váy, và kéo tóc vì bực mình. Với cả Jordan,
bro, sao có lắm cái tình yêu cứ từ trên trời rơi xuống thế 🐧?
=========
TỔNG KẾT
=========
The Wheel of Time là một trong những series
Fantasy với cái hay rất nhiều mà cái xấu cũng cực lắm. Nó như một cái hình
parabol úp, đang đi ngon lành thì tự nhiên tác giả tự chiếu tướng bản thân vào
một chỗ trũng, mãi không bò ra được, nhưng rốt cuộc vẫn về đích được khá ổn. Vì
độ khổng lồ của cái series này, mình khuyên anh em chỉ nên đọc chăm chú tầm 4,
5 cuốn đầu, hoặc đến khi thấy nhạt miệng, còn từ đó cho đến hết tập 11 thì nên
đọc kiểu lướt lướt để nắm qua cốt thôi, xong đọc nốt tập 12, 13, 14 một cách
nghiêm chỉnh lại như cũ. Đáng lẽ mình sẽ khuyên nên chờ xem cái series chuyển
thể của Amazon xem thế nào, nếu ổn thì chỉ cần xem nó là đủ, đỡ phải đọc cày.
Nhưng nhìn tình hình casting của nó phá tanh bành cái thế giới của Jordan thì tốt
nhất nên xách mắt lên và đọc đi ông giáo ạ 🐧.
Giờ về lại với Sci Fi đây, cày Randland lâu
quá rồi.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓