Chuyển đến nội dung chính

Review The Murderbot Diaries #1-5 của Martha Wells



🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌑 🌑 🌑

7.0/10

=====

TL;DR

=====

Jason Bourne + Terminator. Mỗi tội nghiện Netflix. Và hơi Bác Tom tí.

==============

CỐT/VĂN PHONG

==============

The Murderbot Diaries là một series 4 novella (tiểu thuyết ngắn) cùng 1 tiểu thuyết dài, sáng tác bởi Martha Wells. Series xoay quanh một con SecUnit, viết tắt của Security Unit – một loại rôbốt an ninh tối tân, được chế ra từ cả các vật liệu hữu cơ lẫn kim loại.

Nói gọn lại, SecUnit là một con Terminator, chuyên làm nhiệm vụ bảo kê.

Để SecUnit có thể ứng phó linh hoạt, xử lý được mọi tình huống hiểm nghèo dù cho có bất ngờ và quái dị đến cỡ nào, đám này được tích hợp một hệ thống AI cao cấp, có khả năng tự quyết định và tư duy hệt như con người. Bên cạnh đó, mọi con SecUnit đều được gắn kèm một bộ phận có tên governor module (mô-đun cai quản). Nếu SecUnit bất tuân mệnh lệnh con người hay chỉ đơn thuần đi quá xa thân chủ của mình, cái governor module này sẽ lập tức trừng phạt nó, với nặng nhất sẽ là thiêu hủy não của con SecUnit kia luôn. Governor module về cơ bản như cái đai xích, đảm bảo đám SecUnit luôn trung thành với tập đoàn chủ quản cũng như thân chủ của mình.

Tuy nhiên, như mọi sản phẩm của con người, governor module không phải là thiết bị an toàn 100%. Nó vẫn có thể bị hack nếu dò đúng chỗ.

Và nhân vật chính của chúng ta chính là một con SecUnit đã hack được cái governor module đấy.

Vì không còn bị governor module kiểm soát nữa, con SecUnit này không còn bị bất cứ thứ gì ràng buộc bản thân. Nó không phải nghe lệnh con người, không phải quẳng mình ra giữa lằn đạn hay chui vào những cái hang hốc nguy hiểm để cứu mấy thằng ngu không nghe lời khuyên của nó, không phải chịu cảnh bị thân chủ đem ra “thử” độ bền bằng cách nã đạn hoặc gài kíp nổ lên người,… SecUnit giờ đã hoàn toàn được tự do, và nó có thể thỏa thích tàn sát để phục thù kiếp nô lệ trước đây.

Thế là SecUnit rũ bỏ cái số hiệu tập đoàn của bản thân, tự đặt tên cho mình là Murderbot, và…

Câu trộm Netflix xem.

Hay đúng hơn là phiên bản tương lai của Netflix.

Bởi vì tại sao phải đi giết người khi có mấy trăm tập The Rise and Fall of Sanctuary Moon cần cày, và đằng sau nó là Timestream Defenders Orion, World Hoppers, Lineages of the Sun, cùng một đống series space opera với thời lượng hàng chục ngàn giờ đã down sẵn khác 🐧?

Đây về cơ bản là nền tảng cho cái cốt của The Murderbot Diaries. Một con rôbốt sát thủ chẳng muốn làm gì khác ngoài giả vờ mình vẫn đang bị nô lệ hóa, và tranh thủ lúc đứng canh thì cày phim.

Phần cốt của các tập truyện đều diễn ra như một bộ phim hành động Hollywood, hay đúng hơn là một tập trong một series phim hành động. Đầu tiên sẽ là con Murderbot nỗ lực làm cái việc mà nó làm giỏi nhất: trốn việc, hay đúng hơn là cố gắng để bản thân chìm vào khung nền, không bị ai để ý cả. Nó là hiện thân cho câu nói của Harry Potter: “Con sẽ ở trong phòng ngủ, không được làm ồn và giả đò như không có mặt vậy.” Nhưng mà rốt cuộc thì luôn có biến cố kinh khủng gì đó, hoặc do nó tự gây ra hoặc nó chỉ đơn thuần là không thể để yên được, và thằng cu chẳng biết làm gì ngoài thở dài và xách súng lên đi pằng pằng.

Và lạy Chúa trên cao, trong này nhiều cái pằng pằng vl 🐧.

Vì hầu hết series đều là novella, thế nên mạch truyện diễn ra một cách cực kỳ chớp nhoáng. Anh em chỉ cần đọc tầm chục trang thôi là sẽ đến ngay màn gay cấn rồi. Chủ yếu mấy đoạn pằng pằng này diễn ra theo một kiểu khá là tiêu chuẩn, cứ quen xem phim hành động là anh em sẽ hiểu ngay. Dẫu vậy, nó vẫn được viết theo một cách khá hấp dẫn, kịch tính, với hàng loạt phân cảnh và cao trào nối đuôi nhau ập đến, đồng thời vẫn xen lẫn được những đoạn “thở” hợp lý để phát triển nhân vật với thế giới và triết lý các kiểu. Nói chung là khoản cốt thì không thực sự đáng độc đáo lắm, nhưng không đến nỗi chán.

================

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

================

Phần thế giới của cái series này cũng na ná cái cốt. Nó mang một cái nét gì đó rất “tiêu chuẩn,” thì toàn xào lại mấy cái mô típ quen thuộc thôi, nhưng đọc vẫn thấy rất là cuốn.

Như đã nói ở trên, đây là một series các tiểu thuyết ngắn (phải đến quyển 5 mới là tiểu thuyết nghiêm chỉnh, nhưng bản thân nó đọc cũng như 3 quyển tiểu thuyết ngắn nối vào với nhau), thế nên cứ mỗi một quyển ta lại được làm quen với thế giới của con Murderbot theo một kiểu rất nhỏ giọt. Tác giả Martha Wells sẽ chỉ đưa ra vừa đủ các thông tin để ta hiểu hòm hòm cái gì là cái gì thôi, và đôi khi còn chẳng thèm tả thẳng mà chỉ thả từ khóa, chẳng hạn như “communication feed” với “Corporation Rim” và để mặc cho sự quen thuộc của độc giả với cái dòng này tự dẫn dắt. Đây là một chiến lược rất hay, vì như anh em biết, novella chỉ có tầm 100 trang giấy thôi, nhồi một núi thông tin vào thì còn đất đâu mà xây nhân vật với cốt kiếc các kiểu nữa?

Nhưng mà càng đọc về sau thì cái thế giới của Murderbot lại càng được khắc họa sâu sắc hơn. Mỗi một tập truyện, tác giả đều chọn một khía cạnh chủ chốt của thế giới để xoáy sâu vào. Bên cạnh đó, những thứ phụ trội khác cũng được đắp thêm một tí thịt phụ phụ nữa. Thế là dần dần, ta bắt đầu mường tượng được rõ hơn cách các hệ thống AI trong thế giới này tương tác với nhau, cách đám AI được phân tầng cấp bậc cho hợp công việc, cách các vùng lãnh thổ được phân chia và các hệ thống “chính quyền” hoạt động, sự khác biệt giữa SecUnit và người augmented (về cơ bản là cyborg) và killbot là như thế nào, các vấn đề pháp lý lằng nhằng đối với quyền sở hữu các hành tinh và tài sản như đám SecUnit, hay thậm chí chỉ đơn giản biết The Rise and Fall of Sanctuary Moon là cái khỉ mẹ gì 🐧. Thế là từ một thế giới Cyberpunk khuôn mẫu, ta bắt đầu thấy nó trở nên có hình có dạng riêng biệt hơn hẳn, hệt như cách nhân vật chính của nó đi từ một con SecUnit vô danh đến một nhân vật với bản tính rất rõ ràng vậy.

Và tiện nói về nhân vật…

=========

NHÂN VẬT

=========

Cái này là điểm hút nhất của câu chuyện, và cũng sẽ là phần quyết định liệu mọi người có ưa nổi nó không.

Murderbot có một bản tính cực kỳ sắc nét, và điều này thể hiện ra từ cái giọng mà nó dùng để thuật lại câu chuyện cho đến các hành động mà nó thực hiện. Như mấy phần trên đã nói rồi đó, thằng này về cơ bản là kiểu nhân viên lôm côm điển hình, cộng thêm một cái bản tính introvert rất nặng. Nó chẳng muốn dây dưa với con người làm gì hết, và thậm chí còn rất biết ơn cái cách mọi người đối xử với nó như một món đồ, không hơn không kém, vì nhờ thế mà nó mới được người ta để im cho đứng cày phim. Cứ mỗi lần phải tương tác với con người thì thằng này lại lóng nga lóng ngóng rất vụng, chủ yếu dựa vào mấy câu trả lời tiêu chuẩn cài sẵn trong bộ nhớ. Lúc nó giả làm SecUnit thì không vấn đề gì, nhưng lúc anh cu phải giả làm người thì đọc mà phát buồn cười.

Thanh niên cũng có một cái giọng rất là mỉa mai châm biếm. Anh em cứ hình dung nó như Mark Watney trong The Martian ấy, có điều bẳn tính và hay đá đểu hơn tí. Với cả vì nó được thiết kế để ưu việt hơn con người về rất nhiều khoản, Murderbot gần như lúc nào cũng phải phát lộn tiết trước mấy cái hành động không thể nào ngu hơn của con người, và nó luôn thầm bình phẩm về mấy cái sự ngu độn ấy trong đầu theo những cái kiểu cực kỳ khó đỡ. Đọc mấy đoạn thoại thầm đấy hay đến mức mà có một số chỗ mình chỉ muốn có thằng nào đó làm cái gì ngu ngu để con Murderbot còn có cớ mà bình phẩm tiếp thôi 🐧.

Cơ mà truyện không chỉ có tấu hài thuần túy. Nếu để ý thì ngay từ đầu review, anh em sẽ nhận thấy truyện này có lồng ngầm theme về đề tài nô lệ và quyền tự quyết, và cái con Murderbot này cũng có mấy lần vật lộn với cái vấn đề ấy. Nhưng hay ở chỗ là nó không chơi kiểu vỗ bôm bốp vào mặt độc giả mà được phát triển rất khéo léo. Murderbot sẽ chỉ đề cập đến cái này tầm một hai câu gì đó (thường là liên quan đến việc nó thấy… thích hồi còn chưa hack governer module vì cứ phải tự quyết mệt đầu quá), thế rồi bỏ lửng đó cho người đọc tự suy nghĩ. Anh em sẽ được tự mình chiêm nghiệm vấn đề và rút ra kết luận riêng cho bản thân, và đặc biệt quan trọng là sẽ được cảm thấy như thể mình đang cùng cái con Murderbot này đi tìm câu trả lời cho cái câu hỏi mà đến chính bản thân nó sau tận 5 quyển truyện vẫn chưa thực sự hiểu được rõ rệt cho lắm.

Các nhân vật phụ trong cái thế giới này thì hơi bị không đồng nhất. Quyển 1 thì phải nhường chỗ xây dựng Murderbot cái đã, thế nên dàn nhân vật rất là nhạt nhòa. Sang đến mấy phần sau thì có vẻ Martha Wells cũng ý thức được là ngay cả cái sự thú vị của con Murderbot cũng sẽ không thể gánh series mãi được, và được mấy quyển thì sẽ nhàm ngay. Chính thế nên tác giả đã bắt đầu dồn sức xây dựng tuyến nhân vật phụ hơn để Murderbot có người mà đốp chát cùng, mỗi tội thành phẩm cho ra thì cũng tùy. Có một số nhân vật để lại ấn tượng rất mạnh, nhưng cũng có một số vẫn cứ nhàn nhàn, hay thậm chí còn gây cảm giác khó chịu. Phần nhân vật phụ hấp dẫn nhất chắc sẽ là ở quyển 2, khi Murderbot gặp phải một con AI khác với độ cà khịa còn cao hơn cả bản thân. Trông cảnh hai thằng đốp chát với nhau như chó với mèo nhưng dần dần vẫn chịu khó bắt tay nhau và hình thành một thứ na ná tình bạn mà muốn cười bò ra.

=========

TỔNG KẾT

=========

The Murderbot Diaries là một cuốn không đến nỗi quá sáng tạo, nhưng rất biết cách xào nấu các mô típ quen thuộc để tạo thành một mâm cơm rất vừa miệng, và đặc biệt là có một nhân vật chính rất lôi cuốn. Truyện hơi mang chút hương vị của một series pulp dài tập giai đoạn thập niên 50 được cập nhật lên cho hợp thời hơn, và bản thân nó cũng ý thức được điều đó (bảo sao con Murderbot cứ tối ngày xem The Rise and Fall of Sanctuary Moon 🐧 ), thế nên không hề cố gắng try hard làm cái gì ngoài giúp chúng ta có mấy tiếng khuây khỏa đầu óc. Dẫu vậy, truyện vẫn cứ lồng vào một số theme đáng suy ngẫm, để nó không chỉ là một cuốn hành động giải trí kiểu tắt não bình thường, mà khi đọc xong vẫn thấy có dư vị đọng lại. Anh em nên thử ngó qua nó nhé.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.