Chuyển đến nội dung chính

Review Series Wayfarers của Becky Chambers

 


🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌖🌑

8.75/10

TL;DR

H̵u̵m̵a̵n̵s̵ Sapients of N̵e̵w̵ ̵Y̵o̵r̵k̵ the Galactic Commons + C̵h̵i̵c̵k̵e̵n̵ ̵S̵o̵u̵p̵ Food Stuff for the Soul.

GIỚI THIỆU CHUNG

Wayfarers là một series Space Opera do Becky Chambers sáng tác, xoay quanh câu chuyện đời của một chuỗi các nhân vật khác nhau, bao gồm cả con người lẫn người ngoài hành tinh, trong một vũ trụ với phần lớn các nền văn minh đều thuộc quyền quản lý của một thể chế liên hiệp mang tên Galactic Commons. Cả series bao gồm 4 cuốn tiểu thuyết sau:

1) The Long Way to a Small, Angry Planet

2) A Closed and Common Orbit

3) Record of a Spaceborn Few

4) The Galaxy, and the Ground Within

Mấy cuốn này gần như không dính dáng gì đến nhau cả, giống kiểu 4 tiểu thuyết độc lập cùng nằm chung trong 1 vũ trụ hơn là một series, thế nên trên lý thuyết anh em muốn đọc quyển nào trước cũng được cả. Tuy nhiên, vì cả 3 quyển sau đều nhảy ra từ quyển thứ nhất, với luôn có ít nhất 1 nhân vật hoặc sự kiện dính dáng đến ai đó ở quyển đầu, thế nên tốt nhất mọi người nên đọc quyển đầu trước, sau đó muốn nhảy sang quyển nào khác thì nhảy.

Ngoài 4 thằng trên ra thì cái series này còn một truyện ngắn nữa là A Good Heretic, xuất bản kèm trong bộ tuyển tập Infinite Stars: Dark Frontiers. Tuy nhiên, vì nó biệt lập hoàn toàn với series chính, chưa kể bản chất của cái series này cho phép mọi người thích dừng ở đâu thì dừng, thế nên cái truyện đó không cần đọc cũng chẳng chết ai. Review này cũng sẽ không động gì đến nó cả

MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG

Trước khi vào review, cho mình hỏi qua thế này tí: anh em có xem porn không?

Nào nào, từ từ, anh em đừng bỏ đi hay mách Mắc Xoăn gì vội, mình hứa group chưa đổi trọng tâm sang hentai và thơ chữ Nôm đâu 🐧. Ráng ngồi lại tí đã.

Rồi, giờ về với porn. Chắc ai cũng xem hết nhỉ?

Và không, không phải porn kiểu clip leak này nọ gì đâu, porn kiểu phim quay studio chuyên nghiệp ấy.

Trong trường hợp có ai chưa xem porn chuyên nghiệp bao giờ (ừ, phải rồi 🐧 ), anh em hãy hiểu đại khái thế này: mấy cái porn đó trên lý thuyết đều có một cái cốt nghiêm chỉnh, với đầy đủ mở thân kết, đối cảnh đổi góc, cao trào và kịch tính lên xuống hệt như một cái phim bình thường. Chỉ có điều cái cốt đấy thường sẽ rất nhạt nhòa, hay thậm chí còn… ngu ngu nữa.

Bởi lẽ có ai xem nó vì cốt đâu mà đòi biên kịch phải đầu tư 🐧?

Sau khi xem xong, mọi người sẽ chẳng thấy phần cốt đọng lại được mấy tí trong đầu, nhưng hoàn toàn chẳng thấy điều ấy có ảnh hưởng gì đến độ hay của phim cả. Xét cho cùng, toàn bộ sự tồn tại của cái cốt chỉ nhằm mục đích cung cấp một cái khung xương tối thiểu để “ghì” cả cái phim lại, đỡ bị nháo nhào như một nồi cám lợn, tạo thành một nền tảng để điểm hút chủ chốt của phim có chỗ đứng thôi mà. Nó đã làm đúng những gì nó cần làm, và chúng ta chẳng có gì để chê trách nó hết.

Ok, thế porn liên quan gì đến Wayfarers?

À thì, Wayfarers về cơ bản cũng chính là porn đó 🐧.

Chỉ có điều thay vì sự dâm dục, thứ nó sử dụng để mang lại khoái cảm cho người thưởng thức là sự lạc quan.

Cụ thể hơn, cũng như porn, tất cả các cuốn trong series Wayfarers đều có một cái cốt nghiêm chỉnh. The Long Way to a Small, Angry Planet có cốt xoay quanh hành trình đi đục một hầm ngầm lỗ giun xuyên không gian của phi hành đoàn con tàu Wayfarer; A Closed and Common Orbit là quá trình làm quen với một thân thể mới của một con AI và hành trình tìm kiếm thân nhân thất lạc của một nhân vật phụ từng xuất hiện trong Wayfarer; Record of a Spaceborn Few là về một x̵ó̵m̵ ̵n̵g̵h̵è̵o̵ ̵V̵i̵ệ̵t̵ ̵N̵a̵m̵  cộng đồng du mục con người tiếp đón mấy vị khách đặc biệt; The Galaxy, and the Ground Within là về một nhóm nhân vật bị kẹt lại tại một hành tinh “trung chuyển” khi một thảm họa không gian xảy ra. Chúng nó có mở, thân, kết đầy đủ, với đủ kiểu kịch tính, xung đột, thắt nút, mở nút ta có thể kỳ vọng ở một câu chuyện.

Tuy nhiên, nhưng mọi thứ diễn ra theo một kiểu có như không. Gần như mọi xung đột về cốt đều được giải quyết một cách thẳng đuồn đuột, và lắm khi còn nhạt toẹt. Nguyên do là cái cốt của tất cả những tập truyện trong series đều chỉ đóng vai trò một cái cớ để Becky Chambers giới thiệu cho chúng ta đến với một thế giới đầy sinh động (phần dưới sẽ nói kỹ hơn) cùng những nhân vật lý thú (cũng sẽ nói thêm ở phần dưới), và đặc biệt là để ta danh thời gian tận hưởng một giọng văn hết sức đặc sản.

Chambers không viết truyện theo một kiểu hoa hòe hoa sói, với một câu chứa đựng cả tỉ ý nghĩa hay nghệ thuật cao siêu gì cho cam, nhưng ta sẽ vẫn có thể cảm thấy rất rõ cô đã dồn rất nhiều tâm huyết và tình cảm vào cho các câu chữ của mình. Chúng êm đềm và dịu dàng đến bất ngờ, chảy trôi mượt mà kinh khủng, nhưng luôn biết cách khơi gợi xúc cảm rất khéo và để lại một dư vị lắng đọng đằng sau chứ không phải kiểu trôi tuồn tuột như nước lã đun của Brandon Sanderson đâu.

Giọng văn của Chambers lại còn đặc biệt ở chỗ không ngừng toát lên một sự lạc quan rất dễ chịu nữa. Ngay cả khi động đến những đề tài tăm tối và có những bi kịch không kém phần éo le, ta sẽ vẫn nhận thấy ẩn sâu bên dưới là một mạch suối tích cực ngầm. Nó không hề đối chọi hay làm giảm tính nghiêm trọng của những gì đang diễn ra, mà phối hợp rất nhuần nhuyễn với nó, công nhận sự đau thương của thực tại, nhưng vẫn chìa ra một bàn tay an ủi và chỉ về phía chân trời, nơi có một ánh hồng yếu ớt đang dần loang ra trên cái nền đen, báo hiệu một bình minh rồi sẽ xuất hiện.

Và tiện nhắc đến đề tài tăm tối, đáng chú ý một điều là dù bỏ ra rất nhiều công sức xoa dịu tâm hồn cho người đọc, các câu chuyện trong series này không hề ngần ngại động đến những vấn đề triết lý và xã hội nhức nhối. Ta được thấy cách những kỳ vọng của xã hội và gia đình có thể gây ảnh hưởng thế nào đến một con người; ta có những bất đồng hoặc sự thiếu hiểu biết về chủng tộc và văn hóa dẫn đến những xung đột cả giữa người với người lẫn những quốc gia khác nhau; ta có những cuộc bàn luận về sự tàn khốc của chiến tranh và cách nó xé nát gia đình và bạn bè, bỏ lại đằng sau những kiếp người khốn khổ ở cả hai bên; ta được quan sát cách những tư tưởng tôn giáo và văn hóa tốt đẹp vô tình lại dẫn đến sự cực đoan;… Rất nhiều thứ như vậy được khéo léo đưa ra và bàn luận, thường là từ nhiều góc độ khác nhau, và chẳng mấy khi mang tính dạy đời.

Dẫu thế, không hẳn mọi thứ về cái series này đều ổn cả. Cái mặt yếu đầu tiên lẽ đương nhiên sẽ là cái cốt. Dù đúng là ta cái cốt đã làm tròn nhiệm vụ của mình thật, tức đóng vai cái bục để nâng đỡ cho những thứ khác tỏa sáng, sự mỏng dính của cái cốt có thể sẽ vẫn khiến nhiều anh em thấy truyện cứ vô định và lan man, hay thậm chí là phí thời giờ. Khốn nạn là điểm yếu này lại xuất hiện đặc biệt rõ trong 2 cuốn quan trọng nhất của series, ấy là cuốn đầu và cuốn cuối, với cả hai phần cốt bị làm lôm côm hơn hẳn so với 2 thằng nằm giữa. Cuốn đầu thì chính ra cốt cũng tạm ổn, nhưng đến đoạn cuối thì nó cuống và chạy vội kinh khủng, kết cứ lung ta lung tung, và có thể sẽ khiến anh em cụt hứng chẳng muốn đọc tiếp cuốn nào nữa. Cuốn cuối thì ngay cả đánh giá trên tiêu chuẩn của series, cốt cũng nhạt nhẽo ngoài sức tưởng tượng, và nó gói toàn bộ series lại theo một kiểu rất vô thưởng vô phạt, và vô tình lại kéo tụt cảm nhận chung về cả series xuống.

Thêm một điều nữa là bản thân cái giọng của Chambers cũng có thể sẽ khiến nhiều người không ngửi được. Bà chị đôi khi làm hơi quá tay cái sự nhẹ nhàng của mình, và đẩy thẳng nó vào lãnh thổ ngọt như mía đường. Ừ, ngọt thì cũng hay đấy, nhưng để nó chạy quá công suất của tụy thì câu chuyện lại khác rồi. Nó khiến độc giả có thể sẽ cảm thấy hơi… buồn nôn khi đọc đến mấy đoạn ngọt quá đà như thế, đồng thời còn khiến một số tư tưởng và triết lý Chambers đưa ra nghe nó cứ ấu trĩ và trẻ con thế nào ấy. Mấy cái này không phải là vấn đề lớn lắm trong 3 quyển đầu, nhưng sang đến quyển cuối thì nó hiện ra lồ lộ, đặc biệt là bởi ở đây Chambers xem chừng cũng đã hết hơi, phần lớn lặp lại các triết lý của quyển trước theo một kiểu vụng về hơn, và phải bù đắp lại bằng cách tăng độ ngọt trong giọng. Nó chẳng giúp cái thiện tình hình tí nào cả, mà chỉ khiến câu chuyện đọc cứ ê răng, chưa kể khiến các lập luận Chambers cố lồng vào chỉ có sức thuyết phục ngang mấy dòng trạng thái viển vông, xa rời thực tại cả tỉ năm ánh sáng của mấy ông mấy bà cực tả trên Twitter thôi.

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

Đây là một trong những điểm hút chính của Wayfarers, và nó được Becky Chambers thực hiện một cách rất xuất sắc.

Điểm ấn tượng đầu tiên về thế giới của Wayfarers chính là cái sự đa dạng văn hóa của nó. Như đã nói trong phần đầu đấy, phần đông cái vũ trụ này đều nằm dưới quyền điều hành của một thể chế mang tên Galactic Commons. Tuy nhiên, cái Galactic Commons này không phải là kiểu một quốc gia đồng nhất như các đế chế vũ trụ hay chỉ đơn thuần là một cái nước Mỹ giãn căng ra bao kín toàn bộ giải ngân hà như ta vẫn hay gặp trong Space Opera đâu. Nó khá tương đồng với khối liên minh EU, sử dụng một đơn vị tiền tệ chung cũng như cho phép đi lại tự do thôi, còn đâu mỗi quốc gia, mỗi vùng miền đều có một nét đặc trưng gần như biệt lập hẳn với nhau.

Trong trường hợp của Galactic Commons, các quốc gia ở đây chính là những nền văn minh khác nhau, cùng sinh sống trong cái vũ trụ này. Chambers dành cực kỳ nhiều thời gian để khắc họa các tư tưởng, triết lý sống, nếp văn hóa, cơ cấu chính trị mà mỗi nền văn minh có, hoặc qua lời thuật trực tiếp hoặc để cách các nhân vật hành xử và suy nghĩ, hay thậm chí là cả những thứ lặt vặt như khẩu vị đồ ăn và khiếu thẩm mỹ gián tiếp thể hiện. Tất cả đều xa lạ và độc đáo kinh khủng, và đặc biệt là không chỉ khác kiểu chém lung ta lung tung đâu. Gần như đằng sau mọi nét khác biệt về văn hóa và tập tục đều có một lời giải thích lôgic về ngọn nguồn của nó, gắn liền chúng nó vào với điều kiện sống gốc trên hành tinh quê hương cũng như đặc tính sinh học của chủng loài tương ứng.

Bên cạnh đó, Chambers còn rất khéo trong việc không để các nền văn minh bị trở thành một khối đồng nhất. Cũng như việc ngay cả người Việt Nam với nhau mà cũng có những khác biệt cực kỳ rõ nét giữa dân Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Nam Định, Sài Gòn,… chạy từ lối ứng xử cho đến cả lời ăn tiếng nói, các nền văn minh trong thế giới của Galactic Commons cũng chia năm xẻ bảy đủ kiểu, với dân ở đâu thì sẽ có một phong cách và thậm chí cả chất giọng riêng biệt so với những bên còn lại. Đến cả AI với nhau mà còn có thể khác biệt được thì anh em đủ hiểu nó đa dạng cỡ nào rồi đấy.

Ngoài ra, Chambers cũng khá chú trọng đến phần khắc họa bản thân các chủng tộc trong này. Người ngoài hành tinh của Chambers không có kiểu đều là một biến thể của con người đâu, mà dị ra dị hẳn hoi. Nó khá tương đồng với cách người ngoài hành tinh được khắc họa trong Animorphs, với gần như mọi loài đều có một kiểu cấu trúc cơ thể khác xa so với con người, có điều độ khác của nó cao hơn hẳn và cũng được đào xới sâu hơn hẳn. Và Chambers không chỉ chém ra sự khác biệt cho vui, mà còn đi vào khám phá xem điều này sẽ có ảnh hưởng thế nào đến với cách thức sinh hoạt và tương tác giữa mỗi bên với nhau, gây ra những khó khăn và hiểu lầm kiểu thế nào. Nói chung là đủ thứ thú vị nảy sinh từ đấy lắm.

Về phần công nghệ thì vì đây không phải là Hard Sci Fi, thế nên anh em đừng kỳ vọng sẽ thấy có các phân tích kỹ thuật quá tỉ mỉ. Tuy nhiên, cũng như phần văn hóa và kết cấu sinh học, công nghệ trong này cũng muôn hình vạn trạng luôn. Mặc dù phần khoa học bổ trợ cho chúng nó đôi khi nghe hơi bốc một tí, bọn này về cơ bản được viết khá chặt chẽ, với mỗi một món công nghệ lại được gắn liền vào với một khía cạnh văn hóa hoặc sinh học nào đó của thế giới, giúp phần công nghệ nghe thật và lôgic hơn, chưa kể còn giúp hàn gắn mọi yếu tố khác của thế giới khăng khít vào với nhau hơn.

Mỗi tội làm một thế giới đa dạng như thế này vẫn có mặt trái của nó. Cụ thể, khi mới bắt đầu vào đọc series, anh em sẽ hơi dễ bị sốc nhiệt. Chambers quẳng tòm mọi người vào giữa một cái thế giới hết sức bát nháo, bắn đủ thứ thuật ngữ chém pằng pằng như liên thanh, khiến người đọc đoạn đầu sẽ hơi bị hoa mắt. Anh em cứ tưởng tượng nếu một ngày đẹp trời, tự nhiên mọi người tỉnh dậy giữa một cái chợ trời Ấn Độ hoặc Zimbabwe ấy. Mọi thứ cứ diễn ra nháo nhào khắp xung quanh, với những con người ăn mặc quái chiêu và thậm chí còn có quá nhiều khác biệt về hình thể cứ đi qua đi lại, hò hét đủ kiểu câu gì đó mà mọi người chẳng hiểu nổi. Sẽ phải mất một thời gian mọi người mới tạm định thần được để hiểu cái gì đang diễn ra, và mình đang ở cái chốn đại khái như thế nào.

NHÂN VẬT

Phần nhân vật là nét hấp dẫn chủ chốt thứ hai của tác phẩm, và thậm chí sẽ còn mang tính quyết định cao hơn đối với việc liệu mọi người có thấy ưng nổi series này hay không.

Mỗi một tác phẩm trong series lại giới thiệu chúng ta đến với một dàn nhân vật mới, và vì thế giới của truyện là một mảnh đất đa dạng về văn hóa đến vậy, lẽ đương nhiên bản thân các nhân vật cũng đa dạng chẳng kém gì. Họ đến từ đủ các nền văn minh khác nhau, các vùng miền khác nhau, thế nên luôn có những tư tưởng và quá khứ khác hẳn nhau. Thậm chí cả những nhân vật cùng là con người với nhau mà còn có thể có những phông văn hóa chênh lệch một trời một vực cơ mà.

Các nhân vật ấy tạo thành một dạng “cửa ngõ” để Chambers đi khám phá những nền văn hóa như đã tả ở trên, cũng như những hệ lụy tiềm tàng có thể xảy ra khi ta nhồi hết những con người như vậy vào cùng một chỗ. Hệ lụy ở đây có thể chỉ đơn thuần là những xung đột về tư tưởng và quan điểm sống với nhau, hoặc nó còn có thể mang tính nguy hiểm hơn, đe dọa cả mạng sống của các nhân vật khi họ sơ sẩy quên mất rằng những người mình tương tác cùng có một cấu trúc sinh học khác biệt hoàn toàn với mình.

Ngoài ra, bản thân các nhân vật cũng được xây dựng một cách hết sức sâu sắc. Tất cả bọn họ đều có những tâm tư, giằng xé riêng, những bí mật không dám chia sẻ cho ai biết, những định kiến và áp lực cần phải chịu đựng. Không cứ gì những nhân vật con người, ngay cả những thành phần người ngoài hành tinh hay thậm chí là AI cũng đều có những cuộc đấu tranh cá nhân hết sức gần gũi, và anh em kiểu gì cũng sẽ tìm được ít nhất 1 người để đồng cảm cùng trong mọi tác phẩm. Nổi trội nhất có lẽ sẽ là quyển thứ 3, Record of a Spaceborn Few, bởi vì quyển này lấy bối cảnh trong một xã hội con người giống Việt Nam đến giật mình, chạy từ cái kiểu tình làng nghĩa xóm cho đến kiểu kinh tế xã hội chủ nghĩa chật vật và phải dựa nhiều vào viện trợ nước ngoài, và các nhân vật trong này phải đối diện với những lựa chọn và tâm tư mà có lẽ từng khiến không ít người trong số chúng ta phải trăn trở.

Mệt mỗi cái là đến tập cuối, Chambers viết theo kiểu hơi xuống tay. Nhân vật vẫn đa dạng và có thể nói là thú vị như thường đấy, có điều chị hai để cho họ… người quá. Một phần là bởi trong dàn nhân vật của quyển này chẳng có ông con người nào hết, thế nên tất cả những cái gì Chambers muốn nói về con người đều phải đẩy qua cho đám người ngoài hành tinh, thế nên họ không còn được mới lạ như trong các tập ban đầu nữa. Quan trọng hơn, đến đoạn này, Chambers bắt đầu sa đà rao giảng triết lý hơi quá nhiều, và như đã nói trong phần văn phong đấy, cái triết lý trong tập này bị viết theo kiểu sặc mùi Twitter. Gán một thứ đậm chất con người như thế vào một đám người ngoài hành tinh chẳng liên quan gì đến nhau khiến bọn họ mất đi phần nhiều cái sự đa dạng, chưa kể còn khiến ta rất khó có thể đồng cảm được với họ, bởi vì nhân vật hiện lên như thể mấy cái loa để tác giả dạy đời, chứ không còn là những con người với bản sắc riêng nữa.

TỔNG KẾT

Wayfarers của Becky Chambers là một series khá độc đáo. Giữa lúc cả làng SFF cứ thích bôi đen thế giới cho nó có vẻ chân thật, Wayfarers mạnh dạn hướng về phía hy vọng và niềm tin. Trong khi nhà nhà đua nhau tìm cách tạo dựng những pha bẻ lái ngoạn mục và sấp-vớt ếch-xpách-tây-sừn các kiểu, Wayfarers vứt bố cốt truyện vào sọt rác và để những thứ khác nâng đỡ tác phẩm. Và thật bất ngờ, dù một mình một kiểu như thế, Wayfarers vẫn sở hữu sức hấp dẫn chẳng kém gi ai, và gặt hái được rất nhiều thành công. Dù cái kiểu của Wayfarers cũng hơi 50 : 50, chưa chắc ai cũng ngửi được, mọi người ít nhất vẫn nên thử ngó qua 1, 2 cuốn trong series này, đặc biệt nếu đã thấy phát ơn với cái mớ misery porn tràn lan khắp thị trường ngày nay nhé.

Tất nhiên là trừ cái tập 4 🐧. #PhúcĐạtBích

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.