Chuyển đến nội dung chính

Review 2BR02B của Kurt Vonnegut



🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌑 🌑 🌑

7.0/10

=====

TL;DR

=====

Ổn và đáng suy ngẫm, nhưng rất dễ đoán.

==============

Ý TƯỞNG + CỐT

==============

Lưu ý: truyện này dễ đoán đến độ chỉ cần nghe tả sơ về thế giới với xung đột là mọi người sẽ biết kết luôn, thế nên mình khuyên là nên đi đọc truyện trước, xong nếu muốn quay về đây bàn luận sau. Truyện rất ngắn, đọc tầm 15’ là xong, chưa kể còn hết bản quyền nên trên trang Gutenberg có cho đọc free, hãy lên đó ngó qua.

Với những bạn tiếp tục ở lại thì 2BR02B là một mẩu truyện ngắn của Kurt Vonnegut. Truyện lấy bối cảnh là một thế giới tương lai xa nào đó, khi xã hội con người đã trở thành một thiên đường không chiến tranh, không bệnh tật, không đói nghèo, đặc biệt còn “chữa” được cả cái chết. Vì không ai chết nữa chính phủ buộc phải áp đặt giới hạn dân số. Lượng dân tối đa được phép tồn tại trên đời là: 40 triệu. Để một đứa trẻ được sinh ra, một người khác phải tình nguyện chết đi.

Đó chính là lý do một ngày nọ, tại một bệnh viện ở Chicago, chúng ta có câu chuyện của mình.

Thế giới mà Vonnegut xây dựng lên có thể nói là chân thực một cách đáng ngạc nhiên, mặc dù ông chỉ có vài trang giấy để làm điều đó. Truyện không có quá nhiều tình tiết râu ria về thế giới để làm cho nó sinh động hẳn, nhưng cũng có đủ thông tin để ta mường tượng được cơ chế vận hành của nơi đây, ít nhất trong mảng liên quan đến xung đột. Đặc biệt một điểm là nếu thích Brave New World (nhất là chương cuối của nó), mọi người sẽ cực kỳ thích cái thế giới này, bởi lẽ thực sự không thể phủ nhận rằng nơi đây là một xứ sở Utopia, trong khi cái sự Dystopia của nó cứ nằm chình ình ngay trước mặt chúng ta. Hơn bất kỳ thứ gì khác, cái thế giới của 2BR02B có lẽ sẽ là thứ lưu lại trong đầu ta lâu nhất sau khi đọc xong.

Nhưng yếu điểm chết người của nó nằm ở cái cốt. Vonnegut đã khôn khéo thu nhỏ quy mô xung đột xuống trong một phòng chờ bệnh viện, giúp cho câu chuyện trở nên gần gũi hơn thay vì làm những thứ đao to búa lớn như thay đổi thế giới hay gì đó. Tuy nhiên, bất chấp cái thế mạnh ấy, một khi đã biết cái ý tưởng nền của truyện, và ngay khi đọc đến phần set up cho xung đột (tức gần như ngay từ đầu truyện) thì dám chắc 99% mọi người sẽ hiểu luôn truyện đại khái sẽ diễn tiến thế nào. Điều ấy khiến cho câu chuyện mất đi phần lớn sự kịch tính, và khi cái kết đến thì ấn tượng của nó không được mạnh cho lắm. Đây không phải là lỗi của Vonnegut, căn bản chỉ là ngày nay cái mô típ ông sử dụng đã quá quen thuộc rồi. Thời mẩu truyện ra mắt, chắc nó sẽ gây ấn tượng mạnh hơn.

=========

NHÂN VẬT

=========

Truyện có ba nhân vật chính: một ông bác sĩ, một ông bố, và một người thợ sơn. Ba nhân vật này cũng được khắc họa ổn, với các nét tính cách riêng biệt và rõ ràng. Đáng chú ý là ba người bọn họ tượng trưng cho ba kiểu nhìn nhận đối với cái xã hội đương thời, góp phần giúp khắc họa cách cái thế giới này tác động đến đời sống của người dân. Nhìn chung thì không có gì mấy để chê mà cũng chẳng có gì mấy để khen hết (ngoại trừ ông bác sĩ bị sử dụng như một cái bộ bách khoa toàn thư hơi quá đà), bởi lẽ “nhân vật” chính của truyện là thế giới của nó, và các nhân vật chỉ ở đây để giúp trưng ra cho ta thấy một lát cắt về xã hội 2BR02B.

=========

TỔNG KẾT

=========

Nhìn chung, đây là một câu chuyện được viết ổn, với một ý tưởng nền hay và một thế giới thú vị. Mỗi tội là quá nhiều tác phẩm đi sau đã khiến độc giả Sci Fi “miễn nhiễm” với các mô típ đư ra trong này, làm mức hay của nó bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đợt đạo này đang mải đọc lại bộ Wheel of Time để review cho anh em nên ít có thời gian đọc gì mới quá, review lại một cái truyện ngắn từng đọc cho đỡ ngứa nghề. Chắc sắp tới cũng thỉnh thoảng review lại một truyện cũ hay truyện ngắn gì đó kiểu như trên, chứ Wheel of Time có 13 quyển cả thảy (ko tính prequel và ngoại truyện), mỗi quyển 800-900 trang, đợi xong bộ này mới bắt đầu review lại thì group mọc mốc mất 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.