Atlas Shrugged và Anthem - minh chứng cho thấy Ayn Rand không phải "người dưng nước lã" đối với Sci Fi
Trong cái bài về Chủ nghĩa Khách quan của Ayn Rand hôm trước, có một bạn đề cập đến việc hơi lạ là Ayn Rand mà cũng có liên quan đến Sci Fi. Nói vậy kể cũng đúng, bởi lẽ thiên hạ thường nghĩ về Ayn Rand dưới dạng một nhà văn hoặc một triết gia (mặc dù cả hai khoản đều lôm côm 🐧 ) bình thường thôi, và phần đông các tác phẩm của bà này cũng chẳng dính gì đến Sci Fi hết.
Tuy nhiên, bà chị vẫn có ít nhất hai tác phẩm nằm gọn trong mảng Sci Fi nhà chúng ta. Hai thằng đó là Atlas Shrugged và Anthem.
Trong số này thì Atlas Shrugged là thằng nổi nhất. Đây về cơ bản từa tựa prequel cho BioShock, lấy bối cảnh một nước Mỹ cứ ngày một bóp siết các doanh nghiệp tư nhân, khiến họ không ngừng bị một lũ k̵ý̵ ̵s̵i̵n̵h̵ trộm cắp bòn rút thành quả lao động. Trong thế giới này, một nhân vật tên A̵n̵d̵r̵e̵w̵ ̵R̵y̵a̵n̵ John Galt đã ngấm ngầm chèo kéo các nhà tư bản và tầng lớp trí thức thực hiện một “đình cuộc,” bỏ mặc cái xã hội cứ bóc lột mình cũng như lũ trộm cắp kia tự loay hoay, và về sau thậm chí còn lên kế hoạch xây dựng R̵a̵p̵t̵u̵r̵e̵ một thiên đường tư bản tự do mới.
Vì quyển này nói triết khá nhiều, với cả cũng ra đời khá lâu rồi, thế nên phần yếu tố Sci Fi của nó bị áp đảo rất mạnh. Tuy nhiên, nếu để ý thì ta sẽ rất dễ dàng nhìn ra nó. Đầu tiên, tác phẩm xảy ra ở một nước Mỹ đã phát triển thành một thế giới Dystopia vì áp dụng quá mạnh tay các chính sách xã hội. Tiếp theo, tác phẩm có đề cập đến Kim loại Rearden, một thứ hợp kim do ông trùm sắt thép Hank Rearden chế tạo ra. Kim loại Rearden có đặc tính là bền hơn hẳn thép, song lại nhẹ hơn hẳn nó, và chỗ kim loại ấy về sau đã được sử dụng để chế ra một thứ có tên Máy hòa âm Thompson, một siêu vũ khí có sức tàn phá ngoài sức tưởng tượng. Bên cạnh đó, truyện còn giới thiệu cả về một loại động cơ kỳ diệu do John Galt chế tạo, có thể hút tĩnh điện trong không khí và chuyển hóa nó thành công năng.
Như vậy, anh em có thể thấy Ayn Rand đã vay mượn rất nhiều thứ từ Sci Fi để bỏ vào tác phẩm của mình. Nó xảy ra ở một tương lai bất định nào đó (tính từ thời Rand viết quyển này), và còn có sự xuất hiện của một số công nghệ bất khả thi so với thời bấy giờ, và thậm chí cả thời nay ta cũng chưa thể chế ra được. Chính bởi vậy, Atlas Shrugged rõ ràng là một tác phẩm Sci Fi, không thể lệch đi đâu được. Vấn đề là nó nằm trong một ngách mang tên Social Science Fiction, với phần “Social” được đẩy lên rất mạnh còn phần “Science” không được chú trọng nhiều cho lắm, thế nên rất dễ gây lầm tưởng nó không phải là Sci Fi.
Anthem thì hơi bị lép vế hơn Atlas Shrugged, mặc dù nực cười là xét chuẩn ra, quyển này dễ tiếp cận hơn hẳn. Nó chỉ là một cuốn tiểu thuyết ngắn, dài đâu có 100 trang, trong khi Atlas Shrugged đồ sộ gấp chục lần (theo đúng nghĩa đen, bởi vì Atlas Shrugged dài hơn ngàn trang 🐧 ). Nhờ vậy, dù cũng chứa cái kiểu văn phong và tư tưởng đặc sản của Rand, nó không đến mức ngồn ngộn như Atlas Shrugged, cộng thêm việc cốt truyện của nó phát triển như mình thấy cũng tử tế hơn nữa.
Cụ thể hơn, Anthem hơi giống với một phiên bản A Canticle for Leibowitz gói gọn, có điều không có tí tôn giáo nào, pha thêm khá nhiều Brave New World, và xoáy rất mạnh vào chủ nghĩa cá nhân. Truyện kể về một thế giới nơi gần như mọi tiến bộ khoa học công nghệ đều chết tắc ở thời đầu Trung Cổ, và đặc biệt là mọi khái niệm cá nhân đều không tồn tại. Con người không có tên tuổi gì, mà chỉ có số định danh, và ai cũng đều sử dụng những đại từ chung khi nói chuyện và mô tả đồ vật, chẳng hạn như “chúng ta,” “chúng tôi,” “họ,”… bất kể có đang nói đến một người cụ thể nào đấy. Xã hội này cũng bị gò rất nghiêm ngặt, với ai cũng được gán cho một vai trò riêng, cấm mon men làm nghề khác.
Anthem trên lý thuyết không có nhiều công nghệ tân tiến như Atlas Shrugged, nhưng thú vị một điều là ngay từ đầu, tác phẩm đã thể hiện rất rõ mình không phải là một câu chuyện văn học bình thường rồi. Cái thế giới của nó quá quái lạ, khiến chỉ đọc sơ sơ mấy dòng thôi là ta đã có thể nhận ra ngay nó chắc chắn nằm gọn trong SFF. Và sau khi tiến thêm vài trang giấy nữa, Anthem đã nói toạc móng heo ra tất cả, cho thấy rõ mình là Sci Fi. Một nhân vật trong truyện đã tình cờ tìm thấy tàn dư của một hệ thống tàu điện ngầm, và từ đây, ta có thể thấy rất rõ luôn Anthem lấy bối cảnh một tương lai xa nào đó, sau khi thế giới đã trải qua một thảm họa khiến nền văn minh bị tụt lùi.
Qua ví dụ về Atlas Shrugged và Anthem, anh em có thể thấy dù không hẳn yêu thích gì Sci Fi cả, Ayn Rand vẫn nhận ra tiềm năng mạnh mẽ của mảng này, và đã tận dụng nó để khắc họa và tuyên truyền hệ tư tưởng của mình. Gọi Ayn Rand là một cây bút Sci Fi thì chắc hơi quá, nhưng cũng không thể nói bà chị là người dưng nước lã với cái mảng này được
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓