🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌑🌑🌑
7.0/10
TL;DR
H̵u̵m̵a̵n̵s̵
Zombies of New York.
GIỚI THIỆU CHUNG
I, Zombie là một
cuốn tiểu thuyết Sci Fi kinh dị do Hugh Howey sáng tác, và
đã được tác giả tự xuất bản hồi năm 2012. Truyện sau đó đã được đề cử trong hạng mục truyện kinh dị hay nhất
năm của Goodreads.
Về nội dung, I,
Zombie lấy bối cảnh là Manhattan, một quận nhỏ của thành phố New York, nằm trên
hòn đảo cùng tên. Một ngày nọ, vì lý do bí hiểm nào đấy, một đại dịch đã bùng
phát tại đây, khiến khu đô thị một thời sầm uất và xô bồ này tràn ngập xương xẩu
và xác người. Đáng sợ nhất, một số cái xác không hề nằm im, mà chúng lầm lũi lết
tấm thân nát bấy của mình đi lang thang khắp nơi, lùng sục tìm kiếm máu thịt
người sống.
Giờ đây, với Manhattan
đã trở thành một bãi tha ma khủng khiếp, với cái chết rình rập ở trên mọi con
phố, mọi nẻo đường theo đúng nghĩa đen, những nhúm người ít ỏi hãy còn toàn mạng
buộc phải chấp nhận một cuộc đời chui nhủi, thảm hại và bần cùng còn hơn thú vật.
Mỗi ngày mới lại đem đến những nỗi tuyệt vọng mới, dồn ép con người ta phải
đang tâm thực hiện những điều tàn nhẫn đến không tưởng để còn có cơ đón thêm một
bình minh nữa, dẫu rằng làm vậy chỉ tổ khiến cơn ác mộng kinh hoàng của họ kéo
dài thêm. Và cuốn truyện này…
… sẽ không kể
về những con người đấy.
Thay vào đó,
I, Zombie xoáy vào những phận đời thậm chí còn thê thảm hơn thế. Những con người
này phải sống trong một ngục tù ác ôn và nghiệt ngã khôn cùng, mất đi tận những
quyền tự do cơ bản nhất, và ngày ngày chịu những tra tấn cả về thể xác lẫn tâm
hồn man rợ tới mức đủ khiến ngay cả tên bạo chúa tàn khốc nhất cũng phải xanh mặt:
những con zombie.
Hay nói đúng
hơn, những tâm trí mắc kẹt trong đầu mấy con zombie đó.
MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG
Trước khi vào
review, mình cần hỏi anh em một câu thế này: mọi người đã đọc Trạm tín hiệu 23
chưa?
Nếu đã đọc Trạm
tín hiệu 23, anh em gần như có thể nhảy cóc luôn toàn bộ review. Cùng lắm, anh
em chỉ cần đọc cái phần giới thiệu chung và phần chốt của cái review này là đủ.
Nguyên do là ngoài đôi ba khác biệt khá vặt vãnh/hiển nhiên ra, I, Zombie giống
thằng Trạm tín hiệu 23 như đúc. Thằng 23 có định dạng ra sao thì thằng này cũng
như thế, trọng tâm thế nào thì thằng này cũng thế, và hay dở như thế nào thì thằng
này cũng vậy nốt. Cứ thay vũ trụ thành Manhattan, trạm tín hiệu thì nhân lên gần
chục và thay bằng zombie, thế là xong.
Còn trong trường
hợp có anh em nào chưa đọc Trạm tín hiệu 23, thì điều đầu tiên phải nói về I,
Zombie là cái định dạng của nó. Thằng này trên lý thuyết thì là một cuốn tiểu
thuyết quyển, nhưng thực chất thì giống với một tuyển tập truyện ngắn có chung
một theme hơn. Truyện xẻ nhỏ ra thành khoảng gần chục “tập,” mỗi tập theo chân
một nhân vật và tình huống nhất định. Các tập truyện đấy không có một chút dính
líu gì đến nhau cả, và chúng nó không dần xây dựng lên một cái cốt tổng vĩ mô
nào hết. Một khi cái tập nào đấy kết lại thì, bất kể kết của nó có mở hay dang
dở đến đâu, đấy cũng là hồi kết luôn cho cái tập đấy. Các tập sau sẽ không hề động
chạm gì đến nó, xây lên từ nó, hay tiếp nối nó theo bất cứ cách thức nào cả (trừ
phi anh em tính việc các truyện sau có cái kiểu né lặp lại những yếu tố đã xuất
hiện trong truyện trước rất rõ nét là một dạng tiếp nối).
Công bằng mà
nói thì bản thân việc để truyện tẽ lẻ và đứng biệt lập với nhau như thế cũng
không đến nỗi là một vấn đề quá lớn. Nhưng điều hơi ức chế về cái truyện này là
ở mấy mẩu truyện đầu, nó có một số tình tiết hơi mang tính vĩ mô, có thể được
hiểu là có liên quan đến nhau. Điều này làm cho câu chuyện trông như thể còn có
một cái mạch cốt lớn hơn ẩn đằng sau, và gợi cảm tưởng những mẩu truyện lẻ dần
sẽ kết nối hoặc tổng hòa sao đấy để cái mạch đấy được hiện lên. Nhưng rồi anh
em sẽ cứ chờ mãi mà cái mạch đấy chẳng bao giờ thò mặt ra, và cũng chẳng có chỗ
nào trong bất cứ truyện nào thực sự thể hiện rõ là không có cái gì chung chạ tồn
tại cả, và đến một lúc nhất định, anh em chỉ đơn thuần phát chán cảnh chờ đợi và
chấp nhận rằng chắc sẽ chẳng có cái gì đi đến đâu hết cả.
Nói cách khác,
cái kiểu kết cấu của truyện tạo ra một kỳ vọng lệch lạc ở anh em, và nếu không
biết từ đầu là nó mang tính rời rạc, anh em sẽ không tránh khỏi cảm thấy ít nhiều
bị thất vọng. Để tránh điều ấy xảy ra, anh em cần xác định trước rằng sẽ không
có một câu chuyện xuyên suốt bao ngoài gì hết, và tận hưởng từng mẩu truyện theo đúng cách chúng nó nên được tận hưởng:
những truyện ngắn lẻ tẻ trong một tuyển tập chung theme.
Và tiện nhắc đến
các mẩu truyện lẻ, anh em cũng cần xác định trước là đừng để cái bìa hay cái
tít truyện đánh lừa. Đây không phải là một câu chuyện tận thế/hậu tận thế
zombie theo cái kiểu bình thường. Trọng tâm của nó không phải là các pha hành động
giật gân, sinh tồn kinh dị, đấu trí các kiểu. Thay vào đó, tất cả các truyện đều
dốc gần như toàn lực cho việc khắc họa tâm lý và miêu tả nội tâm của nhân vật
(đến phần nhân vật sẽ nói kỹ hơn sau). Ngay cả trong những lúc câu chuyện có vẻ
đang đi theo hướng nặng về hành động, phần tâm tư khắc khoải và giằng xé tình cảm
vẫn cứ là một tiêu điểm cực kỳ rõ rệt, với mọi thứ máu me khác chỉ mang tính
gia vị mà thôi.
Nhưng điều này
không đồng nghĩa với việc các truyện của I, Zombie chán. Tác giả Howey rất biết
cách đưa đẩy sao cho bão giông trong lòng mỗi nhân vật đều trở thành những hành
trình đầy cuốn hút, với đủ cung bậc lên xuống rất thú vị. Thêm vào đó, ở trong mỗi
truyện, ông anh cũng biết lồng ghép một loạt phân cảnh hành động và kinh dị vào.
Những phân cảnh này phối hợp cực kỳ ăn ý với nhau, khi thì nối tiếp xây dựng dựa
trên những nền tảng mà thằng này hoặc thằng kia vừa thiết lập, lúc lại song
song tiến bước một cách khớp vô cùng. Đọc mỗi mẩu truyện, anh em sẽ thấy mình như
đang được chứng kiến một cô vũ công ba lê duyên dáng, váy áo thướt tha
nhảy chung một điệu với một thanh niên b-boy mặt mày găng-xtơ, xăm trổ bặm
trợn - một cặp đôi không thể lạc quẻ hơn. Nhưng thần kỳ làm sao, mỗi động tác bọn
họ thực hiện, dù về bản chất tương khắc với nhau, giúp tôn chuyển động của nhau
lên, tạo thành một vũ điệu tuy quái gở và đẫm máu nhưng vẫn rất mượt mà, cuốn
hút, hấp dẫn hơn hẳn những gì hai con người này có thể làm được nếu bị bắt đi
nhảy solo.
Tuy nhiên, cũng
như với phần đông các tuyển tập truyện ngắn khác, I, Zombie vướng phải một vấn đề
là không phải tất cả mọi truyện của nó đều có sức hấp dẫn ngang nhau. Về mặt chủ
quan mà nói, vì mỗi truyện là khám phá nội tâm về một nhân vật với một cảnh ngộ
khác nhau, thế nên kiểu gì thì kiểu, sẽ có những cuộc đời mọi người thấy thu hút,
có những cái thì không, tùy vào cảm quan cá nhân. Về mặt khách quan, bắt đầu từ
khoảng giữa tuyển tập trở đi, cái mô típ của truyện bắt đầu trở nên lặp đi lặp
lại, và độ ngấy sẽ bắt đầu tăng lên. Ừ, đúng là cảnh người thì có khác đấy,
nhưng mấy cái theme, cái kiểu đưa đẩy, cái nhịp điệu,… tóm lại là cái khuôn
chung của các truyện gần như không thay đổi.
Thêm vào đó, đến
phần nửa cuối này thì Howey cũng bắt đầu làm sơ sài hơn về một số thứ mà ở đoạn
đầu ông anh xoáy sâu vào, chẳng hạn cái mô tả về những thương tổn và đau đớn vật
lý mà đám người chết tắc trong xác bọn zombie phải trải nghiệm, chắc vì bản
thân Howey cũng ý thức được là các truyện đang có sự trùng lặp, và muốn giảm cái
kiểu quen quen của chúng nó xuống. Cơ mà ông anh không thực sự bù được vào cái
khoảng trống ấy thứ gì hấp dẫn ngang với những gì đã lược đi, thành ra truyện ở
nửa sau mang lại cảm giác nhạt nhẽo hơn.
Và rồi còn quả
kết của nó nữa chứ.
Hugh Howey cũng
giống với Stephen King ở điểm thanh niên này chẳng mấy khi nôn ra được một cái
kết nên hồn. Chuyện ấy đã xảy ra với Trạm tín hiệu 23, nó đã xảy ra với Silo, và
giờ đây, nó lại xảy ra với I, Zombie. Kết của truyện không đến mức ngu độn,
nhưng nó được làm theo một kiểu khá là… tuềnh toàng.
Anh em sẽ có thể hiểu được đại khái Howey đang muốn cung cấp một cái kết chung cho
tất cả các mẩu truyện đã thuật lại từ trước đến giờ, bất chấp sự lẻ tẻ của chúng
nó, nhưng mà lại làm rất nửa vời, không thực sự tạo cho các câu chuyện một sự gọn
ghẽ gì cao hơn cái hồi kết tự chúng nó đã có trước đấy, kể cả với những truyện
kết theo cách rất mở. Đã vậy, quả kết còn đá vào cái truyện mình đánh giá là hấp
dẫn nhất của tuyển tập. Không phải vì nó thiếu nhất quán hoặc làm gì phi lôgic với
truyện đấy đâu, nhưng nó chỉ đơn thuần khiến cả câu chuyện đó như một cục thịt
thừa, vì rốt cuộc, mọi điều xảy ra trong đấy đều trở thành vô nghĩa.
Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI
Xét trên góc độ
một bối cảnh SFF thì cái thế giới của I, Zombie không
hẳn có gì đặc biệt. Nó chỉ là một cái thế giới hậu tận thế zombie rất phổ thông
mà anh em đã thấy ty tỷ lần rồi. Bốc bừa một tác phẩm zombie với cái thế giới cliché
nào đấy ra, anh em sẽ có ngay I, Zombie. Cái kiểu suy tàn của xã hội không có gì
mới, kiểu zombie cũng chỉ là mấy cái xác lờ đờ đi nhai thịt người bình thường, và
cái kiểu lây lan dịch bệnh cũng vẫn bám rất sát cái chuẩn cũ mèm của dòng.
Tuy nhiên, Howey
vẫn xoay xở tạo ra một sự mới mẻ cho cái thế giới ấy, thông qua cái cách ông
anh không để người bị hóa thành zombie đơn thuần mất hết sạch lý trí và khả
năng tư duy. Điều Howey làm là vẽ ra một cái cơ chế zombie hóa tàn nhẫn vô cùng:
những người bị biến thành zombie chỉ vì lý do gì đấy mất hết quyền điều khiển cơ
thể. Tâm trí bọn họ vẫn còn nguyên vẹn, có thể suy nghĩ được như bình thường, và
thậm chí còn tiếp tục cảm nhận được mọi thứ mà cái xác đã vuột ngoài tầm kiểm
soát của bản thân cảm thấy. Những con người đã hóa zombie đó phải bất lực nhìn
chính mình vồ vập, cào cấu và bóp chết người thân, cảm nhận được cái vị tanh tưởi
của máu thịt sống của những người từng nuôi nấng mình hoặc từng được mình nuôi
nấng quyện trong lưỡi, trong khi không thể chớp nổi một mí mắt hay thậm chí chỉ
đơn thuần ép mình phải oẹ ngược được những gì trong dạ dày ra; họ cũng có thể cảm
nhận được từng khúc xương của mình trật văng khỏi khớp hay gãy răng rắc khi thân
xác vặn vẹo trườn trèo theo những kiểu quái đản, cảm nhận được cái đau thấu trời
khi dạ dày bục ra theo đúng nghĩa đen vì thịt ứ lại quá nhiều và ép cho nội tạng
rách toác, thấm đến từng nhát rạch chậm rãi khi cái xác lê bước qua kính vỡ, hoặc
buốt đến tận xương cốt theo đúng nghĩa đen khi cứ phải lang thang ngoài cái lạnh
dưới âm, trong khi đến run rẩy còn không làm được;… Nói tóm lại, với chỉ một thay
đổi rất nhỏ đấy thôi, Howey đã tái định hình cái sự cliché của I, Zombie, khiến
nó vừa không có gì mới, vừa tàn khốc theo một cách rất lạ.
Ngoài đó ra thì
truyện cũng rất lưu tâm đến việc khắc họa cái hòn đảo Manhattan của New York. Nó
không đến mức trở nên sống động tới từng tiểu tiết đâu, nhưng thông qua hàng loạt
các nhân vật ở đủ mọi giai tầng khác nhau, sống ở đủ mọi thứ khu khác nhau, và
có những kỷ niệm cùng trải nghiệm rất riêng rẽ với cái thành phố này, anh em sẽ
vẫn thấy một hình ảnh Manhattan rất lý thú hiện lên. Về cái hình thể vật lý của
hòn đảo này thì không có gì quá rõ rệt (mặc dù tất nhiên, mọi người cũng sẽ được
Howey dắt đi thăm thú một số công trình nổi trội của thành phố), nhưng cái chính
là nó thể hiện được rất tốt cái bản chất xô bồ, đa dạng, thậm chí còn có thể gọi
là hỗn tạp của thành phố. Anh em sẽ thấy được cách nó chứa những cộng đồng với
văn hóa và nếp nghĩ khác nhau ra sao, thấy được nó mang những sức hút và ý nghĩa
thế nào trong mắt của đủ kiểu người, thấy cách nó mang đến hy vọng và cả nghiền
nát hy vọng của thiên hạ như thế nào, thấy được cái kiểu nó như tạo ra một vòng
xoáy vô hình và cuốn phăng mọi kiếp đời phải đi theo cái guồng của nó,… Bảo rằng
đây là một bức họa Manhattan kiệt tác thì hơi quá lời, nhưng nó chắc sẽ cũng cấp
được một cái nhìn khác lạ về Manhattan cho anh em đấy.
NHÂN VẬT
Muốn nói gì về
cái văn của Hugh Howey thì nói, nhưng cần phải công nhận một điều thế này: ông
anh làm cực siêu cái khoản khắc họa những nhân vật đang bị khổ đau giằng xé trong
đơn độc.
Như đã nói ở
trên đấy, I, Zombie hầu như dốc toàn lực vào việc xây dựng nhân vật, và nó riêng
về khoản này, nó đạt được những thành công rất vang dội. Trong mỗi một mẩu truyện,
ta lại được giới thiệu đến với một nhân vật riêng, bấy giờ đã hóa thành zombie,
và được chứng kiến mọi biến chuyển tâm lý cũng như suy tư nảy sinh trong đầu họ
trong quá trình họ buộc phải tồn tại dưới dạng một tù nhân trong chính cái đầu
của mình. Mọi sự tra tấn, giày vò, mọi nỗi kinh hoàng, khiếp đảm, mọi sự ghê tởm
bản thân và cái sự bất lực đến tột cùng của các nhân vật đều được xoáy vào miêu
tả một cách rất chi tiết, điêu luyện, đến mức những xúc cảm đấy như trở thành một
luồng khí xú uế hiện hữu thực, đầu độc không gian bên ngoài cuốn sách, không ngừng
làm anh em liêu xiêu và quặn thắt lòng dạ trước cái sức thụi của nó.
Nhưng đáng chú
ý nhất là cách cuộc đời hồi trước của các nhân vật này được xây dựng. Qua những
hồi tưởng và hoài niệm mà bọn họ có trong những khoảnh khắc lặng của cuộc đời,
hoặc do bị hoàn cảnh cưỡng ép gợi cho nhớ lại, anh em sẽ được gặp mặt phiên bản
quá khứ của họ dưới dạng những mảnh ghép rời rạc. Các mảnh ghép ấy không chỉ đơn
thuần tường thuật lại các sự kiện họ đã trải qua, mà nó còn cho thấy cả những
hoài bão mà họ có, những nuối tiếc về các ngã rẽ sai/đúng họ từng thực hiện, những
mâu thuẫn và giằng xé mà họ từng trải qua, cả về vật chất lẫn tinh thần.
Và, qua những
mảnh ghép đấy, anh em dần dần ráp lại được một bức tranh rất đa chiều về các nhân
vật, thấy họ hiện lên theo một cách “người” khôn tả. Đây không phải một con
zombie khát máu, mà là một anh chàng nghèo khổ đang cố chắt chiu từng hào từng cắc
mình nhận được từ dịch vụ an sinh xã hội để chăm lo cho bà mẹ già liệt giường,
trong khi phải vật lộn với cái sự nghiện ngập của bản thân cũng như suy nghĩ rất
tăm tối nảy sinh từ cảnh sống cơ cực của mình; đó không phải là một cái xác vô
hồn, mà là một người phụ nữ bị khủng hoảng niềm tin, và đang bị cơm áo gạo tiền
chậm rãi nghiền nát ước mơ ngây thơ một thời; kia không phải một dạng quái thú
vô nhân tính, mà là một bà cụ từng tự thấy bản thân chỉ như một cục thịt thừa ăn
bám xã hội, và không biết phải nghĩ sao về cái cách con cháu cố gắng duy trì
quan hệ với mình, nhưng luôn bất giác để lộ cái sự mệt mỏi hay thậm chí còn là
ghê tởm đối với mình và những cái bẩn thỉu đi kèm với một cơ thể hom hem lụ khụ,
đái ỉa còn chẳng tự chủ được nữa; kẻ này khác xa một cái thây chưa chôn, mà là
một người phụ nữ đã sống như một cái máy, quá ngại thay đổi đến mức để cho cuộc
sống đi vào một lối mòn vờ vật, và khi giật mình nhận ra cái sự vô vị của bản
thân thì đã quá muộn để thay đổi;…
Nhìn chung, bất
kể có cố đến cỡ nào, có tập trung vào cái sự tởm lợm và hư hoại kinh dị cũng
như sự bất nhân trong các hành động hiện thời của bọn họ ra sao, anh em cũng sẽ
chẳng thể coi nhân vật trong này như một thực thể xấu xa, hoặc đơn thuần là một
kẻ “ngoại tộc” để mình có thể dửng dưng đâu.
TỔNG KẾT
I, Zombie là một cái quyển truyện tự bắn vào chân rất nhiều lần. Đã không phải là kiểu truyện sẽ khiến thiên hạ đổ rầm rầm thì chớ, nó lại còn mấy lần liền chạy theo những hướng khiến ngay cả những người thấy nó hợp gu cũng không khỏi lấy làm khó chịu. Tuy nhiên, đây vẫn là một câu chuyện với cách khai thác một đề tài đã cũ theo một kiểu khá thú vị, đồng thời còn mang giá trị nghệ thuật và nhân văn cao đến bất ngờ so với đại đa số những truyện khác cùng ngách. Nếu là fan của các tác phẩm Sci Fi tâm lý và biết trước nên kỳ vọng điều gì ở tác phẩm, anh em sẽ có một trải nghiệm không đến nỗi nào với truyện đâu.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓