Chuyển đến nội dung chính

Về phong cách Epic Fantasy của Lord of the Rings và bản chất Epic Realism của Dune

 Sau khi Nhã Nam nhá hàng bìa của Dune, mình có để ý thấy là trong hàng loạt cộng đồng, cuốn này đang được mang ra so sánh với Lord of the Rings. Điều này làm mình nhớ đến một clip khá hay từng xem, so sánh hai cuốn này với nhau. Cụ thể, clip nói Dune là phiên bản nghiệt ngã hơn của Lord of the Rings.


Như clip trình bày, Lord of the Rings và Dune nhìn chung cùng sử dụng một câu chuyện mang tính sử thi rất hùng vĩ, với các mô típ huyền ảo truyền thống như người anh hùng trẻ tuổi được định mệnh dẫn dắt, bạo chúa biến chất quái thai, phù thủy quyền năng, nhà hiền triết thông thái, vua chúa đến từ các dòng dõi lâu đời và cao quý,… Tuy nhiên, nếu đào sâu xuống, ta sẽ thấy các mô típ này của Lord of the Rings và Dune được vận dụng một cách rất khác nhau. Nguyên do là Tolkien thì xây dựng một bộ Epic Fantasy, trong khi Frank Herbert lại tạo ra một tác phẩm Epic Realism.

Gọi Lord of the Rings của Tolkien là Epic Fantasy bởi lẽ Tolkien đi theo con đường thoát ly thực tại rất mạnh, mặc dù không phải theo cách hình dung bình thường của thiên hạ về chủ nghĩa thoát ly. Lord of the Rings không trốn tránh thực tại, mà nó vẫn động đến rất nhiều đề tài và vấn đề thực của thế giới, từ đấy bình luận về đúng sai, lòng can đảm và sự hèn nhát, bước tiến của loài người và cái giá cần đánh đổi,… Tuy nhiên, Lord of the Rings vẫn cơ bản vẫn như cái hang của Plato: nó chỉ là những cái bóng của thực tại hắt lên trên thành hang, tức một phiên bản tinh gọn và đơn giản hơn của thực tại, chứ không phải là một thực tại với đầy đủ mọi sự phức tạp của nó.

Anh em có thể nhìn vào một ví dụ như thế này: giả sử chúng ta có một người ông đã mất. Nhân vật ông này là một con người bằng xương bằng thịt thực sự, một người ta từng tiếp xúc rất nhiều lần, và ông cụ cũng những phức tạp và khiếm khuyết như mọi con người khác. Sau khi qua đời, ông cụ sẽ dần biến thành một ý tưởng trong tâm trí ta chứ không còn là con người nữa. Hoặc có thể ta phóng đại những gì tốt đẹp về ông lên và lờ đi những vấn đề của ông, hoặc phóng đại những sự xấu xa của ông và tiết giảm những thứ tốt đẹp lại. Người ông bây giờ vẫn là một nhân vật thực tế, nhưng lại thực theo kiểu một cái bóng hắt trên tường, một phiên bản rất đơn giản của con người gốc.

Lord of the Rings chính là cái kiểu như thế.

Nói cách khác, Lord of the Rings cũng là thực tại, nhưng là một thực tại đã được chắt lọc và lý tưởng hóa, đến mức nó trở thành một vùng đất khác hoàn toàn, nơi ta được chiêm ngưỡng những ý tưởng thuần túy, không bị vấy bẩn bởi bụi đời. Nó ra đời để Tolkien khám phá những sự thật chân chính về tâm hồn cũng như cái lý tưởng mang tên Nhân Loại. Đây là lý do câu chuyện của Tolkien xoay quanh các thực thể siêu nhiên cám dỗ những nhân vật của mình và thử thách ý chí của họ bằng thông qua một quyền lực mang tính trừu tượng, và những người như Aragorn trong tác phẩm của Lord of the Rings hiện lên rất hoàn hảo, trị vì đầy khôn ngoan, cưới công chúa tiên xinh đẹp. Không ai động đến việc mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn của Rivendell là thứ gì hay chính sách thuế của Aragorn ra sao, hoặc liệu quân đội ông anh có lực lượng “chiến binh hồng” nào đi theo phục vụ hay không.

Dune của Herbert thì ngược lại. Nó là Epic Realism bởi vì nó đề cao tính chân thực của thực tại. Anh em cần chú ý rằng chân thực ở đây không phải là thực theo nghĩa đen hoàn toàn, bởi vì trong một câu chuyện đầy tàu bè bay lượn với thuốc thần nhìn thấu tương lai và giun cát to như con tịnh cùng đủ thứ hầm bà lằng khác, chắc chắn không thể nào có chuyện gọi nó là “thực” được rồi. Cũng như Tolkien, Herbert đang dựng lên một câu chuyện sử thi với quy mô ngoài sức tưởng tượng, với các quy luật tự nhiên riêng của mình.

Tuy nhiên, sau khi tạo ra thế giới của mình, Herbert không chắt lọc đi gì, không phủi bụi hay tô hồng thứ gì hết, mà bắt câu chuyện phải tuân thủ những quy tắc về chính trị xã hội mà một thực tại như thế có thể sẽ có. Nếu Lord of the Rings là một mẩu quảng cáo Colgate với mọi diễn viên đều có hàm răng trắng bóc, đều tăm tắp như bắp ngô, Dune sẽ như một tấm gương nằm trước mặt mọi người để chúng ta cùng thấy rằng sau khi đánh răng xong, dù nó có sạch hơn thật thì men răng vẫn hơi ngà vàng, răng cỏ vẫn xiên xẹo, và có thể còn sứt nữa. Hay như quay lại với ví dụ người ông, Lord of the Rings là hình mẫu lý tưởng của ông cụ trong óc ta, còn Dune là một thước phim chân thực quay lại ông cụ ngoài đời.

Dune không đi chiêm nghiệm về chân lý của Nhân Loại, mà nó như một nghiên cứu nhân chủng học mà Herbert thực hiện thông qua văn học nhằm hiểu được sự thật về Con Người, với đủ mọi phức tạp và rắc rối của nó. Chính thế nên Dune không có một khái niệm về quyền lực mơ hồ, mà nó có một nguồn tài nguyên thiên nhiên hết sức quan trọng đối với nền kinh tế, với các thế lực tranh giành nó để phục vụ các mục đích cực kỳ cụ thể. Công chúa của Herbert không lấy hoàng tử vì họ là những người vĩ đại được định mệnh đưa đến với nhau, mà họ đến với nhau để củng cố quyền lực chính trị hoặc đẻ ra một đứa con ưu việt về di truyền (mặc dù cái vụ di truyền không liên quan đến công chúa 🐧 ). Paul Atreides không phải là một tấm gương ngời ngời như Aragorn, mà là thành phẩm của một chương trình ưu sinh quái thai, và sự “chính nghĩa” của thanh niên này mang đến bao cảnh đổ máu và sự hủy diệt. Quân đội của Paul không phải là những con người bảo vệ cái thiện, mà là những kẻ cuồng tín bị Paul lợi dụng trong quá trình mưu cầu một mục đích riêng.

Clip cũng đề ra một quan điểm nữa là không như Lord of the Rings, Dune của Herbert không được “tự do” cho lắm. Với Lord of the Rings, mọi thứ đều là một phiên bản lý tưởng tồn tại trong đầu Tolkien, thế nên Tolkien mặc sức đưa đẩy câu chuyện đi đâu cũng được, sao cho khớp với tư tưởng của bản thân. Dune của Herbert thì phải bám theo thực tại, thế nên kết luận Dune đưa ra không phải là sự lèo lái của tư tưởng Herbert sở hữu, mà là một kết luận ông rút ra được sau khi đã nghiên cứu thực tại, cho dù nó có thể đi ngược với tư tưởng của chính Herbert.

Điều này được thể hiện qua chính quá trình sáng tác của hai con người này, với Tolkien thì chủ yếu đạo từ thần thoại và các thứ hơi “phiêu,” còn Herbert đạo phần nhiều từ các cuốn hồi ký hoặc truyện lịch sử về chiến tranh Trung Đông. Kết luận của Lord of the Rings cũng đi khá trùng với tư tưởng Công giáo của Tolkien, trong khi cái sự thoái hóa của xã hội cũng như việc con người vứt bỏ công nghệ (ít nhất là một phần của nó) ít nhiều không ăn khớp với tư tưởng cấp tiến cũng như niềm tin vào sự khai sáng của Herbert.

Nói như thế này không phải là để nâng tầm Dune so với Lord of the Rings hay ngược lại gì đâu. Nó chỉ đơn thuần là một sự so sánh thú vị để anh em thấy hai bộ tác phẩm này tiếp cận một đề tài chung từ những góc độ biệt lập như thế nào. Việc cái kiểu lý tưởng bóng bẩy của Lord of the Rings hay hơn cái nét thực tế tàn khốc của Dune nhỉnh hơn tùy thuộc vào người đọc cả thôi.

Và giờ mới để ý, trong cái thumbnail thì Aragorn còn khắc khổ hơn cả Paul, nhưng vào truyện thì Dune mới là thứ khốc liệt hơn. Thật là hợp lý 🐧

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.