Chuyển đến nội dung chính

Muskism và mặt trái tiềm ẩn của nó

 Do mấy bữa nay làm khá nhiều bài về cách thực tại đang ngày một tiến sát đến với những gì được tô vẽ trong Snow Crash, mình lại nhớ đến một bài báo từng đọc cách đây ít lâu, bàn về sự trỗi dậy của một mô hình xã hội mới, được người viết đặt cho một cái tên khá thú vị: Muskism.

Elon Musk Is Building a Sci-Fi World, and the Rest of Us Are Trapped in It

Khi nghe qua cái từ Muskism, anh em hẳn kiểu gì cũng sẽ ngờ ngợ nó có dính dáng đến Elon Musk, doanh nhân hiện đang đi tiên phong trong mảng xe điện và hàng không vũ trụ. Và anh em nghĩ vậy là đúng rồi đấy. Muskism chính là từ cái họ của Musk mà ra, thêm hậu tố -ism vào để chỉ một xu hướng mới mang đậm phong cách Elon Musk. Cụ thể hơn, như tác giả bài báo giải thích, Muskism là một dạng tư bản cực độ, có nền móng là những mộng ảo kỳ vĩ do Sci Fi tô vẽ ra. Xu hướng này được dẫn đầu bởi các tỷ phú công nghệ, những người từng mê mệt các thế giới Sci Fi hồi nhỏ, và giờ thì đã có đủ tiền để biến chúng thành sự thật.

Nghe thì cũng có vẻ không có vấn đề gì lắm. Xét cho cùng, Sci Fi chứa đựng hàng loạt ý tưởng táo bạo và hay ho, và nếu chúng trở thành sự thật thì nhân loại sẽ được hưởng rất nhiều lợi lộc. Nếu Muskism chỉ là tỷ phú bỏ tiền hiện thực hóa Sci Fi, vậy thì có làm sao đâu?

Mỗi tội Muskism không chỉ là tỷ phú bỏ tiền hiện thực hóa Sci Fi. Muskism là tỷ phú bỏ tiền hiện thực hóa một khía cạnh phiến diện của Sci Fi, trong khi hoặc hiểu sai hoặc ngó lơ hoàn toàn các thông điệp sâu xa khác mà những con người sáng tác ra mấy tác phẩm ấy muốn truyền tải.

Một ví dụ bài báo chỉ ra là bộ truyện The Culture của tác giả người Scotland Iain Banks. Series này được rất nhiều thanh niên tay to mặt lớn trong làng công nghệ mến mộ, với Dép Trọc (Jeff Bezos) từng bảo đây là một trong những series yêu thích nhất của mình, và thậm chí còn đã mua bản quyền để chuyển thể nó thành phim (mặc dù kèo đấy hiện đã hủy hoặc ít nhất bị tạm ngưng, bởi vì người nhà Banks tự nhiên xin rút); Mắc Xoăn (Mark Zuckerberg) từng chọn cuốn The Player of Games (cuốn đầu của series) để đưa vào danh sách đọc và bình luận cho câu lạc bộ sách hắn mở hồi năm 2015; Lôn Điện (Elon Musk) thì đã năm lần bảy lượt bảo mình nghiện The Culture, lấy tên tàu bè trong đó đặt cho các bãi đáp và tên lửa của mình, và thậm chí còn có lần bảo mình tự coi bản thân như mẫu người vô chính phủ đã được Banks khắc họa trong bộ truyện đấy. 

Có điều nếu quả đúng là fan The Culture, mấy thanh niên kia đáng lẽ phải nhận thấy rằng bộ truyện này kỳ thực là phiên bản ngược lại với tất cả những gì mình đang làm.

Trong trường hợp anh em chưa biết, Iain Banks vốn là một người ủng hộ rất mạnh chủ nghĩa xã hội, và The Culture (một nền văn minh đa chủng tộc và liên thiên hà trong tác phẩm) được ông xây dựng như một chiêm nghiệm về dáng hình tương lai của một thiên đường cộng sản. Trong một buổi phỏng vấn hồi năm 2010, Banks miêu tả các nhân vật chính trong series The Culture là “mấy thanh niên hippy theo cộng sản sở hữu siêu vũ khí và mang trong lòng một sự ngờ vực sâu sắc đối với cả Chủ nghĩa thị trường lẫn Chủ nghĩa tham lam.” Ông thậm chí còn tỏ vẻ rất đỗi ngạc nhiên là trên đời lại có người đọc truyện của mình và nghĩ chúng nó cổ vũ cho chủ nghĩa tự do với một thị trường buông lỏng. Ông đã hỏi mỉa rằng, “Mấy người đấy bỏ lỡ phần tài sản riêng với tiền không hề tồn tại trong mấy cuốn tiểu thuyết The Culture à?"

Một ví dụ khác về Muskism có liên quan đến franchise The Hitchhiker’s Guide to the Galaxy của Douglas Adams. Phiên bản tiểu thuyết của franchise này cũng là một tác phẩm yêu thích của Musk, với thanh niên từng bảo muốn đặt tên cho con tàu đầu tiên lên Sao Hỏa là Heart of Gold, theo tên một con tàu trong truyện. Tuy nhiên, thanh niên xem chừng không chịu tìm hiểu sâu thêm về một khía cạnh khác trong lore của The Hitchhiker’s Guide to the Galaxy, ấy là lịch sử của đế chế thiên hà bên trong nó.

Cụ thể thì trong vũ trụ của franchise có một cái đế chế thiên hà. Nó từng hết sức giàu có, và về cơ bản là một thiên đường tư bản tự do, không thuế má gì hết. Được một thời gian thì nhiều thương buôn trong đấy bắt đầu trở nên giàu vượt trội so với những công dân khác. Điều này mới đầu không gây ra hậu quả gì, nhưng dần dần, khi đám thương nhân đấy dần thấy cuộc đời trở nên nhàm chán, một ngành công nghiệp mới đã hình thành, nhằm mục đích phục vụ riêng cho đám giàu kia: xây hành tinh nhân tạo cao cấp. Cái dịch vụ đó đắt đỏ kinh khủng, nhưng đám tỷ phú vẫn quẳng tiền vào để được thỏa mãn cái thú có hành tinh đúng như mình mơ mộng, và hành động đấy dần khiến tiền tụ hết vào tay một chỗ duy nhất, và làm sập nền kinh tế của cả dải ngân hà.

Thông qua cái vụ việc đó, Adams muốn đá xoáy cách để tài sản tập trung vào tay một nhóm nhỏ thì họ quả sẽ có thể làm được những điều phi thường. Tuy nhiên, ai sẽ được hưởng lợi từ thành phẩm phi thường ấy thì lại là một câu chuyện khác. Rất có thể cái việc phi thường kia sẽ chỉ tuyệt vời đối với những người đã giàu sẵn, còn dân ngu cu đen sẽ chẳng xơ múi được gì, hay có khi còn bị thiệt hại vì nó. Và anh em hãy thử nhìn lại lịch sử của những con người như Dép Trọc, Mắc Xoăn, với Lôn Điện, xem họ có quan tâm gì đến việc quá trình hiện thực hóa tầm nhìn của bản thân làm ảnh hưởng ra sao đến những thành phần thấp bé không, và ngẫm lại những gì Adams nói thử xem.

Bài báo chỉ đưa ra mấy ví dụ như vậy thôi, nhưng chúng hoàn toàn không phải là duy nhất. Có hàng đống tác phẩm Sci Fi với những bài học hoặc ý nghĩa sâu bị giới trùm công nghệ ngó lơ, và chỉ nhìn vào phần bề nổi. Ta có The Expanse được Dép Trọc mê tít thò lò, song lời cảnh báo về việc cứ o ép và bóc lột nguyên một giai cấp để phục vụ bản thân thì sẽ dẫn đến thảm họa của nó nghe chừng bị ông anh bỏ ngoài tai và tiếp tục bóc lột công nhân như thường; Snow Crash thì là sách gối đầu giường của Mắc Xoăn, song lời cảnh báo về sự loạn lạc sẽ bùng nổ khi mọi thứ đều bị tư nhân hóa hình như không được thằng này để tâm đến; Dune cũng là món khoái khẩu của Lôn Điện, cơ mà thanh niên có vẻ bỏ sót lời cảnh báo về hệ lụy của việc phát triển bất cần đời hay hiểm họa của việc để quần chúng tôn thờ một cá nhân ấp ủ mưu đồ tư lợi nhưng biết khôn khéo vẽ ra một tương lai xán lạn để che mắt người đời.

Bài báo chốt lại rằng nạn nhân tiềm tàng nhất của Muskism, của việc cứ chạy theo những tác phẩm Sci Fi hào nhoáng hoặc tiếp thu các tác phẩm Sci Fi một cách đầy “chọn lọc” và chỉ nhìn thấy sự hào nhoáng của chúng, sẽ là các “chị Brown.”

Trong trường hợp anh em chưa biết, chị Brown là một thuật ngữ được Virginia Woolf sử dụng trong bài luận Mr. Bennett and Mrs. Brown, dùng để chỉ những con người bình thường, bé nhỏ, vô danh, một nhân vật ta có thể nhìn thấy ở bến xe buýt, ngoài công viên, trong hàng chờ làm thủ tục, hay như Woolf khắc họa, trên một chuyến tàu. Hình tượng chị Brown này đã có lần được Ursula K. Le Guin, một trong những nhà văn SFF cột trụ, đề cập đến trong một bài bình mang tên Science Fiction and Mrs. Brown. Le Guin chỉ trích các tác phẩm mang hơi hướng Isaac Asimov và Robert Heinlein, bảo rằng chúng đã để lạc mất chị Brown. Cụ thể, bà nói:

“Liệu chúng ta có còn hy vọng sẽ được trông thấy chị Brown không, hay liệu chúng ta đã vĩnh viễn mắc kẹt bên trong những phi thuyền sáng bóng, to lớn, vun vút phóng ngang dọc thiên hà; trong những phương tiện vô trùng di chuyển nhanh gấp bội chuyến tàu Richmond-Waterloo, gấp bội tốc độ ánh sáng; trong loại tàu bè có thể chở theo những vị thuyền trưởng oai hùng trong bộ quân phục màu đen pha bạc, và các thuyền phó với đôi tai kỳ dị, và các nhà khoa học điên với những cô con gái đương thì, những con tàu dư sức dùng súng laze với sức hủy diệt và công năng tàn sát khủng khiếp để bắn tan xác những con tàu thù địch khác, và đưa vô số thực dân từ Trái Đất đến những thế giới chưa khai phá, nơi có những sinh vật ngoài hành tinh đầy nham hiểm hay đẹp đẽ vô ngần sinh sống; trong những con tàu toàn năng, làm được đủ mọi chuyện trên đời, ngoại trừ một chuyện duy nhất: chúng không thể chứa được chị Brown. Chị đơn thuần lạc quẻ hoàn toàn với nó. Hình ảnh chị Brown trong một con tàu vũ trụ mới nực cười làm sao. Chị quá nhỏ bé, nào đến thăm một Đế chế Thiên hà hay bay quanh một ngôi sao neutron được?”

Khi bàn về chị Brown như vậy, Ursula K. Le Guin muốn nêu ra câu hỏi liệu Sci Fi có thể bàn về những thứ vụn vặt và đời thường trong cuộc sống, đề cao chất văn lên không hay chúng nó chỉ có thể chăm chăm xây dựng được những thứ to tát và hoành tráng để làm lác mặt thiên hạ. Trong giới hạn của dòng Sci Fi, câu hỏi ấy đã được giải đáp hết sức thỏa đáng bởi những con người như Becky Chambers, Ted Chiang, Izumi Suzuki, Kazuo Ishiguro, Jack Womack, và thậm chí cả chính Ursula K. Le Guin, thông qua các tác phẩm với nhân vật chính là những chị Brown tầm thường (mặc dù có thể mấy chị Brown này có tai nhọn với lông vũ các kiểu 🐧 ). Nhưng với các đại gia công nghệ, những “Muskist,” chị Brown xem chừng không hề tồn tại. Họ tiếp tục đi xây dựng các tương lai đẹp mê hồn, cả ngoài đời thực lẫn trên không gian ảo, hiện thực hóa những mường tượng của bản thân về một thế giới đầy hoa lệ. Song liệu các chị Brown có chấm mút được tí nào phần hoa không, hay chỉ biết cay đắng nhận toàn lệ, thì không thấy mấy thanh niên đó đả động gì tới.

Vì tờ New York Times từ trước đến nay có khuynh hướng thiên tả, và bản thân người viết bài này xem chừng cũng mang định kiến nặng đối với chủ nghĩa tư bản, thế nên bài báo như mình thấy nhìn nhận những việc việc mấy thanh niên trong đội Lôn Điện với Dép Trọc đang làm theo một kiểu hơi bị tiêu cực quá đà. Tuy nhiên, nó vẫn là một ý kiến đáng suy ngẫm về cách các đại gia công nghệ nhìn nhận Sci Fi, cũng như ý nghĩa tiềm tàng của nó với dân đen chúng ta. Nếu quan tâm anh em tham khảo thêm trong link nhé.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.