Chuyển đến nội dung chính

Giấc mộng quốc gia Sao Hỏa của Musk và tính pháp lý của nó


 Anh em chúng ta hẳn chẳng ai còn lạ gì với thanh niên Elon Musk và giấc mơ thành lập một khu định cư lâu dài trên Sao Hỏa của bro này rồi. Hiện tại thì điều ấy nghe có vẻ xa vời, nhưng với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ, có khi ngay trong kiếp đời này của mình thôi, chúng ta sẽ thấy nền móng cho mơ ước ấy bắt đầu bén rễ trên hành tinh đỏ. Nói cách khác, các khó khăn liên quan đến công nghệ sẽ chỉ mang tính tạm thời mà thôi.

Nhưng ngay cả nếu có khắc phục được vụ công nghệ, Musk sẽ vẫn còn phải đối diện với một vấn đề khó nhằn và dai dẳng hơn, ấy là làm sao cho nó được chấp nhận.

Có một điều anh em cần hiểu là thứ Musk muốn xây dựng trên Sao Hỏa không phải là một chốn nghỉ chân thông thường cho dân Trái Đất, mà là cả một quốc gia mới. Musk từng đả động đến điều này từ năm 2018, bảo rằng rất có thể hình thức chính phủ trên Sao Hỏa sẽ là một nền dân chủ trực tiếp, với mọi công dân bỏ phiếu bầu bán cho mọi vấn đề thay vì thông qua đại diện cử tri. Sang năm nay thì thanh niên còn tương hẳn nó vào trong điều khoản dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của SpaceX, bắt các bên sử dụng dịch vụ trên Sao Hỏa hoặc trên đường quá cảnh tới Sao Hỏa phải công nhận đó là một hành tinh tự do, và không chính phủ nào trên Trái Đất có thẩm quyền hoặc chủ quyền đối với các hoạt động trên sao Hỏa hết. Các tranh chấp sẽ được giải quyết thông qua các nguyên tắc tự quản lúc bấy giờ của cộng đồng Sao Hỏa.

Cái điều khoản kia của Musk thực ra cũng na ná các hiệp ước không gian mà chính phủ quốc tế hay ký kết. Chủ yếu mấy hiệp ước đấy cũng toàn bảo là không quốc gia nào được phép tuyên bố chủ quyền hay chiếm đóng hay làm trò gì đó để độc chiếm một vùng nào của vũ trụ cả. Nó về cơ bản coi vũ trụ như hải phận quốc tế, một dạng tài sản chung của nhân loại, và không nước nào được quyền áp luật lệ cá nhân lên đấy cả.

Nhưng tất cả mọi thứ tuyên bố với luật lệ ấy thực ra có giá trị ràng buộc rất thấp. Nguyên do là bởi chúng nó không được bảo vệ bởi một công cụ bạo lực hữu hiệu.

Anh em nào không hiểu tại sao lại thế thì cứ thử hình dung thế này: nếu mọi người được nhà nước cấp phép cho cắm một cái biển ra trước mảnh vườn, bảo đấy là vườn nhà mình, tại sao những người khác phải tôn trọng tuyên bố đấy? Giả sử có thằng du côn đi ngang qua cái biển đó, và thấy người cắm biển chỉ là một thanh niên hom hem, thằng du côn sẽ tẩn cho người đấy một trận, sau đó nghiễm nhiên chiếm cái vườn, và ông chủ vườn làm gì được mình nào?

Tuy nhiên, mình không làm thế được, vì thanh niên kia có thể gọi một lực lượng “bảo kê” đến tẩn lại cho thằng du côn ra bã: công an. Lực lượng công an áp đảo thằng du côn về mọi mặt, từ số lượng cho đến sức vóc và trang bị. Nói cách khác, luật nhà nước mạnh hơn luật rừng của thằng du côn, vì bạo lực của công an mạnh hơn hẳn bạo lực của thằng du côn. Nếu không có một công cụ bạo lực mang tên công an, thằng du côn kia sẽ nhổ thẳng vào mặt luật pháp, và chẳng một cái biển báo nào có thể ngăn nó cướp mảnh đất kia cả.

Vụ Musk đòi lập quốc gia mới trên Sao Hỏa hay cộng đồng quốc tế đòi giữ vũ trụ làm tài sản chung cũng tương tự thế. Gần như chẳng có gì bảo kê cho mấy cái đấy cả. Yếu nhất là Musk, vì thanh niên không có tí bạo lực gì trong tay để bảo vệ luật hết. Bất kể Musk có chế ra một bộ luật chặt chẽ đến đâu cho Sao Hỏa thì cũng vô ích. Giả sử một thằng như Mỹ nó thấy ngứa mắt, không muốn để quyền lợi của mình bị ảnh hưởng, và tặng cái khu định cư của Musk vài quả dân chủ nghèo urani với cái cớ là luật Sao Hỏa không tuân theo chuẩn luật Mỹ thì Musk làm gì được nào? Đến cả cộng đồng quốc tế có khi còn chẳng dám ho he mấy vì không ai sở hữu đủ mức bạo lực ngang ngửa Mỹ với đồng minh, nói gì một ông doanh nhân còn đang nợ ngập đầu? Trên thực tế, Mỹ từ lâu đã phát biểu mình không coi vũ trụ là tài sản chung của nhân loại, mà muốn hướng việc khai thác/khám phá vũ trụ theo hướng có lợi cho cá nhân mình, chưa kể còn thành lập cả một lực lượng vũ trang chuyên cho mảng vũ trụ, tạo bước đệm cho vũ trang hóa không gian, đi ngược lại với tinh thần của cả đống hiệp ước mà cũng đâu có ai dám động vào nó?

Lẽ đương nhiên, thời buổi nay thì chẳng có thanh niên nào trâu chó đến mức đem vũ lực đi choảng nhau ra mặt như thế. Nếu có thì chỉ hăm dọa dựa trên việc mình có thể sẽ làm được như vậy, hoặc dùng các đòn mềm như kinh tế hoặc truyền thông để dằn mặt nhau thôi. Nhưng kiểu gì thì kiểu, để thành lập được một quốc gia độc lập ngoài vũ trụ và quan trọng nhất là làm sao cho nó được công nhận về mặt pháp lý (pháp lý dựa trên luật của ai thì còn tùy) cũng sẽ nhọc nhằn lắm.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.