Hôm nay mình mới bắt được một bài khá hay, so sánh tin đồn về một nỗ lực kiềm chế Cô Vy hơi bị khét lẹt mà các bro Anh Cát Lợi đang cân nhắc với chiến lược diệt chuột mà mấy thanh niên Phú Lãng Sa từng triển khai ở Hà Nội giai đoạn đầu thế kỷ 20.
Trong trường hợp có anh em nào chưa biết, mới rồi bên Anh có rộ lên tin đồn là chính phủ tính sẽ trả 500 bảng cho bất cứ ai dương tính với Cô Vy để họ chịu ngoan ngoãn cách ly. Gần như ngay lập tức, cộng đồng mạng đã trêu cho chính phủ Anh thối mồm, bảo rằng thế quá bằng khuyến khích dân tự nhiễm Cô Vy để ăn tiền free. Rốt cuộc, Anh phải khẩn trương đăng đàn bảo là cái đấy là tin đồn nhảm thôi, chứ mình không hề định làm thế đâu.
Cái ý tưởng này là một trường hợp điển hình của Cobra Effect. Đây là một thuật ngữ kinh tế, dùng để chỉ trường hợp các phần thưởng nhằm giải quyết một vấn đề rốt cuộc lại khuyến khích con người ta làm cho nó trở nên tồi tệ hơn. Và trong một cái plot twist đầy hề hước, thuật ngữ ấy cũng có nguồn gốc từ chính mấy thanh niên Ăng-lê.
Hồi còn cai trị Ấn Độ, chính phủ Anh đến đau đầu với số lượng rắn hổ mang độc ở Delhi. Để giải quyết, mấy thanh niên quyết định sẽ trả một khoản tiền cho bất cứ ai mang xác một con rắn hổ mang đến. Ban đầu thì số lượng rắn cũng hao đi tí đấy vì dân đổ xô đi giết rắn kiếm thưởng. Nhưng chẳng bao lâu sau, thay vì phải đi lùng bắt khổ cực, dân Ấn chuyển sang làm “startup” kiểu mới: mở trang trại nuôi rắn để giết đem nộp kiếm lời. Khi bên thực dân Anh phát giác ra trò đó, mấy thanh niên ngừng ngay chương trình kia. Vì lũ rắn bây giờ vô dụng hết rồi, chẳng ai buồn nuôi làm gì nữa. Chúng nó được thả hết ra, và thế là dân số rắn ở Delhi tăng trở lại, thậm chí còn vượt mức ban đầu.
Một pha tự hủy cũng kinh điển chẳng kém đến từ bên Pháp, với Thung lũng Silicần lần này là Hà Nội, và rắn được thay bằng chuột. Vì bị chuột quấy phá kinh quá, thực dân Pháp mấy lần thuê người về diệt nhưng mãi không giải quyết được. Dần dần, mấy tay này lại học tập ông hàng xóm: trao thưởng cho người dân dựa trên số lượng đuôi chuột họ mang nộp (bằng chứng cho thấy đã giết được chuột).
Và vì dân ta toàn cháu Trạng Quỳnh cả, anh em biết cái kết đắng ngọt thế nào rồi đấy 🐧.
Ban đầu thì trông có vẻ đây là một ý tưởng tuyệt vời, vì lượng đuôi chuột gửi về nhiều kinh khủng, báo hiệu số lượng chuột bị giết nhiều gấp bội số lượng mà mấy bên dịch vụ diệt chuột chuyên nghiệp làm được. Nhưng càng về sau, đám thực dân Pháp càng thấy ngờ ngợ. Một là số chuột phá nhà không những không giảm, mà tự nhiên thỉnh thoảng lại thấy có mấy con chuột không đuôi chạy tung tăng. Sau khi điều tra, họ té ngửa ra các cụ nhà mình toàn bắt chuột chặt lấy đuôi, sau đó “phóng sinh” cho chúng nó… đi đẻ tiếp, chưa kể một số cụ còn mở trại nuôi chuột kiếm lời. Chỉ sau một năm, số lượng chuột ở Hà Nội tăng gấp bội, thậm chí còn loang đi nhiều nơi khác nữa, làm dịch hạch bùng phát.
Ok, nghe hay đấy, nhưng cái mớ này thì có gì liên quan đến SFF đâu?
Lạy Chúa, nó mà không liên quan thật thì đã phước 🐧.
Sở dĩ mình nhắc đến cái này là bởi Terry Pratchett, tác giả Fantasy huyền thoại người Anh (vâng, vẫn không ai ngoài các bợn Inh-lừn 🐧 ), từng đưa gần như nguyên si cái vụ Cobra Effect ở Việt Nam vào trong một cuốn thuộc series Discworld kinh điển của mình, ấy là Soul Music. Cụ thể, trong truyện có một đoạn thế này:
“Chuột là một gương mặt nổi trội trong lịch sử của Ankh-Morpork. Trước khi Quý Tộc Gia lên nắm quyền ít lâu, từng có một đại dịch chuột khủng khiếp. Hội đồng thành phố đã phản ứng bằng cách trao thưởng hai mươi xu cho mỗi chiếc đuôi chuột. Trong một, hai tuần gì đó, động thái này đã giúp làm giảm số lượng chuột — nhưng rồi đột nhiên thiên hạ cứ ùn ùn mang đuôi chuột đến, bòn rút kho bạc thành phố, và dường như chẳng ai còn buồn động chân động tay làm việc nữa. Thế mà chuột xem chừng vẫn nhan nhản. Khi được giải thích về vấn đề, Lãnh chúa Vetinari lắng nghe rất chăm chú, và đã giải quyết dứt điểm nó bằng một câu cực kỳ khó quên. Câu này vừa thể hiện rõ bản chất của ông ta, vừa thể hiện rõ bản chất ngu xuẩn của khoản tiền thưởng, và vừa thể hiện rõ bản năng tự nhiên của dân Ankh-Morpork mỗi khi dính vào chuyện gì liên quan đến tiền bạc: “Đánh thuế mấy trang trại chuột ngay” ”
Có lẽ thay vì thưởng tiền cho dân đi xét nghiệm, chính phủ Anh cần lập quỹ khuyến khích mấy ông chiên da hoạch định chính sách chăm đọc SFF, chứ cứ dăm bữa nửa tháng lại tấu hài thế này thì hơi nát 🐧.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓