Chuyển đến nội dung chính

Cancel Culture: 1984 phiên bản thời đại mới

 Vì tiện thiên hạ vẫn đang nhộn nhịp George Orwell, tranh thủ đá thêm một bài nữa về thanh niên này.

Như anh em chủ yếu đều biết cả rồi đấy, trong tác phẩm 1984 của mình, George Orwell có đả kích cực mạnh cái trò kìm kẹp tư tưởng cũng như những biện pháp thanh trừng/kiểm duyệt nhằm giúp xã hội trở nên “đúng chuẩn” hơn. Vì truyện truyền tải điều này thông qua một thể chế chính phủ toàn trị hà khắc, nó vô tình lại khiến không ít người nhìn nhận rằng sự gò ép cũng như những chiêu trò bịt miệng này chỉ có thể đến từ phía tầng lớp thống trị (hoặc cụ thể hơn là chính phủ), và từ đó quên mất rằng nó hoàn toàn có thể đến từ một nguồn vô hình khác, ấy là bản thân các thành viên trong xã hội. Thể hiện rất rõ điều này là cái văn hóa bài trừ (tức “cancel culture”).

Văn hóa bài trừ thực chất đã tồn tại từ rất lâu rồi chứ không phải chỉ riêng gì trong thời nay, với nhiều tên gọi khác nhau qua mỗi thời kỳ. Tuy nhiên, vì thời chúng ta có một món đặc sản không thời nào có là Internet, hay cụ thể hơn là mạng xã hội, cái văn hóa này giờ có thể lên đến một tầm sánh ngang những gì chính phủ Oceania thực hiện. Với chỉ vài phát gõ, gần như tất cả mọi người đều có thể bị “unperson” trên mọi mặt trận, đơn giản vì họ mắc phải cái tội “wrongthink,” hay suy nghĩ lệch chuẩn.


Như clip bên dưới có đưa ra ví dụ, vào năm 2019, Amelie Wen Zhao có dự tính cho xuất bản một cuốn truyện YA. Nhưng vô tình thì một nhóm người biết được nội dung sơ lược của nó, cảm thấy các nhân vật trong truyện hành xử theo cách mình thấy không đúng mực, và đã có cả một chiến dịch quấy rối nhằm vào Amelie. Rốt cuộc, Amelie phải xin NXB đừng cho truyện mình ra mắt, và chẳng ai biết cái ý tưởng truyện đó đưa ra cụ thể là gì. Về sau, truyện của Amelie vẫn được xuất bản, nhưng nó là phiên bản đã chỉnh sửa cho “chuẩn.” Nó không được chỉnh vì làm thế sẽ chuẩn xác hơn, mà bởi vì tác giả sợ không dám nêu ý tưởng nữa. Nói cách khác, đám đông kia đã đóng vai trò Bộ Sự thật, bịt miệng Amelie lại, cấm cô phát biểu vì nó không khớp với “sự thật” của họ.

Và Amelia không phải trường hợp duy nhất. Có rất nhiều ví dụ khác tương tự như Amelia trong ngành giải trí, khiến thời nay rất nhiều người trở nên e dè không dám làm gì liều lĩnh với các tác phẩm của mình nữa. Thậm chí nhiều tác phẩm tồn tại từ thời trước cũng bị con ngáo ộp mang tên đám đông đem ra lật lại đánh giá, và bị cấm đoán sử dụng hoặc loại bỏ hoàn toàn. Nó còn loang hẳn ra những lĩnh vực ngoài giải trí nữa, với rất nhiều người bị đám đông hủy diệt hoàn toàn vì mang tư tưởng đi ra ngoài thứ được đám đông kia coi là quy chuẩn, hay chỉ đơn thuần đặt câu hỏi về độ chuẩn của mấy cái “chuẩn” đấy. Nó trở thành một cái hệ thống công lý bệnh hoạn, khiến ngay cả những người chưa bị bài trừ cũng tự câm nín đi, và khiến cái “chuẩn” kia trở thành “chuẩn” thật. Không phải vì nó chuẩn, mà vì không ai còn dám nghi ngờ sự “chuẩn” của nó nữa. Một xã hội bị kìm kẹp bởi nỗi sợ hãi như thế chẳng lẽ lại không giống những gì Orwell mường tượng?

Lẽ đương nhiên, mọi xã hội đều cần có một chuẩn mực nhất định, và những tư tưởng quá lệch lạc cần phải bị bài trừ. Chẳng ai nói ta phải để im cho những thanh niên tuyên truyền cổ vũ diệt chủng hay gì được tự do mở mồm, nhưng cái gì cũng phải có giới hạn của nó. Cũng như nước là một phần rất thiết yếu cho cuộc sống, nhưng phải nốc quá nhiều nước thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng (nói cách khác là chết đuối), bài trừ ở một cấp độ nhất định là một việc thiết yếu để tạo ra một xã hội lành mạnh, nhưng nếu để nó đi quá xa thì nó lại biến xã hội thành Oceania mất rồi (mỗi tội dưới sự cai trị của đám “the proles” thôi).

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.