Chuyển đến nội dung chính

Review Simulacron-3 của Daniel F. Galouye



🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌑🌑

8.0/10

TL;DR

Dark Matter x The ******, nhưng được viết chắc tay hơn hẳn, và theo kiểu trinh thám Noire thay vì hành động Hollyweed.

GIỚI THIỆU CHUNG

Simulacron-3 là một cuốn tiểu thuyết Sci Fi trinh thám của tác giả Daniel F. Galouye, xuất bản hồi năm 1964. Truyện lúc ra mắt được đón nhận khá tốt, và tính đến nay, đã có hai nỗ lực chuyển thể điện ảnh của nó được thực hiện. Một là bộ phim truyền hình hai tập Welt am Draht (tức “World on a Wire”) do Rainer Werner Fassbinder thực hiện, và một là The Thirteenth Floor do Josef Rusnak thực hiện.

Về nội dung thì truyện lấy bối cảnh một thế giới tương lai xa, nơi công tác khảo sát đã phát triển thành cả một ngành công nghiệp khổng lồ, cung cấp các dịch vụ lấy ý kiến thị trường về đủ mọi thứ trên đời, chạy từ những thứ vĩ mô như chính sách kinh tế, các dự luật tiềm tàng cho đến mấy thứ vặt vãnh như ý kiến về mẫu mã bao bì sản phẩm. Ngày ngày, trên đường phố luôn có nguyên một đạo quân với hàng trăm ngàn nhân sự, người thì chặn người đi bộ giữa đường bắt trả lời câu hỏi, người xộc vào tận cơ quan hay thậm chí gõ cửa nhà riêng đòi điền mẫu điều tra,… Dịch vụ này giúp các nhà hoạch định chính sách cũng như doanh nghiệp làm ăn được hiệu quả hơn, song bù lại là nó gây phiền toái rất nhiều cho người dân.

Chính trong một bối cảnh như thế, một tập đoàn công nghệ tên là REACO đã cho trình làng một sản phẩm mới có tên là Simulacron-3. Simulacron-3 là một hệ thống mô phỏng máy tính, có thể tái tạo toàn bộ thế giới (hoặc ít nhất là một phần đủ to của nó) dưới dạng một giả lập kỹ thuật số, nơi hàng ngàn, hàng vạn tác tử điện tử có thể được lập trình để hành xử như người thật. Bằng cách đưa một số tác nhân chiến lược vào trong môi trường giả lập ấy và phân tích dữ liệu của các tác tử, ta sẽ có thể đưa ra được các dự đoán hết sức chính xác về phản ứng của dân tình trước một sản phẩm hay chính sách mới nào đó. Với công dụng này, Simulacron-3 hứa hẹn sẽ tạo ra cả một đột phá trong ngành khảo sát, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian, còn người dân thì đỡ bị quấy rầy.

Nhưng rồi bất thình lình một ngày nọ, Hannon Fuller, kỹ sư trưởng bộ phận simulectronics (tạm dịch: “điện tử mô phỏng,” tức ngành nghiên cứu các giả lập kỹ thuật số) của REACO, người gần như đã một tay phát minh ra Simulacron-3, tự dưng lại lao đầu vào dây điện cao thế. Một cuộc điều tra đã diễn ra, và cảnh sát đã rút ra kết luận rằng ông đã tự tử.

Cái chết của Fuller là một tổn thất lớn đối với REACO nói chung và dự án Simulacron-3 nói riêng, nhưng không đến mức trí mạng đối với họ. Số là cùng chế tạo Simulacron-3 với Fuller còn có Douglas Hall, một người từng làm thạc sĩ trong ngành điện tử mô phỏng dưới sự dìu dắt của Fuller, và về sau đã trở thành cộng sự giúp Fuller chế tạo thành công hệ thống Simulacron-3. Tuy dưới Fuller một bậc về tay nghề, Hall vẫn là một kỹ sư điện tử mô phỏng rất có năng lực, và lượng kiến thức anh nắm về Simulacron-3 cũng ngang ngửa Fuller. Chính vì lẽ đó, Horace P. Siskin, giám đốc REACO, đã tức tốc thăng chức cho Hall, để anh tiếp quản dự án của người sếp kiêm người thầy quá cố của mình. Lẽ đương nhiên, đây là một bước tiến lớn đối với sự nghiệp của Hall. Anh giờ đây đã trở thành sếp sòng tại một tập đoàn lớn, và, với dự án Simulacron-3 sắp được triển khai khai thác thương mại, có khi còn là tập đoàn lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, Hall vẫn cảm thấy rất lấn cấn về màn thăng chức này, và sự lấn cấn của anh không chỉ đơn thuần xuất phát từ cảm giác áy náy trước việc mình trục lợi từ cái chết của thầy. Theo như những gì Hall biết, Fuller không hề có xu hướng tự sát, và cũng chẳng có sự kiện gì xảy ra gần đây trong đời ông lại có thể khiến ông muốn tự kết liễu bản thân theo một cách đau đớn như vậy cả. Hay là một tai nạn nhỉ? Bậy. Fuller vốn là một người rất cẩn thận, đời nào có chuyện ông sơ sẩy ngã vào dây điện.

Thế rồi, mấy ngày sau đó, tại bữa tiệc mừng anh thăng chức, Hall bắt gặp một nhân viên thân cận của Fuller, bất giờ mang một bộ dạng hết sức phờ phạc, bồn chồn. Ông ta cứ nơm nớp tìm cách nói với Hall điều gì đó, nhưng chưa kịp tiết lộ đầu đuôi câu chuyện thì đã đột ngột biến mất, không để lại bất kỳ vết tích gì.

Và bắt đầu từ đây, Hall càng lúc càng thấy mình như bị lún sâu vào một mê trận quái ảo, nơi hàng bao bí mật và chiêu trò chính trị nham hiểm đan xen chồng chéo. Và phủ trùm lên tất cả là cái bóng âm u của Simulacron-3…

MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG

Simulacron-3 về cơ bản được triển khai theo một cái kiểu khá đúng chuẩn trinh thám Noire, với thanh niên Hall đóng vai một thám tử bất đắc dĩ. Từ một vụ việc nghe chừng đơn lẻ và thậm chí còn khá đơn giản ban đầu (cụ thể ở đây là cái chết của Fuller) anh em sẽ dần được mớm thêm các dữ kiện nghe có phần vô lý, phát hiện ra thêm nhiều uẩn khúc bí hiểm, và cứ thế được thấy mọi thứ bành trướng ra thành cả một cái âm mưu khổng lồ, với người tốt và người xấu lẫn lộn nháo nhào cả lên, không phải ai cũng trông mặt mà bắt hình dong được.

Cơ mà khốn nạn một điều là cái thằng này lại khá dễ đoán, đặc biệt ở khoảng 1/3 đoạn đầu.

Với anh em nào đã lận lưng dăm ba năm lăn lộn trong dòng, đặc biệt nếu đã từng bập vào một số tác phẩm SFF nhất định, mọi người sẽ khá dễ dàng nhận ra cái bí ẩn lớn đầu tiên của thằng Simulacron-3 này là gì ngay từ chương một. Mình nói cực kỳ nghiêm túc. Tất cả mọi thứ thông tin cần thiết để anh em hiểu được câu chuyện muốn dẫn dắt đi đâu đều được tác giả đưa hết trong vỏn vẹn chục trang đầu tiên của truyện. Nó thực chất cũng được dẫn dắt theo một kiểu khá khéo và tế nhị, không đến mức thô thiển, nhưng kiểu gì thì kiểu, khi đọc những gì tác giả viết và đối chiếu nó với cái phông nền kiến thức về các mô típ SFF đã biết sẵn, anh em sẽ có thể áng ra được ngay sự tình là thế nào.

Ngay cả với những anh em nào không có nhiều kinh nghiệm với SFF, mọi người cũng sẽ không cần phải đi xa trước khi nhận ra bản chất của vụ án. Trong suốt cái khúc 1/3 đầu đấy, có rất nhiều ngụ ý và ám chỉ khác được tác giả rải ra một cách rất chiến lược và đều tay, và chỉ cần tinh ý một chút, biết xâu chuỗi sự kiện và chịu khó ngẫm hơi kỹ tí về những đề tài được bàn luận, anh em chắc hầu hết sẽ đều luận ra được một trong những bí ẩn trọng tâm của truyện là gì trước khi đáp án được đưa ra.

Tuy nhiên, nếu có thứ gì có thể được đại diện bởi cái câu “Đích đến không phải là điều quan trọng, mà quan trọng là cái hành trình đi đến đấy,” nó sẽ chính là cái quyển này. Nguyên do là ngay cả khi đã “lỡ” khôn quá và tự đẩy bản thân vào thế cầm đèn chạy trước ô tô, anh em sẽ vẫn bị cuốn vào cái sự đưa đẩy của câu chuyện.

Cái lý do đầu tiên nằm ở thế giới của truyện. Cái này sang phần thế giới mình sẽ nói kỹ hơn, cơ mà nói một cách đại khái, thế giới Simulacron-3 được tạo dựng theo kiểu có chiều sâu một cách đáng ngạc nhiên. Gần như mọi khía cạnh của nó đều được đem ra mổ xẻ phân tích theo từng nhịp đưa đẩy của câu chuyện một cách hết sức khéo léo và hấp dẫn, thế nên anh em sẽ luôn có thứ gì đấy thú vị để theo dõi. Lắm khi, cái thứ nó trình bày ra trước mắt anh em sẽ còn tạo thành một dạng “side quest” hết sức thú vị, hút tuột anh em vào với cái mạch khám phá của mình, và phải một hồi sau thì anh em mới sực nhớ ra là mình thực chất đang đọc một câu chuyện trinh thám mà bản thân ít nhiều đã biết sẵn lời giải.

Một phần khác là cái bí ẩn đã được biết trước kia có bản chất khá là động trời. Nếu không phải vì bản thân đang đứng ngoài tác phẩm nhìn vào, khả năng rất cao là anh em cũng sẽ không hề cân nhắc đến cái khả năng hiển nhiên ấy, hay thậm chí dám cân nhắc đến khả năng ấy. Kết hợp với đó, tác giả cũng cực kỳ khéo léo lồng ghép vào một số giả thuyết nghe rất hợp lý nếu cân nhắc đến bối cảnh bấy giờ của câu chuyện, tạo ra những quả hỏa mù đầy tính thuyết phục mà một con người bình thường tất sẽ phải suy xét đến trước khi nghĩ đến bất cứ giả thuyết phi thường nào khác. Chính vì vậy, việc nhân vật mãi không bắt kịp được với anh em cũng trở nên dễ hiểu hơn hẳn, và anh em sẽ không cảm thấy quá khó chịu trước cảnh nhân vật cứ theo đuổi một cái hướng mà mình thừa biết là sai lầm.

Và thêm một cái nữa, ngay cả khi đã biết được lời giải cho cái bí ẩn chính, anh em sẽ vẫn thấy tò mò về một loạt bí ẩn nho nhỏ, có liên đới đến bí ẩn gốc. Nói hẳn ra thì spoil mạnh quá, cơ mà đại khái thì chủ yếu những cái bí ẩn này sẽ xoay quanh câu hỏi “Vì sao?” và “Tại sao lại phải nhiêu khê như thế?”. Trong 1/3 đầu, mấy cái câu hỏi đó không bao giờ được động đến một cách trực tiếp (bởi vì cần phải biết bí ẩn là gì thì mới động đến chỗ này được), cơ mà tự thân anh em sẽ không khỏi suy ngẫm đến những vấn đề này một khi đã luận ra bí ẩn cốt lõi. Sẽ có lúc mấy câu hỏi này được tác phẩm gián tiếp gợi ra cho anh em theo một cách khá kín, đến mức dễ khi nó sẽ khiến một số anh em cảm thấy hình như đây là plot hole hay một sự vụng về từ phía tác giả, bởi nếu đã có thể thế A rồi, tại sao lại phải làm thế B chi cho nó mệt mỏi và loằng ngoằng? Tuy nhiên, cái lối viết của tác phẩm vẫn gợi cho anh em một cái linh tính rằng rồi sẽ đến lúc những câu hỏi này được trả lời, và chính nhờ đó, anh em sẽ vẫn cảm thấy tò mò về câu chuyện trong đoạn này, bởi bài toán mà anh em ngỡ tưởng mình đã giải được rồi kỳ thực vẫn còn một số uẩn khúc, cần được làm sáng rõ.

Sau khi đi hết cái đoạn 1/3 kia, và cái bí ẩn anh em đã biết trước được chính thức vén màn rồi, câu chuyện lúc này sẽ tăng hẳn tính hấp dẫn. Bắt đầu từ đây, anh em sẽ thấy câu chuyện chuyển sang một mạch mới. Nó không phải là thay đổi gì quá khủng khiếp, kiểu trước đang là trinh thám mà giờ tự nhiên lại chuyển sang thành Fast & Furious đâu. Ở cái khúc sau này, truyện vẫn cứ là trinh thám Noire, chỉ là rẽ sang một cái hướng khác. Trên thực tế, đây có khi còn là khúc chất Noire của nó được đẩy lên mạnh nhất, bởi vì bây giờ, anh em đã mất đi hoàn toàn lợi thế biết trước đáp án, và phải bám sát từng bước của nhân vật để tìm lời giải. Anh em gần như bị đẩy hẳn vào vị thế của nhân vật chính, cảm thấy nghi kỵ tất thảy mọi người xung quanh, và từng cử chỉ của các nhân vật đều bị anh em nhìn bằng ánh mắt ngờ vực. Đồng thời, đây cũng là lúc tất cả những câu hỏi nhỏ, nảy sinh từ bí ẩn chính mà mình đã nói ở trên được đem ra bàn luận, và anh em sẽ thực sự cảm thấy mình như đang bị chìm trong một mê cung bí ẩn, không biết đường nào mà lần.

Đến khoảng 1/3 cuối, câu chuyện bắt đầu đặt nặng tính hành động hơn, và kịch tính được đẩy lên hết sức cao. Anh em sẽ thực sự được thấy cái tình cảnh của nhân vật tuyệt vọng đến như thế nào, và cái nguy hiểm bày ra trước mắt nó khủng khiếp ra làm sao. Đáng chú ý nhất, truyện không hề đưa ra bất kỳ con đường rõ ràng nào để nhân vật có thể giành được chiến thắng tuyệt đối cả. Không có cái chìa khóa vạn năng nào ở đây hết, không có thứ bảo bối gì mà chỉ cần lấy được thôi là sẽ cho phép nhân vật bật được Ultra Instinct hay cái khỉ mẹ gì đấy tương tự và đấm chết trùm cuối. Thứ duy nhất nhân vật có về cơ bản là một mảnh gỗ dạt giữa dòng nước lũ, phụ thuộc rất nhiều vào sự đưa đẩy và ý chí của một ngoại lực siêu phàm mà nhân vật hầu như không thể thao túng hay tác động đến. Lúc này, nhân vật chết chìm cũng được, dạt vào bờ mà sống sót cũng được, mà có một cuộc sống tệ hơn cái chết cũng được nốt. Điều này khiến cho hồi kết đang đến gần của truyện toát lên một sức hút cực kỳ khó cưỡng. Và anh em sẽ thấy bản thân không thể rời mắt khỏi những trang cuối, theo sát từng đường đi nước bước của nhân vật để xem rốt cuộc nó sẽ là thế nào.

Về bản thân cái kết thì lẽ đương nhiên, mình không thể tiết lộ được gì rồi. Ngay cả việc nó là cái kết có hậu hay bi kịch hay vui buồn lẫn lộn thế nào cũng không thể nói được, bởi như đã trình bày ở trên đấy, cho đến tận phút chót, truyện vẫn có thể ngả theo bất kỳ hướng nào, không ai biết được cả. Nhưng trong phạm vi những gì mình có thể nói mà không làm lộ hẳn mọi thứ, thì phần kết đại khái gói ghém rất gọn tất cả mọi thứ từ đầu đến giờ. Gần như không có câu hỏi nào bị bỏ ngỏ, và ngay cả những câu hỏi để ngỏ thật cũng không tạo cảm giác lấn cấn với sự ngỏ của nó, bởi nó đã ít nhiều được chứng minh là có ngỏ hay đóng thì cũng không quan trọng thông qua một số cuộc trò chuyện triết lý được cài cắm rất khéo rồi. Đây thực ra chẳng phải là một cái kết hoàn hảo đâu, vì có một đoạn sát nút phần kết, mình thấy nó hơi bị… ấy ấy, nhưng mà nó không đến nỗi “ấy” đến mức gây ra trải nghiệm gì quá tiêu cực, và nếu không quá khắt khe thì anh em chắc sẽ vẫn thấy nó ổn.

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

Về khoản thế giới nói chung thì Simulacron-3 là một cuốn truyện xuất bản từ thập niên 60, thế nên thế giới của nó mang một sắc thái retro-futurism rất rõ, với một loạt công nghệ mang tính tương lai mà giới viết Sci Fi thời đấy hay nhồi vào các tác phẩm của mình, kiểu xe bay, taxi tự lái, máy phục vụ đồ ăn thức uống tự động, súng laze, màn hình trò chuyện hai chiều, cơ mà chúng nó lại được xây dựng trên những cái nền công nghệ rất cũ ngày xưa, kiểu hệ thống máy tính mainframe đầy nút bấm và đèn nhấp nháy như mấy cái IBM ngày xưa, di dộng và GPS thì không tồn tại,… Đại đa số đều chỉ được nhồi vào truyện dưới dạng vật dụng trang trí thôi, chứ không được xoáy vào giải thích cơ chế kỹ tã gì cho cam. Làm như thế chính ra lại hay, bởi vì nó tạo cho thế giới này một cảm giác rất tự nhiên, với mọi thứ công nghệ lạ thường kia đều là một phần đã quá quen thuộc của đời sống hàng ngày, chẳng khác gì cái quạt hay chiếc dép ta đi trong nhà.

Dẫu thế, thi thoảng vẫn thấy có một thứ gì đấy được lôi ra và đào sâu hẳn vào. Một ví dụ có thể kể đến là cái cách trong thế giới này, con người ta đã phát triển các ngành khoa học liên quan đến thần kinh não rất tân tiến. Một trong những ứng dụng của cái mảng này là ESB (viết tắt của “electronic brain-stimulation,” tức “kích thích não điện tử”), một dịch vụ giải trí cho phép người dùng tận hưởng những ảo giác quái đản và rất chân thực bằng cách kích thích một số phần não nhất định. Cái này đóng vai trò như một dạng ma túy hợp pháp, có điều không khiến người dùng bị quá liều. Cơ mà mặt trái nó là cũng có thể gây nghiện y như ma túy, chưa kể nếu sử dụng dịch vụ kết nối thần kinh để cùng tận hưởng ảo giác chung, ta có khả năng sẽ vô tình để lộ một số bí mật mình chôn giấu. Một ứng dụng khác của nó là sự ra đời của các “công chứng viên tâm lý,” những người chuyên thăm dò não bộ của người khác (với sự cho phép của người kia) để xác nhận tính trung thực của các tuyên bố của họ. 

Và tất nhiên, ta không thể nào không kể đến cái công nghệ Simulacron-3. Thằng này được xoáy vào mô tả sâu vô cùng. Ta được biết về cái nguyên tắc hoạt động trên lý thuyết của nó, biết rằng thằng này mô phỏng môi trường xã hội bằng cách lập ra một mô hình điện toán, trong đấy có các các đơn vị phản ứng nhân dạng điện tử, gọi tắt là “đơn vị ID.” Khi mô hình môi trường được xây dựng đủ khớp với môi trường thế giới thực, và bên trong mô hình đấy có một lượng đơn vị ID đủ cao, tương tác với nhau theo những cách đủ thực tế, ta về cơ bản sẽ có một mô phỏng xã hội tí hon mà mình toàn quyền quản lý, và sau đó có thể phân tích hành vi của các đơn vị ID trong đấy để đưa ra dự báo về hành vi của con người ngoài xã hội thật.

Ta sau đấy cũng được trực tiếp chứng kiến cách các nhân viên trong công ty chế tạo ra cái hệ thống Simulacron-3 này sử dụng nó trong thực tế như thế nào, cách họ sử dụng các yếu tố về môi trường như bảng hiệu hoặc khơi gợi ý nghĩ trong các đơn vị ID để chúng đưa ra cảm nhận về một sản phẩm nào đấy, hoặc cảm nghĩ về một quy luật nào đấy ra sao, từ đó áng chừng được phản ứng của người ngoài đời sẽ là thế nào. Ta cũng được thấy các cách họ thu thập thông tin từ đơn vị ID và quản lý các đơn vị này trong môi trường đấy, cách họ có thể kết nối trực tiếp với từng đơn vị lẻ để nhìn thấu mọi ý nghĩ, tình cảm trong tiềm thức của họ để có được dữ liệu sát thực nhất, cách họ thậm chí còn có thể tự “phóng chiếu” bản thân vào cái thế giới mô phỏng đấy để quan sát và tương tác với mọi thứ.

Ta cũng còn được thấy những thứ mang tính kỹ thuật hơn của cái Simulacron-3, cách nó có thể bị lỗi và những cái lỗi hoặc hạn chế của nó có thể được hiển thị ra dưới những dạng như thế nào. Trong mấy lần phần lỗi kỹ thuật được động đến, anh em đôi khi sẽ được gặp một số miêu tả khá quen, và nếu đây mà là tác phẩm bình thường, hẳn mọi người sẽ chỉ đơn thuần nghĩ rằng đó là tác giả có nghiên cứu game hay cái gì đấy ngoài đời thực. Cơ mà anh em cần phải nhớ rằng truyện ra đời từ tít tận năm 1964, khi máy tính về cơ bản là một thứ thiết bị xa vời với người dùng phổ thông như cách tàu vũ trụ có người lái xa vời với chúng ta ngày nay vậy. Máy tính cá nhân thì phải tít tận thập niên 70 mới rục rịch ra mắt, và ngay cả khi ấy thì chúng nó cũng cực kỳ hạn chế trong các tính năng, còn khuya mới có thể tạo ra bất kỳ nguyên mẫu nào để tác giả copy. Nói thế tức là Galouye đã gần như sử dụng trí tưởng tượng thuần túy (và có thể là một số kiến thức nặng tính lý thuyết về mô phỏng) để dự đoán về cách vận hành và các thứ lỗi mà mấy cái hệ thống kiểu Simulacron-3 sẽ vận hành. Ấy vậy mà ông anh vẫn có lúc đoán được cực sát với thực tại. Quả đúng là đáng nể

Đáng chú ý nhất, từ cái Simulacron-3 này, ta được chứng kiến rất nhiều cuộc bàn luận thú vị về bản chất của thực tại, của con người. Nếu như tất cả mọi thứ đều có thể được mô phỏng một cách giống y chang thực tại, thế thì liệu cái khái niệm “thực tại” có còn ý nghĩa gì nữa không, hay nó chỉ đơn thuần là một thứ mô phỏng, có điều dựa trên những nguyên tắc khác? Nếu mọi thứ về thế giới vật chất bao quanh các đơn vị ID chỉ thuần túy là các xung động điện, nhưng từ góc độ của một đơn vị ID, các xung động ấy vẫn cứ là hình ảnh họ thu nhận được, âm thanh họ nghe thấy, hương vị họ nếm được, thế thì có bất kỳ lý do gì để ta từ chối coi cái thế giới của họ cũng là “thực” không? Và tiện nhắc đến chuyện đó, nếu mọi thứ cấu thành nên đơn vị ID đều chỉ là những kết quả của một thuật toán, nhưng hiệu ứng cuối cùng vẫn là những thứ không hề có bất cứ khác biệt gì so với những thứ ta vẫn gọi là ký ức, tâm tư, tình cảm, vậy thì có lý do gì để ta không công nhận chúng là ký ức, tâm tư, tình cảm không?

Bên cạnh mấy thứ liên quan đến công nghệ như vậy, tác phẩm còn rất đầu tư xây dựng cái mảng xã hội của mình. Phần đáng chú ý nhất về xã hội của Simulacron-3 là sự hiện diện của cái nghề khảo sát ý kiến, hoặc, như các tác phẩm gọi nó, là nghề “reaction monitoring” (tức “theo dõi phản ứng”). Như đã nói ở trên đấy, trong thế giới của truyện, cái nghề này giờ đã trở thành một ngành công nghiệp lớn khủng khiếp. Có nguyên một hiệp hội chuyên quản lý các nhân sự trong ngành, gọi là Association of Reaction Monitors (viết tắt là ARM), và đội này hoạt động một cách hết sức chuyên nghiệp, song đồng thời cũng cực kỳ phiền toái. Trong suốt chiều dài câu chuyện, ta luôn luôn được thấy các nhân sự ARM xộc đến đủ mọi nơi, mọi chốn, yêu cầu thiên hạ phải trả lời phỏng vấn về các sản phẩm, chính sách, các kiểu. Họ có thể chặn đường người đang đi trên phố, leo vào tận các công ty, tập đoàn lớn và yêu cầu nói chuyện với các sếp, thậm chí chường mặt đến tận nhà riêng của các nhân vật tai to mặt lớn để xin ý kiến. Luật pháp cũng quy định một cách quy củ đến đáng ngạc nhiên về quyền hạn của các chuyên viên khảo sát ấy cũng như người được yêu cầu làm khảo sát, với trường hợp nào thì chuyên viên khảo sát được quyền gặng ép, trường hợp nào thì người làm khảo sát được phép từ chối, trường hợp nào chối thì ăn phạt, ngoại lệ là như thế nào,…

Bên cạnh việc cung cấp cho tác phẩm một số phân cảnh hài hước, cái sự ngứa thịt của nhân sự ARM đã góp phần giúp cho thế giới tác phẩm trở nên chặt chẽ hơn. Vì được trực tiếp chứng kiến cái kiểu phiền nhiễu của ARM, ta hoàn toàn có thể hiểu được tại làm sao một thiết bị như Simulacron-3 lại được chế tạo, và sao nó lại có thể có tiềm năng được người đời ủng hộ mạnh mẽ. Ngoài ra, việc bọn họ đâu đâu cũng gặp và là một phần quá khăng khít của đời sống xã hội khiến ta thực sự thấm thía được cái quy mô của ngành kinh tế khảo sát này, và từ đấy ý thức được Simulacron-3 có thể làm đảo lộn xã hội thế nào nếu nó được đưa vào ứng dụng thương mại trên diện rộng. Với Simulacron-3, nhu cầu đối với ARM sẽ sụt giảm nghiêm trọng, và thậm chí, sớm muộn gì người ta sẽ không còn cần đến những con người như thế nữa, và những ngành ăn theo như phân tích kết quả nhân viên ARM thu được cũng sẽ chết đói hết. Điều này đồng nghĩa với việc một bộ phận dân số cực lớn sẽ mất sạch việc làm, và tất nhiên, trước một viễn cảnh đen tối như thế, xã hội tất không thể nào bình yên được.

Chính từ đó, ta có một xung đột chính trị rất hấp dẫn nảy ra. Ngay khi hay biết về cái dự án Simulacron-3 của REACO, phía ARM đã cuống hết cả lên và tổ chức các cuộc đình công, viện đến mọi quan hệ chính trị có thể để ngăn nó được đưa vào hoạt động. REACO thì cũng không chịu ngồi im, và đã dùng mọi chiêu bài mình có trong tay, từ cứng lẫn mềm, để thao túng dư luận hòng đè bẹp ARM và triển khai Simulacron-3 càng sớm càng tốt. Kết hợp với điều này là việc giám đốc REACO cũng có ý đồ cá nhân riêng với Simulacron-3, và một bên đối thủ khác của REACO cũng muốn tranh cướp thị phần và ăn cắp bí mật kinh doanh của bên này, thế nên ta có những màn chia phe đấu đá trong nội bộ công ty, cài gián điệp thăm dò tá lả khắp nơi, đọc rất ư là cuốn.

Ngoài đó ra, còn một điều thú vị nữa là đến khoảng gần cuối, Simulacron-3 còn nâng cái thế giới của mình lên thêm một tầng nữa, tạo ra một lý do lý thú và lô-gic đến bất ngờ để biện minh cho sự tồn tại của ARM cũng như lý do cái xung đột giữa tổ chức này và REACO lại có thể diễn ra nảy lửa đến thế. Vì cái này spoil truyện rất nặng, thế nên mình không thể động sâu đến nó được, cơ mà anh em cứ biết là không có cái gì trong thế giới truyện này ngẫu nhiên lòi ra đâu nhé.

NHÂN VẬT

Nhân vật có lẽ là khoản mà Simulacron-3 làm yếu nhất. Nó không hẳn là làm mọi thứ một cách tồi tệ hay gì đâu, nhưng mà thực sự là mình gần như không thấy có mấy ấn tượng với đội nhân vật trong này. Đúng là hầu hết tất cả mọi nhân vật đều có nét tính cách rất riêng, và ai cũng có những động cơ rất chân thực để làm những việc mình làm, cơ mà đại đa số bọn họ chỉ là các nhân vật một chiều, không thực sự có quá khứ hay tâm tư tình cảm gì sâu lắm. Gần như mọi sự thú vị về họ đều đến từ cốt và cách họ phản ứng trước những tình huống mà cốt đưa ra, chứ tự thân họ thì không có gì đáng để chú ý cả.

Tỉ như thanh niên nhân vật chính nhà ta ấy. Đồng chí này cũng gọi là có tí quá khứ với một số diễn biến nội tâm thú vị, nhưng hầu như mọi thứ đáng hấp dẫn về ông anh đều đến từ cái cách thanh niên phải ứng phó với những âm mưu rình rập quanh mình, và cách thanh niên có những lúc còn gần như loạn thần vì không biết hư thực là như thế nào. Nhưng ngoài đó ra thì không có cái gì gọi là đáng chú ý về con người đồng chí này cả. Thứ gần giống với một sự xây dựng nhân vật là mối tình giữa ông này và một nhân vật khác, cơ mà nó là một kiểu tình yêu khá là hời hợt, đậm chất truyện pulp. Có một cái khủng hoảng nhất định liên quan đến cuộc tình đấy mình thấy khá ưng, nhưng một lần nữa, đó là một yếu tố liên quan đến cốt, chứ không phải cái gì đến từ tự thân tính cách nhân vật.

Cơ mà cũng có một nhân vật được xây dựng theo một kiểu mình thấy khá ưng, dù hơi bị cliché một tí. Thanh niên này chỉ là một nhân vật phụ thôi, cơ mà bỗng dưng lại được cấp cho một cái quá khứ khá sâu (ít nhất là sâu hơn hẳn so với các nhân vật khác trong truyện). Có khả năng khi đọc đến đoạn quá khứ của nhân vật đó xong, anh em sẽ có một màn quay xe 180 độ đối với thanh niên này, bởi cái quá khứ đó khiến mọi hành động trước đây của người đấy mang một màu sắc khác hẳn, và ta không thể nào nhìn nhận đồng chí này bằng con mắt như cũ được nữa. 

Cơ mà rất đáng tiếc là thanh niên đó chỉ xuất hiện trong một vài cảnh, và sau vụ tiết lộ quá khứ thì gần như biến mất hoàn toàn luôn, chỉ quay lại đúng một lần duy nhất ở hồi kết.

TỔNG KẾT

Simulacron-3 là một tác phẩm chứa đựng khá nhiều sự bất ngờ, nhưng yếu tố đấy của nó thực chất lại đến từ sự… dễ ngờ của nó. Thường thì với một câu chuyện đậm chất trinh thám như thế này, có đáp án dễ đoán sẽ là một điểm yếu trí mạng, làm giảm nghiêm trọng độ hấp dẫn của nó. Nhưng phi thường một điều là bất chấp cái sự dễ đoán đấy, truyện lại vẫn duy trì được sức hút từ đầu đến cuối, và bất chấp đôi ba chỗ hơi gập ghềnh, nó mang lại một trải nghiệm đọc ổn áp đến khó tin. Nếu muốn tận hưởng một câu chuyện Sci Fi trinh thám chất lượng, với những bàn luận và suy tưởng mang tính vượt thời đại một cách khó tin, anh em hãy thử ngó qua thằng này nhé.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.