Chuyển đến nội dung chính

Từ một vụ AI nhái giọng, nghĩ về nguy cơ Tolkien bị bắt "hồi sinh"

 Hôm qua lúc share lại cái đoạn ghi âm Tolkien đọc 1 đoạn trích Hobbit, mình có đùa rằng nếu con ông cụ mà còn sống thì có khi nhà Tolkien cũng nọc cổ ông anh ra bắt đọc truyện để còn thu âm bán audiobook. Cơ mà nay nhìn thấy cái tin này xong, tự nhiên lại nghĩ cái ý tưởng đấy chưa chắc đã không thể thành sự thật được đâu.

Stephen Fry ‘Shocked’ to Discover AI Stole His Voice From ‘Harry Potter’ Audiobooks and Replicated It Without Consent, Says His Agents ‘Went Ballistic’

Cụ thể là vừa bữa trước, tại một lễ hội công nghệ ở London, Stephen Fry, một phát thanh viên kiêm diễn viên lồng tiếng khá nổi, đã cho trình chiếu một thước phim tài liệu với giọng mình lồng tiếng. Nhưng theo lời Fry, cách đấy ít lâu, ông anh thậm chí còn hoàn toàn chẳng hề hay biết về cái phim này, chứ đừng nói là lồng tiếng cho nó. Thứ góp giọng thuyết minh cho phim thực chất là một con AI, và nó đã sao chép lại y hệt giọng Fry bằng cách phân tích giọng đọc của ông ta trong bản audiobook của Harry Potter.

Việc AI nhái được giọng thực ra chẳng có gì mới cả. Cái công nghệ này đã được cực nhiều bên phát triển, và chúng thậm chí còn có thể nhái chuẩn giọng người với chỉ một phút ghi âm (anh em có thể tham khảo hai ví dụ về công nghệ đấy ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2023/01/du-inh-cung-cap-tinh-nang-nhai-giong.html và ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2019/07/melnet-mot-ai-nhai-giong-nguoi-noi.html), thế nên việc Stephen Fry, một người của công chúng với số lượng các sản phẩm và bài phát biểu được ghi âm lên đến hàng trăm, bị nhái giọng thì cũng không phải đáng ngạc nhiên cho lắm. Cái mới ở đây chỉ là cái thước phim dùng giọng nhái của ông anh có lẽ là thành phẩm thương mại đầu tiên ứng dụng công nghệ ấy đối với người nổi tiếng.

Từ đây, ta quay ngược về vụ của Tolkien. Dù không lên sóng truyền hình nhiều như Fry, và ngay cả khi lên thì chất lượng âm thanh cũng không được trong và nét như Fry, Tolkien cũng đã để lại khá nhiều bản ghi âm, hoặc dưới dạng các thước phim tài liệu thực hiện về ông (anh em tham khảo bài này: https://scifivietnam.blogspot.com/2023/10/tolkien-chia-se-ve-ngon-ngu-tien-cua.html), hoặc dưới dạng các bản ghi âm trích đoạn ông đọc (anh em tham khảo bài hôm qua). Với ngần ấy dữ liệu đầu vào, kể cũng chẳng quá khó để đám AI nhái lại giọng ông cụ.

Và không như trường hợp của Fry, phía nhà Tolkien sẽ chẳng việc gì phải làm lậu cả. Họ hoặc đã nắm sẵn quyền sử dụng các bản ghi âm mà Tolkien để lại, hoặc có thể thương lượng mua lại từ các nguồn kia, sau đó danh chính ngôn thuận kết hợp với một công ty chuyên cung cấp dịch vụ đọc audiobook bằng AI, chẳng hạn như ElevenLabs hoặc Apple (anh em có thể tham khảo chất lượng AI của các bên này ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2023/02/ai-cua-elevenlabs-va-mot-tuong-lai-tiem.html và ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2023/02/sach-noi-bang-ai-mot-du-moi-cua-apple.html), để cho Tolkien đội mồ sống dậy và đọc lại tất cả những gì mình từng viết để phục vụ thiên hạ.

Và trước cái tình hình AI ngày một phát triển lên cao cấp hơn, nhái được cả tông giọng nhấn nhá chứ không chỉ một cái giọng bình bình nữa, chưa kể nhà Tolkien thì ngày một cạn kiệt ý tưởng để kéo dài sự nghiệp vắt sữa di sản Trung Địa, có khi tầm dăm chục năm nữa, chuyện này dễ trở thành sự thật lắm chứ chẳng đùa đâu.

Kể ra vụ này cũng khá khó nghĩ. Cái ý tưởng được nghe cái giọng Tolkien đọc Silmarillion, như thể đích thân ông cụ đang thuật lại lịch sử Trung Địa cho ta nghe, đúng là hấp dẫn khó cưỡng. Cơ mà nghe cái kiểu ăn đến cả xương người chết như thế thì đúng là bỉ thật đấy.


***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.