Chuyển đến nội dung chính

Một số chiêm nghiệm về các dạng thức sống với khả năng tương tác với một lượng chiều không gian khác chúng ta

 Nhân bữa trước có nhắc đến thằng Tam Thể, mình lại nhớ đến một cái clip đã xem cách đây ít lâu, có liên quan đến một đề tài đã được Lưu Từ Hân sử dụng làm nền móng cho bộ truyện. Nó là một clip do Curious Archive thực hiện, bàn về các thức sống có thể trải nghiệm và tương tác với một lượng chiều không gian thấp hoặc nhiều hơn chúng ta.


Trước khi vào bài thì xin lưu ý với anh em một tí rằng trong một phần khá lớn của clip, Curious Archive coi cái chiều thứ 4, chiều thời gian, là một chiều #0 mặc định mà mọi sinh vật đều có thể trải nghiệm. Lý do cực kỳ đơn giản: nếu không thể trải nghiệm được thời gian, các sinh vật sẽ mặc định đóng băng vĩnh viễn, hoặc sẽ tức thì biến mất ngay trong cái tích tắc chúng nó ra đời (nói cách khác là không tồn tại được). Thế nên trong mấy bài viết bên dưới, cứ khi nào thấy chiều thời gian không được đề cập đến, anh em cứ auto cộng thêm nó vào nhé.

Giờ thì vào vấn đề chính này.

Cái đầu tiên mà clip động đến là các sinh vật 2D. Đám này tồn tại trên một cái mặt phẳng theo đúng nghĩa đen, chỉ có thể di chuyển được trên hai trục X và Y mà thôi, chứ không có khái niệm về chiều sâu. Nếu chúng ta, một thực thể 3D, đi xuyên qua cái mặt phẳng cấu thành thế giới của chúng, tất cả những gì đám đấy có thể trông thấy (hoặc cảm nhận được, tùy cách tiếp nhận thông tin ngoại cảnh của chúng nó) là những lát tiết diện mỏng của cơ thể chúng ta. Nói nôm na, trong “mắt” bọn nó, chúng ta sẽ như kiểu một cái ảnh chụp MRI động vậy, từ hư không xuất hiện và thay đổi kích thước to nhỏ theo một kiểu rất khó hiểu, sau đó biến mất tăm.

Đáng chú ý là trong số tất cả những gì mà cái clip này động đến, các sinh vật 2D là thứ dễ lập mô phỏng nhất. Như clip có giới thiệu, nếu muốn tạo dựng một thế giới 2D, mọi người có thể thử sử dụng ALIEN (viết tắt của Artificial Life Environment, anh em tham khảo web chính thức của nó ở đây: https://alien-project.org/). Đây là một chương trình cho phép anh em mô phỏng một hệ sinh thái 2D, sau đó tạo ra các sinh vật ảo và để chúng nó loay hoay ở đấy. Bọn này không hẳn là một sinh vật sống theo cách ta vẫn hay hiểu, nhưng chúng nó vẫn biết phản ứng với các tác nhân môi trường, và chúng nó có thể sinh sôi nảy nở. Vậy tức là nếu áp dụng một định nghĩa lỏng lẻo hết mức có thể, đây vẫn có thể coi như một dạng sinh vật kỹ thuật số nguyên thủy.

Mấy sinh vật 3D thì chúng ta không còn lạ gì rồi, bởi vì chúng ta chính là bọn nó đấy, thế nên clip nhảy cóc qua phần này và bay lên 4D luôn.

Vì nếu tồn tại, lũ 4D sẽ nằm ở một cái tầng cao hơn chúng ta, thế nên sẽ rất khó để ta có thể hình dung chúng nó là thế nào. Chính vì vậy, cách tốt nhất để nghĩ về đám 4D là hãy thử hình dung cách bọn 2D nghĩ về đám 3D nhà chúng ta.

Như đã nói ở trên đấy, lũ 2D sẽ chỉ có thể nhìn thấy một mặt cắt 2D của cơ thể chúng ta khi chúng ta cắt ngang qua thế giới của chúng nó. Trong mắt lũ 2D, chúng ta là một cái khối cứ liên tục xuất hiện và biến mất không theo một cái quy luật nào cả. Giờ giả sử ta đặt 2 vật 3D chồng vào nhau (ví dụ như bỏ một viên bi vào một cái cốc), sau đó để cái thế giới 2D cắt ngang qua cả 2 vật đấy (với mặt phẳng thế giới 2D nằm song song với đáy cốc), và nhờ bọn 2D tách riêng 2 vật thể kia ra, lũ 2D sẽ chẳng hiểu phải làm thế nào cả. Cái cốc sẽ xuất hiện dưới dạng một vòng tròn kín bưng, không có lối vào, còn viên bi là một vòng tròn nhỏ nằm bên trong nó. Bọn 2D sẽ chẳng cách nào lọt được vào trong cái vòng ngoài, hay thậm chí nhìn xuyên thấu qua được nó để biết về cái viên bi nằm trong. Ngay cả khi vì một lý do nào đấy, 1 thằng 2D độn thổ được vào bên trong cái vòng tròn ngoài, nó cũng chẳng tài nào lôi được cái vòng tròn nhỏ ra ngoài cả. Nó chỉ có thể đẩy cái vòng tròn đó tới lui, đi đâu cũng đụng vào thành của vòng tròn ngoài mà thôi.

Nhưng với chúng ta, những sinh vật 3D, việc tách 2 thằng kia ra khỏi nhau cực đơn giản. Ta chỉ việc nhấc viên bi ra khỏi cái cốc theo trục Z của thế giới 2D, xong đặt nó sang bên cạnh cái cốc là xong. Tuy nhiên, từ điểm nhìn của bọn 2D, chúng nó sẽ thấy ta như vừa yểm phép ma vậy. Trong mắt chúng nó, cái vòng tròn nhỏ đại diện cho viên bi sẽ chợt co nhỏ dần, cho đến khi tự nhiên biến mất tăm, không thấy bóng dáng đâu nữa. Thế rồi tự nhiên, ở bên ngoài vòng tròn to, chợt có một vòng tròn cứ lớn dần, lớn dần, cho đến khi nó trở thành cái vòng tròn nhỏ cũ.

Bọn 4D cũng sẽ là một thực thể tương tự như vậy với chúng ta. Chúng ta sẽ luôn chỉ có thể nhìn thấy một “tiết diện” của bọn nó, chứ không phải là cái cơ thể hoàn chỉnh của lũ này. Chỉ có điều thay vì là một hình phẳng, cái tiết diện này sẽ là một khối 3D, với hình hài to nhỏ thất thường và biến dạng theo những cách rất quái chiêu, trong quá trình cái thằng 4D kia đi xuyên qua cái thế giới của chúng ta.

Và cũng tương tự với trò hòn bi và chiếc cốc ta bày ra ban nãy cho bọn 2D xem, đám 4D cũng có thể khiến ta lác mắt với một trò tương tự. Chúng nó có thể bỏ một “hòn bi” 4D vào 1 “cái cốc” 4D, sau đó nhờ ta tách 2 vật ra khỏi nhau. Nhưng khốn nạn là thứ duy nhất ta có thể nhìn thấy là một khối liền mạch kín bưng, không có đường ra đường vào. Ngay cả khi vì lý do gì đó độn thổ được vào bên trong cái khối bao bên ngoài đấy, và nhìn thấy “mặt cắt” của hòn bi kia, ta cũng chẳng có cách nào lôi được nó ra ngoài. Chúng ta đang như ở trong một cái két sắt kín bưng, nội bất xuất ngoại bất nhập.

Nhưng với đám 4D, chúng nó chỉ cần đơn giản “bốc” cái hòn bi đó ra khỏi cốc theo một chiều W bí ẩn nào đấy mà ta chẳng cách nào mường tượng nổi, xong đặt sang bên cạnh là xong. Và ở góc nhìn của ta, thứ ta thấy sẽ là cái khối bi kia chợt biến dạng nháo nhào, và dần quắt lại cho đến khi nó biến mất dạng. Thế rồi ở bên ngoài, chợt một cục quái thai gì đấy cứ lớn dần , cho đến khi một lần nữa nó trở thành cái cục ta đã nhìn thấy bên trong cái cốc.

Nói thế này thì hơi khó hình dung, nhưng may là Curious Archive đã giới thiệu một số công cụ rất hấp dẫn để giúp mọi thứ bớt trừu tượng. Một trong số đó là 4D Toys. Đây là một game trên Steam (anh em có thể mua ở đây: https://store.steampowered.com/app/619210/4D_Toys/), mô phỏng trải nghiệm của một thực thể 3D tương tác với các đồ vật 4D. Cái game này sẽ tạo ra những vật thể trong một không gian 4D ẩn, và chỉ cho ta thấy 1 lát cắt 3D của nó. Tỉ dụ, game sẽ trưng ra một cái bồn bóng, chứa một nhúm siêu cầu 4D. Nhìn bề ngoài thì có vẻ cái bồn đấy không có nhiều bóng lắm, nhưng nếu ta sử dụng một công cụ để di chuyển cả thế giới của mình qua không gian 4D, từ đấy thay đổi lát cắt của vật thể, ta tự nhiên sẽ thấy một loạt quả bóng biến mất, và một loạt quả khác không hiểu từ đâu tòi ra.

Game thậm chí còn có cả một số bài toàn đố, với các vật thể 4D lồng vào với nhau như trò viên bi và cái cốc đã nói ban nãy. Nếu nhìn vào cái mặt cắt 3D của chúng nó, ta sẽ thấy mấy cái khối đó mọt kiếp không thể nào được tách rời, bởi vì chúng nó không có khoảng hở nào hết. Tuy nhiên, bọn này kỳ thực lại có một cái đoạn hở nằm đâu đó trong chiều W thứ tư. Nếu có thể dò đến đúng chỗ mặt cắt đấy, đồng thời hình dung được cái khối này đại khái có hình dạng tổng thể là thế nào, ta sẽ có thể tìm ra cách dịch chuyển chúng nó sao cho bọn nó tách rời nhau ra được.

Một ví dụ thậm chí còn thú vị hơn là 4D Miner (https://store.steampowered.com/app/1941640/4D_Miner/). Cái game này mới nhìn qua thì anh em sẽ tưởng nó là một bản đú của Minecraft, và nghĩ thế cũng không sai cho lắm. Tuy nhiên, nó cũng giống như 4D Toys ở chỗ có chứa một cái chiều thứ 4 ẩn, và tất cả những gì ta nhìn thấy chỉ là một mặt cắt 3D của nó. Nếu sử dụng con lăn chuột, anh em sẽ thấy cả thế giới thay đổi theo một cách rất quái dị. Nguyên nhân là vì mọi người đang dịch cả thế giới theo cái trục W thứ tư, và đang được quan sát một tiết diện mới của không gian 4D. Nhờ vậy, một không gian ngỡ tưởng bé tí kỳ thực lại có thể to khổng lồ, và một vùng đất những tưởng không có tí tài nguyên gì kỳ thực lại có thể rất dồi dào cây cối cùng các vật liệu xây dựng khác. Cái chính là ta phải “lăn” đến đúng cái mặt cắt cần thiết.

Cơ mà ấn tượng nhất là trong cái thế giới này có những con quái vật tồn tại ở không gian 4D, và bọn nó sẽ tìm cách ăn thịt anh em. Mọi người có thể xây một cái nhà ngỡ tưởng kín bưng, nhưng bọn nó sẽ vẫn có thể trông thấy và chui được vào để giết mọi người. Nguyên do là mọi người mới chỉ quây kín ở 1 mặt tiết diện cắt theo phương W thôi, trong khi nếu dịch lên hoặc xuống cái trục W đấy, sẽ có những khoảng trống để lũ quái trông thấy anh em và lọt vào nhà anh em. Nó cũng tương tự như mọi người đã xây được 4 bức tường cực kỳ vững chãi, giúp bản thân có thể chống chọi với mọi kẻ thù từ cả 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc; nhưng khốn nạn là “thành trì” của mọi người không có nóc, thế nên bất kỳ thằng biết bay cũng có thể bổ nhào xuống từ trên cao và vả mọi người sưng mặt.

Sau khi bàn xong về cái thế giới 4D này, clip động đến một thế giới khác, ấy là thế giới… 4D. Hay nói chuẩn hơn, thứ mà clip động đến là cái thế giới của các sinh vật 3D, nhưng chúng nó có thể tương tác với cái chiều thời gian theo một cách không bị hạn chế như chúng ta (từ giờ sẽ gọi nó là 3D+1 để phân biệt với thằng 4D).

Cụ thể, như anh em biết rồi đấy, tất cả chúng ta đều luôn “di chuyển” dọc theo chiều thời gian. Vấn đề là chúng ta chỉ có thể di chuyển theo đúng một đường duy nhất, đó là từ quá khứ đến tương lai, chứ không thể di chuyển theo chiều ngược lại. Chúng ta cũng không thể nhìn ra xa về cả 2 phía của cái chiều thời gian này như cách ta phóng mắt nhìn về khoảng xa trong không gian vật lý được. Nói một cách dễ hiểu hơn, chúng ta không thể nhìn lên được tương lai, mà cũng chẳng có thể nhìn ngược về được quá khứ. Thứ gần nhất với việc nhìn ra xa trên chiều thời gian mà ta có thể làm là mô phỏng lại quá khứ, hoặc dưới dạng các ký ức, hoặc dưới dạng ghi lại nó qua băng hình để về sau xem lại.

Nhưng một thực thể 3D+1 sẽ không bị giới hạn như chúng ta. Đám đấy sẽ có thể tương tác với chiều thời gian theo một cách giống hệt không gian vật lý, tức là chúng sẽ có thể đi lùi về quá khứ, dấn tới tương lai, hoặc nhìn thấy từ xa cả các sự kiện xảy ra trong quá khứ lẫn tương lai.

Bọn 3D+1 kiểu này rất được Sci Fi ưa chuộng, bởi vì chúng nó không lằng nhằng và trừu tượng như bọn 4D rặt toàn không gian kia, chưa kể rất nhiều phiên bản tương tự với các thực thể này cũng đã được thiên hạ hình dung ra trong suốt chiều dài lịch sử của mình. Đó chính là hình mẫu những nhà tiên tri, những con người có thể “nhớ” được về các kiếp đời xưa tít từ thuở nào, những người bị tống ngược về quá khứ hoặc bị kéo phóc lên tương lai,… Tất cả những gì cần làm là phủ cho những nguyên mẫu ấy tí khoa học là xong.

Một ví dụ hẳn sẽ rất quen thuộc với anh em là truyện ngắn Story of your life của Ted Chiang, cách đây mấy năm đã được chuyển thể rất thành công thành bộ phim Arrival. Phim có sự xuất hiện của một chủng người ngoài hành tinh, và bọn này là những sinh vật 3D+1 theo nghĩa chúng nó có thể nhìn được rất xa trên chiều thời gian. Mọi khoảnh khắc trong cuộc đời của bọn nó, cả ở quá khứ lẫn tương lai, đều có thể được bọn nó trải nghiệm đồng thời, mặc dù chúng nó không thể thay đổi được các sự kiện diễn ra trong đấy hay đẩy mình đi tới đi lui trên chiều thời gian. Chính điều này đã khiến bọn nó hình thành một thứ ngôn ngữ cực kỳ quái lạ, đòi hỏi người viết phải biết trước được tương lai thì mới sử dụng nổi.

Một trường hợp thú vị khác là cái game 5D Chess (https://store.steampowered.com/app/1349230/5D_Chess_With_Multiverse_Time_Travel/). Đây chỉ là một trò cờ vua, và cũng sử dụng các luật của cờ vua thôi, nhưng dị một cái là các quân cờ trên này lại là những thực thể 3D+1. Bọn nó có thể nhảy tới nhảy lui quá khứ và tương lai, đẩy các quân cờ về những thế trận trong quá khứ để nhảy qua hàng phòng ngữ của địch, hay thậm chí ăn các quân của địch trước khi lũ địch ăn một quân trọng yếu nào đấy.

Không chỉ có vậy, bọn này còn có thể nhảy qua nhảy lại giữa các tuyến thời gian song song, tức là chúng nó không chỉ còn bị giới hạn bởi 4 chiều như thường nữa. Bọn này di chuyển được theo chiều X, Y, Z (ok, vì là quân cờ nên bọn nó chính ra chỉ có thể di chuyển được trên trục X và Y thôi, nhưng anh em cứ coi việc bọn nó là những quân cờ 3D, có thể được nhấc lên hạ xuống như một kiểu di chuyển trên trục Z nhé), đồng thời còn di chuyển được theo chiều Tx (tiến lui trên 1 trục thời gian nhất định) và Ty (đi sang ngang trên trục thời gian, chuyển từ trục thời gian này sang trục thời gian khác). Điều này làm cho bọn nó trở thành những sinh vật 5D luôn, chứ không còn chỉ là sinh vật 3D+1 nữa.

Ngoài mấy cái trên ra thì clip còn bàn đến những thằng ở các chiều cao hơn nữa, dù bàn không được sâu lắm, căn bản vì nó quá khó để hình dung (lên được đến 5D là đã thấy loạn vkl rồi). Anh em nào muốn biết đầy đủ thì hãy ngó clip nhé.

Ngoài ra, nếu thấy ưng mấy cái sinh vật thuộc các không gian đa chiều thế này, mọi người hãy thử ngó qua cuốn Xứ Phẳng của Edwin A. Abbott nhé. Nó gần như là phiên bản tiểu thuyết của cái clip này luôn (hoặc đúng hơn cái clip là phiên bản minh họa cho quyển truyện đấy), và chưa kể nhiều khả năng còn là nguồn cảm hứng cho Lưu Từ Hân khi ông anh viết ra quyển 3 của Tam Thể đấy.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.