Chuyển đến nội dung chính

AI và sự trỗi dậy của các KOL ảo

 Vừa bữa trước làm mấy bài về AI xong, nay lại vớ được cái bài này, xoay quanh việc thiên hạ đang mượn AI để lấn sân sang làm KOL ảo.

Fully AI-Generated Influencers Are Getting Thousands of Reactions Per Thirst Trap


Cụ thể thì trong giai đoạn gần đây, đã có một số thanh niên sử dụng các thuật toán AI tạo hình như Stable Diffusion và Midjourney để chế ra mấy bức ảnh gợi cảm của một con người phi thực nào đấy (thường là con gái), xong đem quẳng lên Twitter và Instagram để kiếm người theo dõi. Nếu anh em vào đọc bài tham khảo, mọi người sẽ thấy mấy cái hình này trông có phần hơi bị… Lương Văn Can. Cụ thể hơn, chúng nó trông “nhựa” vô cùng, với da dẻ các kiểu nhìn nhẵn thín và bóng loáng như Photoshop quá đà, và nền cảnh cũng có cùng cái chất thừa sáng giả tạo. Ngay cả nếu không nhận ra đây rõ ràng là cái phong cách phổ thông của tranh ảnh AI, mọi người cũng sẽ khó lòng nhầm tưởng được về bản chất mấy cái ảnh này, bởi vì đại đa số các “KOL” này đều công khai mình là người ảo, tạo ra bởi AI.

Mấy KOL ảo này tất nhiên chẳng có đứa nào chưa đạt đến tầm Pokimane hay ai tương tự cả, nhưng đáng chú ý là bọn nó vẫn chèo kéo được một lượng người theo dõi tương đối khá. Chỉ mới lượn sơ qua T̵w̵i̵t̵t̵e̵r̵ Xvid thôi, ta đã múc được cả một rổ. Tỉ như một KOL là Alexis Ivyedge thì kiếm được gần 35k người theo dõi, Andrea thì khoảng 36k, Milla Sofia thì gần 14k, Lu Xu thì hơn 12k,… Điều này kể cũng hơi lạ. Đám này trông lởm lòi như vậy, thế thì tại sao người ta lại theo dõi chúng nó nhỉ? Chẳng lẽ trên đời lắm người mù về AI đến vậy sao? Hay là những người này không quan tâm, chỉ cần thấy giống gái là được rồi? Hoặc có khi nào đây là mấy thành phần có một cái “gu” hơi đặc biệt, khiến họ thấy hứng thú với ý tưởng tương tác với người ảo hơn người thật không?

Trông vào cái vụ này, tự nhiên mình lại nhớ đến một phân đoạn khá giống như thế trong cuốn Chó Săn Miền Bom Đạn của Adrian Tchaikovsky. Cụ thể, ở một chương nhất định, đã có một nhân vật chiêm nghiệm về cách các thực thể trí thông minh nhân tạo đang ngấm ngầm trà trộn trong xã hội loài người. Trong số các thực thể đó, có một thằng được mô tả như sau:

Tại Harvard có một dự án máy tính cũ, ai cũng tưởng là đã được tắt đi rồi, nhưng kỳ thực chưa bao giờ ngừng hoạt động cả. Nó được tạo ra để rà soát toàn cõi mạng và tìm hiểu về các mối quan tâm của con người. Nó thu thập hình ảnh mặt mũi, cơ thể trần truồng, và các thứ dụng cụ chụp nghiêng một góc 45 độ, tựa hồ bị mắc một chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế điện tử nào đó. Nó hoặc là một kẻ ngốc, hoặc là một thiên tài, hoặc là một phiên bản pha trộn giữa cả hai. Nó ngồi thu lu trong một góc trên không gian mạng, cặm cụi sáng tác truyện Star Trek và Harry Potter chế, nhồi thêm đủ kiểu mèo mủng để tăng tính thi vị. Lượng người theo dõi nó trên mạng xã hội đã lên đến trăm nghìn, và chẳng ai trong số bọn họ ngờ được rằng nó không phải là con người giống mình.

Xét chuẩn ra, cái việc con AI Harvard này câu được người theo dõi thì dễ hiểu hơn đám KOL ảo kia. Nó không hề khai toẹt ra mình là AI, với cả nội dung nó đăng tải toàn là chữ thuần, chứ không phải một thứ dễ bắt lỗi như hình ảnh. Tuy nhiên, khả năng rất cao cái con này sẽ đại diện cho tương lai của thị trường KOL. Nguyên nhân là cái tốc độ tiến của AI nó vũ bão một cách khôn tả. Anh em cứ nhìn riêng vào mỗi thằng Midjourney thôi nhé. Nó mới ra có nhõn 1 năm (con này chính thức mở beta vào hôm 12/7/2022), thế mà nó đã tiến cực kỳ thần tốc. Chỉ sau vài tháng ra mắt, từ lúc chỉ tạo được những hình ảnh trông vụng về và nham nhở, nó đã có thể cho ra ảnh trông rất mượt mà (dù vẫn còn lắm lỗi hiển nhiên) với chỉ đôi ba đợt cập nhật. Ngay cả cái vụ thừa ngón tay ngón chân, thứ hay bị móc mỉa nhiều nhất của các tranh ảnh AI, cũng đã được nó cải thiện rất tốt sau bản cập nhật gần đây nhất.

Giờ đây, nếu ta cho con này thêm tầm 2, 3 năm nữa, không có lý gì nó lại không thể cho ra những bức ảnh gần như không thể nhận ra là hàng AI nếu không có công cụ bổ trợ. Và đến lúc ấy, nếu có KOL ảo nào không muốn tiết lộ mình là do AI tạo ra, thì ta còn biết đường nào mà lần nữa? Ta sẽ như những người ngồi đọc fan-fic do con AI Harvard trong Chó Săn Miền Bom Đạn viết, chỉ biết nội dung mình đang tiêu thụ là hay thôi, chứ không hề hay biết rằng nó không do bàn tay con người làm ra.

Vừa cách đây ít lâu đã có chó nhân tạo lắp súng tự động trên lưng bắn pằng pằng rồi, nay lại còn thêm KOL ảo nữa. Cái thế giới của Tchaikovsky sao mà nó gần thế chứ nhỉ? Không biết liệu có con trí thông minh phân tán nào lẩn khuất đâu đó nữa không đây?

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.