Chuyển đến nội dung chính

Một thí nghiệm mù về tranh AI tình cờ được Phúc Minh thực hiện

 Như anh em biết rồi đấy, hiện phía Phúc Minh vừa tung ra một cặp bìa cho tuyển tập Edgar Allan Poe mới của họ, nhờ thiên hạ bầu xem nêu chọn cái nào đem in. Bên cạnh việc thông báo cho thiên hạ biết sắp sửa có thêm một bản dịch Poe mới xuất hiện, và nghe mùi sẽ đầy đủ hơn phần đông các tuyển tập khác chứa truyện của thanh niên, cái bài bình chọn đấy nhiều khả năng còn đã vô tình làm được một điều rất thú vị mà tính đến nay, mình chưa thấy có ai lưu tâm. Nó nằm ở hai bức ảnh được sử dụng để tạo ra mấy cái bìa này.



Đầu tiên, mọi người hãy nhìn vào cái bìa thứ hai nhé. Yếu tố chủ đạo của cái bìa này là một ngôi nhà đổ nát xiêu vẹo, và nếu nhìn lướt, mọi người sẽ không thấy nó có vấn đề gì cả. Tuy nhiên, nếu phóng to cái ảnh ngôi nhà đấy lên và soi thật kỹ, anh em sẽ thấy một số đường vân và nét vẽ của nó có một kiểu lệch lạc hơi nghịch mắt. Với đại đa số các anh em, mọi người có thể sẽ nghĩ nó chỉ là cách họa sĩ thể hiện sự đổ nát và tiêu điều của ngôi nhà. Tuy nhiên, với những anh em nào hay lượn lờ trên các cộng đồng tranh AI, mọi người sẽ thấy cái sự lệch đấy trông rất quen, giống y kiểu lỗi mà mấy thuật toán như MidJourney hay mắc phải.

Tất nhiên, cũng có khả năng bạn họa sĩ đã phát triển một kiểu phong cách rất dễ gây nhầm lẫn với tranh AI. Đây không phải là trường hợp đầu tiên từng có người vẽ tranh thủ công nhưng lại bị lẫn là của AI. Từng có vụ một họa sĩ người Việt vẽ tranh minh họa cho bìa một cuốn Fantasy, nhưng sau đó, khi đem cái tranh đấy đăng lên subreddit r/Art (một dạng diễn đàn nơi các nghệ sĩ khoe thành phẩm), bạn này đã bị phang cho một gậy vì mod của cái sub đấy tưởng đó là tranh AI (anh em có thể đọc đầu đuôi sự việc tại đây: https://www.unilad.com/community/professional-artist-book-cover-accused-ai-799467-20230107). Tuy nhiên, trông cách các nét được vẽ theo kiểu nhìn “đặc sản” đến vậy, cái khả năng ngôi nhà được xây lên bằng prompt chứ không phải bằng tay vẽ cũng không phải nhỏ đâu.

Đáng chú ý, đây cũng không phải là lần đầu ta bắt gặp một cái bìa sách Việt với những nghi vấn tương tự. Nếu có anh em nào đã ở trong group được một thời gian, hẳn mọi người vẫn còn nhớ đâu tầm nửa năm trước, mình từng đăng một bài về bìa của Nhà Có Bảy Đầu Hồi. Quyển này cũng do Phúc Minh phát hành với nhà cửa mang những cái lỗi hao hao thế. Anh em nào chưa biết hoặc đã quên vụ đó thì có thể tham khảo lại ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2023/04/bia-cua-nha-co-bay-au-hoi-mot-hinh-mau.html.

Bản thân việc ngôi nhà đấy có thể là tranh AI cũng đã đủ khiến nó trở nên thú vị rồi, bởi vì đây là một ví dụ rất trực quan về một cách tích hợp AI tiềm tàng vào phục vụ thiết kế trong xuất bản. Nhưng nếu nhìn tiếp lên cái bản bìa 1, anh em sẽ thấy vụ việc này thực chất lại còn hay hơn thế.

Trong trường hợp có anh em nào chưa biết, cái bản bìa thứ nhất có gốc là tranh khắc gỗ do một họa sĩ người Đức tên là Fritz Eichenberg vẽ, gốc in kèm một tuyển tập truyện Poe với tựa đề Tales of Edgar Allan Poe, xuất bản bởi Random House hồi năm 1944. Cụ thể, nó là tranh minh họa cho truyện ngắn The Masque of the Red Death, và anh em có thể tham khảo ảnh gốc bên dưới.

Ngoài việc được đổ màu và che bớt 2 cái núm vú của một nhân vật nữ ra, cái tranh của Eichenberg không bị thay đổi gì hết, hoặc nếu có thì nó cũng quá nhỏ để mình nhận thấy. Nói cách khác, không như với đợt bình bầu Nhà Có Bảy Đầu Hồi hồi trước, với 2 lựa chọn đều dính đến tranh AI, cái cuộc bình bầu Poe lần này có 1 bản bìa cấu thành từ một bức tranh hoàn toàn do người vẽ, còn 1 bản lại cấu thành từ một bức tranh (có lẽ) do người kết hợp với AI vẽ. Hai bức này được đưa ra để bình chọn một cách rất trần, không kèm một giới thiệu gì về gốc gác hay xuất xứ của chúng nó hết, thế nên người tham gia bình bầu không thể bị chi phối bởi định kiến đối với bất cứ bức nào cả.

Nói cách khác, cái bài bình chọn này đã tình cờ đóng vai một khảo sát mù về tranh AI, để cộng đồng độc giả chọn xem họ thấy ưng tranh vẽ thủ công hơn hay tranh có sử dụng AI hỗ trợ.

Và nếu theo dõi cái bài đăng gốc trong group trinh thám, mọi người sẽ thấy cái bản bìa AI đang nhận được một lượng bầu áp đảo.

Thực tình mà nói, xét trên bình diện một thử nghiệm khoa học, cuộc bình bầu này có quá nhiều điểm yếu. Cái tranh (có thể) do AI vẽ ở bìa 2 được bổ trợ bởi quá nhiều yếu tố thiết kế khác chứ không tự thân vận động như bìa 1, khiến cuộc ganh đua giữa chúng nó trở nên bất cân xứng. Và đấy là còn chưa kể đến việc ta thậm chí còn chẳng chứng cứ gì hai năm rõ mười để đoan chắc rằng cái bìa 2 quả thực là tranh AI, để từ đấy gọi đây là một thử nghiệm mù đích thực. Nói chung là cái kết quả này chỉ mang tính tham khảo cho vui thôi, chứ không phải là một minh chứng đanh thép về tương quan chất lượng giữa tranh AI và tranh thủ công.

Và ngay cả nếu nó có đúng là một thí nghiệm giá trị thật thì cũng khó có chuyện nó sẽ giúp thay đổi cục tâm thế hay quan điểm của người đời về tranh AI. Đừng quên Pepsi từng làm một thí nghiệm mù tương tự để so sánh sản phẩm của mình với Coca (anh em tham khảo vụ đó ở đây: https://juiceboxinteractive.com/blog/how-pepsi-won-the-battle-but-lost-the-challenge/), và nó cũng thu được một kết quả tương tự vụ này: một lượng rất đông khách hàng đánh giá Pepsi uống ngon hơn Coca. Nhưng bất chấp cái bằng chứng đầy khách quan đấy, Pepsi vẫn bị đánh giá là một thương hiệu thuộc hàng chiếu dưới so với Coca, và ngày nay, thiên hạ vẫn chuộng uống Coca hơn Pepsi.

Nhưng dù thế, cái cuộc bình bầu này vẫn có thể gợi ra cho ta những điều đáng suy ngẫm. Nó chứng tỏ một cách rõ rành rằng AI không chỉ là một thứ đồ chơi để vọc vui bình thường, mà hoàn toàn có thể trở thành một công cụ thiết kế đắc lực, giúp giới thiết kế hoặc thậm chí các công ty tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao với chi phí rẻ. Nó cũng báo hiệu rằng nhờ cả sự cải tiến về mặt kỹ thuật lẫn việc người dùng ngày một quen thuộc với cách tạo tranh AI hơn, ta sẽ ngày một thấy nhiều tác phẩm được tích hợp AI theo một cách thuận mắt, lan tỏa vào đủ mọi lĩnh vực, ngày một cạnh tranh được một cách ngang bằng hơn với tranh thủ công thuần, và có khi thậm chí còn sẽ trở nên khó phân biệt được với tranh thủ công. Và từ đấy, ta sẽ lại phải đối mặt với một câu hỏi triết lý rằng giữa một thế giới nơi thật giả giống nhau nhập nhằng đến vậy, làm thế nào để ta biết đâu là thật, đâu là giả nữa đây?

Hay thậm chí, liệu câu hỏi đó có còn nghĩa lý gì nữa không?

Nói đến đây, mình lại nhớ đến Westworld, một series Sci Fi nơi loài người đã chế được người máy chân thực tới mức cực khó để nhận ra chúng nó không phải người. Và hồi cái series còn chưa nát (quá), có một phân cảnh nơi một nhân vật cảm thấy nghi ngờ về danh tính của một nhân vật khác. Giữa hai người bọn họ đã diễn ra một cuộc hội thoại rất ngắn nhưng lại đầy dư âm thế này:

“Cô có phải người thật không vậy?”

“Chà, nếu anh không phân biệt nổi, liệu điều ấy có còn quan trọng nữa không?”

Và trông cái tình hình hiện tại thì có lẽ trong thập niên sắp tới, bản thân chúng ta cũng sẽ không ngừng rơi vào những hoàn cảnh phải cân nhắc như thế đấy.

Tình cờ thì cũng chỉ vừa cách đây mấy hôm thôi, JSTOR Daily, một tạp chí chuyên đăng các bài phân tích và giới thiệu về các nghiên cứu học thuật thú vị, vừa làm một chuỗi bài liên quan đến AI và cách nó làm đảo lộn quy trình sáng tạo, cũng như khiến nghệ thuật phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng hiện sinh về việc nên nhìn nhận cái công nghệ này cũng như bản thân theo hướng nào. Nếu quan tâm đến đề tài đó cũng như muốn biết giới học thuật đang nhìn nhận vấn đề này theo hướng nào, anh em có thể tham khảo chuỗi bài đó ở đây nhé:

  1. https://daily.jstor.org/ai-and-the-creative-process-part-one/
  2. https://daily.jstor.org/ai-and-the-creative-process-part-2/
  3. https://daily.jstor.org/ai-and-the-creative-process-part-three/


***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.