Chuyển đến nội dung chính

Một tín hiệu ngoài không gian được phát hiện truyền đến từ một hệ thống tam thể

 Vừa bữa trước nhắc đến Tam Thể của thanh niên Hân xong, bữa nay đã thấy cái bài này đập vào mặt. Hợp lý phết đấy chứ 🐧.

Inspired by writer Liu Cixin, Chinese scientists spot signals from real-world ‘three-body’ star system

Cụ thể thì cách đây một thời gian, một nhóm nghiên cứu với thành viên là các nhà khoa học đến từ Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Hàng Châu, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, và Đại học Tam Hiệp Trung Quốc đã lấy cảm hứng từ tác phẩm của Lưu Từ Hân và chúi đầu lại phân tích một hệ thống 3 sao ngoài đời thực, nằm cách Trái đất khoảng 1.300 năm ánh sáng. Hệ thống đấy có tên gọi là GW Orionis (còn gọi là GW Ori), cấu thành từ ba ngôi sao nằm ở đỉnh chòm sao Orion, với hai thằng trong đó (GW Orionis A và GW Orionis B) quay quanh nhau, còn thằng thứ ba (GW Orionis C) thì quay quanh cặp đôi kia ở một khoảng cách xa hơn. Nghiên cứu của họ sau đấy đã được xuất bản trên tạp chí Science China Physics, Mechanics & Astronomy, anh em có thể tham khảo ở đây: https://arxiv.org/pdf/2305.16287.pdf.

Trong nghiên cứu của mình, nhóm bọn họ đã rà soát dữ liệu do NASA thu về thông qua Vệ tinh Khảo sát Ngoại hành tinh Quá cảnh (tức Transiting Exoplanet Survey Satellite, gọi tắt là TESS), tìm kiếm những thay đổi định kỳ về độ sáng của ba ngôi sao nói trên. Trong quá trình phân tích, họ phát hiện ra 2 tín hiệu biến điệu (theo như mình hiểu thì đây là các biến động về độ sáng của hệ thống GW Orionis, lặp đi lặp lại theo một chu kỳ nhất định). Một thằng liên tục lặp lại theo chu kỳ 3,02 ±0,15 ngày, còn thằng kia thì lặp lại theo chu kỳ 1,92 ±0,06 ngày.

Sau khi loại trừ nhật thực và các khả năng khác, trong đấy bao gồm cả khả năng đây là một yếu tố mang tính nhân tạo (bởi vì theo lời Tian Haijun, trưởng nhóm nghiên cứu, thì “ở trên Trái Đất, sự sống đã phải mất ít nhất hàng trăm triệu năm mới hình thành được, trong khi hệ thống GW Ori thì hãy còn quá trẻ để điều đó xảy ra”) nhóm nghiên cứu rút ra kết luận các tín hiệu đấy có lẽ bắt nguồn từ các vết sao (tức các điểm trên bề mặt một ngôi sao với cường độ sáng thấp hơn các mảng xung quanh, tương tự các vết đen của Mặt Trời chúng ta) nằm trên bề mặt của GW Orionis A và B. Trong quá trình chúng nó quay, các vết sao đấy đều đặn lúc thì khuất đi, lúc thì hiện ra, dẫn đến việc làm dữ liệu ánh sáng của cả hệ thống biến đổi định kỳ.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng thừa nhận rằng dữ liệu mình sử dụng khá hạn chế, chưa kể được thu bởi một thiết bị với độ chính xác không cao, thành thử nếu đem so với các nghiên cứu khác, ta sẽ thấy các số liệu không hoàn toàn nhất quán. Cơ mà nhóm nhiên cứu hy vọng rằng sắp tới đây, khi Kính viễn vọng Trạm Vũ trụ Trung Quốc (tức China Space Station Telescope, gọi tắt là CSST) đi vào hoạt động ở quỹ đạo Trái Đất thấp, họ sẽ có thể sử dụng máy quang phổ trường tích hợp của nó - một thiết bị quan sát với độ phân giải không gian rất cao - để thu được các dữ liệu chính xác hơn, từ đấy hiểu rõ hơn về bản chất của cái hệ thống sao này.

Trong bài không nói gì cụ thể về việc series Tam Thể đã tác động ra sao đến nếp nghĩ của các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu này, ngoài việc nó là nguồn cảm hứng để bọn họ thực hiện nghiên cứu. Nhưng nếu mấy ông này mà quả thật là fan của bộ truyện thì không loại trừ khả năng lúc phát hiện ra mấy ngôi sao của hệ thống này “nhấp nháy” một cách có quy luật, đã có ít nhất một ông kiểm tra xem có khi nào đây là tọa độ của một hệ thống sao thù địch nào đó, hiện đang cần đến “dark forest correction 💢 💢 💢” không đấy 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.