Chuyển đến nội dung chính

Cách nhân vật có thể giúp gánh một câu chuyện rập khuôn

 Mấy bữa nay nhắc đến thằng Murderbot và cách nó bù đắp sự cliché của bản thân bằng cách đẩy mạnh phát triển nhân vật theo một hướng bất bình thường, tự nhiên mình lại nhớ đến một cái meme từng vớ được cách đây ít lâu, cũng xoay quanh việc chế nhân vật theo những mô típ ngược đời. Nó là cái ảnh bên dưới.


Khi nhìn sơ qua cái danh sách đấy, hẳn anh em sẽ hình dung ra trong đầu các nhân vật này sống trong một thế giới Fantasy cực kỳ quen thuộc, chẳng hạn thế giới D & D hay cái gì đó tương tự, và đám này cũng là kiểu người đi làm quest đánh quái. Nhưng ngay cả nếu thế giới với hành trình nhân vật có cũ rích, mọi người hẳn sẽ vẫn không khỏi tò mò trước mấy cái khái niệm đậm chất Discworld này, và vẫn muốn theo dõi những trò con bò mà hẳn đám người đấy kiểu gì cũng vướng vào. Từ đây, nếu biết dẫn dắt sao cho tử tế, ta sẽ có một câu chuyện trông quen vô cùng, nhưng cũng lại mới đến lạ kỳ.

Và tình cờ thì ta cũng đã có luôn một số ví dụ về những tác phẩm chơi cái trò kiểu này rồi. Đầu tiên thì có cái quyển Orconomics mình mới động đến bữa trước. Công bằng mà nói, thằng này chủ yếu ăn tiền ở cách nó diễn lại thế giới D & D qua góc nhìn kinh doanh, nhưng nó cũng có những nhân vật được phát triển theo hướng phi truyền thống. Tiêu biểu nhất là cái con tiên của truyện. Thay vì được diễn tả kiểu cao quý đài các, thanh niên này lại là một con nghiện theo đúng nghĩa đen, vã thuốc với phê đồ đến quên cả nhiệm vụ và trời đất.

Một ví dụ khác nhưng mà nghiêm túc hơn nằm trong cái cuốn Dragonsbane của Barbara Hambly. Truyện cũng có kiểu thế giới Fantasy rất tiêu chuẩn (mặc dù không lộ rõ là kiểu đú D & D như Orconomics, mà chỉ kiểu rập khuôn chung chung của mấy cái thằng High Fantasy hậu Tolkien thôi), và cốt cũng là một dạng đánh quái với đi quest quen thuộc, nhưng được cái nhân vật chính thì mới hẳn. Người ấy gần như chính là cái ý tưởng thứ ba từ dưới lên trong cái ảnh ấy: một bà phù thủy bị khủng hoảng tuổi trung niên, và cái xung đột chính bà này phải đối mặt (không tính phần đấm nhau) là những nuối tiếc về lựa chọn tuổi trẻ.

Và cuối cùng thì tất nhiên, không thể không kể đến Discworld của Terry Pratchett. Cái series truyện của ông cụ cũng giống Dragonsbane ở đoạn nó là một thế giới Fantasy rất khuôn sáo, không mượn từ mấy cái tác phẩm Fantasy hiện đại thì cũng là mượn từ cổ tích với thần thoại truyền thuyết các kiểu trông rất rõ. Nhưng dàn nhân vật trong này thì thôi rồi, không một ai không có ít nhất một tí thay đổi theo hướng quái chiêu hết. Ta có một cái rương hành lý thực chất là một kiểu mimic lai quái vật Lovecraft, nhưng lại hành xử như chó; có thằng người hùng kiểu Conan the Barbarian nhưng đã già khú đế rồi; có anh cảnh vệ gốc do người lùn nuôi và tưởng mình là người lùn cho đến khi bị đuổi ra khỏi mỏ; có một con lạc đà thực chất là nhà toán học lỗi lạc nhất thế giới, và có thể nhảy xuyên các chiều không gian… Nói chung là trong Discworld, nếu có nhân vật nào được xây dựng theo kiểu bình thường, đó sẽ là nhân vật kỳ khôi và lạc quẻ nhất truyện.

Thế nên là nếu có anh em nào đang tập tành sáng tác, hãy cứ nhớ là mọi người không nhất thiết phải liều chết sáng tạo mới từ đầu đến cuối tất cả mọi thứ đâu. Chỉ cần bẻ được một yếu tố nhất định trong truyện theo một hướng dị dị, chẳng hạn nhân vật, và phát triển nó sao cho thật chắc tay, là cũng đã quá đủ để hình thành một tác phẩm hấp dẫn và có chất riêng rồi.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.