Nhân bữa trước có nhắc đến mấy tác phẩm của Lưu Từ Hân, tự nhiên mình lại nhớ đến một bài phỏng vấn từng đọc cách đây khá lâu, với nội dung xoay quanh cách độc giả nước ngoài nhìn nhận Sci Fi Trung Quốc.
The questionable ‘Chinese-ness’ of Chinese sci-fi | The Signal with Lizzi Lee |
Cụ thể thì người được phỏng vấn là Emily Xueni Jin, một nghiên cứu sinh tiến sĩ kiêm dịch giả tiếng Trung tại Mỹ. Thanh niên này gốc cực kỳ cuồng SFF, và hồi nhỏ tiêu thụ cả Sci Fi lẫn Fantasy rất ác chiến, cả những tác phẩm tiếng Anh lẫn tiếng Trung (đồng chí này là con lai, qua lại Mỹ với Trung Quốc như đi chợ ngay từ nhỏ nên thạo cả hai ngôn ngữ từ sớm). Thế rồi, vào năm 2013, Emily theo học cử nhân tại Đại học Wellesley, và tại đây, cô đã gặp hai nhân vật rất quan trọng đối với sự nghiệp của mình.
Người đầu tiên là Mingwei Song, một giáo sư thuộc Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Á Đông. Ông này có chuyên môn chính là văn học Trung Quốc hiện đại, và đặc biệt còn được coi là một trong những học giả hàng đầu về Sci Fi Trung Quốc. Người thứ hai là Ken Liu, một nhà văn kiêm dịch giả Trung - Anh (chính cái ông đã dịch Tam Thể ra tiếng Anh, góp phần rất lớn cho việc giúp nó trở thành hiện tượng thế giới), từng một lần được Wellesley mời đến để làm hội thảo. Hai người này đã giúp Emily định hướng đam mê của bản thân, và dấn thân vào con đường nghề nghiệp hiện tại của cô: dịch thuật.
Nhờ được Ken Liu giúp đỡ, từ khoảng gần cuối năm 2017 trở đi, Emily chỉ đi dịch, và lại còn dịch toàn truyện Sci Fi nữa. Cái công việc này làm cô thấy thích mê, bởi vì cô được làm việc với những người về cơ bản đã giúp nuôi dưỡng tâm hồn mình. Một số người về sau còn đã trở thành bạn của Emily luôn. Càng làm, Emily càng đắm chìm trong thế giới thú vị của văn học SFF, và rốt cuộc, sau một năm rưỡi làm việc, cô đã đăng ký học tiến sĩ tại Yale, với trọng tâm nghiên cứu là khoa học viễn tưởng Trung Quốc.
Trong cái bài phỏng vấn này, Emily có động đến một chuyện thú vị mà cô đã để ý thấy, ấy là khi tiếp cận Sci Fi từ Trung Quốc, độc giả phương Tây không chỉ đơn thuần đọc nó như một tác phẩm Sci Fi bình thường, mà luôn phải nhìn nhận nó qua lăng kính chính trị, hoặc là tìm kiếm một cái “chất Trung Quốc” trong đấy. Như Emily có lấy ví dụ, ở bên phương Tây, cứ khi nào đọc Sci Fi Trung Quốc là độc giả lại nghĩ mình đang được nhìn vào một tương lai cụ thể mà chính quyền Trung Quốc muốn hướng tới, hoặc cách các chính sách liên quan đến công nghệ của Trung Quốc đang được hoạch định. Trong khi đấy, khi đọc Sci Fi của Mỹ chẳng hạn, người ta lại không nghĩ nó đại diện cho tầm nhìn của quốc gia.
Theo Emily phỏng đoán, cái này khả năng cao là do độc giả người ta tò mò về Trung Quốc nói chung, thế nên cố suy diễn về nó qua các tác phẩm văn hóa mà các nhà văn Sci Fi Trung cho xuất xưởng. Cơ mà khi làm vậy, người ta đã vô tình gộp chung tất thảy các tác giả Sci Fi Trung vào thành một khối đồng nhất, trong khi những con người này đến từ đủ mọi vùng miền của Trung Quốc với hàng bao phông vốn sống khác nhau, thế nên chẳng có lý gì để họ cùng trăn trở về cùng những vấn đề như nhau hay có chung tư tưởng cả.
Còn một điểm nữa mà Emily nhắc đến là Sci Fi ở Trung Quốc không nhất thiết phải là Sci Fi mang chất Trung Quốc, hoặc ít nhất là chất Trung Quốc thuần túy. Đã có khá nhiều tác phẩm kinh điển của cái dòng này do các tác giả phương Tây viết được dịch ra tiếng Trung, và nó đã nuôi dưỡng cả một thế hệ các nhà văn Sci Fi Trung Quốc, gây ảnh hưởng không ít thì nhiều đến cách họ sáng tác. Nói thế tức là Sci Fi Trung Quốc kỳ thực mang một “chất toàn cầu,” pha trộn cả cái gốc rễ Trung Quốc lẫn các tư tưởng phương Tây do các tác phẩm dịch tạo ra, chứ chúng nó chưa chắc đã phản ánh một cái cốt tủy Trung Quốc đồng nhất nào đấy.
Mặc dù Emily không nói cụ thể ví dụ nào, cơ mà nếu cần tìm thứ gì giúp chứng minh cho những nhận định của cô, anh em có thể ngó thẳng vào chính cái người đã gợi cho mình nhớ đến cái bài phỏng vấn này: Lưu Từ Hân.
Cụ thể, các tác phẩm của ông anh, đặc biệt là bộ truyện Tam Thể, rất hay bị diễn giải dưới dạng nó là ngụ ngôn về cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và phương Tây. Cơ mà như Hân đã giải thích trong một cuộc phỏng vấn với Public Books (anh em đọc bản đầy đủ ở đây: https://www.publicbooks.org/to-reach-the-pure-realm-of-the-imaginary-a-conversation-with-cixin-liu/), ông anh “không có hứng bóng gió về thực tại, hay chỉ trích hoặc thể hiện nó gì cả.” Theo lời Hân, 90% nỗ lực của ông anh khi viết truyện là kể một câu chuyện sáng tạo và hấp dẫn, và không có thông điệp ngụ ngôn nào đồng chí này muốn truyền tải hết. Nếu có cái gì lồng trong đấy thì nó chắc chỉ tình cờ xuất hiện, hoặc thuần túy là cách giải thích của độc giả.
Thêm vào đó, cũng trong cái bài phỏng vấn với Public Books đấy, Hân cũng động đến một thứ tương tự “chất Trung Quốc” của Sci Fi. Lúc được hỏi về cảm nghĩ cá nhân đối với các bản dịch tiếng Anh của tác phẩm mình, Hân có bảo rằng Sci Fi đặc biệt ở chỗ khi dịch từ tiếng Trung sang tiếng Anh, sẽ không có quá nhiều chất Trung Quốc bị rơi rụng, bởi vì ngay từ đầu nó đã không có nhiều chất Trung Quốc rồi. Cụ thể, ông anh nói:
“[Ở] Trung Quốc, khoa học viễn tưởng là hàng nhập khẩu 100 phần trăm. Chẳng hạn, trong khoa học viễn tưởng Trung Quốc, chúng tôi sử dụng nhiều khái niệm vốn do phương Tây nghĩ ra, nhiều từ phương Tây, nhiều thuật ngữ phương Tây. Do đó, khi phải chuyển chúng sang các ngôn ngữ phương Tây, phần việc của các dịch giả bên chúng tôi sẽ nhẹ hơn chút ít.
Quan trọng hơn là cái bản chất của khoa học viễn tưởng trên phương diện một hình thức kể chuyện hư cấu. Trong lịch sử khoa học viễn tưởng, nhân loại luôn xuất hiện dưới dạng tổng thể, chứ không phải dưới dạng nhiều quốc gia riêng biệt. Với đặc điểm ấy, chúng ta có thể nói rằng khoa học viễn tưởng nêu ra những vấn đề chung của cả cộng đồng nhân loại.
Khoa học viễn tưởng không đơn thuần đặt ra những câu hỏi chỉ có giá trị đối với một nhóm dân tộc, một cộng đồng, hay một quốc gia duy nhất. Vì khoa học viễn tưởng phản ứng với các cuộc khủng hoảng mà toàn nhân loại đang phải đối mặt, thế nên dòng này hết sức phù hợp với việc giao tiếp xuyên quốc gia, xuyên văn hóa.”
Nói chung, từ hai bài phỏng vấn này, hẳn anh em cũng có thể thấy Sci Fi Trung Quốc đúng là cũng có cái chất riêng đấy, nhưng không phải cứ cái thằng nào tòi ra từ Trung Quốc cũng là một công cụ để bàn về các vấn đề độc nhất của Trung Quốc, hay luôn chứa một “chất Trung Quốc” đồng nhất đâu. Thế nên khi đọc Sci Fi từ các tác giả Trung, đừng có quá đặt nặng chuyện người ta là dân Trung Quốc xong tìm kiếm cái “chất Trung” của nó làm gì, cứ đọc như Sci Fi bình thường là được rồi.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓