Nhân hồi chiều có nhắc đến cái thế giới của Wheel of Time, mình lại nhớ đến một thằng SFF khác hồi trước từng xem. Thằng đó là Peace on Earth.
Peace On Earth |
Trong trường hợp có anh em nào chưa biết, Peace on Earth là một phim hoạt hình ngắn của hãng MGM, lần đầu được công chiếu vào cuối năm 1939. Phim chỉ dài có 9 phút, và xoay quanh việc một con sóc già đến thăm mấy đứa cháu trong đêm trước Giáng sinh. Anh em có thể xem bản đầy đủ của nó ở bên dưới.
Nếu đã trải nghiệm cả hai, anh em hẳn sẽ nhận thấy Peace on Earth cũng có cái kiểu sử dụng thế giới cũ làm bàn đạp hao hao thằng Wheel of Time. Lúc mới nhìn vào cả hai thằng này, ta sẽ có cảm tưởng chúng nó là một thế giới Fantasy độc lập, tách biệt với cái thế giới của chính mình; nhưng về sau thì mới lòi ra là chúng nó vẫn lấy bối cảnh thế giới thực tại, chỉ có điều tua tít lên tương lai, sau khi cái nền văn minh hiện thời đã không còn nữa. Cả hai cũng có một cái nhìn hơi bị lệch lạc về quá khứ, với thằng Wheel of Time thì lệch đi về mặt bản chất của sự kiện, còn thằng Peace on Earth thì bóp méo cái hình ảnh của con người. Đồng thời, rải rác khắp nơi vẫn là những tàn dư của thế giới cũ, không được các cư dân thế giới mới hiểu tường tận, song vẫn được họ tích hợp vào sử dụng trong cuộc sống thường ngày.
Dẫu thế, chúng nó vẫn có những sự khác biệt rất lớn. Peace on Earth thì nói toạc móng heo ra rằng mình là hậu tận thế, xảy ra sau khi loài người đã tự hủy diệt bản thân. Thằng Wheel of Time thì giấu biệt cái yếu tố hậu tận thế của mình ở trong mấy cái giai thoại và cổ tích rải rắc, chứ chẳng nói cụ thể rằng mình là cái thế giới xây lại sau khi thế giới hiện đại đã nhấn nút reset. Trên thực tế, nếu có thể gọi Wheel of Time là Fantasy hậu tận thế, cái mốc thế giới bị hủy diệt của truyện kỳ thực lại không phải là sự suy tàn của xã hội hiện đại mà chúng ta đang sống, mà thực chất là một thảm họa xảy ra sau đấy mấy ngàn năm, gọi là The Breaking of the World, khi các nam phù thủy hóa điên và dùng phép thuật cày nát toàn bộ thế giới. Thêm một điểm khác nữa là yếu tố hậu tận thế được Peace on Earth tích hợp thẳng vào trong câu chuyện của mình luôn, và dùng nó làm cái cốt chính. Wheel of Time, kể cả có chấp nhận sử dụng cái mốc The Breaking of the World làm mốc tận thế đi, thì cũng không được xây dựng theo kiểu một câu chuyện hậu tận thế tiêu chuẩn. Nó chỉ đi theo một cái cốt Epic/Quest Fantasy thôi, còn đâu không có mấy chất hậu tận thế cả.
Thế nên nói chung là nếu muốn thử tận hưởng một câu chuyện Fantasy hậu tận thế, anh em tốt nhất nên tìm đến với Peace on Earth. Còn Wheel of Time thì chỉ nên coi phần hậu tận thế nó như một cái fun fact về khoản lore thế giới thôi, chứ nó không thực sự thể hiện rõ nét cái đề tài ấy trong cốt đâu.
Và tiện nhắc đến fun fact, cái phim Peace on Earth này được công chiếu vào đúng cái năm Thế Chiến II khơi mào, lệch đi có mấy tháng. Chính vì vậy, nó không cách nào tiên đoán được là cái thứ được mệnh danh The Great War lại có thể đẻ ra sequel, và coi Thế Chiến I như hiện thân của sự tàn phá kinh khủng nhất con người có thể gây ra. Về sau, đến năm 1955, một bản remake đã được thực hiện, lấy tên là Good Will to Men. Bản này giữ gần như y xì cái cốt, nhưng thay Thế Chiến I bằng Thế Chiến II, với thứ gây ra tận thế là chiến tranh hạt nhân. Bản remake được cái thể hiện ngày tàn của thế giới theo một cách đáng tin hơn, nhưng chất ngụ ngôn với độ ám ảnh trong hình ảnh của nó thì không được bằng bản gốc. Anh em nào muốn xem cả bản đấy để so sánh thì có thể tham khảo đây nhé:
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓