Chuyển đến nội dung chính

Một nghiên cứu về Sci Fi trong trường tiểu học ở Mỹ

 Bữa nay mình mới bắt được một bài viết khá thú vị, xoay quanh một mối quan hệ hơi tréo ngoe giữa truyện sách Sci Fi và giáo dục tiểu học tại Mỹ.

Sci-fi books are rare in school even though they help kids better understand science

Cụ thể thì bài bên dưới được viết bởi Emily Midkiff, một phó giáo sư mảng giáo dục tại Đại học Bắc Dakota. Theo lời Midkiff, không ít nghiên cứu đã chỉ ra rằng đọc Sci Fi từ sớm có thể giúp con người ta hình thành một lối suy nghĩ chín chắn và sâu sắc hơn về khoa học, với nhiều nhà khoa học thậm chí còn đã khẳng định những tác phẩm Sci Fi họ đọc thời thơ ấu đã có một ảnh hưởng rất lâu dài đối với cách họ tiếp cận khoa học trong quãng đời trưởng thành. Ngay cả khi không có định hướng theo đuổi khoa học sau này, việc cho trẻ con tiếp cận với những thứ giúp chúng nó biết suy nghĩ sâu về khoa học công nghệ cũng sẽ có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển và việc học của bọn nó.

Nhưng dẫu việc cho trẻ làm quen từ sớm với Sci Fi có nhiều lợi ích tiềm tàng đến vậy, Midkiff lại phát hiện ra là các nhà giáo dục bậc tiểu học lại ít khi cho trẻ dưới 12 tuổi tiếp xúc với các tác phẩm trong dòng này một cách có hệ thống. Trong một khảo sát thực hiện với các giáo viên tiểu học và thủ thư, Midkiff đã phát hiện ra rằng dù đa số không coi Sci Fi là một thể loại thấp kém (với một số người tham gia khảo sát thậm chí còn tự xưng mình mê các tác phẩm thuộc dòng này), họ lại gần như không bao giờ sử dụng truyện sách Sci Fi làm đề tài đọc chung dành cho trẻ dưới 12 tuổi, hoặc tích hợp các tác phẩm đấy vào hoạt động theo nhóm nào khác. Chỉ trong những trường hợp nhỏ lẻ, chẳng hạn những đứa quá lười đọc hay những đứa thích những thứ “kỳ dị”, “quái đản” hoặc “khác thường,” thì người ta mới bắt đầu lôi Sci Fi ra cho chúng nó đọc.

Theo chia sẻ của những người tham gia khảo sát, có 2 lý do chính để họ không đẩy mạnh đưa Sci Fi đến với độc giả nhỏ tuổi: thứ nhất là Sci Fi trẻ con khó tìm quá, và thứ hai là họ thấy nội dung của Sci Fi thường lại quá phức tạp.

Để kiểm tra độ chính xác của các lý do trên, Midkiff đã bốc bừa 10 thư viện tiểu học, nằm rải rác khắp nước Mỹ, và phân tích tỷ trọng các thể loại sách trong danh mục của nó. Kết quả cô thu được là chia trung bình, 49% tài liệu trong mấy thư viện này là sách phi hư cấu, 25% là truyện Fantasy, 19% là tiểu thuyết hiện thực, 5% tiểu thuyết lịch sử, còn Sci Fi chiếm nhõn 3%.

Để kiểm tra thêm xem đây là do chính sách của nhà trường hay là một thứ mang tính sâu xa hơn, Midkiff đã thử đi nói chuyện với một nhà xuất bản nhỏ cùng một số tác giả. Những người trong ngành ấy đã xác nhận rằng Sci Fi dành cho độc giả trẻ không phải là một thể loại dễ hái ra tiền cho lắm, bởi vì người đời vẫn có quan niệm là độc giả trẻ không mặn mà với Sci Fi, thế nên chẳng có mấy ai viết và xuất bản Sci Fi cho trẻ con cả, thành thử có muốn kiếm sách cho bọn trẻ con đọc cũng khó.

Việc có ít sách để lựa chọn như thế dẫn đến cái vấn đề thứ 2: Sci Fi quá khó với trẻ con. Như chia sẻ của những người tham gia khảo sát, họ rất khó tìm được quyển Sci Fi nào đáp ứng được tiêu chí không quá dài mà cũng chẳng quá phức tạp để một nhóm học sinh lố nhố có thể đọc được với mức hiểu ngang nhau. Thậm chí có một người còn về cơ bản đã nói hẳn rằng Sci Fi về bản chất khó đọc hơn các loại khác, bởi vì chúng được xây dựng dựa trên các giả định khó nắm bắt đối với trẻ nhỏ.

Về khoản hiếm có Sci Fi cho trẻ con thì Midkiff có vẻ không có gì dị nghị cả, vì đúng là chúng nó hiếm thật, cơ mà cô không đồng ý với vụ Sci Fi mặc định quá khó để trẻ con lãnh hội. Theo lời Midkiff, Sci Fi không nhất thiết chứa khoa học chi tiết hoặc thứ gì quá khó hiểu cả. Tỉ dụ, mấy cuốn truyện tranh đơn giản như Farm Fresh Cats của Scott Santoro, với nội dung là một ánh sáng khó hiểu biến bắp cải thành mèo, là một thứ hao hao truyện về người ngoài hành tinh, nhưng nó không chứa đựng thứ gì quá cao siêu. The Barnabus Project của Fan Brothers, kể về một con chuột lai voi, cũng là một dạng Sci Fi vì nó dính đến thí nghiệm di truyền trên động vật, cơ mà sử dụng những ý tưởng rất đơn giản và dễ theo dõi. Cá nhân Midkiff khi đọc truyện tranh Sci Fi cho học sinh tiểu học cũng không thấy có đứa nào không theo dõi được câu chuyện cả.

Trông vào cái vấn đề mà Midkiff nêu ra, mình tự nhiên lại thấy hơi buồn cười, bởi vì nó có phần hao hao cái thị trường Sci Fi của chính Việt Nam, nhưng khác ở một số chỗ rất then chốt. Ở Việt Nam thì lượng đầu sách Sci Fi cũng sẽ rất lép vế đấy, cơ mà nó không chỉ dừng lại ở bậc tiểu học, mà còn loang rộng ra toàn ngành luôn. Số lượng Sci Fi được xuất bản thường chiếm tỉ trọng rất thấp so với những thể loại khác, và ngay cả so với thằng anh em Fantasy của mình thì nó cũng bị lép vế. Tỉ lệ chắc không giống hẳn với cái điều tra thư viện của Midkiff đâu, nhưng chắc cũng kiểu kiểu như thế.

Đáng chú ý nhất là như trong khảo sát của Midkiff, Sci Fi lại không được coi là dòng dành cho trẻ con, hoặc ít nhất là người lớn không có chủ đích để trẻ con tiếp xúc nhiều với nó vì nghĩ là nó khó quá. Ở Việt Nam, ta lại có một cái kiểu oái oăm là Sci Fi vừa liên tục bị liệt vào hạng truyện sách dành cho… thiếu nhi. Cái này chắc chủ yếu nhờ công mấy cuốn truyện của Verne, bởi vì truyện ông cụ đúng là đậm chất phiêu lưu và dễ ngấm với trẻ con thật, thành ra những ai không tiếp xúc với Sci Fi nhiều toàn chiếu vào mấy cái quyển đấy để nghĩ về toàn dòng văn, và tưởng Sci Fi nhìn chung toàn kiểu thế.

Nhưng buồn cười ở chỗ việc Sci Fi hay bị tưởng là dòng văn trẻ con cũng không loại trừ việc chúng nó bị coi là một dòng khó đọc. Nhiều người nhìn vào cái tên của dòng, xong nghĩ mặc định là muốn đọc mấy truyện trong mảng này thì cứ phải giỏi khoa học các kiểu, hoặc không thì cũng sẽ bị thuyết giáo khoa học rất nặng đầu. Đây là một sai lầm rất nghiêm trọng, bởi vì đại đa số Sci Fi không đòi hỏi thiên hạ phải biết sẵn điều gì ngoài kiến thức nhận mặt chữ căn bản. Vào trong truyện thì có cái gì mới là nó sẽ giải thích hết cho ngay, không thì cũng rải đủ manh mối gián tiếp để người ta hiểu được vai trò các yếu tố lạ để đọc tiếp. Về khoản bị thuyết giáo khoa học nặng đầu thì chỉ một ngách nhỏ trong cả dòng là làm thế, còn đâu phần lớn chẳng làm gì quá lằng nhằng ngoài quẳng cái mác “lượng tử” cùng vài ba dòng chém gió nghe xuôi xuôi ra, chứ không nhồi nhét đủ thứ kiến thức nặng đến ung não trên Wiki vào làm gì.

Nói chung là cái hình tượng Sci Fi tại Việt Nam kể cũng dị thật đấy. Vừa là dòng dành cho trẻ con, mà cũng lại là một cái dòng khó đọc với người lớn. Nếu cả hai ngộ nhận đấy mà đồng thời đúng thì tức là trẻ con Việt Nam quá siêu việt hay người lớn Việt Nam còn cùi bắp hơn cả trẻ con vậy nhỉ ?


***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.