Chuyển đến nội dung chính

Literature Map - một cách khám phá văn học mới

Bữa nay mình mới mò ra được một trang web khá thú vị, tự xưng là "bản đồ du lịch văn học." Web đấy là Literature Map: https://www.literature-map.com/

Thằng này có giao diện cực đơn giản, và nguyên lý hoạt động của nó cũng đơn giản nốt. Tất cả những gì anh em cần làm là gõ tên một tác giả bất kỳ vào thanh tìm kiếm to đùng ngay giữa trang, sau đó bấm tìm kiếm, và nó sẽ lập tức tạo ra một thứ gọi là "tag cloud" cho anh em.

Cái tag cloud đấy là một "đám mây" khá dày, cấu thành từ tên một loạt các tác giả khác mà trang này cho là có liên quan đến tác giả gốc. Sau một hồi xoáy lượn đám mây tác giả này sẽ lắng xuống, với tên tác giả được dùng làm từ khóa tìm kiếm (từ giờ gọi là "tác giả gốc") sẽ nằm ở chính giữa, và các tên khác phân bố tùy theo độ "gần gũi" với tác giả từ khóa. Cự ly giữa các tên tác giả mới và tác giả gốc được phân bố dựa trên phân tích dữ liệu do người đọc cung cấp, và ai càng được nhiều người đã thích tác giả gốc thích kèm thì người đấy sẽ càng ở sát chỗ tác giả gốc.

Nói cách khác, nếu ưng tác giả gốc, anh em nên thử tìm đọc những tác giả xuất hiện gần cái tên đấy nhất, bởi vì rất nhiều người khác cũng thích tác giả gốc như anh em đã thể hiện mình cũng thích những người nằm ở lân cận.

Cá nhân mình đã kiểm tra thử với cái tên của George R. R. Martin, và nhận được kết quả như bên dưới. Nó cũng không đến nỗi tồi, nhưng mà nếu nhìn kỹ thì sẽ thấy có mấy thứ hơi bị buồn cười.


Cụ thể, cái hài ở đây là Andrzej Sapkowski - tác giả của bộ truyện Witcher, một thằng cũng thuộc thể loại Fantasy Trung Cổ u tối, với chính trị chính em lằng nhằng và đú lịch sử rất nhiều, với mấy quyển Witcher về sau trông đú ASOIAF thấy rõ (hoặc ít nhất cũng là viết theo một lối cực kỳ giống nó) - thì lại nằm cách Martin tương đối xa, trong khi gần xịt với ông anh lại là Andy Weir - một tác giả Sci Fi với cái kiểu hài hước tưng tửng lạc quan cực kỳ đặc trưng, gần như đối nghịch hoàn toàn với Martin.

Còn nữa, nằm cách Martin một khoảng gần như bằng chẵn Sapkowski lại là Terry Pratchett, tác giả series Discworld. Truyện của Pratchett cũng là Fantasy đấy, và cũng có thể nói là có đấu đá chính trị, nhưng nó lại là kiểu hài hước châm biếm cực kỳ nhẹ nhàng. Ông anh gần như là một dạng âm bản của Sapkowski vậy, và cũng có một cái kiểu văn rất khác Martin, bảo nhảy từ Martin sang Pratchett hay ngược lại thì rất dễ bị sốc nhiệt.

Ngoài đó ra thì còn có James S. A. Corey - cặp đôi tác giả đã viết The Expanse, một series Sci Fi với kiểu đấu đá chính trị u tối khá tương đồng với ASOIAF, chưa kể có một ông trong cái cặp đấy thậm chí còn từng làm trợ lý cho Martin. Vì lý do gì đấy, 2 thanh niên này lại bay xa tít ra tận gần rìa, trong khi nếu bỏ qua tính Sci Fi, bộ truyện The Expanse của họ sẽ còn hợp với người ưng ASOIAF hơn cả Discworld. Ngay cả nếu giữ tính Sci Fi thì cũng chẳng có lý do gì để họ bị đẩy ra xa đến thế cả, đặc biệt khi ngay sát sườn Martin lại là Weir, một tác giả cũng chuyên Sci Fi và không thể nào khác Martin hơn được.

Cơ mà chính ra cái kiểu sắp xếp nháo nhào các tác giả sở hữu văn phong và cách tiếp cận truyện tương đồng/không tương đồng với tác giả gốc như thế này kể cũng có cái hay riêng. Như thế thì anh em sẽ có thể khám phá các tác giả mình chưa chắc đã mò đến nếu chỉ chăm chăm đi tìm những người viết truyện na ná một tác giả bản thân đã thích. Và biết đâu đấy, có khi đọc hai tác giả đối nghịch nhau sẽ còn tạo cho anh em một trải nghiệm tương tự Barbenheimer nữa cơ. Thế nên nếu anh em hãy cứ ngó qua nó nhé. 

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.