Chuyển đến nội dung chính

Nhận định của Philip K. Dick về Blade Runner

 Bữa nay mình mới vớ được một bức thư thú vị, được Philip K. Dick viết hồi 42 năm trước, sau khi xem xong một phân đoạn quảng cáo về bản chuyển thể cuốn Do Androids Dream of Electric Sheep? của mình này, anh em.


Cụ thể, bức thư của ông anh là thế này:

Ngày 11 tháng 10 năm 1981

Ông Jeff Walker,

Công ty Ladd,

4000 Đại lộ Warner,

Burbank,

California 91522.

Jeff thân mến,

Tối nay, tôi tình cờ xem được chương trình “Hooray For Hollywood” trên Kênh 7, trong đó có một phân đoạn về BLADE RUNNER. (Thật ra thì, không phải tôi tình cờ bật nó lên xem đâu; đã có người báo cho tôi biết rằng chương trình sẽ động đến BLADE RUNNER, và dặn tôi nhớ hãy xem.) Jeff à, sau khi xem xong – và đặc biệt là sau khi nghe Harrison Ford thảo luận về bộ phim – tôi đã rút ra kết luận rằng đây quả thực không phải là phim khoa học viễn tưởng; nó không phải là phim kỳ ảo; nó y như Harrison đã miêu tả đấy: một tác phẩm vị lai. BLADE RUNNER đơn giản sẽ có một sức ảnh hưởng siêu lớn, cả với công chúng lẫn những người làm nghề sáng tạo - và tôi tin rằng cả với toàn mảng khoa học viễn tưởng nữa. Vì tôi đã viết và bán các tác phẩm khoa học viễn tưởng được ba mươi năm rồi, thế nên đề tài này cũng ít nhiều quan trọng đối với tôi. Tôi phải thẳng thắn nói rằng trong vài năm qua, cái mảng của chúng tôi cứ xuống cấp dần đều. Không thứ gì chúng tôi từng tạo ra, dù là tự thân sáng tác hay chung tay thực hiện, bì nổi với BLADE RUNNER. Đây không phải là một tác phẩm thoát ly thực tại; nó là thực tại tột đỉnh, nó gai góc và chi tiết và chân thực và, bố tổ sư nó nữa chứ, thuyết phục đến mức, ái chà, sau phân đoạn kia, tôi đâm thấy cái “thực tại” bình thường hiện nay của mình như nhạt toẹt khi đặt cạnh nó. Ý tôi muốn nói là có lẽ tất cả các anh đã cùng nhau tạo ra một hình thức biểu đạt nghệ thuật, đồ họa mới toanh, độc đáo, vô tiền khoáng hậu. Và theo tôi, BLADE RUNNER sẽ cách mạng hóa quan niệm của chúng ta về định nghĩa của khoa học viễn tưởng, và, hơn thế nữa, về tiềm năng của nó.

Để tôi tóm tắt lại thế này nhé. Khoa học viễn tưởng bấy lâu cứ chậm rãi rơi vào một cái chết đơn điệu, không cách nào ngăn trở được: nó đã bị lai phối cận huyết, đạo qua đạo lại, tù đọng một chỗ. Nhưng đột nhiên các anh xuất hiện - những nhân tài thuộc hàng xuất chúng nhất thời nay - và thế là giờ đây, phía tôi đã có một cuộc sống mới, một khởi đầu mới. Về phần đóng góp cá nhân của mình đối với dự án BLADE RUNNER, tôi chỉ có thể nói rằng tôi chẳng hề ngờ được tác phẩm hoặc tập hợp ý tưởng của tôi lại có thể được nâng lên đến quy mô tuyệt diệu nhường ấy. Cuộc đời và công việc sáng tạo của tôi đã được BLADE RUNNER chứng thực và hoàn thiện. Xin cảm ơn anh… và nó sẽ là một thành công lớn về mặt thương mại. Nó rốt cuộc sẽ trở thành bất khả chiến bại.

Thân ái,

Philip K. Dick.

Vì bức thư này được viết cũng khá lâu rồi, thế nên không rõ thanh niên Ka Đíck của chúng ta cụ thể đã xem cái gì để thốt lên những lời như thế này (đến tra cái chương trình Hooray For Hollywood còn chẳng thấy có cái nào khớp với nó cơ mà  ). Nhưng căn cứ vào văn cảnh thì dễ chừng đấy là một chương trình trò chuyện buổi tối gì đó, kiểu David Letterman hay gì đấy, với Harrison Ford, diễn viên chính của Blade Runner, tham dự để quảng bá cho phim.

Đáng chú ý là cái nhận định của Dick về làng Sci Fi thời bấy giờ. Ông bảo nó đang dần đi vào lối mòn và trở nên đình trệ. Căn cứ vào thời điểm cái bức thư này được viết, khả năng rất cao ông anh đang muốn nhắc đến mấy cái tác phẩm Space Opera tràn ngập thị trường. Anh em hãy nhớ rằng cách đấy mấy năm thôi, làng Sci Fi, ít nhất là cái mảng điện ảnh của nó, vừa chứng kiến sự ra mắt của một con trọng pháo: Star Wars. Cái phim này cực giống với các tác phẩm Sci Fi phiêu lưu in trên các tạp chí rẻ tiền hồi thập niên 30, 40 (hay như người ta vẫn gọi là “truyện pulp” đấy), những thứ vốn đã khiến Sci Fi bị gán mác là một dòng giải trí phế phẩm. Star Wars gặt hái được một thành công rực rỡ về thương mại, làm thiên hạ ai cũng thèm chảy nước miếng. Thế là người ta cứ liên tục cho ra các tác phẩm phiêu lưu tương tự như thế, chiếm hết spotlight của những tác phẩm văn vẻ và sáng tạo hơn.

Và nếu anh em nào cảm thấy khó hình dung, hãy cứ nhìn vào Marvel ấy. Vì Marvel ăn nên làm ra quá, thế nên tự nhiên dòng siêu anh hùng tràn ngập điện ảnh luôn, đến mức những người như Martin Scorsese phải la oai oái là điện ảnh đang chết. Bây giờ thay Marvel bằng Star Wars, và Scorsese bằng Dick, và anh em sẽ hiểu cái tại sao ông anh lại ưng đến thế khi nhìn thấy tác phẩm của mình được chuyển thể thành một thứ sâu sắc đến vậy.

Cơ mà quả dự đoán rằng Blade Runner sẽ thành công về thương mại thì… .


***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.