Chuyển đến nội dung chính

Death of an Author - một thí nghiệm viết truyện bằng AI

 Nhân hôm trước bới được cái ảnh bàn về AI viết truyện, mình tự nhiên lại nhớ đến một bài báo đã đọc cách đây ít lâu, xoay quanh một thử nghiệm trong việc ứng dụng AI vào sáng tác văn học, thực hiện bởi một thanh niên tên Stephen Marche.

Peering Into the Future of Novels, With Trained Machines Ready

Marche nhà báo kiêm tác giả người Canada, và trước khi thực hiện cái thí nghiệm này thì ông anh đã xuất bản một cơ số sách, bao gồm cả tiểu thuyết lẫn các cuốn sách phi hư cấu. Đầu năm nay, Marche đã được Jacob Weisberg, CEO của một công ty chuyên sản xuất sách nói tên Pushkin Industries, liên hệ và đề xuất thử làm một dự án đặc biệt: viết một cuốn tiểu thuyết trinh thám với sự trợ giúp của AI. Vì bản thân cũng đã viết về AI và ứng dụng của nó được một thời gian rồi, Marche rất lấy làm quan tâm và đã gật đầu đồng ý.

Để sáng tác cái câu chuyện của mình, Marche phác thảo sơ qua phần cốt, sau đó sử dụng ba chương trình AI khác nhau để tạo ra nội dung dựa trên cái khung xương mình đã lập. Đầu tiên là một thằng cực kỳ quen thuộc với chúng ta: ChatGPT. Marche nhồi cái dàn ý cho nó, xong để nó chém ra các đoạn văn cụ thể hơn. Tiếp theo, ông anh sử dụng Sudowrite, một dịch vụ AI chuyên phục vụ giới viết văn, để nhờ nó chỉnh lại câu cú mà ChatGPT đã viết, thay đổi độ dài với giọng điệu và văn phong. Cuối cùng, Marche sử dụng Cohere, một dịch vụ AI chuyên dùng để viết quảng cáo và mô tả sản phẩm cho doanh nghiệp, để tinh chỉnh nốt một số câu sao cho vừa ý.

Rốt cuộc, thành phẩm của quy trình ấy là một cuốn tiểu thuyết ngắn mang tên Death of an Author, xoay quanh một nhà phê bình văn học phải đi điều tra cái chết của một nhà văn nổi tiếng vừa qua đời, và nó được xuất bản hồi tháng 5 vừa rồi. Anh em có thể tham khảo truyện ở đây: https://www.amazon.com/Death-Author-Novella-Aidan-Marchine-ebook/dp/B0C364BMNZ.

Cá nhân mình thì chưa đọc qua cuốn đó, cơ mà căn cứ vào các review trên Goodreads, cái quyển này có chất lượng không cao. Nó khá là lộn xộn, câu cú lặp đi lặp lại, và không có gì mới mẻ cả. Thứ thú vị duy nhất về nó là cái cách nó được cho ra đời, và lời thuật của tác giả về quy trình tạo truyện ở phía cuối.

Dẫu thế, đây vẫn là một thí nghiệm rất hấp dẫn, bởi vì nó cho ta thấy dáng hình tiềm tàng của công việc sáng tác tương lai. Hiện tại thì trong mảng viết lách, đa phần thiên hạ rất hay tiếp cận AI theo 2 cái thái cực: hoặc hoàn toàn không sử dụng nó và vẫn chỉ tự thân viết theo kiểu truyền thống, hoặc dựa dẫm 100% vào nó và để con AI chém từ đầu đến cuối chứ không có tí can thiệp nào cả. Nhưng cả hai cái cách tiếp cận này theo mình thì khá là sai lầm. Với cái trình độ hiện thời, AI chắc chắn không đủ sức để viết được cái gì ra hồn, nhưng nó vẫn có thể được tích hợp vào quy trình sáng tác dưới dạng một biên tập viên và một cộng sự cực kỳ đắc lực.

Tỉ dụ, ta có thể học những gì Marche đã làm với cuốn Death of an Author như đã nói trên, chỉ có điều ở một mức không “lười” đến như ông anh (mặc dù công bằng mà nói, cái quyển đấy là một thử nghiệm văn học, với Marche cố tình kiểm tra xem bọn AI có thể tự lập được đến đâu, thế nên bảo là ông anh lười thì cũng hơi quá lời). Ta có thể nhờ nó xem lại các đoạn văn và câu cú mà bản thân đã viết, nhờ nó mông má lại tí cho chuẩn ngữ pháp hoặc bóng bẩy hơn. Ta cũng có thể bảo nó hãy lồng một nhân cách nhất định hoặc một chất giọng vùng miền cho các đoạn hội thoại, để cho câu văn các kiểu nghe không giống một người tự nói chuyện trước gương quá. Hoặc, nếu muốn làm một cái gì cao cấp hơn, ta thậm chí còn có thể nhồi cho con AI toàn bộ “sơ yếu lý lịch” của một nhân vật nhất định, tả cho nó biết mọi thứ về quá khứ, tâm tính, tư tưởng thế giới quan của nhân vật đấy, và bắt nó đóng vai nhân vật này; sau đấy, mỗi khi gặp chỗ bí, hoặc muốn kiểm tra xem phần viết của mình của bị bất nhất với bản chất nhân vật không, ta có thể tả hoàn cảnh hiện tại lại cho con AI, bấy giờ đang đóng vai nhân vật kia, và hỏi nó sẽ ứng xử thế nào…

Nói chung là chúng ta hiện đang ở một khoảnh khắc giao thời rất đặc biệt. Ta nắm trong tay một công cụ siêu mạnh, nhưng chưa thực sự ý thức được nên tích hợp nó ra sao và ở mức độ nào vào các hoạt động sáng tác nghệ thuật. Và đấy là còn chưa kể một lô một lốc các vấn đề với bản thân cái công nghệ, chạy từ việc khung pháp lý cho nó vẫn còn rất mập mờ (hoặc đúng hơn là còn chưa tồn tại để gọi là mập mờ) cho đến có quá nhiều thông tin nhiễu loạn và lầm tưởng về cách nó hoạt động, khiến một bộ phận không nhỏ e dè trong việc sử dụng nó. Tuy nhiên, theo thời gian, tất cả những cái điều trên đều có thể được khắc phục. Khung pháp lý rồi sẽ được thiết lập, bản chất của mấy thuật toán AI tạo sinh này rồi sẽ được mọi người hiểu rõ hơn, và thiên hạ sẽ dần hình thành được một hệ ý thức chung về giới hạn sử dụng chấp nhận được của nó. Một khi đã có các tiền đề như trên, có lẽ ta sẽ thấy thêm nhiều tác phẩm với quá trình ra đời tương tự Death of an Author, có điều bàn tay của tác giả con người sẽ được thể hiện rõ nét hơn, và chất lượng sẽ một trời một vực so với cái thí nghiệm tiên phong này.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.