Chuyển đến nội dung chính

Quá lệ thuộc vào AI - một nguyên nhân tiềm tàng khiến Israel bị Hamas đánh úp

 Như anh em hẳn đều đã biết rồi đấy, cách đây mấy hôm, Hamas vừa mở một cuộc tấn công khủng bố bất ngờ vào lãnh thổ của Israel, và sự đẫm máu của nó đã gây rúng động toàn bộ Israel nói riêng lẫn thế giới nói chung. Hiện tại, Israel đã chính thức đưa cả nước vào trạng thái chiến tranh và triển khai hàng loạt cuộc tấn công trả đũa ác liệt vào Dải Gaza.

Cái vụ việc này, bao gồm tính đúng sai của cuộc chiến, sự tốt xấu của các bên liên quan, cũng như các diễn tiến của nó, nhìn chung nằm ngoài khuôn khổ bàn luận của group chúng ta. Tuy nhiên bữa nay, mình lại vô tình bắt được một bài viết liên quan đến nó với một phần nội dung ít nhiều phù hợp đề tài group, và có thể sẽ đáng chú ý với anh em.

Israel’s Massive Intelligence Failure

Cụ thể, bài này phân tích cuộc tấn công vừa qua dưới góc độ tình báo, đồng thời đưa ra một số giả thuyết tiềm tàng về các nguyên nhân khiến một chiến dịch tấn công quy mô như vậy qua mắt được tai mắt của quân đội Israel. Trong số các giả thuyết đưa ra, có một cái bảo rằng kẻ chịu trách nhiệm lớn nhất cho thất bại tình báo này là… AI.

Theo lời bài báo, Israel trước nay rất chú trọng việc thu thập và phân tích thông tin tình báo. Bên cạnh việc cài cắm người vào hàng ngũ Hamas, họ còn đã chi hàng tỷ đô la để củng cố khả năng thu thập thông tin thu thập mọi dữ liệu kỹ thuật số phát ra từ Gaza. Nguồn dữ liệu đến từ cả những thứ lặt vặt như các cuộc gọi điện thoại di động, e-mail, và tin nhắn SMS cho đến những thứ ở tầm vĩ mô hơn như ảnh chụp vệ tinh, dữ liệu máy bay không người lái, dữ liệu từ các camera quan sát đặt trong lãnh thổ Gaza. Theo ước tính, mọi mét vuông của Gaza đều bị soi đến theo chu kỳ 10 phút một lần.

Nghe kiểu thông tin thu được nhiều như vậy thì có vẻ hay đấy, nhưng vấn đề là nếu không có ai ngồi phân tích chúng nó thì mấy cái thông tin này có cũng như không. Và khốn thay, nguồn dữ liệu Israel thu được lại quá khủng, đến mức có dồn sạch toàn nhân sự tình báo của Israel vào phân tích chúng nó thì cũng không nổi. Để khắc phục vấn đề ấy, Israel đã phát triển một hệ thống AI khổng lồ, bao gồm những thuật toán học máy chuyên biệt, được kết nối với một cơ sở dữ liệu khổng lồ, chứa đựng cả núi dữ liệu tình báo thô được thu thập trong nhiều năm từ mọi nguồn thông tin có thể. Nhiệm vụ của nó là diễn giải cái mớ thông tin đấy, từ đó xác định các mục tiêu quan trọng tiềm tàng và thậm chí còn cả phán đoán hành động trong tương lai của Hamas nữa, giúp Israel có thể cả phòng bị trước các cuộc tấn công tiềm tàng lẫn tiến hành các chiến dịch quân sự hiệu quả hơn.

Và vào năm 2021, Israel cũng đã có một vụ xung đột tương tự hiện tại với Hamas. Trong cuộc xung đột kéo dài 11 ngày ấy, Israel đã tận dụng tối đa hệ thống AI kia để xác định các mục tiêu quân sự giá trị, thậm chí còn phán đoán khá chính xác cả các hệ thống hầm ngầm của phe Hamas, từ đấy có một chiến dịch quân sự rất thành công. Sau khi cuộc chiến kết thúc, Israel đã rất hãnh diện về hệ thống đấy, và khoe ầm lên về vai trò của nó trong chiến dịch của mình, đến mức còn rêu rao rằng đây là “cuộc chiến AI đầu tiên” vì nó góp công quá lớn. Anh em có thể tham khảo một bài viết về vụ việc đấy ở đây: https://www.eurasiantimes.com/israel-sys-it-fought-worlds-first-artificial-intelligence-war-against-hamas/.

Nhưng theo lời bài báo, cái thành công này lại là con dao hai lưỡi với Israel. Vì sự đắc lực của hệ thống AI này đã được chứng minh, phía Israel đâm ra ỷ lại vào nó, và ngày một dựa dẫm nhiều vào những phân tích nó đưa ra để lên các kế hoạch phòng bị với Hamas. Trong khi ấy, việc họ công khai khoe khoang về vai trò của AI trong chiến dịch năm 2021 đấy cũng phần nào cho Hamas biết trước điều này, và từ đấy đã nhìn ra một cửa ngõ tiềm năng để che mắt Israel.

Theo suy đoán của bài báo, vì biết Israel để AI theo dõi mình (hay đúng hơn là diễn giải dữ liệu theo dõi do các tài nguyên tình báo Israel thu được), phía Hamas đã triển khai một kế hoạch nghi binh rất công phu. Thay vì tắt tịt các thiết bị di động và máy tính, hạn chế liên lạc điện tử để ngăn trở Israel thu thập dữ liệu, Hamas lại duy trì một mức độ liên lạc vừa đủ về cả số lượng và chất lượng để mớm cho con AI, để nó không thấy có gì bất thường cả. Các hoạt động điều binh khiển tướng cũng như công tác thường nhật cũng được duy trì theo một kiểu tương tự, để khi soi ảnh chụp được, các thuật toán AI của Israel cũng chẳng nghĩ có gì lạ đang diễn ra. Thế là, một khi đã ru ngủ được con AI, Hamas cũng đã lừa luôn được cả toàn bộ cơ quan tình báo của Israel, dẫn đến tấn thảm kịch ta thấy ngày hôm nay.

Bất chấp bản chất tàn khốc của nó, đây kể cũng là một trường hợp thú vị về những mặt mạnh yếu của AI, đặc biệt trong vai trò hỗ trợ chiến tranh. Không thể phủ nhận được là AI là một công nghệ rất mạnh mẽ, và nó có thể làm thay đổi cục diện trên chiến trường theo những cách bất khả thi với con người. Nhưng cái công nghệ này không phải là thứ gì toàn năng. Nó phụ thuộc tuyệt đối vào nguồn dữ liệu đầu vào, và anh em nào làm lập trình thì biết nguyên lý GIGO rồi đấy: nạp cho nó dữ liệu lăng nhăng, kết luận của nó cũng sẽ lăng nhăng nốt.

Đến đây, lại nhớ trong World War Z, từng có một đoạn nhân vật phóng viên phỏng vấn một mật thám viên Israel tại Tel Aviv, một trong những người đầu tiên lập được một kế hoạch phòng ngừa nghiêm chỉnh khi đại dịch zombie chỉ vừa bắt đầu bùng phát. Trong lúc trả lời, ông ta có chia sẻ thế này:

Tháng Mười năm 1973, hồi chúng tôi suýt nữa bị cuộc đánh úp của Ả Rập dồn sạch ra Đại Trung Hải, mọi thông tin tình báo, mọi dấu hiệu cảnh tỉnh đều đã nằm chình ình ngay trước mặt chúng tôi từ trước rồi, ấy nhưng chúng tôi lại có một pha xử lý “đi vào lòng đất.” Chúng tôi chưa bao giờ tính tới khả năng một cuộc tổng tiến công quy ước do nhiều nước phối hợp tổ chức sẽ xảy ra, đặc biệt là vào một trong những ngày lễ thiêng liêng nhất của chúng tôi. Sự đình đốn, tính cứng nhắc, tâm lý đám đông không thể tha thứ được, anh muốn gọi đó là gì thì tùy. Hãy tưởng tượng thế này nhé: có một đám người đang cùng dõi mắt nhìn vào mấy dòng chữ viết trên tường, ai nấy đều mải chúc mừng nhau vì đã đọc chuẩn từng từ. Nhưng đằng sau đám người đó là một cái gương, phơi bày thông điệp thật của dòng chữ kia. Không ai nhìn vào cái gương đấy. Không ai nghĩ làm vậy lại là cần thiết cả. Và rồi, sau khi tí nữa để bọn Ả Rập hoàn tất công việc Hitler đã khởi xướng, chúng tôi nhận ra rằng cái ảnh phản chiếu trong gương kia không chỉ cần thiết, nó còn phải trở thành một chính sách quốc gia. Kể từ năm 1973 trở đi, nếu chín phân tích viên tình báo rút ra cùng một kết luận, người thứ mười có nghĩa vụ phải cãi ngược lại. Cho dù khả năng ấy có không tưởng hay nghe cường điệu đến đâu chăng nữa, ta vẫn luôn phải đào bới sâu hơn. Nếu nhà máy hạt nhân của quốc gia láng giềng có thể được dùng để sản xuất plutonium cấp vũ khí, anh phải đào sâu nữa; nếu có tin đồn một tay độc tài nào đó đang thiết kể một khẩu trọng pháo đủ lớn để bắn đạn mang mầm bệnh than xuyên quốc gia, anh phải đào; và nếu có dù chỉ một chút xíu khả năng xác chết đang hồi sinh dưới dạng những cỗ máy giết chóc đói khát, anh phải đào và đào cho tới khi anh tìm ra sự thật.

Sau vụ việc của Israel lần này thì có lẽ, bất kể AI có mạnh đến đâu, ta cũng chỉ nên cho nó lãnh vai trò của 9 phân tích viên thôi. Kiểu gì thì kiểu, cũng nên có ít nhất 1 người cãi ngược lại với kết luận của nó, bất kể kết luận đấy nghe có hợp lý và xuôi tai đến đâu, chứ không thì dễ cạp đất lắm.

Hoặc, như trong trường hợp của World War Z, dễ bị zombie cạp lắm .


***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.