Chuyển đến nội dung chính

Về hai lầm tưởng đối với Hard Sci Fi

 Bữa nay gió mùa bắt đầu tràn về rồi, nhưng hẳn anh em trong group vẫn đang thấy ấm lắm, bởi vì chúng ta vừa có một quả diss track cháy vl .


Nghiêm túc mà nói, việc bạn kia không ngửi nổi Hard Sci Fi chẳng có gì là lạ cả. Đã dính đến mấy cái văn học nghệ thuật thì chẳng bao giờ có chuyện bới ra được thằng nào ai bập vào cũng mê, không bị ghét bao giờ. Tuy nhiên, trong cái bài của bạn đó, mình thấy có đôi chỗ dễ chừng sẽ khiến cho anh em có một cái nhìn hơi bị lầm lạc về Hard Sci Fi, đặc biệt những bạn mới vào và chưa đọc nhiều trong cái ngách này hay thậm chí chỉ đơn thuần chưa đọc nhiều Sci Fi. Chính thế nên giờ mình sẽ bàn qua một tí về mấy cái chỗ đấy để hy vọng sẽ giúp anh em có một cái nhìn chuẩn hơn về mảng này.

Cơ mà trước khi vào bài, cho mình rào qua cái này một chút. Xét chuẩn ra, cái ngách bị chê trong bài kia là “Hardcore Sci Fi” chứ không phải Hard Sci Fi. Bởi vì cái thuật ngữ này thực chất không tồn tại, hoặc nếu nó có tồn tại thì cũng chỉ một nhóm cực nhỏ trong fandom SFF sử dụng, thế nên ta kỳ thực có đến hai cách diễn giải cái cụm đó. Một là “Hardcore Sci Fi” ở đây chính là một phiên bản đọc trại đi của Hard Sci Fi, với thứ mang tính “hardcore” ở đây là các kiến thức khoa học kỹ thuật của tác phẩm. Hai là “Hardcore Sci Fi” được dùng để chỉ những tác phẩm đậm chất “metal” hoặc “edgy,” với thứ “hardcore” về nó là bắn nổ bạo lực máu me bùm chíu đến phát mửa như kiểu Warhammer 40k hay Doom. Nhưng căn cứ vào cách bạn ấy mô tả về cái dòng này, khả năng cao “Hardcore Sci Fi” ở đây là Hard Sci Fi, và cái bài này của mình sẽ được viết dựa trên giả định đấy.

Ok, giờ xong xuôi phần đấy rồi, quay lại với đề tài chính nào.

Về khoản Hard Sci Fi là gì thì mình từng làm một bài giải thích chi tiết về nó từ cách đây rất lâu rồi. Anh em nào muốn đọc lại đầy đủ có thể tham khảo ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/06/sff-101-hard-soft-sci-fi.html. Còn nếu ngại đọc thì anh em cứ hiểu đại khái thế này: trong làng Sci Fi, mỗi tác phẩm đều mang trong mình một “nồng độ” khoa học nhất định. Có những thằng chỉ nhét khoa học vào làm màu, chém gió mọi thứ nghe điêu còn hơn cả bác Ba Phi kể chuyện. Nhưng cũng có những thằng nhồi nguyên một núi khoa học vào câu chuyện, và xây dựng phân tích các yếu tố đó một cách cực kỳ chi li, nghiêm túc, bám rất sát chuẩn khoa học thực. Những thằng đầu tư mạnh cho khoa học như thế được gọi là Hard Sci Fi.

Giờ quay lại cái diss track kia tí nhé. Nếu nhìn vào bài đó, anh em có thể thấy bạn chủ thớt đã khẳng định rằng một tác phẩm Hard Sci Fi thì sẽ có 2 đặc tính:

  1. Hard Sci Fi luôn bị viết rất khô khan.
  2. Hard Sci Fi toàn đi sỉ nhục trí tuệ con người, dìm những thành tựu khoa học của nhân loại xuống trong khi nâng thành tựu khoa học của các chủng tộc ngoài hành tinh lên mức siêu quần so với loài người.

Về cái ý thứ nhất, tức ý khô khan, thì nó cũng đúng phần nào. Như đã nói đấy, Hard Sci Fi là các tác phẩm rất đặt nặng yếu tố khoa học, và chúng nó luôn tìm cách quẳng ra thật nhiều thông tin kiến thức để giúp phần khoa học trông có cơ sở hết mức có thể. Đã là khoa học nghiêm túc thì cực khó để làm cho nó trở nên mượt mà như văn học thuần, và một lượng không nhỏ các tác giả viết Hard Sci Fi nói trắng ra là trình độ nghiên cứu có thừa nhưng khả năng viết lách lại hơi yếu, thế nên làm ăn khá lóng ngóng khoản cân đối cái yếu tố khoa học và tính văn của truyện. Thêm vào đó, đối tượng độc giả truyền thống của Hard Sci Fi lại là những người không quá quan trọng chuyện văn vẻ mà chỉ muốn khám phá khoa học trong một bối cảnh giả tưởng, thế nên rất sẵn lòng xuê xoa cho qua cái sự yếu đuối trong câu chữ. Với một tập khách hàng như vậy, các tác giả cũng không thực sự có nhiều động lực để viết cho nó bay bướm câu văn làm gì.

Nhưng điều đó không có nghĩa là mọi tác phẩm Hard Sci Fi đều khô khan. Chỉ tính riêng độ chục năm trở lại đây thôi, chúng ta đã gặp không ít tác phẩm với yếu tố khoa học rất nặng, nhưng câu chữ chảy trôi cực kỳ mượt mà và dễ đọc. Ví dụ nổi tiếng nhất sẽ là The Martian của Andy Weir. Xét về độ khoa học thuần túy, nó chắc phải nhiều thông tin và kiến thức ngang ngửa Tam Thể, nhưng mình chưa thấy có một ai đọc quyển này mà lại có thể bảo rằng nó khô được cả. Truyện viết với một văn phong cực kỳ chớt nhả và suồng sã, liên tục chêm vào những câu đùa cợt nhẹ nhàng và giới thiệu các kiến thức khoa học theo một cách khiến cho tác phẩm chẳng khác nào một cái shitpost phóng to vậy.

Cũng làm theo một kiểu tương tự là We Are Legion (We Are Bob) của Dennis E. Taylor. Thằng này không đến nỗi nhiều khoa học bằng The Martian, nhưng nó cũng chứa một lượng thông tin khoa học kha khá, được phát triển và phân tích khá kỹ, đặc biệt trong cái khoản lập trình thế giới ảo. Cũng như với The Martian, truyện sử dụng một giọng văn hóm hỉnh nhẹ nhàng, và đặc biệt còn chêm thêm cả đống easter egg về văn hóa đại chúng, khiến truyện giống như do một tổ hợp meme chập vào.

Viết theo một cách nghiêm túc hơn thì ta có To Be Taught, If Fortunate của Becky Chambers. Cái này chỉ là truyện ngắn thôi, nhưng khoa học kỹ thuật của nó cứ ngồn ngộn ra, và nếu xét về mật độ thì có khi thằng này còn là Hard Sci Fi đậm đặc hơn The Martian chứ chẳng đùa. Nhưng mọi thứ về nó đều được viết theo một cách uyển chuyển và dịu dàng đến phi thường, với mọi câu chữ đều thấm đẫm một xúc cảm yêu thương với khoa học và sự khám phá, khiến cho câu chuyện cứ như một suối mật, ngọt ngào và dễ nuốt vô cùng.

Sang cái ý thứ hai trong diss track, đấy là Hard Sci Fi chuyên dìm trí tuệ con người, đặc biệt là so với các chủng tộc ngoài hành tinh, thì cái này là một lầm tưởng rất nặng. Ừ, đúng là Hard Sci Fi có những tác phẩm khiến cho khoa học của con người trông rất cùi bắp, còn hàng người ngoài hành tinh thì như phép tiên. Kể sơ sơ, ta có Rendezvous with Rama, bản remix Blindsight của nó, và cái thằng Tam Thể vốn đã rất quen thuộc với anh em đấy. Nhưng những thằng này là một kiểu câu chuyện cực kỳ cụ thể, chỉ chiếm một phần nhỏ của Hard Sci Fi. Nhìn vào đây xong tuyên bố Hard Sci Fi chuyên chê bai khoa học con người và bưng bô cho người ngoài hành tinh thì cũng chẳng khác gì bước chân vào chùa nói chuyện với toàn sư sãi, xong phán xanh rờn rằng người Việt Nam ai cũng ăn chay trường và cạo trọc đầu.

Để anh em thấy cái ý tưởng Hard Sci Fi toàn dìm nhân loại và bợ người ngoài hành tinh nó kệch cỡm ra sao, ta chỉ cần nhìn vào một cái thực tế rất đơn giản thế này: có cực kỳ nhiều tác phẩm Hard Sci Fi thậm chí còn… chẳng có người ngoài hành tinh. Ví dụ đầu tiên và kinh điển nhất sẽ là From the Earth to the Moon cùng cái quyển sequel (hoặc đúng hơn là phần hai của nó) Around the Moon do Jules Verne sáng tác. Truyện là một cuốn Hard Sci Fi đời đầu, sử dụng cực kỳ nhiều thông tin khoa học kỹ thuật, với một lượng rất lớn trong đấy đến nay vẫn còn sát thực đến đáng nể, và nó thuần túy xoay quanh nỗ lực chế tạo tàu lên Mặt Trăng của con người, chứ không có thằng người ngoài hành tinh nào thò mặt vào đây hết. Thậm chí, xuyên suốt cả 2 câu chuyện, anh em sẽ thấy đây như một dạng “phim sex khoa học” kiểu The Martian, với Verne về cơ bản dành dành ra gần 500 trang giấy để BJ cho khoa học kỹ thuật của loài người cũng như cái tiềm năng của nó.

Và tiện nhắc lại The Martian, bản thân cái thằng này cũng chính là một cái quyển Hard Sci Fi bợ bi con người. Không có một bóng người ngoài hành tinh nào trong câu chuyện đấy cả, và khoa học luôn được tung hô như một công cụ thần kỳ, giúp con người chinh phục mọi khó khăn và thử thách.

Ngoài đấy ra, ta còn có thể kể đến Six Wakes của Mur Lafferty. Thằng này thì hơi đặc biệt ở chỗ không như truyện của Verne và Weir, nó sử dụng một thứ khoa học khá xa thời điểm hiện tại, ấy là nhân bản vô tính và sao chép dữ liệu não. Tuy nhiên, từng khía cạnh một của các công nghệ đấy lại đều được đem ra mổ xẻ và phân tích, với đầy đủ các nền tảng trụ cột vững chãi để chúng trở nên thực tế khôn tả, và vì thế nên cũng có thể được tính là Hard Sci Fi, dù ở một cấp mềm hơn 2 thằng trên. Và cũng như với 2 thằng đấy, người ngoài hành tinh hoàn toàn chẳng góp mặt vào câu chuyện để con người bị lép vế.

Một trường hợp khác cũng cần kể đến là The Lifecycle of Software Objects, một cuốn tiểu thuyết ngắn của Ted Chiang. Truyện xoay quanh một dự án thiết kế AI làm thú nuôi ảo, và bám theo từng bước phát triển của công nghệ này. Tất cả mọi bước phát triển của cái công nghệ đấy đều được khắc họa rất chi tiết, chân thực, và anh em nào là kỹ sư lập trình thì hẳn sẽ thấy những gì nó tô vẽ trong đấy cực sát với công việc của bản thân. Và cũng một lần nữa, chẳng có bất kỳ người ngoài hành tinh nào ở đây cả, chỉ có con người loay hoay dev một cái thế giới ảo và bảo vệ thành quả của mình.

Một trường hợp khác cũng nên được kể ra là The Ark của Christopher Coates. Truyện kể về việc sự sống trên Trái Đất sắp sửa bị một ngôi sao chổi diệt sạch, và loài người phải dồn đổ toàn bộ tài nguyên vào nghiên cứu cách sống sót. Truyện được viết như kiểu một cuốn sách giáo khoa về cơ học, rặt toàn khoa học là khoa học, và có một cái giọng gần như rất vô cảm. Nhưng khi đọc vào truyện, ta vẫn thấy nó toát lên một sự tự hào ngầm về những gì loài người có thể làm được nhờ khoa học kỹ thuật, và nó là một kiểu ca ngợi hơi dị thường về công nghệ con người. Và cũng như những thằng trên, không có người ngoài hành tinh nào ở đây hết.

Ngay cả những tác phẩm Hard Sci Fi với sự xuất hiện của người ngoài hành tinh cũng chẳng có chuyện chúng nó phải đi theo cái chiều hướng dìm con người. Children of Time của Adrian Tchaikovsky là một ví dụ rất nổi tiếng. Trong câu chuyện này, ta được theo chân nguyên một chủng tộc ngoài hành tinh trong quá trình chúng nó phát triển ra đủ thứ công nghệ mới lạ. Nhưng chính con người lại mới là bên nắm giữ những công nghệ cực kỳ siêu việt so với đám người ngoài hành tinh đấy, và trên thực tế còn được bọn nó tôn lên làm Chúa (ít nhất là trong một phần rất lớn của tác phẩm), bởi vì cái công nghệ loài người sở hữu chẳng khác nào phép thuật so với bọn này.

Một ví dụ khác là truyện ngắn Omnilingual của H. Beam Piper. Cái truyện này hơi đặc biệt ở chỗ thay vì tập trung vào khoa học tự nhiên, nó lại đánh vào khoa học xã hội, cụ thể là phiên dịch ngôn ngữ. Truyện theo chân hành trình của một nhóm nhà khảo cổ học trên Sao Hỏa, những người phải tìm cách giải mã các bí ẩn của một thành phố ngoài hành tinh đã chết. Câu chuyện không hề thể hiện rằng đám người ngoài hành tinh này có gì siêu việt hơn loài người, mà chỉ cho thấy cái khó khăn trong việc diễn giải những tàn tích văn hóa một nền văn minh xưa từng để lại khi ta có quá ít bằng chứng để đối chiếu. Truyện khắc đám người ngoài hành tinh của mình theo một kiểu tương đương với người Sumer của chúng ta, chứ không bợ đỡ gì đám đấy và dìm loài người cả.

Schild’s Ladder của Greg Egan cũng là một trường hợp đáng chú ý. Cái quyển này có cái nồng độ Hard Sci Fi tởm hơn hẳn mọi thằng khác trong bài viết này cộng lại, và nó cũng có sự xuất hiện của các thức sống ngoài hành tinh. Có điều đến phân đoạn sinh vật ngoài hành tinh xuất hiện, ta lại chỉ thấy đây là các dạng thức sống rất nguyên thủy, được khắc họa không hơn gì những mẫu vật để loài người nhòm ngó, chứ còn khướt mới đú nổi với cái trình độ khoa học biến hẳn được thành các thức sống dữ liệu thuần túy với ghì chậm nhịp sống của cả hành tinh lại như con người.

Ngoài ra thì cũng phải kể đến Arkwright của Allen M. Steele. Truyện phần nhiều là một dạng bức thư tình đầy hoài niệm gửi những tác giả/tác phẩm Sci Fi pulp thời xưa, nhưng cũng có một lượng rất lớn kiến thức khoa học được đưa ra, xoay quanh nỗ lực định cư ngoài không gian của loài người. Đến gần cuối truyện, ta cũng có bắt gặp người ngoài hành tinh, nhưng đội này chỉ phát triển đến ngang tầm các bộ tộc thổ dân là cùng, chứ đừng nói đến chuyện đua nổi với con người và mớ tàu bè xuyên không gian của họ.

Tựu trung, Hard Sci Fi đúng là một cái ngách hơi bị đặc biệt, với những điểm mạnh và điểm yếu riêng so với những tác phẩm Sci Fi thoáng tay với khoa học kỹ thuật hơn khác. Nhưng ngay cả trong cái giới hạn rất bé nhỏ của mình, Hard Sci Fi vẫn có một sự đa dạng đến bất ngờ, đủ sức đáp ứng một loạt gu đọc khác nhau chứ không chỉ những ai thích thẩm du với sách giáo khoa vật lý. Nếu anh em có không ưa mấy thằng đi sâu vào khoa học thế này thì cũng không thành vấn đề gì, bởi lẽ Sci Fi nói chung không thiếu các mảng ngách khác để phục vụ mọi người. Cơ mà đừng chỉ nhìn vào một góc của Hard Sci Fi xong phán luôn cả cái mảng này là thế nọ thế kia. Làm vậy giống thầy bói xem voi lắm.


***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.