Chuyển đến nội dung chính

Từ một chia sẻ hài hước trên Twitter ngẫm về cách làm Infodump

 Bữa nay mình mới vớ được cái chuỗi bài đăng Twitter này của John Kennedy, một nhà khoa học khí hậu làm việc tại Tổ chức Khí tượng Thế giới. Trong bài, ông anh chia sẻ lại một “thí nghiệm” bản thân mình từng thực hiện với một quả cam, và cái kết quả thảm họa của nó. Đọc mà thấy hài phết.










Bản thân cái chia sẻ của ông anh đã thú vị lắm rồi, nhưng riêng với con dân SFF nhà ta, cái chuỗi bài này có lẽ còn đáng chú ý ở một điểm khác nữa. Cái điểm đó là thế này: đây là một ví dụ rất hấp dẫn về cách nhồi thông tin khoa học, nhưng không gây choáng ngợp cho độc giả hoặc làm câu chuyện trở nên khô khan.

Như anh em biết rồi đấy, những thằng thuộc cái mảng Hard Sci Fi hay mắc phải một cái tật là chúng nó nhồi khoa học một cách quá đặc. Sẽ có những đoạn, ta thấy tác giả cho cả câu chuyện phanh kít lại, xong phun ra một mớ ngôn từ kỹ thuật ngồn ngộn. Cái này kể cũng khó lòng trách người ta được, bởi vì nếu không giải thích chi li các thuyết nền móng hoặc nguyên lý vận hành của một quy trình/công nghệ nào đấy thì về sau sẽ khó thuyết phục người đọc về sự xác đáng của các tình tiết. Nhưng nói gì thì nói, cái kiểu phun khoa học đấy đã dựng lên một rào cản rất lớn cho mảng Hard Sci Fi, và thậm chí còn làm cả cái dòng Sci Fi nói chung bị mang tiếng lây là khô khan và nặng nề.

Cơ mà nếu nhìn vào các bài đăng của Kennedy bên dưới, anh em sẽ thấy việc lồng khoa học vào câu chuyện không nhất thiết đòi hỏi tác giả phải hy sinh bước tiến của mạch truyện hay tính hấp dẫn của nó cả.

Kennedy cũng lồng thông tin khoa học khá nhiều vào trong lời kể, nhưng gần như chẳng làm câu chuyện được thuật khô khan đi hay chậm lại tí nào. Sở dĩ Kennedy làm được như vậy là bởi ông ta đã kết hợp hai chiêu bài rất khôn ngoan. Một là ông anh không bao giờ để các phần thông tin khoa học đứng dồn sin sít vào với nhau. Cứ mỗi khi đưa ra một tí thuật ngữ chuyên môn xong, ông anh lại đan xen thêm những thứ như thể nhịp nghỉ vào, dưới dạng các miêu tả hình tượng ít biệt ngữ hay khắc họa xúc cảm và cảnh quan/phản ứng. Và hai là lúc đưa ra bản thân các thông tin đấy, Kennedy tích cực “làm mềm” chúng nó bằng những câu từ đậm cá tính, hài hước. Nhờ một giọng điệu rất chiến lược như vậy, mọi thứ đưa ra đều mang một sắc trôi chảy tự nhiên, chứ không lúc nào thanh niên gợi cho anh em cảm giác mình đang đọc một đoạn trích Wiki hay ngồi trong một lớp kỹ thuật cả.

Cái kiểu của Kennedy thực ra cũng không hẳn là chưa có ai thử bao giờ. Nếu đọc những truyện như series Bobiverse của Dennis E. Taylor hay mấy cuốn tiểu thuyết phiêu lưu của Andy Weir, anh em cũng sẽ thấy một điều tương tự xuất hiện. Tác giả mấy truyện này cũng tìm cách bẻ vụn phần thông tin khoa học ra hết mức có thể, đan xen kèm vào với những quãng nghỉ để độc giả không quá choáng. Họ cũng để cho một nét cá tính vui tươi thẩm thấu vào khắp nơi, giúp các đoạn diễn giải khoa học của mình không bị khô quá. Nhưng vấn đề là ở trong cái ngách Hard Sci Fi, cứ được 1 ông như Taylor hay Weir thì lại thấy ba, bốn ông như Lưu Từ Hân với Arthur C. Clarke, điềm nhiên quẳng khoa học ra theo kiểu nói thẳng ra là cực kỳ thô thiển, như thể họ muốn đấm cho độc giả bầm tím cả người với mớ kiến thức của mình vậy.

Cơ mà công bằng mà nói, ta cũng không hẳn có thể bê cái kiểu của Taylor với Weir đi áp dụng tùm lum tà la. Với mấy truyện của Clarke hay Asimov thì chơi kiểu đấy còn có thể gọi là hợp lý, bởi vì truyện của họ nhiều khi khá là trung tính hoặc tươi sáng, thế nên cho tí tươi tắn cợt nhả vào cũng chẳng chết ai (mặc dù có lẽ chỉ nên cợt nhả kiểu Taylor là cùng thôi, chứ Weir thì nhây quá), chứ còn truyện thanh niên Hân thì cần có một cái sức nặng và độ nghiêm trọng nhất định, vậy nên chơi kiểu bỡn cợt như thế thì có khi lại hỏng.

Tóm lại là nếu có gì thì chỉ mong lượng người học tập ông anh Kennedy bên dưới nó cân đối hơn so với những người đi theo trường phái Clarke thôi, chứ ai cũng suồng sã quá thì nó lại thành nhạt.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.