Nay nhắc đến The Martian Chronicles mà lại nghĩ, chính ra nếu bây giờ mà quyển The Martian vẫn còn chưa hết hàng, thì đọc liền 2 thằng này nối đuôi nhau kể cũng sẽ thú vị phết.
Cụ thể, 2 thằng này sẽ cho anh em thấy hai cách tiếp cận đề tài Sao Hỏa rất khác biệt, nhưng mà lý thú ngang nhau. Như trong trường hợp của The Martian Chronicles, anh em sẽ thấy truyện mang một chất văn chương cực mạnh. Ray Bradbury đã lồng ghép vào truyện rất nhiều đề tài sâu sắc, ẩn ý nghệ thuật, và khơi dậy rất nhiều suy nghĩ. Đây không phải là kiểu truyện đọc một lần cho vui rồi thôi, mà sẽ lắng đọng lại rất lâu trong tâm trí anh em ngay cả sau khi đã đọc xong nó. Thằng The Martian thì ngược lại, nó mang chất giải trí mì ăn liền cực kỳ sắc nét. Andy Weir gần như chẳng có một cái theme nhân văn nào quá sâu cả, ngoại trừ việc ca ngợi việc không đầu hàng nghịch cảnh và khen khoa học. Nó chỉ là một cuộc phiêu lưu kịch tính, đọc xong là thôi chứ cũng không để lại nhiều thứ ám ảnh đáng suy ngẫm về nhân tình thế thái.
Tông giọng hai bên cũng khác hẳn nhau nữa. The Martian Chronicles thì dùng ngôn ngữ rất hoa lá cành và có chọn lọc, tập trung rất nhiều vào việc tạo dựng không khí, khiến cho tác phẩm trở nên du dương và quyến rũ vô cùng, với đôi chỗ lắm khi còn thấy như đang đọc thơ chứ không còn là đọc văn nữa. The Martian thì suồng sã hơn rất nhiều. Câu từ của truyện không có gì kiểu cách phức tạp, mà nó cực kỳ bình dân, lúc nào cũng hềnh hệch như kiểu mấy anh em ngồi quán nước chém gió với nhau vậy. Thằng này cũng hiếm khi nào tạo dựng một không khí tử tế bằng câu từ, mà chủ yếu toàn dựa vào sự kịch tính của tình huống để khiến độc giả chìm vào truyện.
Thêm một cái nữa là The Martian Chronicles do một ông nhà văn gộc viết. Bradbury gần như không được đào tạo một tí nào về khoa học kỹ thuật cả, và sau khi tốt nghiệp cấp 3 thì đã bập luôn vào nghề viết lách rồi. Ngay cả khi viết Sci Fi, Bradbury cũng không thực sự coi trọng khoa học lắm. Ông chẳng mấy quan tâm đến việc khoa học rồi sẽ đạt được những bước tiến như thế nào, mà chỉ muốn sử dụng khoa học như một công cụ để bình luận về bản chất con người và các vấn đề xã hội. Chính thế nên khi đọc vào The Martian Chronicles, anh em sẽ thấy phần khoa học của nó mềm nhũn như bún, xuất hiện chỉ dưới dạng bàn đạp để Bradbury vẽ lên cái câu chuyện mình muốn kể. The Martian thì viết bởi một anh kỹ sư phần mềm, con trai của một nhà vật lý học và một kỹ sư điện. Weir thì đúng kiểu cuồng khoa học luôn, chăm chăm tìm cách xây dựng chúng nó một cách chuẩn xác nhất có thể. Nhiều truyện của thanh niên gợi ra cảm giác ông anh chỉ đang muốn tìm cớ để xổ kiến thức khoa học chứ không phải là muốn kể chuyện gì cả, và thằng The Martian cũng nằm trong số đấy. Gọi cái quyển này là một dạng phim Twitter để người đọc thủ dâm cùng khoa học cũng chẳng có gì ngoa đâu.
Nói chung là đọc The Martian Chronicles và The Martian liền với nhau thì không đến mức thành như Barbenheimer đâu, cơ mà anh em cũng sẽ thấy có một sự sốc nhiệt nho nhỏ khi chuyển từ quyển này sang quyển kia đấy nhé.
Mà nhắc đến Barbenheimer mới nhớ, The Martian Chronicles và The Martian cũng có kiểu 1 cái dính đến bom nguyên tử, một cái vui tươi kể về 1 người lạc sang thế giới khác thật 🐧.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓