Chuyển đến nội dung chính

I, Robot và The Two Faces of Tomorrow - 2 tác phẩm về AI hoạt động theo cách ngoài kỳ vọng

Nhân bữa trước nhắc đến cái nỗ lực căn chỉnh AI sao cho chúng nó hoạt động đúng như kỳ vọng của con người, mình lại nhớ đến 2 quyển truyện rất nổi tiếng từng sử dụng chính cái ý tưởng đấy làm nền móng dựng cốt. Chúng nó là I, Robot và The Two Faces of Tomorrow.



Về phần I, Robot, thằng này là một tuyển tập truyện ngắn của Isaac Asimov. Trên lý thuyết, cái quyển này không phải là truyện về AI, mà nó là truyện về rôbốt (nhìn cái tên là biết ngay  ). Tuy nhiên, nếu anh em nào đã đọc truyện rồi, mọi người hẳn đều biết nó thực chất dính dáng đến rặt AI, có điều đám AI của truyện nằm trong những cơ thể di động chứ không phải mấy cái server dưới gầm giường thằng Mắc hay gì đó tương tự. Truyện gần như không bao giờ động đến các vấn đề liên quan đến cơ khí và phần cứng, mà luôn chỉ xoáy vào một đề tài mà Asimov gọi là “tâm lý rôbốt học.” Nói cụ thể hơn, truyện giới hạn bản thân vào đúng cái phần tâm trí của bọn rôbốt, tức mấy thuật toán AI điều khiển các thân xác máy, và chiêm nghiệm về những cách thức chúng nó có thể hoạt động vượt ngoài kỳ vọng của con người, cả theo nghĩa tốt lẫn nghĩa xấu.

The Two Faces of Tomorrow thì là một quyển tiểu thuyết dài do James P. Hogan sáng tác. Không như I, Robot, cái quyển này nhìn một phát là thấy luôn nó xoay quanh AI, chứ chẳng phải là về điều khiển học hay cái gì tương tự cả. Truyện theo chân một nhóm nghiên cứu trên một trạm vũ trụ biệt lập, nơi họ đã “thả” một thuật toán AI vào và để nó tự loay hoay quản lý cái trạm đấy, trong khi mình thì tìm mọi cách phá thối nó để xem nó phản ứng thế nào.

Về mặt danh tiếng mà nói, I, Robot đương nhiên ăn đứt The Two Faces of Tomorrow. Tuy không phải là tác phẩm đầu tiên trên đời từng đề cập đến AI với rôbốt, I, Robot lại mang tính định nghĩa cho cách thiên hạ nhìn nhận đám này. Ba định luật rôbốt học mà nó đề ra cho đến nay vẫn tồn tại trong ý thức của cộng đồng SFF nói riêng lẫn công chúng phổ thông nói chung dưới dạng bộ nguyên tắc nền tảng và lôgic nhất (ít nhất là về mặt tinh thần) nên được tích hợp cho các trí tuệ nhân tạo. The Two Faces of Tomorrow thì sinh sau đẻ muộn, và dẫu được viết rất tốt, nó vẫn không chứa cái gì mang tính đột phá như ba định luật của Asimov cả. Chính thế nên ngày nay, ngay cả trong cộng đồng SFF, chỉ còn một số ít người là biết đến nó, còn ngoài cái ao làng của chúng ta thì gần như không ai biết thằng đấy cả.

Ngay cả nếu gạt bỏ danh tiếng của chúng nó sang một bên, I, Robot nhìn chung vẫn nhỉnh hơn The Two Faces of Tomorrow. Cái tuyển tập truyện I, Robot đấy có một kiểu sáng tạo mà cho đến nay, gần như chẳng có tác phẩm nào khác bắt chước giống hẳn cả, trong khi thằng The Two Faces of Tomorrow có một nét khuôn mẫu nhất định, bám khá chuẩn cái khung Techno-thriller, và cả trước lẫn sau thời của nó đều có khá nhiều tác phẩm mang cái kiểu giống nó (mặc dù tất nhiên, chi tiết thì có khác). Thêm vào đấy, I, Robot có một sự tập trung rất cao độ, từ đầu đến cuối hầu như chẳng làm một cái gì khác ngoài nêu ra những cách đám AI/rôbốt có thể hoạt động theo kiểu sai lệch so với mong muốn của con người, và những phương thức xử lý tiềm tàng cho những vấn đề đấy. The Two Faces of Tomorrow thì tự dưng lại nhồi một cái mạch đấu đá chính trị với tình cảm vô thưởng vô phạt, nếu không muốn nói là nhạt thếch vào, khiến truyện loãng ra khá nhiều.

Đặc biệt nhất, I, Robot có tận 9 truyện liền, ứng với 9 vấn đề rất khác biệt, và nhờ đấy mà đã thể hiện rất sắc nét cái sự khó nhằn của mảng AI, cho ta thấy vấn đề có thể nảy sinh theo những cách cực kỳ tréo ngoe, không tài nào đoán định nổi. Trong khi ấy, The Two Faces of Tomorrow thì chỉ có đúng một vấn đề chính xuyên suốt thôi, và nó ngay từ đầu đã được nói rõ là cái gì rồi, thế nên dù các tiểu tiết vẫn diễn ra theo những kiểu khá bất ngờ và kịch tính, nó vẫn không thực sự thể hiện được bản chất khó đoán định của việc gò AI đi theo đúng chuẩn của con người.

Nhưng thú vị là nếu ta liên kết hai đứa chúng nó vào với cái bài viết về OpenAI hôm trước, The Two Faces of Tomorrow lại tự nhiên trở nên trội hơn. Nguyên do là không như I, Robot, thằng này giữ cho cái công nghệ AI của mình ở một mức cực kỳ sát với thực tế. AI của truyện được mô tả dưới một dạng thuật toán máy học, đúng y boong cái kiểu các thuật toán mà ta vẫn gọi là AI ngày nay. Chúng nó cũng có một cái kiểu ngu ngu cực chuẩn các phần mềm máy tính, tức là bọn này hành xử như mấy thằng thần đèn chỉ hiểu được ước nguyện của chủ nhân theo đúng nghĩa đen, chứ không biết “lẽ thường” là cái của khỉ gì cả. Quan trọng nhất, cái cốt của truyện thậm chí còn gần như là chính cái lôgic OpenAI đã áp dụng để kiểm tra GPT-4 luôn: để một thuật toán nhất định tự loay hoay trong một môi trường khép kín, với nguyên một đội ngũ chuyên gia luôn thử o ép và cố thúc nó vào con đường “tà đạo,” từ đấy xác định xem liệu có khả năng cái thuật toán này vượt ra ngoài vòng kiểm soát và gây hậu quả nghiêm trọng gì không.

Và không như trường hợp của GPT-4, con AI trong The Two Faces of Tomorrow không chỉ dừng lại ở việc nói láo để thuê người giải CAPTCHA thôi đâu .

Nói tóm lại, nếu quan tâm đến sự sai lệch của AI, anh em hãy thử ngó qua I, Robot với The Two Faces of Tomorrow. Nếu muốn có cái gì mang tính tổng quát và thuần kỹ thuật hơn, I, Robot sẽ là lựa chọn tối ưu nhất. Còn nếu muốn cái gì sát thực và gần với bài báo hôm trước hơn, The Two Faces of Tomorrow sẽ là thứ anh em nên tìm đọc.

Và nếu mọi người đã đọc cả 2, hãy biết rằng 2 thằng này đều có những bản chuyển thể khá trung thành. I, Robot thì có I, Robot: The Illustrated Screenplay, một kịch bản chuyển thể phim do Harlan Ellison viết, nhưng rốt cuộc không được bên nào nhận làm (anh em chớ nhầm cái kịch bản này với cái phim của Will Smith nhé, hai cái khác hẳn nhau đấy). The Two Faces of Tomorrow thì có một bộ manga ngắn cùng tên, chuyển thể bởi Yukinobu Hoshino, và bản truyện tranh đã khắc phục được rất tốt cái vụ nhồi nhét mạch drama nhăng nhít của truyện gốc (bằng cách cắt phéng chúng nó đi  ). Đây sẽ là những phương thức rất hiệu quả để mọi người tái trải nghiệm tác phẩm mà không thấy nhàm nhé.


***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.