🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌑
9.0 /10
TL;DR
The Library of Babel: Extended Edition.
GIỚI THIỆU CHUNG
A Short Stay in Hell là một cuốn tiểu thuyết
Fantasy triết lý ngắn, được xuất bản hồi năm 2009 bởi nhà sinh vật học kiêm nhà
văn tôn giáo Steven L. Peck. Tác phẩm này không được biết đến nhiều trong giới
văn học chính thống, hay thậm chí trong cả làng SFF, nhưng nó vẫn xoay xở kiếm
được một lượng người hâm mộ trung thành, đặc biệt trong là những fan SFF theo
tôn giáo.
Về nội dung thì A Short Stay in Hell được viết
dưới dạng hồi ký của một nhân vật tên Soren Johansson, một giáo dân Mặc Môn.
Soren bị mắc ung thư não, và sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, ông anh
cuối cùng cũng qua đời ở tuổi trung niên. Sau khi mất, Soren thấy mình xuất hiện
ở luyện ngục, và phát hiện ra rằng thiên đường và địa ngục hoàn toàn có thật, với
cửa thiên đường sẽ rộng mở với những ai ngoan đạo. Và vì cả đời sống rất đúng
chuẩn các tôn chỉ của Mặc Môn, Soren sẽ… không có cơ hội đấy.
Ừ, đúng là cứ ngoan đạo thì sẽ được lên thiên
đường đấy, nhưng cái vấn đề ở đây là vé vào thiên đường sẽ chỉ trích phát cho
những ai chọn đúng đạo để ngoan. Và khốn nạn cho Soren, đấng tối cao cai quản
thế giới không phải là Chúa theo cách hiểu của Mặc Môn. Đó cũng không phải là
Chúa hay thánh thần theo cách hiểu của Cơ Đốc giáo, Hindu giáo, Phật giáo, Thần
đạo, hay bất cứ tôn giáo hoặc hệ thống tín ngưỡng lớn nào cả. Thực chất, đấng tối
cao đấy lại là Ahura Mazda, người được thờ phượng trong Bái Hỏa Giáo (một tôn
giáo của Ba Tư cổ, nay chỉ còn vài nhóm nhỏ người ở Iran và Ấn Độ là còn theo),
và chỉ những ai thờ đúng vị thần này thì mới được lên thiên đường. Tất cả những
người còn lại sẽ đều phải xuống địa ngục.
Tuy nhiên, trong cái rủi lại có cái may. Không
như địa ngục của nhiều tôn giáo khác, địa ngục của Bái Hỏa Giáo không bắt ép những
tội nhân phải chịu đày đọa vĩnh viễn. Theo triết giáo của Bái Hỏa Giáo, đúng là
có một chốn các linh hồn tội lỗi phải xuống thật, và tùy từng nhóm người mà
chón đó sẽ có một dạng hình khác nhau. Nhưng bất kể có mang hình thức nào, địa
ngục nơi tội nhân phải chịu phạt luôn có hồi kết. Sau khi đã hoàn tất công việc
cần được thực hiện tại cái địa ngục đấy, tội nhân sẽ được giải thoát và được
phép bước vào thiên đường.
Nói cách khác, địa ngục chỉ là một chặng dừng
trước khi lên thiên đường.
Nhưng tất nhiên, không phải vô cớ mà cái chặng
dừng này lại được gọi là “địa ngục” chứ không phải “trạm nghỉ.” Và Soren sắp sửa
được trực tiếp trải nghiệm lý do nó có cái tên như thế, trong một địa ngục độc
đáo/địa vô cùng…
MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG
A Short Stay in Hell nhìn chung có thể được
chia ra làm 2 phần.
Phần thứ nhất về cơ bản là phần giới thiệu,
giúp anh em làm quen với các lề thói và môi trường của cái địa ngục. Cái đoạn
này hao hao một tác phẩm khám phá bí ẩn lai với tiểu thuyết tâm lý. Nó chỉ bao
gồm một đám người ngồi lê la nói chuyện với nhau, kể lại chuyện đời, hình thành
các mối quan hệ, và đi ngó nghiêng xung quanh xem cái địa ngục này cụ thể là
như thế nào. Tất cả mọi thứ đều diễn ra với nhịp bình bình, thơ thẩn, chậm chạp,
mang một cái kiểu êm dịu nhẹ nhàng như một bộ manga Slice of Life, với rất ít sự
kiện đáng chú ý diễn ra ngoài một số cái drama vụn vặt giữa những con người kẹt
ở đấy. Anh em nào thích những thứ liên quan đến xung đột người - người và những
thứ mang tính nhân văn, đây sẽ là một phần rất hấp dẫn bởi vì nó xoáy cực sâu
vào nội tâm nhân vật cũng như những giằng xé của họ. Cơ mà cái này trùng khá
nhiều vào với phần nhân vật, thế nên đến đoạn đó sẽ nói cụ thể hơn sau.
Nhưng nói vậy không có nghĩa là các anh em trọng
cốt sẽ không thấy ưng được điểm gì ở cái phần này. Đây là lúc tất cả mọi thứ đều
đang cực kỳ lạ lẫm, và nhìn xung quanh đâu đâu cũng thấy những bí hiểm. Ừ, đúng
là cái tiết tấu của nó có phần ề à thật đấy, nhưng luôn luôn có một điều bí hiểm
nào đấy giúp níu chân anh em. Tác giả rất biết cách dẫn dắt, kéo thiên hạ đi từ
cái điểm lạ này tới điểm lạ khác của địa ngục, kiểm tra các định luật của nó,
tìm cách lợi dụng kẽ hở, nhìn chung là làm đủ thứ trò để khơi gợi óc tò mò của
anh em, khiến mọi người không khỏi bị cuốn vào trong cái mạch của câu chuyện.
Ngay cả khi không quan tâm đến những phần liên quan đến drama con người, anh em
sẽ vẫn cảm thấy hào hứng với cái chuyến thám hiểm địa ngục này, và sẵn sàng ở lại
lâu hơn với câu chuyện để biết cái cơ chế hoạt động của nó là thế nào.
Thế rồi phần thứ 2 xuất hiện, và anh em sẽ bắt
đầu thấy câu chuyện dần rẽ theo một chiều hướng khác.
Đến một đoạn nhất định, anh em sẽ bắt đầu thấy
cái không khí bình dị của đoạn đầu ngày một trở nên vẩn đục. Kịch tính bắt đầu
chen chân vào câu chuyện, và nguy hiểm dần dà xâm lấn theo một kiểu tẩm ngẩm tầm
ngầm, khiến cho anh em có cảm giác mình như đang ngồi trong một nồi nước dần
sôi, mỗi lúc một nóng nực và bức bối hơn. Thế rồi, một sự bùng nổ mạnh mẽ sẽ xuất
hiện, và câu chuyện sẽ chợt quẹo ngoặt sang một giai đoạn hành động ngộp thở, với
các tình tiết cứ dồn dập nối đuôi nhau xộc đến. Đây là lúc anh em sực nhận ra tất
cả những gì xảy ra trong câu chuyện từ đầu đến giờ chỉ là một chiêu trò lừa lọc
nhằm ru ngủ chúng ta, và nhè lúc ta lơ là cảnh giác nhất thì lột bỏ mặt nạ và
phô ra cái bản chất địa ngục đích thực của mình.
Đáng chú ý là cái phần liên quan đến hành động
thực sự chỉ diễn ra trong một khoảng khá ngắn, sau đó nó lại quay trở về với một
nhịp tiết tấu khá tương đồng với cái kiểu ê a ở phần một. Nhưng từ thời khắc
câu chuyện bùng nổ cho đến khi nó kết thúc, không bao giờ anh em có lại được
cái cảm giác bình yên như ban đầu nữa. Cái phần nối tiếp đấy chỉ giống với phần
đầu về mặt hình thức thôi, chứ nó thực ra là một âm bản của phần đầu. Mọi chuyện
diễn ra trong cái phần này đều mang một sắc tuyệt vọng và đen tối cùng cực. Một
số bí mật về cái địa ngục đã được tiết lộ, hay đúng hơn là ta chợt nhận ra những
cái ẩn ý đằng sau cơ cấu hoạt động của nó, và từ đấy chợt thấy lạnh gáy trước
cái tương lai mà nó hứa hẹn. Các tình tiết, dù không còn khiến adrenaline chảy
rần rật trong huyết quản nữa, cũng trở nên ghê rợn, lúc thì mang tính máu me
đau đớn về xác thịt, khi thì mang lốt dằn vặt và thống khổ về tinh thần. Đáng sợ
nhất, đây mà là lúc địa ngục này thực sự dồn toàn trọng lượng xuống đầu anh em,
thuần túy để cái sự vĩ mô khủng khiếp của mình nghiến cho anh em bẹp gí dị, đập
tan mọi mầm mống hy vọng của mọi người.
Cơ mà dù cuốn hút là thế, cái phần cốt của
truyện vẫn có một số hạt sạn. Cái đầu tiên là nó có mấy chỗ kể chứ không tả. Tỉ
dụ, ở một phân đoạn nhất định, nhằm thể hiện một khía cạnh nhất định của địa ngục,
từ đấy giúp giải mã một bí ẩn về nó, truyện lại chỉ kể sơ sơ một số hành động
và sự kiện đã xảy ra, chứ không đi sâu vào tả kèm hãy dẫn dắt sao đó cho người
đọc thực sự thấy thấm là đúng là cái này nó kinh khủng thật. Về mặt lôgic mà
nói, anh em sẽ vẫn nghiệm ra điều ấy thôi, nhưng thứ mọi người có chỉ là một
cái lôgic thuần, chứ không có cảm xúc đi kèm. Vấn đề này không xuất hiện nhiều,
nhưng trong một câu chuyện ngắn như thế này, cái tần suất đấy cũng đủ để mọi
người thấy cấn lúc đọc.
Thêm một cái nữa là đôi khi, cái thằng này để
cho mọi thứ hơi bị lệch nhịp với nhau. Có những lúc, nó dự báo trước rất sớm về
một vấn đề trong tương lai hoặc để các tình tiết xung quanh gợi cho người đọc sẵn
một ý niệm nhất định từ lâu, xong mãi khi đến mấy đoạn xảy ra sự việc thật thì
mọi người về cơ bản đã biết hết nó là cái gì rồi, thành thử thấy mấy cái đó
không có gì xi nhê cho lắm. Có những lúc thì nó lại như đưa ra một cái ý nhất định
nhưng không có gì để bổ trợ cả, xong mãi đến một hồi sau mới có bằng chứng thực
sự để chứng minh cho ý đấy. Những chỗ này mình nghi là tác giả muốn sử dụng một
số thủ pháp nghệ thuật nhất định, nhưng lúc triển khai thật thì lại hơi lóng
ngóng, thế nên làm các phần có vẻ hơi kênh nhau.
Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI
Trước khi bàn vào thế giới của truyện, đầu
tiên anh em phải biết một điều thế này:
A Short Stay in Hell thực chất là một cái fan
fic.
Cụ thể hơn, nó là fan fic của The Library of
Babel, một truyện ngắn của bậc thầy mảng Magical Realism Jorge Luis Borges, và
về sau đã được tổng hợp trong tuyển tập Ficciones của ông. Nếu đã đọc cái tuyển
tập đấy, hoặc chỉ đơn thuần là đã đọc cái truyện ngắn đấy, anh em sẽ thấy toàn
bộ cái ý tưởng nền được sử dụng để xây lên cái địa ngục mà Soren bị tống xuống
cũng như rất nhiều diễn tiến xảy ra trong truyện là được bê thẳng từ The
Library of Babel ra. Trên thực tế, ở ngay đoạn đầu truyện, lúc mới được giới
thiệu đến với cái địa ngục này, anh em sẽ bắt gặp một phân cảnh trong đó tác giả
chỉ đích danh mẩu truyện của Borges cũng như nêu luôn tên Borges ra, và các
nhân vật trong truyện thậm chí còn đi so sánh từng tiểu tiết của cái địa ngục của
mình với cái thư viện của Borges, và thấy nó không khác gì cả.
Nói đến đây, có thể những anh em nào từng đọc
The Library of Babel rồi sẽ thấy mất hứng, ít nhất là với cái thế giới của truyện,
nghĩ rằng nó sẽ không có cái gì mới mẻ. Tuy nhiên, mình khuyên anh em hãy vẫn cứ
bước vào A Short Stay in Hell với một tâm trí cởi mở. Ừ, đúng là cái nền tảng của
nó được thó gần như y xì đúc từ truyện của Borges ra đấy, nhưng tác giả cũng đã
khai phá với mở rộng hẳn nhiều ý tưởng Borges chỉ đề cập sơ sơ, đặc biệt là thậm
chí còn bổ sung vào một số sáng tạo riêng, để cho mọi người thấy cái hệ lụy thực
của một thế giới như Borges vẽ ra là như thế nào. Nói chung là quen thì cũng
quen thật đấy, nhưng không có chuyện nó chỉ là một bản sao nhàm chán thôi đâu.
Còn đối với những anh em nào chưa từng đọc The
Library of Babel, cái thế giới của truyện, cụ thể là cái địa ngục mà Soren bị tống
xuống, là một cái thư viện khổng lồ. Điểm dị hợm ở cái thư viện này là nó chứa
hàng loạt những cuốn sách bằng nhau chằn chặn. Tất cả đều có chung một kích thước,
chứa 410 trang, mỗi trang có 40 dòng, mỗi dòng chứa 80 ký tự. Các ký tự được
dùng để viết lên chỗ sách này bao gồm các ký tự trong bảng chữ cái latinh, cũng
những ký tự dấu câu và ký tự đặc biệt. Nói một cách nôm na hơn, anh em cứ nhìn
vào cái bàn phím máy tính để bàn của bản thân nhé. Ở cái phần bên tay trái, chỗ
có các nút chữ cái và ký tự, có bao nhiêu nội dung mọi người khả dĩ viết được với
nó và nút Capslock và nút cách thì sẽ có bấy nhiêu cách để viết được một quyển
sách.
Và anh em hãy nhớ nhé, nội dung của mấy quyển
sách này chỉ cần là một tổ hợp của bộ ký tự trên thôi, chứ nó không cần phải có
ý nghĩa. Giả dụ, nếu lấy 1 quyển sách bất kỳ ra và mở đến trang 250, dòng thứ
21, rất có khả năng nó sẽ là một cái dòng như thế này:
Aj;kLJjppOjnfe7 ImNB2uyS@;jHnMBVF ghT/.hk%hKh’2jh< ,bYblZl@)m $’n@gD E#zB /,,]hqH
Mở một cuốn sách khác, tra đến cùng trang,
cùng dòng, có thể nó sẽ là thế này:
$K09J7C1zXJH7TE8nfYTqwpT+SQxHj%!cHO8spZ#CmAh@5S14E$C!$drjxM4H#qDr+bUH$vD!x8fwSGq
1 cuốn khác thì có thể sẽ là:
Nếu anh em không nhìn thấy gì, đó là bởi bên
trên là 80 dấu cách.
Hoặc nếu mọi người may mắn, nó cũng có thể sẽ
là:
GmPU0p@zn8d+oD9qFuck@ZucKerb3rgvzu+TNHjM@e3HvgMv+8!QT!NHENWxmUraNH+q97T6*YA$
Anh em bắt đầu hiểu ý mình rồi chứ?
Với một lượng ký tự như vậy, mọi người sẽ có
vô vàn kiểu kết hợp khác nhau, tạo ra hàng ti tỉ tỉ tỉ tỉ tỉ tỉ tỉ tỉ tỉ tỉ tỉ
tỉ tỉ… quyển sách. 99,99% sẽ là những cuốn rặt toàn những thứ vô nghĩa như
trên, nhưng cũng có thể sẽ có cuốn rặt toàn chữ “A” in hoa lặp đi lặp lại. Hoặc
cũng có thể sẽ có một cuốn tình cờ là bản sao y nguyên của vở Tempest của
Shakespear, hoặc có thể sẽ có một cuốn là hướng dẫn chạy ads Facebook được viết
từ điểm nhìn của một con vượn trong sở thú, hoặc có thể sẽ có một cái yaoi fan
fic giữa Đỗ Nam Trung và Châu Bái Đăng,…
À đâu, bỏ hết những từ “có thể” đi. Những cuốn
sách như thế đều chắc chắn sẽ tồn tại trong cái thư viện này, bởi vì xét cho
cùng, chúng nó chỉ là một tổ hợp các ký tự, mà như đã nói đấy, thư viện sẽ chứa
MỌI TỔ HỢP KÝ TỰ KHẢ DĨ.
Vấn đề là trong một biển toàn sách nhảm như thế,
đố anh em tìm được cái quyển đấy luôn.
Và trong suốt chiều dài tác phẩm, tác giả
không ngừng xoáy vào cái sự khổng lồ và mênh mông của nó. Mọi người luôn luôn
được thấy các nỗ lực đo lường cái quy mô của thư viện, với các nhân vật túa đi
theo đủ tứ phương tám hướng, người thì đi khám phá theo chiều ngang, người thì
đi lên đi xuống các tầng của thư viện, những mong sẽ tìm được cái chốn kịch
cùng của nó. Nhưng khốn nạn thay, ngay cả khi đi hàng mấy năm trời, bất chấp đã
băng qua những khu vực chẳng khác nào cả một quốc gia mới lạ, tất cả những gì ta
có thể nhìn thấy vẫn chỉ là những kệ sách trải đến mút tầm mắt, không có dấu hiệu
ngừng lại.
Và đáng chú ý nhất, tác giả còn đã vẽ lên cả một
thế giới phi thực nhưng đầy sống động và chân thực xoay quanh cái kết cấu của
thư viện. Ta được thấy cách các giáo phái và tập tục hình thành xung quanh những
cuốn sách này, cách con người ta sung sướng đến như mất trí khi tìm được một cuốn
sách với chỉ một từ có ý nghĩa thôi, cách người ta thậm chí còn tổ chức những
buổi lễ trao giải đầy trịnh trọng để tưởng thưởng cho những ai tìm được những
cuốn sách với nội dung có thể có ý nghĩa dài nhất, và xúm lại phân tích ngược
xuôi đủ kiểu dù chỉ những cụm từ cỏn con, hòng tạo ra ý nghĩa cho nó.
Một loạt các tính năng khác của thư viện cũng
được tác giả vẽ thêm ra, và các kẽ hở của chúng cũng được tận dụng một cách rất
triệt để và sáng tạo. Chẳng hạn, ở mọi khu của thư viện, luôn có một chỗ nơi
người ta có thể yêu cầu một món ăn hoặc bất cứ thứ gì có thể được coi là đồ ăn
bất kỳ, và nó sẽ được tạo ra cho họ. Những thứ được tạo ra đấy sẽ biến mất chỉ
sau 24 giờ, trừ khi tiếp xúc trực tiếp với thịt da của họ. Thế là những người sống
ở đây đã nghĩ ra trò yêu cầu những bộ lòng, những khúc xương, xong buộc chúng
nó vào với tay chân mình, để từ đấy mấy món này không biết mất. Họ sau đó đã
chăng hết các bộ lòng ra, và bày các bộ xương theo những cách nhất định, để từ
đó tạo ra những thứ nhạc cụ quái gở, từ đấy có chút âm nhạc giải trí.
Có những lúc, anh em sẽ ngỡ tưởng mình đang bắt
được một lỗ hổng trong cái thế giới của tác phẩm, nhưng chỉ một lúc sau, anh em
sẽ sững sờ nhận thấy có lý do cực kỳ chính đáng để cái lỗ hổng đấy tồn tại. Ví
dụ, có một đoạn, khi được nghe giải thích về kết cấu của thư viện xong, và có
người đề ra ý tưởng làm một việc nhất định. Khi đọc đến đoạn này, mình ngay lập
tức nghĩ ra một cách khả dĩ để làm việc đấy. Nó cực kỳ đơn giản thôi, nhưng chẳng
hiểu sao lại không thấy có ai thử làm nó cả.
Nhưng rồi đến đoạn giữa truyện, có người làm
thử, và mình mới bàng hoàng nhận ra cái sự ngu xuẩn chết người của việc làm
theo cách đấy.
Có không thiếu trường hợp như vậy xảy ra trong
suốt tác phẩm. Cái này không hẳn lúc nào cũng được làm tốt, bởi vì, như đã nói ở
trên đấy, tác giả đôi khi vẫn viết hơi vụng, dẫn đến việc để câu chuyện hơi bị
chênh nhịp với nhau. Nhưng dù có đôi lúc hơi vấp trong việc truyền đạt ý tưởng,
không lần nào ta có thể bới ra một cái lỗ hổng gì mà không có lời giải thích rất
quy củ cho nó. Thế giới của quyển này có khi còn xứng chặt chẽ hơn thế giới của
nhiều cuốn Hard Sci Fi chứ chẳng đùa.
NHÂN VẬT
A Short Stay in Hell chỉ là một truyện ngắn
thôi, nhưng nó cũng chứa đựng khá nhiều nhân vật, và đáng chú ý là hầu như tất
cả đều được khắc họa cực tốt. Đại đa phần các nhân vật, cả chính lẫn phụ, đều
được phát triển vô cùng sâu sắc. Ai cũng có những quá khứ riêng, đầy những thử
thách, khó khăn, nghịch cảnh, mặc cảm, và có những hành trình vượt qua những
chướng ngại ấy không đáng ngưỡng mộ thì cũng rất đáng thương cảm. Họ cũng có
hàng loạt khủng hoảng với xung đột nội tâm khác nhau, hoặc xuất phát từ những
giằng xé về các giá trị mình từng tin là chân lý nhưng nay đã bị đạp đổ, hoặc từ
những cám và bản năng rất người mà cái xã hội dưới địa ngục này khơi ra một
cách đấy tự nhiên, hoặc từ cái tầm vóc và nhiệm vụ mà bọn họ phải thực hiện.
Ngay cả những nhân vật chỉ xuất hiện trong một
thời gian rất ngắn, với gần như không có nền tảng quá khứ hay cái gì đi cùng,
cũng để lại những ấn tượng cực kỳ khó quên. Những con người này trên lý thuyết
phải phẳng lét, bởi vì thời lượng phát triển làm gì có đâu, nhưng lại vẫn ngấm
ngầm thể hiện bản thân có một lịch sử, một hành trình, hay thậm chí một xuất
phát điểm rất lý thú. Ngoài đó ra, tác giả còn có một chiến lược rất khôn, đấy
là nối những con người này vào trong câu chuyện tại những thời điểm rất chiến
lược, lúc nhân vật chính đang lâm phải nghịch cảnh và trải nghiệm những mạch
xúc cảm rất thích hợp, để từ đấy mượn những gì đang xảy đến cả trong lòng lẫn
xung quanh nhân vật chính để tôn những nhân vật kia lên, giúp họ không cần quá
nhiều đất diễn mà vẫn tỏa sáng ngời ngời.
Nói chung là nếu anh em có thể chê được điểm
gì ở A Short Stay in Hell, điểm ấy chắc chắn sẽ không thể nào là nhân vật đâu.
TỔNG KẾT
A Short Stay in Hell là câu chuyện dựa trên một
ý tưởng không mới, nhưng đã triển khai nó theo một hướng thú vị và tạo ra một
trải nghiệm đọc độc đáo đến bất ngờ. Nó đưa ra các câu hỏi rất đáng ngẫm ngợi,
thách thức ta phải mường tượng về những thứ bao la rợn ngợp, nhưng đồng thời
cũng chứa đựng những suy tưởng đầy tính cá nhân, thúc cho ta nghĩ về nhân tình
thế thái và đời người. Nếu mê những tác phẩm mang tính chiêm nghiệm sâu về sự đời
và các khái niệm vĩ mô thì bất kể đã từng đọc cái truyện ngắn gốc của Borges
hay chưa, anh em hẳn cũng sẽ có một trải nghiệm không chút tồi tệ với A Short
Stay in Hell đâu.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓