Chuyển đến nội dung chính

Noodle Incident - một sự kiện chỉ có danh chứ không có mô tả

 Nhân bữa trước có nhắc đến việc hai bản dịch tiếng Việt của I, Robot đều bị lược bớt truyện, mình tự nhiên lại nhớ đến một thanh niên cũng từng lược truyện trong tuyển tập đấy đi khi chuyển nó sang một “ngôn ngữ” khác, có điều làm khéo hơn hẳn cả Trẻ lẫn Kim Đồng. Cái tác phẩm được nhắc đến là I, Robot: The Illustrated Screenplay của Harlan Ellison.

I, Robot: The Illustrated Screenplay (từ giờ gọi tắt là The Illustrated Screenplay) là một kịch bản chuyển thể phim của I, Robot, viết bởi Harlan Ellison. Cái kịch bản đấy được gần như tất cả những ai từng đọc khen là bản chuyển thể trung thành và hấp dẫn nhất cho I, Robot, nhưng vì nhiều lý do, nó rốt cuộc không được sản xuất thành phim, và Ellison về sau phải trầy trật lắm mới có thể xuất bản được nó dưới dạng sách để thiên hạ cùng đọc. Về cái kịch bản này thì group từng có một bài review khá kỹ rồi, anh em nào muốn biết cụ thể hơn thì có thể tham khảo ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2023/03/review-i-robot-illustrated-screenplay.html.

Như anh em biết rồi đấy, khi chuyển một tác phẩm văn học thành một bộ phim, kiểu gì thì kiểu cũng sẽ có thứ cần bị cắt. Lý do thì đủ kiểu: kinh phí, thời lượng, thị hiếu, can thiệp của bên sản xuất… The Illustrated Screenplay cũng không phải là ngoại lệ, và nó cũng đã phải cắt gọt với thay đổi một số thứ của tuyển tập gốc, sao cho gò được cả tuyển tập vào trong một kịch bản khi đem đi bấm máy sẽ chỉ ứng với 2h - 2h30 thời lượng phim. Trong số những thứ nó bỏ đi, có mẩu truyện Escape! - một trong 3 truyện đã bị cả Trẻ lẫn Kim Đồng lược đi trong bản dịch của mình.

Tuy nhiên, không như Trẻ lẫn Kim Đồng, Ellison không lờ tịt sự tồn tại của Escape!. Thay vì vứt hẳn nó ra khỏi The Illustrated Screenplay, ông anh đã nhắc khéo đến nó.

Cụ thể, trong một cuộc trò chuyện giữa hai nhân vật nhất định, một ở tương lai, một ở quá khứ (nó thực ra lằng nhằng hơn thế, nhưng anh em cứ tạm hiểu là hai người này sống ở hai mốc thời gian khác nhau đi), nhân vật tương lai đã cho nhân vật quá khứ biết về một bước tiến khoa học đột phá, xoay quanh việc một cặp đôi kỹ thuật viên đã giải quyết được một vấn đề liên quan đến bọn rôbốt, và giúp con người phát triển được công nghệ “độn thổ” xuyên không gian, mở ra một kỷ nguyên mới trong hàng không vũ trụ. Đến đoạn này, phân cảnh khép lại với một hiệu ứng mờ dần sang đen, và chuyển sang một cảnh khác luôn. Từ đó về sau, không một lần nào cái sự kiện trên được nhắc đến nữa.

Với những người đã từng đọc I, Robot, họ sẽ nhận ra ngay tắp lự cái vụ đấy là những gì xảy ra trong Escape!. Tuy nhiên, vì sự kiện được nhắc đến hoàn toàn không có ý nghĩa quan trọng với nội dung chính, và diễn ra sau khi mục đích của cái phân đoạn đấy trong kịch bản đã được hoàn tất rồi, thế nên không nói hẳn ra nó là gì cũng chẳng làm ảnh hưởng đến câu chuyện của phim. Khán giả chưa từng đọc qua I, Robot bao giờ sẽ vẫn hoàn toàn có thể hiểu được mọi thứ dù không biết sự thật đằng sau một cái sự kiện cụ thể đấy là cái gì, và sẽ chỉ coi đó như một tiểu tiết giúp thế giới thêm thi vị mà thôi.

Và với cái kiểu miêu tả đó, Ellison vẫn xoay xở nhét được Escape! vào trong kịch bản chuyển thể, nhưng không gây ảnh hưởng đến thời lượng kịch bản chút nào.

Cái kiểu nhắc lấp lửng đến một sự kiện trong quá khứ này kỳ thực không phải là một chiêu bài quá sáng tạo gì cho cam, mà nó là một thủ pháp nghệ thuật vốn đã được rất nhiều tác giả sử dụng trong đủ mọi loại hình media. Tên của thủ pháp đấy là Noodle Incident.

Cái thuật ngữ Noodle Incident, hoặc dịch thô ra thì sẽ là “Sự kiện Mì ống,” xuất phát từ một series truyện tranh có tên là Calvin & Hobbes. Số là vào cuối năm 1990, Bill Watterson, tác giả của series, đã đăng một mẩu truyện, trong đó một thằng cu tên là Calvin bày tỏ hy vọng mình sẽ nhận được thật nhiều quà Giáng sinh, bởi vì thanh niên đã ngoan cả năm rồi. Hobbes, con hổ nhồi bông kiêm bạn của Calvin, đã nhắc thằng bé rằng từng có một sự kiện dính dáng đến mì ống xảy ra (tức “noodle incident”), ám chỉ nó là một sự kiện xấu, và ông nhõi nhà ta chính là người gây ra nó. Anh em có thể tham khảo mẩu truyện đấy trong ảnh bên dưới.


Cái sự kiện này về sau gần như không bao giờ còn được xuất hiện nữa. Trong những lần cực hìnhk hiếm hoi nó quay trở lại, Watterson cũng không đả động gì đến bản chất thực của nó, và tất cả những gì ta biết về nó cũng chỉ quanh đi quẩn lại cái bức hình bên dưới thôi. Thậm chí, trong cuốn The Calvin and Hobbes Tenth Anniversary Book, Watterson còn bình phẩm rằng mình đã quyết định sẽ không bao giờ nói rõ cái sự kiện mì ống đấy là gì, vì ông cho rằng không điều gì mình nghĩ ra lại có thể bì được với óc tưởng tượng của độc giả. Thế nên cái sự kiện mì ống đấy sẽ luôn chỉ là như thế thôi: một sự kiện liên quan đến mì ống, với chỉ Calvin và Hobbes biết với nhau.

Vì sự nổi tiếng của Calvin & Hobbes, giới tác giả sau này đã dùng luôn cái tên “noodle incident” để đặt cho một thủ pháp vốn đã tồn tại từ rất lâu, đó là nhắc đến một sự kiện nào đấy từng xảy ra trong quá khứ của tác phẩm, nhưng sau đấy lờ tịt đi bản chất thực của nó. Cùng lắm, người ta sẽ chỉ để một nhân vật nào đấy nói vu vơ vài câu mập mờ về nó, hoặc để các nhân vật khác phản ứng với nó khi sự kiện đấy được nêu ra, để người đọc đại khái biết nó là tiêu cực hay tích cực, còn đâu chi tiết ra sao thì người đọc sẽ phải tự tưởng tượng lấy.

Nếu anh em nào đọc đến đây mà thấy Noodle Incident nghe có vẻ giống Mystery Box thì mọi người không nhầm đâu. Thằng này về cơ bản là một tập con của Mystery Box (anh em nào chưa biết về thủ pháp đấy thì có thể tham khảo link này: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/07/mystery-box-cach-tan-dung-tri-tuong.html). Khác biệt lớn nhất giữa Noodle Incident và Mystery Box là thằng Noodle Incident chỉ có thể là một SỰ KIỆN, còn thằng Mystery Box thì có thể là sự kiện, một con người, một vật thể, tất tần tật mọi thứ trên đời. Ngoài đó ra, hai thằng này hoạt động giống y xì nhau: ém thông tin đi và để người thưởng thức tự hình dung.

Và cũng như với Mystery Box, Noodle Incident không phải là thứ có thể được dùng bừa phứa. Anh em không thể bạ sự kiện nào cũng ém thông tin đi được, mà phải chọn những sự kiện không có tác động lớn đến câu chuyện, hoặc ít nhất là các tiểu tiết của sự kiện đấy phải không tối quan trọng đối với việc diễn giải câu chuyện. Nếu giả sử, ta có sự kiện A từng xảy ra, và trong sự kiện đấy có một tình tiết B mang ý nghĩa rất then chốt đối với việc lý giải một hành động của nhân vật Z, thì bắt buộc ta sẽ phải nói rõ về sự kiện A, hay ít nhất là nói đủ rõ để lòi cái tình tiết B đấy ra. Nguyên do là nếu không cho người thưởng thức biết về A/B, người ta sẽ không thể hiểu được câu chuyện, và sẽ không cảm thấy thỏa mãn với tác phẩm. Khi đấy, cái sự kiện A này sẽ không thể đem ra làm Noodle Incident được.

Cái thủ pháp Noodle Incident này nghe thì hơi lạ tí thôi, nhưng thực chất anh em hẳn đã rất nhiều lần bắt gặp nó, dù chưa chắc đã nhận ra bản chất thật của nó. Trường hợp quen thuộc nhất với anh em có lẽ sẽ là Marvel's The Avengers, cái phim Avengers đầu tiên trong vũ trụ MCU. Cụ thể, ở khúc gần cuối phim, lúc Black Widow và Hawkeye đang chiến đấu sát bên nhau, Black Widow đã bảo rằng cuộc chiến này gợi cho cô nhớ đến một vụ ở Budapest, và Hawkeye lập tức trả treo rằng theo bản thân ông anh nhớ thì vụ Budapest có giống thế này đâu. Không một lần nào ta được cho hay chuyện gì đã xảy ra ở Budapest, mà chỉ lờ mờ biết rằng đây có lẽ cũng là một nhiệm vụ nguy hiểm gì đấy, và cả Black Widow lẫn Hawkeye đều có liên quan.

Và vì, như đã nói ở trên đấy, Noodle Incident là một thủ pháp xưa vô cùng, thậm chí còn tồn tại trước cả thời Calvin & Hobbes ra đời để ban cho nó cái tên của mình, thế nên anh em thậm chí sẽ còn tìm thấy nó ở một trong những văn kiện cổ nhất trong lịch sử nhân loại, tới nay vẫn còn được xuất bản: Kinh Thánh. Cụ thể, trong Sách Sáng Thế, cuốn sách mở đầu cho Kinh Cựu Ước nói riêng cũng như Kinh Thánh nói chung, ta bắt gặp một nhân vật tên là Er. Thanh niên này đã “làm mất lòng Đức Chúa, nên Đức Chúa khiến cậu chết.” Anh em nào có tìm hiểu về Thiên Chúa Giáo thì hẳn cũng biết, đến nhậu say bí tỉ và nằm lõa lồ trong lều xong nguyền rủa cho đứa cháu chưa sinh ra của mình phải chịu kiếp nô lệ như Noah hay vứt bỏ con trai trưởng giữa sa mạc và sẵn tâm sát hại thằng con thứ như Abraham mà vẫn còn được Chúa yêu mến, thì cái điều Er làm hẳn phải kinh khủng lắm. Tuy nhiên, không một lần nào ta được biết Er đã làm gì để Chúa phật ý, đến mức giết luôn cái cậu này cả. 

Một cái Noodle Incident hiện đại hơn nhưng cũng rất nổi tiếng có thể được tìm thấy trong Blade Runner, bản chuyển thể cuốn tiểu thuyết Do Androids Dream of Electric Sheep? của Philip K. Dick. Cụ thể, nó nằm trong một đoạn độc thoại gần cuối phim, được thốt ra bởi một con replicant (người nhân tạo) tên là Roy Batty, bấy giờ đã biết mình sắp chết. Trước khi chết, nó điểm lại một số sự kiện trong đời, với nội dung như sau: “Ta đã chứng kiến những chuyện mà đám các ngươi không tin nổi đâu... Tàu chiến khai hỏa từ vai tàu Orion... Ta quan sát những tia C rực lóe trong bóng tối gần Cổng Tannhäuser. Theo thời gian, tất cả những khoảnh khắc đó rồi sẽ thất lạc hết, như nước mắt trong mưa vậy... Đến lúc chết rồi.” Không một lần nào trong phim, ta được biết các sự kiện mà Batty nhắc đến là gì, mà chỉ có thể láng máng hiểu đấy có lẽ là những trận chiến rất khốc liệt nó từng tham gia/bị ép phải tham gia.

Tiện nhắc đến Do Androids Dream of Electric Sheep?, dù bản gốc không có cái đoạn độc thoại kia, nó vẫn chứa đựng một cái Noodle Incident, đấy là World War Terminus. Cũng như với mấy (?) trận chiến mà Batty nhắc đến trong phim, không ai biết cụ thể World War Terminus là như thế nào cả. Ta chỉ biết nó đã xảy ra trước thời câu chuyện, nặng nề đến mức không ai còn buồn đánh số nó như với 2 cuộc thế chiến của thế kỷ 20 nữa, mà chốt thẳng luôn nó là cuộc chiến cuối cùng (“terminus” là “điểm cuối”). Đây cũng chính là ngọn nguồn khiến cho Trái Đất trong vũ trụ Do Androids Dream of Electric Sheep? nát như tương, và thiên hạ ai cũng chỉ mong được di dời lên Sao Hỏa.

Một trường hợp Noodle Incident khác cũng liên quan đến thế chiến, nhưng quy mô nhỏ hơn vụ trong Do Androids Dream of Electric Sheep?/Blade Runner, xảy ra trong cuốn tiểu thuyết World War Z của Max Brooks. Trong truyện, thế giới từng trải qua một cuộc đại chiến với zombie, và có lúc nhân loại còn suýt thì bị tận diệt. Trong quá trình chống lại bọn zombie, quân đội Mỹ có triển khai một số hoạt động nghiên cứu tại China Lake. Không ai biết cụ thể người ta nghiên cứu cái gì, nhưng mà về sau, một cựu binh cực kỳ rắn rỏi của cuộc chiến có nhắc sơ sơ đến cái hoạt động này, và thanh niên ghê tởm những gì xảy ra ở đấy đến mức gọi đội nghiên cứu là “lũ bệnh hoạn thối tha,” đồng thời cũng bảo là các nhân sự nghiên cứu tại đấy có tỷ lệ tự vẫn cao nhất trong các đơn vị thuộc chính phủ Mỹ.

Một ví dụ Noodle Incident nhẹ nhàng hơn xảy ra trong Hitchhiker's Guide to the Galaxy. Cụ thể, trong series này, tại một hệ thống sao tên là Betelgeuse, từng có một thảm họa mang tên Great Collapsing Hrung Disaster, trong đó một thứ tên là Hrung đã sụp xuống hành tinh Betelgeuse VII, tiêu diệt gần như mọi cư dân sống ở đấy. Không ai biết cái sự kiện đấy cụ thể là thế nào cả. Thậm chí, người ta còn chẳng biết “Hrung” là cái của nợ gì, và tại sao nó lại sụp xuống Betelgeuse VII hết. Ta chỉ biết có một thứ gì đó tên là Hrung, và nó đã sụp vào Betelgeuse VII thôi. Về sau, một hậu duệ của người duy nhất trên Betelgeuse VII sống sót cái thảm họa đấy đã được đặt cho cái biệt danh là “Ix,” và khi dịch ra tiếng con người, nó có nghĩa là “cái thằng không thể giải thích được thỏa đáng Hrung là gì, cũng như tại sao nó lại quyết định sụp xuống Betelgeuse VII.”

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.