Chuyển đến nội dung chính

Liệu Fantasy có thực sự là đứa trẻ "béo phì" của làng văn?

Nhân mấy hôm vừa rồi có bạn đi review mấy cuốn Fantasy lẻ của Brandon Sanderson vì hơi rén mấy cái series đồ sộ của thanh niên này, mình lại nhớ đến một cái trò đùa khá thịnh hành trong giới SFF, đấy là Fantasy là cái ngách mang gen “béo phì” trội nhất của văn học, bởi vì chúng nó hay bị độn chữ kinh vl.


Nói như vậy kể ra cũng không phải là không có cơ sở. Fantasy thường phải chém ra nguyên một thế giới mới toanh, với các quy luật vật lý căn bản có khi còn không được tôn trọng, thành thử nó phải dành ra một lượng cực lớn thời gian để xây dựng lại từ đầu tất cả mọi thứ. Ngay cả người anh em họ hàng gần của nó là Sci Fi, một thằng lắm khi cũng độn chữ, cũng không đến mức khổ như nó, vì một lượng không nhỏ Sci Fi vẫn giữ nguyên các định luật vật lý nhất định, thế nên không buộc phải trình bày lại từ đầu đến cuối tất thảy mọi thứ. Trên thực tế, nếu tham khảo các bài viết hướng dẫn cho các tác giả mới bước vào nghề, anh em sẽ hay thấy Fantasy là một trong những thằng có lượng chữ chấp nhận được đối với độc giả cao nhất. Như cái bài này, với một thống kê không chính thức về độ dài trung bình của các tác phẩm thuộc nhiều dòng khác nhau, là một ví dụ: https://kindlepreneur.com/how-many-words-in-a-novel/.

Mấu chốt nhất, lý do chính khiến Fantasy mang mác phì nộn là do nó đã vô tình để Epic Fantasy đứng ra làm đại sứ thương hiệu. Cái mảng ngách này có một đặc điểm là luôn làm mọi thứ thật hoành tráng và đồ sộ, xây cái thế giới to đùng ra, chém chi tiết đủ kiểu lịch sử cả cận đại (ở đây lấy mốc thời điểm câu chuyện tác phẩm diễn ra) lẫn cổ đại, chưa kể còn để cốt bành trướng đến 2, 3 quyển, hay thậm chí còn nhiều hơn mới giải quyết xong, thế nên truyện trong đấy phần đông toàn những tảng giấy ném chó vỡ đầu. Cái này phần lớn là tại Lord of the Rings. Thằng đấy ra phát thôi là đã nổi rầm rầm, thành thử thịnh hành hóa việc xây dựng thế giới khủng như một bản sử thi, thậm chí còn giúp việc không cần chốt hết câu chuyện lại trong 1 cuốn duy nhất trở nên được chấp nhận rộng rãi. Kết hợp với việc một lượng cực đông tác giả Fantasy cứ học đòi Tolkien, độc giả phổ thông giờ đa phần toàn nhìn nhận cả dòng này dưới góc độ Fantasy = Epic Fantasy.

Cơ mà tất nhiên, như mình đã rất nhiều lần đề cập đến mỗi khi bàn về Fantasy đấy, cái dòng này rộng hơn cái hình ảnh thương hiệu của nó rất nhiều, và những thằng không được đứng ra làm bộ mặt cho Fantasy như kiểu Epic Fantasy cũng phát triển sôi động chẳng kém cạnh gì thằng đấy. Không cần nói đến truyện ngắn hay các loại hình được định nghĩa bởi độ ngắn của nó, chỉ tính riêng tiểu thuyết thôi cũng đã có khối thằng loanh quanh mốc 200-350 trang. The Screwtape Letters, một câu chuyện ngụ ngôn về ác quỷ dạy nhau cách tha hóa con người của C.S. Lewis, chỉ có đâu 220 trang. Mấy cuốn trong series Discworld của Terry Pratchett, cũng một dạng Epic Fantasy dù có điều chúng nó hài hơn, chủ yếu toàn tầm 300 trang quay đầu, và ngay cả mấy thằng dày hơn cũng chỉ lội tầm 50-60 trang là kịch kim. Điều tương tự cũng có thể áp dụng cho những thằng trong cái series The Dresden Files của Jim Butcher (200-300 trang), Piranesi của Susanna Clarke (~270 trang), Stardust của Neil Gaiman (dưới 250 trang), From the Dust Returned của Bradbury (suýt soát 200 trang),…

Trong khi ấy, những thằng thuộc các ngách truyền thống không bị coi là hay độn chữ như Fantasy thực chất cũng chơi trò tăng trọng chẳng kém gì thằng này. Chẳng cần nhìn đâu xa, ngó luôn vào thằng Sci Fi nhé. Dune của Frank Herbert dài đến gần 700 trang, và ngay cả nếu xét theo chuẩn Epic Fantasy, như thế là thuộc diện khủng rồi. Series Hyperion của Dan Simmons thì quyển nào quyển nấy cũng đều có số trang 500+ cả, với thằng cuối cùng, The Rise of Endymion, thậm chí còn bay lên hơn 700. Đáng chú ý là Hyperion là một trường hợp rất giống Lord of the Rings, cụ thể ở chỗ 2 quyển đầu của nó gốc được tác giả viết dưới dạng 1 quyển, nhưng về sau dày quá phải chẻ đôi. Nói thế tức là Hyperion gốc phải dài đến hơn 1000 trang chứ không chỉ nhõn 500. Xong rồi còn cái thanh niên Adrian Tchaikovsky mới đây vừa ăn con Hugo cũng là chúa viết dài, với cái series Children of Time thì mỗi thằng dài tầm 500-600 trang, series The Final Architecture cũng rứa, Cage of Souls thì 600 trang có lẻ, và City of Last Chances thì hụt 2 trang thôi là đủ 500. Xong rồi còn Seveneves của Neal Stephenson (gần 900 trang), Project Hail Mary của Andy Weir (gần 480 trang), The Expanse của James S.A. Corey (loanh quanh 600 trang mỗi tập),…

Và ngay cả trong văn học thường, ta cũng thấy cả đống thằng dày đến mức Sci Fi với Fantasy phải gọi bằng cụ. The Count of Monte Cristo của Alexandre Dumas lên đến hơn 1200 trang, David Copperfield của Charles Dickens gần 900 trang, The Brothers Karamazov của Fyodor Dostoevsky khoảng 800, Ulysses của James Joyce cũng rứa, xong còn Gone with the Wind của Margaret Mitchell (>1000), Infinite Jest của David Foster Wallace (>1000), War & Peace của Leo Tolstoy (>1200), Les Misérables của Victor Hugo (>1400),…

Nói chung là bảo Fantasy tràn ngập những tác phẩm bị tọng cho ngập mặt thuốc tăng trọng thì cũng không phải là sai đâu, nhưng nếu đem ra so sánh với các dòng khác, thằng này cũng không đến mức lắm thành phần thừa cân một cách vượt trội hay gì cả. Khốn nỗi nó lại chọn đúng cái ngách nhung nhúc những ông béo núc làm đại sứ thương hiệu, thành ra người đời cứ có cảm tưởng nó như phiên bản khách hàng Walmart trung bình của văn học thôi .

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.