Chuyển đến nội dung chính

Cách AI có thể làm con người thui chột trong tương lai

 Trong cái bài review cuốn Chim nhại được bạn Trà chia sẻ hôm trước, có một đoạn nhắc đến việc nhân loại trong tương lai có thể trở nên thoái hóa về mặt trí tuệ, đến mức trở nên mù chữ. Tình cờ thì cách đây ít lâu, một bên tạp chí là Literary Hub vừa đăng một bài viết rất thú vị, với nội dung cũng ít nhiều động đến sự thui chột của khả năng đọc hiểu của con người trong tương lai.

Why Human Writing Is Worth Defending In the Age of ChatGPT

Cụ thể, cái bài này là một trích đoạn trong Who Wrote This?: How AI and the Lure of Efficiency Threaten Human Writing, một cuốn sách bàn về việc ứng dụng AI vào viết lách. Trong đoạn trích này, Naomi S. Baron, tức tác giả của nó, có đề cập đến một hệ lụy ít ai nghĩ đến khi để cho mấy thuật toán AI kiểu ChatGPT hỗ trợ công việc viết của bản thân, hoặc thậm chí là tiếp quản luôn phần viết. Hệ lụy đấy là nó làm biến đổi não của chúng ta theo một hướng chẳng mấy tốt đẹp.

Như trong bài viết có nói đấy, khoa học thần kinh hiện đại đã chứng minh được rằng não người sở hữu khả năng biến đổi rất đa dạng. Tùy vào các hoạt động thể chất hoặc tinh thần mà chúng ta thực hiện, ta có thể khiến bộ não tái tổ chức cấu trúc của mình, hoặc thúc đẩy nó thiết lập những liên kết thần kinh mới. Và trong số các hoạt động có thể khiến bộ não thay đổi, lẽ đương nhiên có các hoạt động liên quan đến con chữ.

Đã có những thí nghiệm cho thấy rằng người biết chữ có não khác với những người không biết chữ, và thậm chí người biết chữ sớm cũng có kiểu não khác với người biết chữ muộn. Chính vì lẽ đó, một số người đã đặt ra giả thuyết rằng tương tác với chữ ở thể chủ động (tức tư duy và viết hẳn chúng nó ra) cũng sẽ gây ảnh hưởng đến não bộ. Trong số những người ấy, tiêu biểu có Eric Havelock, một nhà nghiên cứu văn hóa và triết lý cổ điển. Ông đề ra giả thuyết rằng viết lách kích thích con người ta suy ngẫm và tư duy lôgic nhiều hơn, và chính nhờ thế mà tư tưởng triết học Hy Lạp cổ đại mới có thể chào đời. Nói cách khác, Havelock tin rằng viết lách là một yếu tố then chốt giúp cải thiện khả năng tư duy của con người.

Cái thuyết đấy của Havelock hiện vẫn chưa được xác nhận hẳn, nhưng có một điều rất khó phủ nhận rằng viết lách là một công việc liên hệ mật thiết đến suy tư, và nó, không ít thì nhiều, cũng thúc đẩy sự phát triển của não bộ chúng ta.

Và nếu đã như vậy, chuyện gì sẽ xảy đến với não chúng ta khi ta khoán một phần hoặc toàn bộ cái việc viết cho một “nhà thầu phụ” bên ngoài, còn bản thân hạn chế viết lách đi?

Hiện tại, vì mấy thứ có thể viết hẳn hộ con người mọi thứ như kiểu ChatGPT vẫn còn mới quá, thế nên ta chưa có câu trả lời cụ thể nào cho câu hỏi trên. Tuy nhiên, nếu nhìn vào một số phiên bản tiền thân của ChatGPT, chẳng hạn như tính năng dự đoán văn bản của điện thoại thông minh chẳng hạn (tức mấy cái chữ gợi ý anh em vẫn thấy hay hiện ra mỗi khi gõ tin nhắn ấy), thì ta có thể phần nào luận ra câu trả lời.

Theo lời bài báo, đã có một nghiên cứu của Harvard chỉ ra rằng khi chúng ta sử dụng tính năng đấy, vốn từ vựng của chúng ta sẽ có xu hướng trở nên ngắn gọn và kém đa dạng hơn (báo không nói rõ nó là nghiên cứu nào, nhưng search thử một vòng thì có thể nó là cái này: https://dash.harvard.edu/bitstream/handle/1/37365774/ARNOLD-DISSERTATION-2020.pdf?sequence=1&isAllowed=y). Evan Selinger, một giáo sư triết học tại Viện Công nghệ Rochester, thì cảnh báo rằng cái lối tắt đấy sẽ khuyến khích chúng ta “suy nghĩ về lời nói của mình theo một kiểu nông cạn hơn.” Ông anh cũng bảo rằng làm thế thì những gì chúng ta cung cấp cho người đối diện sẽ chứa đựng nhiều nội dung mang tính thuật toán hơn, còn các chia sẻ mang tính cá nhân của chúng ta thì sẽ ít đi.

Và nếu chỉ một thứ vẫn đòi hỏi chúng ta phải tham gia suy nghĩ và viết như tính năng dự đoán văn bản mà đã như thế rồi, thì một thứ gần như không đòi hỏi ta làm gì ngoài nghĩ ra một câu lệnh đơn giản như ChatGPT sẽ gây ảnh hưởng đến tâm trí ta đến mức nào đây?

Lẽ đương nhiên, cái bài này không được viết nhằm khơi dậy một phong trào Luddite, kêu gọi mọi người hãy đập phá và bài kích AI hay phát động phong trào Butlerian Jihad. Và thành thực mà nói, ngay cả nếu nó quả thực được viết nhằm mục đích như vậy thì cũng quá trễ rồi, bởi vì với sự tiện lợi của mình, những thứ kiểu ChatGPT sẽ gần như không còn có thể bị loại bỏ khỏi xã hội được nữa. Cái mục đích của bài viết, như chính tác giả đã nói, là kêu gọi ta chớ vì cuồng sự tiện lợi đám AI mang lại quá mà để mai một hoặc thậm chí quên đi cái công cụ quý giá mang tên viết lách, bởi vì nó đóng vai trò rất quan trọng đến việc hình thành trí tuệ và bộ não. Nếu có ngày chúng ta thực sự không còn viết lách gì nhiều hơn tạo prompt để mớm cho AI thì…

Mà thôi, chúng ta chẳng việc gì nào mất công tưởng tượng ra cái tương lai ấy đâu. Walter Tevis đã làm hộ với cuốn Chim nhại rồi đấy.


***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.