Chuyển đến nội dung chính

Một nghi vấn về bản tiếng Việt của Aniara

 Bữa nay mình vừa biết đến một vụ lùm xùm nho nhỏ, xoay quanh việc một cuốn sách bị tình nghi là sách giả, nhưng lại có chất lượng in ấn và giấy má tốt đến mức không thể hiểu nổi liệu nó có phải là hàng rởm hay không nữa. Sau khi theo dõi một loạt cái vụ đấy, mình tự nhiên lại nhớ đến một cuốn sách bản thân đã mua cách đây khá lâu, và cũng không thể nào hiểu nổi đấy có phải là hàng giả hay không nữa, mặc dù vì một lý do ngược với cái quyển đã nói đến ở trên. Quyển đó là Aniara.


Về phần nội dung cái quyển này thì mình từng có lần giới thiệu qua rồi, thế nên sẽ không nhắc lại nữa (anh em nào muốn biết về nó có thể tham khảo ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2023/04/aniara-mot-truong-ca-space-opera-hap-dan.html), và sẽ chỉ tập trung bàn vào lý do mình nghi ngờ đây có thể là một cuốn bị in lậu thôi.

Cụ thể, thứ khiến mình cảm thấy hồ nghi về bản chất của thằng này là cái sự tồi tàn trong chất lượng in ấn của nó. Nó được in bằng mực rất nhạt, khiến những phần tiêu đề khổ gần như chìm biến chữ luôn, không thể trông thấy gì nữa, chưa kể đôi khi còn có mấy chỗ lẹm lằn trắng hoặc loang mực nữa. Kết hợp với việc nó được in trên giấy trắng bóc, tổng thể cái quyển này đọc lắm khi chẳng khác nào một cuốn giáo trình mua ở hàng photo. 

Một vấn đề nữa là trong lúc search loanh quanh về cái cuốn này trên mạng, mình có tình cờ tìm thấy một tài liệu trông cực giống với ma-két của cái quyển này. Vì lý do rất hiển nhiên, mình không thể quẳng nguyên cái file đó ra đây được, cơ mà nếu tham khảo ảnh số 3 và so nó với ảnh số 2 bên dưới, anh em sẽ thấy trình bày đôi bên không lệch nửa ly, và cả lỗi sai của chúng nó cũng thế. Vậy nên dù địa chỉ của file không có gì gợi đến bên phát hành nó, mình vẫn nghi đây là tài liệu họ sơ sẩy để lọt ra ngoài. Nếu nắm trong tay cái file này, việc in lậu sẽ cực kỳ đơn giản.



Tuy nhiên, lại có mấy yếu tố khác khiến mình hết sức lưỡng lự trước việc khẳng định đây là một bản in giả. Cái đầu tiên nằm ở ngay bản chất của cái quyển này. Đây là một tập thơ, một thứ vốn đã kén người đọc ở Việt Nam sẵn rồi, xong lại còn là thơ Sci Fi nữa thì nó mới vl chứ. Tác giả của nó thì không phải là dạng vừa đâu (Harry Martinson là một nhà thơ từng đoạt giải Nobel), nhưng ở bên nhà ta thì ông anh về cơ bản vô danh tiểu tốt, không đủ sức để câu kéo một lượng đủ lớn người tìm mua. Nếu có làm lậu, chẳng ai lại đi lậu một thằng khó bán như thế này cả. Ngay cả Tam Thể hot rần rật như thế mà còn phải trầy trật lắm mới được hưởng cái diễm phúc được bọn in lậu nhòm ngó đến, thì một thằng như Aniara tuổi gì đòi lọt mắt đám đấy?

Thêm một cái nữa là cái quyển mình cầm trong tay có một loạt chữ ký ở trang đầu. Sau khi căng mắt đọc mấy dòng chữ đấy, mình khá chắc đấy chính là chữ ký của đội ngũ thực hiện, bao gồm dịch giả, biên tập viên chính, đại diện bên nắm bản quyền, và nhà thơ đã giúp "thi hóa" lại bản dịch thô. Mấy cái này được ký tay, với nét bút hằn lõm cả giấy, chứ không phải là photo lại. Chữ ký của cái đội này thì chắc chỉ những ai tham gia sự kiện ra mắt sách hồi năm 2012 do Đông Tây phối hợp cũng đại sứ quán Thụy Điển tổ chức thì mới có.


Ừ thì tất nhiên, nếu muốn thì phe làm giả cũng có thể nhờ một nhóm random nào đấy ngoáy bừa mấy cái tên đó vào sách, bởi vì bố ai biết chữ ký thật của mấy đồng chí này trông như thế nào. Cơ mà từ trước đến giờ, mình chưa thấy có cái bên làm giả sách nào đầu tư một cách công phu đến thế cho sản phẩm, đặc biệt khi sản phẩm lại còn là một cuốn sách dễ chừng chẳng ai mua, và kể cả có mua thì cũng chỉ cần lật giở mấy trang nhìn chất lượng in ấn là sẽ sinh nghi ngay.

Và cuối cùng, vì trong hồi mới bước vào ngành xuất bản, cá nhân mình cũng đã cho ra một sản phẩm in ấn cùi bắp gần như tương tự thế này. Anh em nào mà có quyển Tiên Phong Lên Mặt Trăng của H. G. Wells mà bên mình phát hành thì hẳn sẽ thấy rất nhiều thứ mình nói ở trên có thể áp dụng cho cái quyển đấy. Nó in trên giấy trắng bóc, chất lượng nhìn như photo, đến tay gấp còn chẳng có. Cái quyển đấy từng khiến mình mấy phen phải khốn đốn vì nó đã bị khách hàng báo lên mấy sàn bên mình đăng bán là sách giả, xong phải gửi đủ thứ giấy tờ cho sàn thì mới yên thân được. Chính vì bản thân đã từng cho ra một thứ kém chất lượng như vậy, mình cũng thừa hiểu việc một bên làm ăn tử tế cho ra thành phẩm lỗi không phải bất khả thi.

Cơ mà Aniara lại là thành phẩm của một bên đã hoạt động ngót nghét chục năm tính đến thời điểm đó, chứ không phải tác phẩm đầu tay của một công ty literally do đúng một thằng vẫn còn là sinh viên điều hành, chưa có tí kinh nghiệm in ấn gì cả. Thêm vào đó, Aniara lại còn là dự án hợp tác với đủ bên máu mặt như Viện Hàn Lâm Thụy Điển với Hội Đồng Nghệ Thuật Thụy Điển, và được đại sứ quán Thụy Điển hỗ trợ truyền thông nữa. Bảo rằng 1 thằng kiểu đấy mà lại có chất lượng ghẻ cùi thế này thì hơi bị khó tin.

Nói tóm lại là tính đến nay, cái quyển Aniara này vẫn giữ ngôi vị cuốn độc đáo nhất trên tủ sách của mình. Không chỉ đơn thuần vì nó là tập thơ Sci Fi duy nhất mình có, mà còn cả vì nó như một con mèo Schrödinger về chất lượng ấy: vừa giả mà lại vừa không giả cùng một lúc 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.