Chuyển đến nội dung chính

Dự án nghệ thuật biến Mật mã Da Vinci thành 1984 của một nghệ sĩ Anh

 Bữa nay mình mới bắt được một tin thú vị, ấy là một thanh niên ở Anh vừa tung ra một ấn bản 1984 đặc biệt, hình thành từ “xác” của một núi ấn bản Mật mã Da Vinci này anh em.

David Shrigley: Artist pulps 6,000 copies of The Da Vinci Code and turns them into 1984

Câu chuyện này kỳ thực khởi đầu từ 2017, tại một cửa hàng bán đồ cũ thuộc tổ chức Oxfam (đây đại loại là một liên minh các tổ chức từ thiện độc lập) ở Swansea, Anh Quốc. Trong giai đoạn đó, không rõ vì lý do gì, dân tình cứ đem mấy cuốn Mật mã Da Vinci cũ đến quyên cho cửa hàng. Bên cửa hàng nhận được nhiều cái quyển đấy đến nỗi bị quá tải, và quản lý cửa hàng đã chồng nguyên một đống Mật mã Da Vinci thuộc cùng một ấn bản vào 1 chỗ, kèm một tờ kêu gọi người ta quyên cái gì khác đi chứ đừng quyên quyển này nữa. 

Vụ việc đó đã được lan truyền đi rất rộng rãi trong cộng đồng Anh, và nó đã vô tình lọt mắt một nhà thiết kế khá tiếng tăm tên David Shrigley. Khi đọc được về vụ Oxfam bị thừa Da Vinci trên tờ Telegraph, ông anh tự nhiên nổi hứng muốn mua hết cái đống đấy về, và đã lê lết đủ mọi cửa hàng từ thiện và sau đó là các cơ sở tái chế rác thải. Rốt cuộc, thanh niên bê về nhà gần 6.000 ấn bản Mật mã Da Vinci, và sau đó… chẳng biết phải làm gì với chúng nó hết.

Nhưng tình cờ thì đợt đấy, Shrigley vừa đọc lại 1984, và từ đó mà đã để ý thấy rằng George Orwell sắp hết hạn bản quyền ở Anh (luật Anh bảo hộ 70 năm sau khi tác giả mất, trong khi Orwell mất năm 1950, tức bắt đầu từ 2020 trở đi thì ai cũng có thể in truyện ông cụ bán mà không cần xin phép hay trả phí bản quyền). Nhờ đây, Shrigley chợt nảy ra một sáng kiến: đem toàn bộ chỗ truyện Da Vinci mới mua kia nghiền thành bột, xong biến đống bột đấy thành giấy và dùng chúng nó để in 1984.

Thế là với ý tưởng đấy, Shrigley đã bỏ ra đến hàng trăm ngàn bảng Anh để in ra 1.250 bản 1984. Shrigley gọi cái dự án đó là “Pulp Fiction” (“pulp,” bên cạnh cái ý dùng để chỉ thể loại văn rẻ tiền, còn có nghĩa đen là bột giấy), và cuối tuần tới đây, ông anh sẽ rao bán mấy quyển này tại chính cái cửa hiệu Oxfam đã cho mình ý tưởng đấy, với cái giá nghe chóng hết cả mặt: 495 bảng/quyển đối với 250 cuốn đầu (tương đương gần 15 triệu VND), và 795 bảng/cuốn đối với 1.000 quyển còn lại (hơn 23 triệu rưỡi VND).

Và để so sánh, 1 cuốn 1984 bìa cứng (ấn bản của Penguin) chỉ có 14,29 bảng. Mua bìa mềm thì chỉ có 8,27 bảng.

Ông nào chịu xuống tiền cho cái bản này thì đúng là chịu chơi thật đấy 🐧.

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, trong một cái thị trường mà đến ngay cả một cái giường bừa bộn ngủ dậy không dọn vẫn còn kiếm được người mua với giá 2,5 triệu bảng, việc một quyển sách tái sinh được bán với giá ngang con iPhone chắc cũng không có gì quá quắt đâu 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.