Bìa của Nhà Có Bảy Đầu Hồi - một hình mẫu về tương lai của tranh AI trong ngành xuất bản nói riêng và nghệ thuật nói chung
Như anh em biết rồi đấy, hồi chiều, mình có share lại comment của một bạn trong một cái clip Youtube, bàn về cách thế giới chúng ta đang sống chẳng khác nào một tác phẩm Sci Fi đối với những người thuộc thế hệ trước.
Comment đấy kỳ thực được lấy từ clip một channel tên Knowledge Husk, với tiêu đề là “AI Art is Inevitable.” Anh em có thể tham khảo full clip ở đây:
Trong clip, Knowledge Husk đã điểm lại sự trỗi dậy của các thuật toán AI vẽ tranh, những vấn đề nó đặt ra cho cả cộng đồng nghệ thuật, so sánh nó với những tiến bộ khoa học công nghệ khác từng làm khuynh đảo thị trường hội họa trong quá khứ, cũng như thái độ của cả người thời xưa lẫn người thời nay đối với các tiến bộ đấy.
Sau một hồi phân tích, đồng chí này đã rút ra một kết luận đúng y như tiêu đề: tranh AI sẽ trở thành một điều tất yếu trong nghệ thuật. Như các nghệ nhân thủ công hồi trước, các họa sĩ người sẽ không thể ngăn cản được việc nó được bình thường hóa, và khiến thị trường nghệ thuật bị tái định nghĩa, theo cả chiều hướng tốt lẫn chiều hướng xấu.
Sau khi đã được gợi cho nhớ đến cái nhận định đó của Knowledge Husk trong clip, mình lại nhớ đến một sự kiện nho nhỏ mới xảy ra gần đây, khá sát sườn với chúng ta, nhưng hầu như không thấy ai để ý đến hết. Nó là một bài công bố bìa demo cho một cuốn sách sắp xuất bản.
Cụ thể thì đâu tầm vài ngày trước, trong một group khác, mình tình cờ trông thấy có người đăng bài mời cộng đồng bình chọn hai mẫu bìa cho bản dịch của The House of the Seven Gables, một cuốn truyện kinh dị Gothic do Nathaniel Hawthorne sáng tác hồi giữa thế kỷ 19. Vì hai mẫu bìa đấy về cơ bản là giống nhau, chỉ khác mỗi bìa và một vài tiểu tiết nhỏ (một mẫu có đường dẫn vào nhà, một mẫu không; một mẫu người ở gần nhà hơn, một mẫu xa hơn; một mẫu có chó, một mẫu không; vân vân), thế nên ở bên dưới, mình chỉ up một mẫu cho anh em tham khảo.
Lúc mới nhìn vào cái bìa này thì mình cũng không để ý nhiều lắm. Đây là một cái bìa tầm trung, không phải là đẹp mà cũng chẳng đến nỗi xấu. Và căn cứ vào những comment bên dưới bài viết đấy thì có vẻ thiên hạ nhìn chung cũng thấy thế: đây là một cái bìa có thể gọi là ổn, không có gì đặc biệt.
Nhưng rồi khi bấm vào một ảnh để xem kỹ hơn tên bên phát hành, mình tự dưng lại thấy có gì đó sai sai.
Lúc phóng to lên, cái ảnh zoom thẳng vào giữa, và đập vào mắt mình là cái lan can tầng 3 của ngôi nhà. Nó xiên xẹo loạn xạ theo một kiểu rất vô tổ chức, xem chừng không có dụng ý nghệ thuật gì cả. Từ đó, mình đã nhìn loang ra, và thấy thêm rất nhiều điểm dị hợm và bất cân đối ở cái tranh, và đáng chú ý nhất là chúng nó dị theo một kiểu cực kỳ quen thuộc. Mình đã up kèm ảnh phóng to và khoanh đỏ của mấy chỗ nổi bật nhất, anh em nào muốn có thể bấm vào đó để quan sát.
Và đến đây thì, như một thằng cu số nhọ chuyên bắn chất trắng dinh dính từ trong người ra đã nói đấy, “My AI sense is tingling!”
Lẽ đương nhiên, mình không biết về những thứ hậu trường liên quan đến cái bìa này, chưa kể còn hay ngắm tranh AI nhiều đến mức giờ gần như đi đâu cũng nhìn ra nét hao hao, thế nên mình chẳng thể đoan chắc rằng cái bìa này là do AI vẽ ra. Tuy nhiên, căn cứ vào mắt thẩm mỹ què quặt của bản thân, mình tin rằng cái bìa này có sử dụng AI để vẽ ít nhất là cái tòa nhà.
Mình đề cập đến nghi vấn cái bìa này có sử dụng tranh do AI vẽ không phải là để đả kích nó hay gì đâu. Anh em nào ở trong group lâu thì biết thừa mình có quan điểm nhìn chung là tích cực với AI, và đã ủng hộ việc đưa công nghệ này vào áp dụng trong xuất bản từ tít đời nào rồi. Sở dĩ mình động đến nó là vì đây là một ví dụ bổ trợ rất hợp lý cho cái nhận định về việc AI dần sẽ len lỏi vào đời sống và trở thành một phần bình thường của công việc thiết kế/làm nghệ thuật mà Knowledge Husk đã động đến trong clip. Nó không có gì xa vời cả, không phải trong một tương lai bất định nào đó, không phải ở một nơi xa xôi cách biệt, mà nó đã xảy ra ngay tại Việt Nam, trong một dự án sẽ được xuất bản rất gần.
Và mình tin đây sẽ chỉ là khởi đầu thôi. Khi công nghệ AI ngày một trở nên phổ cập, và đặc biệt là bọn AI càng lúc càng khôn ra, dễ dàng cho ra những tài nguyên tranh ảnh chỉ cần chỉnh sửa lại một tí là đã có thể tích hợp vào thành phẩm cuối, hay thậm chí bê thẳng vào thành phẩm thiết kế mà chẳng cần chỉnh thêm gì, ta sẽ tiếp tục có thêm nhiều bìa truyện khác cũng được cho ra đời với sự hỗ trợ của AI. Và phản ứng của cộng đồng đối với những tấm bìa ấy chắc cũng sẽ không thay đổi mấy so với cách họ phản ứng trước những tấm bìa do người vẽ thuần túy hiện nay: chỉ cần biết đẹp hay xấu, còn lại không quan tâm.
Nếu có anh em nào là dân thiết kế thì cũng đừng quá hoảng loạn làm gì, bởi vì mấy con AI này sẽ không đủ sức thay thế hoàn toàn mọi người đâu. Mặc dù đúng là dùng AI thì dễ gấp bội phần việc ngồi vẽ thủ công đấy, đây cũng không phải là một việc bất kỳ ai cũng có thể làm được tốt. Nếu chỉ để nghịch chơi chơi thì không thành vấn đề, nhưng nếu cần cho ra một bức tranh với những yêu cầu cụ thể, một người tay ngang sẽ không thể đơn thuần ngồi gõ vài dòng mà cho ra được sản phẩm đúng ý. Nếu không có kinh nghiệm, có khi một người dùng bình thường sẽ phải tốn cả mấy ngày trời mà chẳng cho ra được cái gì đáp ứng đúng nhu cầu. Đến cả một người dùng AI đã quen rồi có khi cũng phải thử đi thử lại mới cho ra được một bức tranh tạm gọi là ổn.
Và ngay cả khi đã bắt con AI nôn ra được một bức tranh tử tế, đấy cũng chỉ là một tài nguyên thiết kế thuần túy. Mọi người vẫn còn phải trình bày nó vào một cái bìa sách, kết hợp với dàn chữ các kiểu, và khả năng cao còn cần phải tinh chỉnh một số thứ để tổng thể cái bìa trông không quá lệch lạc. Với dân không chuyên, đây là những chướng ngại lớn vô cùng, bởi vì nó đòi hỏi người ta phải ít nhiều có một tí kinh nghiệm thiết kế và kỹ năng sử dụng phần mềm thì mới cân được.
Nếu muốn thì người ta cũng có thể vọc tiếp được thôi, nhưng cái thời gian mày mò đấy sẽ lâu la kinh khủng. Trừ những doanh nghiệp thuộc thể loại quá cò con, thiếu vốn nghiêm trọng đến mức chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài thắt lưng buộc bụng và nghiến răng tự chỉnh lấy (như Bookism chẳng hạn 🐧 ), sẽ chẳng có bên nào đủ rỗi hơi để làm một việc như thế. Họ rốt cuộc cũng sẽ lại thuê họa sĩ hoặc thiết kế viên về xử lý luôn bìa từ đầu đến cuối thôi.
Nhưng tất nhiên, dù không (hoặc đúng hơn là chưa) đến mức mất việc vào tay AI, mình vẫn khuyên anh em thiết kế nên nghiêm túc tính toán cách tích hợp AI vào quy trình làm việc, hoặc không thì cũng hãy chuẩn bị bản thân cho một thế giới nơi mọi người phải cạnh tranh với AI nhé. Hiện tại thì AI vẫn còn rất nhiều vấn đề, cả về pháp lý lẫn đạo đức, nhưng chúng không phải là những điểm yếu trí mạng, đủ sức khiến AI bị đẩy lùi hoàn toàn khỏi ngành nghệ thuật (anh em có thể tham khảo thêm bài này để biết các vấn đề ấy chỉ cùng lắm khiến AI chậm bước lại một tí ra sao: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/10/do-androids-dream-of-electric-sheep-mot.html). Không sớm thì muộn, nó cũng sẽ được hoàn thiện đến mức trở thành một công cụ không ai có thể tìm ra được lý lẽ tử tế gì để tấn công nữa, và sẽ có rất nhiều người, cả chuyên nghiệp lẫn không chuyên, bắt đầu sử dụng chúng cho công việc. Khi ấy, nếu chưa tìm được hướng đi đủ phù hợp, mọi người sẽ thấy con đường sự nghiệp của mình rất chông gai đấy.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓