Nay nhân có bạn đăng một bản diễn lại bài Tĩnh Dạ Tứ để biến đây thành nỗi lòng của nhân loại sau khi buộc phải rời Trái Đất để tránh thảm họa, mình tự nhiên lại nhớ đến một bài thơ rất khác. Đây cũng là một bài thơ Sci Fi, với bối cảnh nền là loài người phải chạy trốn khỏi Trái Đất. Tuy nhiên, không như phiên bản Tĩnh Dạ Tứ chế kia, bài thơ này là cả một bản trường ca rất dài, thuật lại một câu chuyện đầy đủ mở kết, và đặc biệt là nó nói toạc móng heo bản chất Sci Fi của mình ra, để bất cứ ai nhìn vào cũng biết luôn câu chuyện nó kể là cái gì, chứ không cần phải thêm bất cứ cách diễn giải hoặc minh họa nào thì mới kéo được nó vào trong cái dòng này cả. Tên của nó là Aniara.
Aniara là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Harry Martinson, một nhà thơ Thụy Điển từng đoạt giải Nobel. Bài thơ này dài 103 khổ, với 29 khổ đầu từng được xuất bản dưới tiêu đề Sången om Doris och Mima (dịch thô: “Bài ca của Doris và Mima,” với Doris đại diện cho một thành phố trên Trái Đất cũng như bản thân Trái Đất, còn Mima là một dạng AI trong tàu vũ trụ), và đến năm 1956 thì được xuất bản hoàn chỉnh dưới cái tên đầy đủ là “Aniara : en revy om människan i tid och rum” (dịch thô: “Aniara – Tấn kịch về con người giữa thời gian và không gian”).
Về mặt nội dung thì tập thơ lấy bối cảnh là một tương lai xa, nơi con người đã phát minh ra những loại vũ khí hủy diệt vô cùng kinh khủng, và đã dùng nó để tiến hành những cuộc chiến tàn khốc. Những món vũ khí đấy đã cày nát cả hành tinh, và thời khắc diệt vong của Trái Đất chỉ còn đếm từng ngày. Trước tình hình đấy, một cuộc di cư trên diện rộng đã được tổ chức, với nguyên một hạm đội được triển khai để đưa người dân lên khu định cư Sao Hỏa tị nạn. Trong số những tàu chở dân đấy, có một con tàu tên là Aniara.
Aniara không phải là một con tàu đặc biệt gì cho cam, mà chỉ là tàu di dân như bao tàu khác. Tuy nhiên, trên đường bay đến Sao Hỏa, một tảng thiên thạch đã lao ngang đường bay của tàu, khiến tàu buộc phải gấp rút chuyển hướng. Sau một loạt nỗ lực né tảng thiên thạch kia, con tàu rốt cuộc đã rơi vào một quỹ đạo lệch quá xa với cung đường gốc, và các tài nguyên trên tàu không cho phép phi hành đoàn lèo lái nó về lại đúng hướng, khiến Aniara vĩnh viễn không bao giờ còn có thể đến được Sao Hỏa nữa. Nguy hại hơn, quỹ đạo mới của Aniara còn tống nó ra hẳn khỏi Thái Dương Hệ, và con tàu cùng tất cả những người sống trên đấy đã vô tình tự đẩy mình vào kiếp lưu đày. Phần còn lại của bài thơ xoay quanh cái sự tuyệt vọng và suy sụp của những con người sống trên Aniara giữa cái cô độc muôn trùng của vũ trụ.
Ngay từ lúc ra mắt, Aniara đã được đón nhận rất tích cực bởi cả công chúng cũng như giới phê bình văn học Thụy Điển. Họ ca ngợi những vần điệu tài ba của Martinson, cũng như cách ông đã thêu dệt lên được cả một câu chuyện Sci Fi đầy hấp dẫn và lôi cuốn. Ngày nay, các chương trình triển lãm thiên văn ở Thụy Điển nhiều khi vẫn vay mượn lại bài thơ này để làm theme chủ đạo, và một hành tinh ngoài hệ mặt trời cùng ngôi sao mẹ của nó đã được đặt theo tên bài thơ (hành tinh đấy là Isagel, lấy theo tên một phi công trong bài thơ, còn mặt trời của nó được đặt tên là Aniara). Nó cũng được coi là một trong những yếu tố then chốt giúp Martinson sau này được giải Nobel văn học (nếu vào trang vinh danh Martinson trên web của Quỹ Nobel, anh em sẽ thấy nó đề lý do ông được nhận giải là vì đã sáng tác ra “những câu chữ nắm bắt thành công giọt sương phản ánh vũ trụ”). Không chỉ có vậy, Aniara cũng được độc giả quốc tế đánh giá rất cao, đặc biệt là những người thuộc làng SFF. Một số tác phẩm Sci Fi nổi tiếng sau này, chẳng hạn Tau Zero và A Fire Upon The Deep, cũng đã chịu ảnh hưởng từ bản dịch tiếng Anh của bài thơ ấy.
Đáng chú ý là hồi năm 2012, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây đã phối hợp với Viện Hàn lâm Thụy Điển và Hội đồng Nghệ thuật Thụy Điển để giới thiệu tập thơ đến với độc giả Việt Nam dưới cái tên “Aniara - Về Con Người, Thời Gian Và Không Gian.” Bản dịch đã được thực hiện bởi một đội ngũ chuyên gia cả trong nước lẫn ngoài nước, với nội dung gốc được hai dịch giả Thụy Điển là Tobias Theander và Mimi Diệu Hường Bergström dịch thô ra tiếng Việt, sau đó nhà thơ Hoàng Hưng đã dựa trên đấy và các bản dịch tiếng Anh với tiếng Pháp của Aniara để biến nó trở lại thành một bài thơ nghiêm chỉnh. Một phiên bản của nó có thể được xem ở bài mình share bên dưới.
Nếu cảm thấy đã nhàm với các câu chuyện văn xuôi, anh em có thể thử ngó qua Aniara nhé.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓