Bữa nay mình có vớ được một cái thớt trên Reddit, xoay quanh một series Space Opera rất nổi tiếng là The Expanse. Số là đồng chí chủ thớt đã đọc hết 3 quyển đầu của nó rồi, và ngoài một số yếu tố như cái khoản xây dựng thế giới ra thì nhìn chung không thấy ấn tượng với cái series này lắm. Thế là ông anh đã xin ý kiến xem liệu mấy quyển tiếp theo có gì đặc sắc hơn không, để bản thân còn biết đường gồng mình theo lao.
Đã có khá nhiều câu trả lời thú vị được đưa ra trong cái thớt đấy, nhưng đáng chú ý nhất là cái câu trả lời trong hình bên dưới.
Cụ thể, người đưa ra câu trả lời này đã chỉ ra trúng phóc cái điểm mạnh nhất của The Expanse, và cũng là lý do nó hút được nhiều fan đến thế: cái sự dễ đọc của nó. Bộ truyện này không đưa ra một ý tưởng gì quá mới mẻ hay phi thường, kể cả nếu ta chỉ xét riêng trong mảng Space Opera. Nếu đem nó ra so sánh với toàn bộ dòng Sci Fi, cái bản chất “vanilla” trong ý tưởng nền tảng của The Expanse sẽ thậm chí còn bị lộ ra rõ rệt nữa.
Tuy nhiên, chính sự bình bình trong mặt ý tưởng đấy lại đã khiến dân tình không bị tương cho một cái gì quá nặng đô vào mồm, thế nên họ sẽ không khiếp vía bỏ chạy vì thấy quá nặng đầu, đặc biệt nếu đó là người ít đọc SFF. Kết hợp với việc series được viết một cách rất chắc tay, The Expanse đã nhanh chóng gầy dựng được tiếng tăm trong làng văn, và có được cái vị thế bây giờ của nó.
Sở dĩ mình thấy cái câu trả lời về tính dễ đọc làm nên sự thành công của The Expanse này thú vị vì cách đây mấy năm, chính bản thân mình cũng đã phải cân nhắc một điều tương tự.
Đợt đấy, mình đang sắp tích được đủ lúa để xuất bản tiếp rồi, và đã bắt đầu tính toán xem cuốn tiếp theo nên bê về là gì. Tiêu chí của mình lúc ban đầu khá đơn giản, đó là cứ lục lại mấy bài review cũ, xem thằng nào chấm cho từ 9 đổ lên thì xử thôi. Sau một hồi lục lọi, mình tia được ba ứng viên tiềm năng là:
- Blindsight của Peter Watts.
- A Canticle for Leibowitz của Walter M. Miller Jr.
- Foundation của Isaac Asimov.
Để phòng trường hợp cảm nhận cá nhân có thay đổi theo thời gian, mình đã đọc kỹ lại một lượt review bản thân đã viết về chúng nó cũng như ngó sơ qua một vài chương đầu của mỗi quyển. Kết quả là lập trường của mình về bọn nó không có gì thay đổi so với những gì đã nói trong review mỗi thằng. Cả 3 đều là những cuốn rất chất lượng, bàn về những đề tài đáng suy ngẫm, với ý tưởng nền khá hay và sáng tạo. Anh em nào quan tâm có thể tham khảo lại review về bọn này ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/06/review-blindsight-cua-peter-watts.html, đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/06/review-canticle-for-leibowitz-cua.html, và đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/06/review-foundation-cua-isaac-asimov.html.
Nhưng trong quá trình làm thế, mình càng lúc càng thấy phân vân kinh khủng. Nguyên nhân là thế này: bọn nó không phải thứ sẽ dễ nuốt với độc giả phổ thông.
Foundation là thằng bị loại bỏ đầu tiên, bởi vì nó có quá nhiều điểm yếu. Cốt của nó chỉ toàn mấy người ngồi trong phòng chém gió linh tinh với nhau, chưa kể văn phong còn khô như ngói, thế nên dân tình mở ra được tầm 3 trang chắc lăn quay ra đất ngủ hết. Thêm vào đó, một khi đã làm Foundation thì bắt buộc sẽ phải làm liền một mạch đến tối thiểu quyển thứ 3 mới được dừng, mà như thế thì gánh nặng tài chính cao quá.
Thằng tiếp theo bị gạt đi là A Canticle for Leibowitz. Nó mặc dù có giọng văn mượt mà hơn hẳn Foundation, chưa kể chỉ một tập là xong rồi, lại đòi hỏi thiên hạ phải có một cái phông kiến thức quá cao, hoặc ít nhất cũng phải chịu khó đi tìm hiểu thêm bên ngoài. Nếu không biết về các điển tích của Thiên Chúa giáo, mọi người sẽ thấy quyển này đọc rất khó vào, và nhiều cái còn như lỗ hổng lôgic trong truyện.
Blindsight thì là thằng mình ngần ngừ nhất, mặc dù xét chuẩn ra, nó là thằng khó đọc nhất trong cả 3. Cốt kiếc của nó hấp dẫn và kịch tính hơn hẳn 2 thằng trên, văn phong cũng ma mị và lôi cuốn vô cùng, chưa kể những ý tưởng vĩ mô và không khí u tối nó gợi ra sẽ cho phép mình mượn hơi Tam Thể để dụ thiên hạ nhảy hố Blindsight.
Nhưng khốn nạn là Watts viết cái truyện này một cách ảo ma vkl.
Cái đống triết lý về trí thông minh với tư duy đã ong đầu với khoa học đã lằng nhằng sẵn thì chớ, ông anh lại cứ đi giải thích thì ít mà khơi gợi thì nhiều. Lắm lúc, thanh niên cứ kệ mợ cho độc giả đi trong hoang mang, không hiểu cái gì xảy ra cả suốt một hồi dài, xong mới mớm cho tí manh mối để phỏng đoán. Tung cái quyển này ra thì chỉ có một nhóm fan Sci Fi hardcore mới nuốt nổi, số còn lại sẽ chào thân ái và quyết thắng ngay lập tức. Chưa kể, đưa Blindsight về Việt Nam trong cái giai đoạn này, lúc thiên hạ vẫn còn bị cái định kiến dòng này khó hiểu với không phải văn học nọ kia thì rất dễ tự bắn vào chân, gây khó khăn cho việc đẩy mấy quyển sau này.
Thế là sau một thời gian lưỡng lự suy đi tính lại, mình đã phải đi tìm lại từ đầu. Lần này, mình đặt ra tiêu chí nó không cần hay đến siêu quần (tức review từ 8 đổ lên là được rồi), miễn sao được viết đủ chắc tay để tạo sức hút, có ý tưởng không quá quen thuộc với thị trường nhà ta, và đặc biệt là không đòi hỏi quá nhiều ở người đọc.
Và sau một hồi lục lại các review cũ, một ứng viên mới đã xuất hiện: Dogs of War của Adrian Tchaikovsky.
Thành thực mà nói, ý tưởng chủ đạo của Dogs of War (nâng cấp động vật và từ đấy bàn về xã hội loài người) không phải quá mới, mà đã được bàn nhẵn trong những tác phẩm như The Island of Doctor Moreau, Sirius, và Heart of a Dog rồi (với hai thằng cuối còn là nâng cấp chó luôn). Tuy nhiên, Dogs of War được cái triển khai ý tưởng đấy rất tốt, không làm gì quá khó hiểu với người đọc phổ thông. Thêm vào đó, truyện cũng pha kèm một số ý tưởng chưa có nhiều tác phẩm ở Việt Nam khai thác như trí thông minh phân tán và nô lệ hóa qua cấy não, từ đấy mang đến cho độc giả chút mới mẻ. Đồng thời, nó cũng đào rất sâu vào những cái theme đáng suy ngẫm cũng như hệ lụy của đủ thứ công nghệ, hơn hẳn mặt bằng Techno-thriller chung, thế nên vẫn không bị thành giải trí thuần.
Chính vì cái chất khá dễ tiếp cận nhưng không đến mức quá giản đơn đấy, nó đã được kéo về trình làng trước với cái tên Chó Săn Miền Bom Đạn. Mấy thằng khác thì đành ngậm ngùi hẹn một ngày mình có thể xuất bản một cách bất cần đời hơn vậy.
Nếu có anh em nào muốn cái ngày đó nhanh đến, mọi người hãy cật lực giới thiệu Chó Săn Miền Bom Đạn cho bạn bè người quen hoặc review vào các hội nhóm khác để chèo kéo thiên hạ nhé. Không có gạo từ thằng này thì khó đạp lên thị trường mà làm sách vl :’(.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓