Chuyển đến nội dung chính

Về Juntree Siriboonrod - cha đẻ của Sci Fi Thái

 Ban nãy mình có nổi hứng tếch lên Google Doodle để tra lại cái clip 360 hồi trước nó làm về Georges Méliès, cơ mà vừa mở trang chủ của nó ra thì lại tình cờ khám phá ra một điều thú vị. Cụ thể, hôm nay, Google Doodle đang kỷ niệm một nhân vật rất có vai vế trong làng Sci Fi của một đất nước láng giềng với chúng ta. Nhân vật ấy là Juntree Siriboonrod, cha đẻ của Sci Fi Thái.

Juntree Siriboonrod 's 106th Birthday

Siriboonrod sinh ra vào ngày này 106 năm trước (tức năm 1917). Không có nhiều thông tin về thời thơ ấu của ông anh, thành thử fan của thanh niên tại Thái đã tự bịa ra đủ thể loại thuyết âm mưu về Siriboonrod, chạy từ việc ông kỳ thực chạy từ một vũ trụ khác sang cho đến việc đồng chí từng đấm nhau với người ngoài hành tinh từ hồi còn nằm trong nôi.

Tuổi trưởng thành của ông anh thì được ghi nhận một cách rõ rệt hơn tí. Ban đầu, Siriboonrod vào làm việc cho chính phủ Thái Lan với tư cách là một công chức tại Vụ Nhiên liệu Khoáng sản thuộc Bộ Năng lượng. Được một thời gian sau thì ông quay sang làm giáo viên khoa học ở một trường cấp ba tên là Kenneth Mackensie, nằm ở tỉnh Lampang. Chính trong giai đoạn này, Siriboonrod bắt đầu cầm bút. Ông vừa viết các bài báo liên quan đến khoa học, vừa tham gia sáng tác các mẩu truyện Sci Fi.

Năm 1945, Siriboonrod hợp tác với Hiệp hội Khoa học Thái Lan để góp chữ cho Witthayasat Mahatsachan (“Khoa học Tuyệt vời”), một tạp chí khoa học ở Thái. Cũng như lúc giảng dạy, Siriboonrod viết cả các bài liên quan đến khoa học lẫn sáng tác truyện Sci Fi để đăng lên báo, và đóng góp khá đều tay cho đến tận năm 1959, khi tờ báo bị đình bản. Chính trong giai đoạn này, ông đã xuất bản Phu Dap Duang Athit (theo Google Translate thì đây là “Người dập tắt Mặt Trời”), một tuyển tập truyện ngắn SFF. Tuyển tập này được công chúng đón nhận hết sức tích cực, và cho đến nay vẫn còn rất nổi tiếng trong lòng độc giả Sci Fi Thái.

Dẫu Witthayasat Mahatsachan không còn xuất bản nữa, Siriboonrod vẫn kiên trì theo đuổi nghiệp viết lách. Ông bỏ việc dạy học và tự mở một nhà xuất bản riêng, tiếp tục cho ra mắt các cuốn tiểu thuyết Sci Fi và một tạp chí tương tự Witthayasat Mahatsachan. Đến năm 1962 thì cái tạp chí của Siriboonrod phải ngừng xuất bản, nhưng ông vẫn miệt mài sáng tác và ra sách tiếp, cả dưới dạng sách tự xuất bản lẫn sách xuất bản thông qua các bên khác, cho đến tận khi qua đời vào năm 1968 vì bệnh thận.

Nhờ những đóng góp của mình mà năm 2005, Siriboonrod đã được Hiệp hội Khoa học Thái Lan và Diễn đàn Nhà văn và Nhà xuất bản Khoa học vinh danh bằng cách lấy tên ông để đặt cho Giải thưởng Juntree Siriboonrod, một giải chuyên tôn vinh những thành tựu văn học trong mảng Sci Fi.

Đọc về Siriboonrod mà tự nhiên lại nghĩ, hình như Việt Nam nhà ta chưa có ai thực sự có thể được coi là tổ ngành như bên Thái nhỉ? Người Việt viết Sci Fi thì cũng không phải là thiếu, nhưng chưa có ai làm lay chuyển được cộng đồng độc giả và đến nay vẫn còn được đọc rộng rãi như cái ông Siriboonrod kia cả. Không biết đến bao giờ mới có một nhân vật xuất chúng với tâm huyết như thanh niên đó xuất hiện ở nước ta nhỉ?

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.