Chuyển đến nội dung chính

Một phát hiện tình cờ về bản dịch Tây Du Ký của phương Tây

 Bữa nay vừa thấy Folio tung ra một ấn bản đồ thờ của Tây Du Ký. Trông ấn tượng phết.

Monkey

Mà nhờ cái bài này mới phát hiện ra một điều thú vị. Vì đọc trên web của Folio thấy bảo nội dung toàn tác phẩm gói gọn trong một quyển chưa đầy 400 trang (bao gồm cả tranh), trong khi dàn chữ cũng không đặc lắm, mình không khỏi hơi giật mình. Tây Du Ký in kiểu tiết kiệm lắm cũng phải dài đến ngàn trang, đây loe ngoe có 400 trang thì chẳng biết người ta dịch kiểu gì. Thế là mình đã đi tra thử.

Sau một hồi ngó nghiêng trên Google, mình phát hiện ra là hồi năm 1942, có một ông học giả Anh tên là Arthur Waley đã lược dịch Tây Du Ký. Bản dịch của ông này (tiêu đề đầy đủ là Monkey: A Folk-Tale of China, nhưng thường được gọi tắt là Monkey) có vỏn vẹn 350 trang, và chặt đi cực kỳ nhiều tình tiết của truyện. Tổng truyện có 100 hồi thì thanh niên dịch có 30 hồi chính, và ngay cả 30 hồi này cũng bị cắt cúp mấy chỗ (chủ yếu là thơ). Thành thử, thứ Waley cho ra mắt là một phiên bản què quặt và méo mó của Tây Du Ký, thậm chí còn khiến nó bị hiểu sai rằng đây là một dạng tuyển tập cổ tích dân gian chứ không phải tác phẩm văn học nghiêm chỉnh, và nó đã bị giới học thuật chỉ trích nhiều.

Nhưng bất ngờ thay, cái bản dịch Monkey này lại là phiên bản Tây Du Ký được độc giả phương Tây ưa chuộng nhất. Ngay cả sau khi các bản dịch đầy đủ hơn ra mắt, vẫn không ít độc giả tiếp tục tìm đến với Monkey, đơn thuần vì đây là bản có tiếng sẵn, với cả nó dễ đọc hơn, bất chấp việc đây chỉ ngang tầm một cái lăng kính khá lệch lạc, khắc họa Tây Du Ký cũng như văn hóa Trung Quốc theo một kiểu biến tướng.

Và trông cái kiểu bản của Folio chỉ có nhõn mấy trăm trang như thế, chưa kể còn để cái tiêu đề là "Monkey," hẳn đây là bản dịch lược của Waley rồi.

Thiết nghĩ nếu chơi bản dịch lược thế này, phía Folio nên giới thiệu về tác phẩm dưới cái tên "Arthur Waley's Monkey," sau đó chêm thêm dòng "based on Wu Ch’eng-en's The Journey to the West" mới đúng. Đường đường là Tứ Đại Danh Tác mà lại bị mạo danh bởi cái quả M O N K E này thì oan cho Ngô Thừa Ân với văn học Trung Quốc quá.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.