Chuyển đến nội dung chính

Pha hụt ăn Tolkien của Canada

 Bữa nay mình có tình cờ lụm được cái thớt này trên Reddit, trong đấy nhắc lại một vố rất cay cộng đồng SFF tại Canada mới phải hứng chịu gần đây: hụt ăn các tác phẩm của Tolkien ngay trước thềm ông cụ không còn được bảo hộ bản quyền nữa.

Sad fact: JRR Tolkien's works *almost* entered the public domain in Canada but they changed the law in 2022

Trong trường hợp có anh em nào chưa biết, trước đây Canada từng có thời hạn bảo hộ bản quyền ngắn ngang Việt Nam. Cụ thể, họ chỉ bảo hộ bản quyền cho các tác phẩm nghệ thuật trong suốt cuộc đời (các) tác giả, và 50 năm sau khi tác giả (cuối cùng) mất. Vào đúng 00:00:01 ngày 01/01 của năm thứ 51 tính từ năm tác giả (cuối cùng) qua đời, thứ duy nhất mà chính phủ Canada còn công nhận cho tác phẩm là quyền nhân thân, tức quyền được đứng tên trên tác phẩm của tác giả cũng như quyền không để tác phẩm bị chỉnh sửa theo bất cứ cách nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả, còn mọi đặc quyền kinh tế với sao chép thương mại đều bị hủy hết.

Để nói cho dễ hiểu thì cứ giả sử ta có một ông John Smith từng viết ra tác phẩm có tên J'aime le Bookism đi. Đến năm 1972, ông này qua đời, và bản quyền J'aime le Bookism được chuyển sang cho con ông ấy là Jane Smith. Bất cứ ai muốn in nối bản quyển sách hoặc chuyển thể nó thành phim, kịch, hoạt hình,… tóm lại là làm bất cứ cái gì phái sinh liên quan đến J'aime le Bookism, thì đều phải qua hỏi ý kiến và trả tiền bản quyền cho Jane.

Tuy nhiên, năm 2023 sẽ đánh dấu năm thứ 51 kể từ ngày mất của John, và vì John là tác giả duy nhất của truyện, thế nên vào đúng 00:00:01 ngày 01/01/2023, J'aime le Bookism sẽ trở thành tài sản chung của người dân Canada. Người dân Canada giờ sẽ có thể in nối bản, dịch nó sang tiếng Anh, chuyển thể, lấy trích dẫn in lên áo phông, sổ,… làm bất cứ cái gì liên quan đến J'aime le Bookism, và thậm chí còn kiếm tiền từ các hoạt động phái sinh đấy, mà chẳng phải trả cho cái cô Jane kia 1 xu nào cả.

Tất nhiên, tất cả những điều ấy đều chỉ đúng trong phạm vi lãnh thổ Canada thôi. Nếu người dân Canada mà phân phối các tác phẩm phái sinh của J'aime le Bookism ra thị trường quốc tế, hoặc người dân ở các nước khác muốn sờ vào J'aime le Bookism, thì sẽ phải tra lại luật nước mình sẽ phân phối sản phẩm xem thời hạn bảo hộ bản quyền của nước đấy là thế nào. Phần này hơi lằng nhằng tí, nhưng mình từng có một bài bàn sâu hơn về nó rồi, anh em nào quan tâm có thể đọc full ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2023/01/tu-sherlock-holmes-nhin-ve-su-lang.html.

Nhưng khốn nạn cho người dân Canada, một thứ tên là USMCA đã phá thối tất cả.

Số là trước kia, Canada với Mỹ có một hiệp định thương mại gọi là NAFTA (viết tắt của “North American Free Trade Agreement,” tức “Hiệp định Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ”). Cái NAFTA này có một số điểm bất cập, và đến năm 2016, sau khi Trump đắc cử tổng thống Mỹ, chính quyền Mỹ đã bắt các bên ngồi vào bàn đàm phán để chỉnh lại cái hiệp định này. Kết quả nảy sinh từ nó là một hiệp định mới, có tên là USMCA (viết tắt của “United States–Mexico–Canada Agreement,” tức “Hiệp định Hoa Kỳ, Mexico và Canada”).

Trong số các điều khoản của hiệp định, có một điều yêu cầu Canada phải ra luật nâng thời hạn bảo hộ bản quyền lên thành suốt cuộc đời tác giả + 70 năm sau khi tác giả mất, và cái luật mới này phải có hiệu lực trong vòng 2 năm rưỡi kể từ ngày hiệp định có hiệu lực (anh em tham khảo cái điều khoản đấy của hiệp định tại đây: https://www.international.gc.ca/trade-commerce/trade-agreements-accords-commerciaux/agr-acc/cusma-aceum/ip-pi.aspx?lang=eng). Vào 13/3/2020, Canada phê chuẩn hiệp định, và đến 1/7 cùng năm thì hiệp định có hiệu lực, và đồng hồ đếm ngược đối với việc nâng thời hạn bảo hộ bản quyền bắt đầu từ đấy.

Thế rồi rốt cuộc, gần 2,5 năm sau, kể từ 1/1/2023, Canada chính thức áp dụng luật bảo hộ bản quyền mới, chỉ cho phép các tác phẩm nghệ thuật trở thành tài sản công sau khi tác giả (cuối cùng) của nó mất đã được 70 năm. Dù cái luật này không có hiệu lực hồi tố (tức là không áp dụng ngược cho các tác phẩm đã rơi vào miền công chúng Canada từ trước thời điểm nó có hiệu lực), luật này vẫn gây tổn hại nghiêm trọng cho quyền tiếp cận văn hóa của người dân Canada, bởi lẽ trong vòng 20 năm tới, sẽ không có thêm tác phẩm mới nào trở thành tài sản công cộng cho dân Canada tiếp cận và sử dụng miễn phí hết.

Đau nhất là cái luật này lại có hiệu lực vào năm 2023, chẵn 50 năm kể từ năm mất của J. R. R. Tolkien (người đã dựng lên bộ tác phẩm về Trung Địa). Nếu luật lùi lại chỉ 1 năm thôi (hoặc 2 năm, không rõ nó với cái mốc 00:00:01 thì cái nào áp dụng trước) thì bây giờ dân Canada đã có thể tha hồ in ấn và đọc chùa những tác phẩm của ông cụ như The Hobbit với Lord of the Rings rồi. Nhưng vì bị luật mới chặn họng, giờ họ lại phải vêu mỏ ngồi chờ thêm 20 năm nữa mới được như thế.

Trong khi ấy, dân nhà ta thì chỉ còn 9 tháng 7 ngày nữa thôi là sẽ tha hồ xuất bản mấy cái truyện của ông cụ rồi. Hy vọng từ giờ đến lúc ấy các cụ ở trên không áp thêm quả luật nào như Canada, không thì thốn lắm.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.