Chuyển đến nội dung chính

Scrapbook Story - kể chuyện bằng tài liệu

 Trong cái bài meme về báo tuyên truyền cho Mordor hồi chiều, mình có đề cập đến khái niệm là Scrapbook Story. Vì đây là một loại hình kể chuyện khá hay, mình nay sẽ bàn kỹ hơn một tí về nó.


Cơ mà để hiểu được Scrapbook Story là gì, trước tiên cần bàn qua về cái thứ đã cung cấp tên cho nó, ấy là “scrapbook” cái đã.

Anh em nào mà hay làm đồ thủ công hoặc hay vọc mấy trò làm sổ thì hẳn đã biết rất rõ scrapbook là gì rồi, còn trong trường hợp có anh em nào chưa biết đến nó bao giờ, mọi người hãy cứ hình dung đây như một dạng album lưu trữ kỷ niệm theo kiểu “vá víu.” Scrapbook thường có khởi đầu là một cuốn sổ hoặc một cuốn sách (tức “book”) với những trang trống không. Sau đó, nó dần dần được chủ nhân dán hoặc khâu các lưu vật kỷ niệm vào, chẳng hạn các mẩu giấy ghi chú, những cái bookmark, những bài báo hoặc tạp chí được cắt ra, những bức ảnh chụp, hay thậm chí cả những thứ như hoa ướp khô hay lá gì đấy… nói chung là đủ thứ trên trời dưới bể khả dĩ kẹp được vào sách (tức “scrap”). Cái tổ hợp hổ lốn đấy sẽ chính là một cuốn scrapbook.

Tùy vào cách sắp xếp cũng như những vật được chọn để đưa vào scrapbook mà khi mở nó ra, anh em sẽ được gợi nhớ về những chuyến chu du mình từng tham gia, những sự thăng trầm theo năm tháng của một lĩnh vực hoặc sở thích nào đó mình quan tâm, hay chỉ đơn giản là những con người mình đã gặp trên đường đời. Nói cách khác, scrapbook là một dạng sổ nhật ký cá nhân, gián tiếp thuật lại một câu chuyện nào đấy thông qua những tư liệu chắp vá thuộc đủ thể loại.

Và từ cái định nghĩa ấy, ta có Scrapbook Story: một câu chuyện được thuật lại bằng cách chắp vá nhiều tư liệu riêng lẻ vào với nhau.

Cụ thể hơn, Scrapbook Story là một câu chuyện cấu thành từ những văn bản riêng rẽ, tồn tại bên trong thế giới của câu chuyện. Ví dụ bao gồm các bài đăng của một tờ báo, thư từ các nhân vật gửi cho nhau, những đoạn nhật ký rời rạc, những biên bản phỏng vấn, các hóa đơn và báo cáo của doanh nghiệp,… Chỗ tài liệu này hoặc sẽ trực tiếp thuật lại câu chuyện theo một kiểu khá truyền thống, hoặc gián tiếp kể chuyện bằng cách thuật lại tác động, hệ lụy, hay đưa ra một phiên bản sự thật thiếu hụt hoặc bóp méo mà chúng ta chỉ có thể hiểu được nếu xâu chuỗi với những tài liệu khác trong cùng câu chuyện.

Khi nhắc đến Scrapbook Story, ta cũng cần phải đả động đến cả một thằng khác là Epistolary Story nữa.

Gốc thì Epistolary Story chỉ là một tập con của Scrapbook Story, dùng để chỉ các tác phẩm cấu thành thuần túy từ những bức thư do các nhân vật gửi cho nhau. Về sau này, nhiều người bắt đầu mở rộng cái phạm vi của Epistolary Story ra, cho phép nó có thể được cấu thành từ những dạng tài liệu không phải thư từ khác như nhật ký hoặc bài blog và email. Dần dần, nó thậm chí còn được dùng để tả những tác phẩm cấu thành từ nhiều dạng tài liệu khác nhau chứ không cần phải bám theo một định dạng duy nhất, xuyên suốt tác phẩm. Điều này khiến Epistolary Story về cơ bản đã trở thành từ đồng nghĩa với Scrapbook Story, và ngày nay, thiên hạ phần đông toàn dùng Epistolary Story để chỉ Scrapbook Story.

Mặc dù vậy, vẫn có một số phân định khá rạch ròi giữa Epistolary Story và Scrapbook Story, chỉ dùng Epistolary Story để chỉ các tác phẩm thuật chuyện qua một định dạng tài liệu duy nhất, còn Scrapbook Story thì được tạo ra từ nhiều định dạng khác nhau. Cá nhân mình thì hay coi Epistolary Story và Scrapbook Story là một, nhưng trong phần ví dụ bên dưới, mình sẽ dùng chúng nó dưới cái nghĩa riêng, với Epistolary Story chỉ các tác phẩm dùng đúng một kiểu tài liệu, còn Scrapbook Story thì là những tác phẩm đa tài liệu.

Về khoản ví dụ thì một trong những thằng Scrapbook Story nổi tiếng nhất mảng SFF, đồng thời cũng là chuẩn với định nghĩa “tạp phí lù” của thuật ngữ đấy nhất, có lẽ sẽ là Dracula của Bram Stoker. Truyện cấu thành từ đủ loại tài liệu với các tính chất khác nhau, chẳng hạn nhật ký của các nhân vật, những bức thư họ gửi cho nhau, những bài báo về các sự kiện lạ lùng và bí hiểm xảy ra,… Khi xâu chuỗi lại, chúng thuật lên một câu chuyện rất hấp dẫn về một con ma cà rồng bí hiểm, cũng như những nỗ lực ngăn chặn hắn của một nhóm người tình cờ bị vướng vào mưu đồ xâm lược Anh Quốc của hắn.

Tuyển tập Stories From Tomorrow của PW Singer và August Cole cũng là một dạng Scrapbook Story đáng chú ý. Đây là một tuyển tập truyện Sci Fi ngắn, với mỗi truyện được trình bày theo một định dạng khác nhau, trong đó có một số truyện được cấu thành từ những tài liệu tồn tại trong thế giới của chính tác phẩm. Tỉ dụ, trong The Measure of a Mind, ta sẽ thấy câu chuyện này chỉ thuần túy là một tài liệu mật của chính phủ, tường trình về một nghiên cứu liên quan đến thao túng hành vi qua dữ liệu mạng; Silent Skies thì là một loạt các bài báo mạng, đăng tin về phản ứng của chính phủ đối với một vụ tấn công khủng bố bằng drone; A Glimmer of Hope thì là biên bản một cuộc phỏng vấn giữa một nhà sử học và một quân nhân, từ đó thuật lại một chiến dịch quân sự thảm họa.

Khi đứng lẻ, những thằng trên khớp với Epistolary Story theo định nghĩa gốc hơn (tức chúng nó chỉ bám theo một định dạng tài liệu duy nhất). Tuy nhiên như đã nói đấy, những truyện trên được tổng hợp trong một tuyển tập chung là Stories From Tomorrow. Chính vì thế, cái tuyển tập chung kia phải đến phân nửa là cấu thành từ các tài liệu khác nhau. Bởi vậy, nó cũng có thể được coi là một dạng Scrapbook Story.

Tiện nói đến tuyển tập truyện, Stories of Your Life and Others của Ted Chiang cũng chứa một vài truyện ngắn thuộc thể loại Epistolary Story. Tiêu biểu nhất phải kể đến cái chuyện Liking What You See: A Documentary của ông anh, được viết dưới dạng một bộ phim tài liệu, cấu thành từ một loạt các bài phỏng vấn với những chuyên gia, sinh viên, và lãnh đạo phong trào xã hội để từ đó hình thành một câu chuyện xuyên suốt về một thứ công nghệ mới, tước bỏ hoàn toàn khả năng cảm nhận cái đẹp, khiến cho người ta không thể nào phân biệt đối xử dựa trên ngoại hình được nữa.

Cơ mà khác với Stories From Tomorrow, Stories of Your Life and Others hơi bị thiếu tính đồng nhất. Các truyện của nó chỉ chia sẻ một đặc điểm là chúng là các những truyện SFF để khai phá ý tưởng, chứ không có cái theme chung về ứng dụng của công nghệ mới đối với an ninh quốc gia như Stories From Tomorrow. Bên cạnh đó, vì chỉ có 2 truyện trong này có thể được coi là Epistolary Story (và trong đấy có một truyện hơi bị giãn căng cái định nghĩa về Epistolary Story một tí), thế nên tỉ trọng truyện cấu thành từ tài liệu hơi ít. Thành thử, ta khó có thể nói Stories of Your Life and Others là một tác phẩm Scrapbook Story.

World War Z của Max Brooks cũng là một trường hợp thú vị. Tác phẩm này là một dạng hồi ký, cấu thành từ một chuỗi các biên bản phỏng vấn do một anh phóng viên thực hiện với những người sống sót sau một cuộc đại chiến với zombie. Thông qua lời kể của các nhân chứng “lịch sử” ấy, ta dần hình thành được một bức tranh toàn cảnh về cái thảm họa tận thế từng diễn ra trong tác phẩm, biết được khởi nguồn của nó, từng bước tiến triển của nó, cũng như những phương thức đối phó mà con người nghĩ ra để đảm bảo sự tồn vong cho giống loài. Vì từ đầu đến cuối, truyện chỉ dùng một định dạng tài liệu duy nhất, nó là ví dụ của một kiểu Epistolary Story.

Tương tự với World War Z nhưng mà ở một quy mô nhỏ hơn, ta có Broken Wide của Cameron Dayton. Đây là một truyện ngắn online, nằm trong vũ trụ StarCraft, và là một phần của một chiến dịch truyền thông cho cái game StarCraft II. Truyện cũng chỉ bao gồm một cuộc phỏng vấn thuần, nhưng thay vì là biên bản giữa phóng viên với những người sống sót của một cuộc chiến, nó cấu thành từ dữ liệu thu được từ tàn tích ngoài không gian của một con tàu chiến đã bị phá hủy. Dữ liệu ấy chứa đựng cuộc phỏng vấn của một đại úy bộ phận nghiên cứu với một binh nhì đã được cứu khỏi một hành tinh thuộc địa. Thông qua cuộc phỏng vấn, ta biết được chuyện gì đã xảy đến với cái hành tinh ấy, cũng như lý do cái con tàu chiến kia lại bị phá hủy như thế. Đây cũng là một kiểu Epistolary Story.

Lưu ý tí là gốc thì mẩu truyện này được đăng trên web của Blizzard (bên phát hành StarCraft II), và nó có bao gồm cả những đoạn ghi âm đích thực, tạo cảm giác đây quả thực là dữ liệu thu được từ xác tàu. Cơ mà giờ cái trang đấy bị xóa mất rồi, thế nên anh em đành đọc tạm bản chữ của nó ở đây vậy: https://www.ign.com/wikis/starcraft-2/Broken_Wide.

Tiện nhắc đến game gủng với truyện web, một thanh niên cũng đáng quan tâm khác là một tựa game khá cũ, có tên là Portal. Không, không phải cái game do Valve làm đâu, mà là một game do Activision xuất bản hồi năm 1986. Đây là một game chỉ toàn chữ thuần, và nó mang dạng một giao diện cơ sở dữ liệu đã hỏng. Nhiệm vụ của người chơi là truy cập vào từng mục trong cái cơ sở dữ liệu đấy, kiểm tra các thông tin lưu trữ, chạy từ báo cáo cho đến email và hướng dẫn sử dụng, và từ đấy khôi phục dần từng mảng dữ liệu khác. Trong quá trình khôi phục dữ liệu, anh em sẽ dần hiểu ra cái bối cảnh nền của cái game này là thế nào, và điều gì đã khiến một chuyện như thế xảy ra. Đây là một kiểu Scrapbook Story, có điều mang tính tương tác rất cao. Một phiên bản giả lập của nó có thể được chơi online ở đây: https://archive.org/details/msdos_Portal_1986.

Lưu ý một chút là Rob Swigart, biên kịch cho cái game đó, về sau đã xuất bản một cuốn tiểu thuyết có tên Portal: A Dataspace Retrieval. Truyện chủ yếu chứa đựng các đoạn dữ liệu có trong game, kèm thêm một chút sáng tác mới để xâu chuỗi mọi thứ lại với nhau. Dù rằng bản truyện có tích hợp kèm lời thuật truyền thống, phần nội dung tài liệu lưu trong máy vẫn là trọng tâm và chiếm tỉ trọng nội dung lớn nhất, thế nên cái bản tiểu thuyết này vẫn có thể được coi là Scrapbook Story. Bản ebook của truyện về sau đã được tác giả chấp thuận cho tung lên mạng miễn phí, anh em nào quan tâm có thể đọc nó ở đây: https://www.mobileread.com/forums/showthread.php?t=37197.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.