Chuyển đến nội dung chính

Silmarillion - hướng đi tiềm tàng để tạo khác biệt khi Tolkien rơi vào miền công chúng

 Bữa nay trong một group sách khác, mình vô tình trông thấy một bạn khoe hình một ấn bản rất đẹp của The Silmarillion, tuyển tập huyền thoại Trung Địa của Tolkien. Trông vào đây, tự nhiên mình lại sực nhớ ra một lợi ích khác từ việc Tolkien trở thành hàng chùa tại Việt Nam: ép các bên phải quay sang làm những tác phẩm Trung Địa khác.














Như anh em biết rồi đấy, nước mình hiện đang có thời hạn bảo hộ bản quyền là toàn bộ cuộc đời (các) tác giả cùng 50 năm sau khi tác giả (cuối cùng) mất. Và vì Tolkien mất năm 1973, thế nên nay đã là năm thứ 50 ông cụ mất rồi. Vậy tức là sang ngay đầu năm sau, các tác phẩm của Tolkien sẽ không còn được Việt Nam bảo hộ nữa, và điều này đồng nghĩa với các nhà xuất bản có thể mặc sức đem những truyện như Hobbit với Lord of the Rings đi dịch và xuất bản tòe loe, và chẳng ai có thể làm gì được họ cả.

Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với những truyện Tolkien một mình thực hiện thôi. Nếu có thêm tác giả nào khác nhúng tay vào thì câu chuyện lại đổi khác. Và The Silmarillion là một trường hợp lằng nhằng như thế.

Phòng trường hợp có anh em nào không biết, The Silmarillion vốn chỉ là một tập hợp các bản thảo cũng như ghi chú của Tolkien, với nhiều đoạn hổng lỗ chỗ và thậm chí còn đá ngược vào nhau hay mâu thuẫn với Hobbit và Lord of the Rings. Sau khi Tolkien mất, con ông cụ là Christopher Tolkien đã phải rất dày công biên tập lại nó. Việc biên tập của Christopher không chỉ đơn thuần là xếp mọi thứ vào theo đúng trình tự thời gian, mà lắm khi ông anh còn phải trực tiếp viết hẳn ra nội dung mới để tạo thành một cái mạch tử tế. Nói cách khác, The Silmarillion sẽ không thể có cái hình dạng như ta biết ngày hôm nay nếu không có sự đóng góp đáng kể của Christopher Tolkien.

Tình cờ thì vừa mới đầu năm nay, nhà nước đã có cập nhật lại luật bản quyền. Trong số các thay đổi, có một đoạn họ nói rõ hơn về việc ai sẽ được coi là tác giả của một tác phẩm nhất định, với nội dung như sau: “[T]ác giả là người trực tiếp sáng tạo tác phẩm. Trường hợp có từ hai người trở lên cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm với chủ ý là sự đóng góp của họ được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh thì những người đó là các đồng tác giả. Người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo tác phẩm không phải là tác giả, đồng tác giả.”

Như anh em có thể thấy, Christopher Tolkien có thể được coi là khớp với định nghĩa của luật nước ta về đồng tác giả. The Silmarillion có mấy phần là do ông trực tiếp sáng tạo mới, chứ không chỉ đơn thuần góp ý, cung cấp tư liệu, hay biên tập lại lời lẽ của bố mình. Trên thực tế, nếu có ai là người cung cấp tư liệu ở đây, đó có khi lại chính là J. R. R. Tolkien, bởi vì Christopher đã dựa vào các bản thảo ông cụ để lại để sáng tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh. Rút khoản đóng góp của ông ra thì tác phẩm sẽ sụp đổ hoàn toàn, chứ không chỉ đơn thuần là trở nên bớt hay hơn.

Nếu quả thực Christopher có thể được coi là đồng tác giả, thời hạn bảo hộ bản quyền The Silmarillion sẽ phải tính theo cả năm mất của ông nữa. Vì ông cụ mới mất có 3 năm trước thôi, thế nên The Silmarillion vẫn còn được bảo hộ, và thiên hạ không thể điềm nhiên dùng chùa được. Chính vì thế, nó có tiềm năng trở thành một bàn đạp rất tốt để các bên tận dụng nhằm câu kéo độc giả tìm đến với mình trong bối cảnh Trung Địa dần rơi vào miền công chúng.

Nếu có bên nào mua bản quyền The Silmarillion, họ sẽ có thể đồng bộ hóa nó với ấn bản Lord of the Rings và Hobbit của mình. Điều này sẽ khiến cho họ có một bộ sưu tập Trung Địa đầy đủ hơn các bên khác, và ai muốn sưu tầm thì sẽ có xu hướng chọn bên đấy hơn. Thêm vào đó, ngay cả người đọc bình thường, chỉ muốn đọc thử Lord of the Rings hay Hobbit xem thế nào trước khi nhảy hẳn vào The Silmarillion, họ cũng sẽ phải cân nhắc đến việc nên mua cái bộ của chính nhà đấy để về sau nếu có mua thêm The Silmarillion thì sẽ đỡ bị lẻ bộ.

Nhưng mà tất nhiên, cái này cũng tùy thuộc vào việc liệu luật sư nhà Tolkien có cãi được rằng Christopher trên lý thuyết là đồng tác giả của The Silmarillion không đã, đặc biệt khi ấn bản The Silmarillion nào cũng đều chỉ để tên Christopher là biên tập viên. Nếu họ không thuyết phục được tòa án nước ta về điểm này thì có lẽ sắp tới, các bên sẽ chỉ còn nước tạo khác biệt cho các bộ sưu tập Trung Địa của mình bằng cách độ bìa độ giấy với đính kèm gỉ mũi Tolkien hay gì đó vào truyện thôi 🐧.

Mặc dù tất nhiên, nếu có đủ tiền là kiểu gì cũng sẽ thuê được những luật sự giỏi đến mức chỉ mèo nói chó mà tòa cũng phải công nhận, và nhà Tolkien thì ngoài tiền ra họ có còn có gì nữa đâu 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.