Chuyển đến nội dung chính

Tam Thể và Klara and the Sun - một minh chứng về độ rộng của Sci Fi

 Nhân thể tối qua có nhắc đến Tam Thể, mình tự nhiên lại nhớ đến một cái thớt Reddit từng vô tình đọc được hồi tuần trước tại r/printsf, một forum chuyên về truyện Sci Fi.

Cụ thể thì cái thớt đó được đăng bởi một thanh niên đã đọc Bears Discover Fire. Đây là một truyện ngắn hồi năm 90 của Terry Bisson, xoay quanh một đám gấu phát hiện ra cách tạo lửa (bất ngờ chưa 🐧 ), và được đánh giá rất cao bởi cả các độc giả thường lẫn giới phê bình. Tuy nhiên, thanh niên chủ thớt đã thử đọc đi đọc lại cái truyện đấy mấy lần rồi mà vẫn không thể nào thấm nổi nó. Từ đó, ông anh đã nổi hứng đăng đàn hỏi cộng đồng r/printsf xem có quyển Sci Fi nào thiên hạ ai nấy đều thích mê, nhưng cá nhân bọn họ thì thấy không ngửi nổi không.

Cái thớt đó đã nhận được khá nhiều câu trả lời thú vị, với hàng loạt tác phẩm Sci Fi thuộc đủ mọi nhánh bị đưa lên thớt, và lý do chúng bị ghét cũng đa dạng không kém. Trong số các câu trả lời ấy, có hai câu mà mình thấy đáng chú ý nhất, ấy là một câu nêu ra Tam Thể của Lưu Từ Hân, và một câu nêu ra Klara and the Sun của Kazuo Ishiguro. Anh em có thể tham khảo câu trả lời đầy đủ kèm một số bình luận bổ sung trong hình bên dưới.



Điều thu hút mình ở 2 câu trả lời này không phải là chuyện chê thế là đúng hay sai, bởi vì đã là cảm nhận cá nhân thì còn đúng sai thế nào được (mặc dù cũng phải công nhận là hơi khó cãi cái lập luận hai đồng chí chê Tam Thể đưa ra thật 🐧 ). Thứ làm mình chú ý đến chúng nó là cái sự đối nghịch gần như hoàn toàn của hai tác phẩm được nhắc đến. Tam Thể là một (bộ) tác phẩm khô như ngói, chất lượng văn chương cùi bắp, nhồi nhét khoa học nặng nề, ý tưởng thì cao siêu và được khai thác rất kỹ. Klara and the Sun thì tính văn chương được đẩy lên rất cao, khoa học gọi là có tí làm màu, ý tưởng không được đầu tư đào sâu hẳn xuống. Đặt hai thằng này cạnh nhau, sẽ không ai nghĩ chúng nó lại có thể dính dáng gì đến nhau cả. Bọn nó có những hướng khai thác rất khác nhau, bàn về những đề tài không giống nhau, và hướng đến hai đối tượng độc giả trọng tâm khác nhau một trời một vực.

Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận được một điều rằng cả hai thằng đấy đều đã được tác giả dựa hơi khoa học mà chém thành. Thằng Tam Thể thì không nói làm gì rồi, nhưng ngay cả thằng Klara and the Sun cũng cần đến phần khoa học. Rút nó ra ngoài một phát là tác phẩm sẽ sụp đổ ngay. Chính bởi thế, cả hai thằng này đều nằm gọn bên trong một cái ô chung, đấy là Sci Fi. Đây là một minh chứng cho thấy Sci Fi là một cái dòng cực rộng, với hàng loạt loại hình tác phẩm đa dạng, phù hợp với thị hiếu của đủ kiểu người. Ai cần những thứ khoa học phức tạp với ý tưởng vĩ mô đến mụ đầu, Sci Fi sẽ có thể đáp ứng; ai cần một thứ văn vẻ bay bổng giàu tính nhân văn với câu từ uyển chuyển mềm mại, Sci Fi cũng có luôn; đến cả những thứ nằm ở giữa hai thái cực đấy, pha trộn đồng đều giữa cả ý tưởng và chất văn, Sci Fi cũng không thiếu. 

Đáng tiếc là phần lớn người đọc phổ thông lại không hiểu được điều này. Người ta tiếp cận Sci Fi từ một mảng nhất định, chẳng hạn mấy quyển nặng khoa học hay nặng hành động với nặng phiêu lưu, xong chốt luôn là Sci Fi chỉ toàn là những tác phẩm như thế. Bởi vậy, ngay khi cảm thấy không hợp với một tác phẩm hay một cụm tác phẩm nào đấy, người ta lại cho luôn Sci Fi vào sổ đen, nghĩ rằng toàn bộ cái dòng này không hợp với mình, trong khi thực tế thứ không hợp chỉ là một mảng nhất định trong Sci Fi. Nếu chịu đào sâu thêm một chút, tìm đến với những cuốn Sci Fi thuộc các mảng khác, hẳn sẽ khó có ai phải thất vọng rời hẳn khỏi cái dòng này lắm.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.