Chuyển đến nội dung chính

CPTPP và sự nguy hiểm tiềm tàng của nó đối với miền công chúng Việt Nam

 Như anh em đã biết đấy, hồi chiều mình có làm một bài về chuyện miền công chúng của Canada trong vòng 20 năm tới sẽ “đóng băng,” tất cả vì chính phủ của họ đã ký một hiệp định thương mại với Mỹ, trong đó có lồng điều khoản bắt phải nâng hạn bản quyền từ 50 năm lên thành 70 năm sau khi tác giả mất.

Bên cạnh điểm lý thú là nó khiến dân Canada hụt ăn các tác phẩm của J. R. R. Tolkien, một cây đại thụ trong làng SFF, cái vụ việc của Canada còn rất đáng chú ý ở một điểm khác nữa, ấy là nhiều khả năng nó cũng sẽ là điều sẽ xảy đến với chúng ta trong một tương lai không xa. Nguyên nhân là bởi chúng ta cũng có một thứ có thể phong tỏa miền công cộng trong một thời gian rất dài. Tên của nó là CPTPP.

Để hiểu về CPTPP, trước tiên cần bàn qua một thằng tiền thân của nó, đấy là TPP cái đã.

Số là hồi năm 2005, một nhóm 4 nước ở Thái Bình Dương là Brunei, Chile, Singapore, và New Zealand có bắt tay nhau ký kết một hiệp định thương mại là TPSEP (viết tắt của “Trans-Pacific Strategic Economic Partnership,” tức “Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương”) để bán buôn thuận lợi hơn, tạo thành một tiểu khối kinh tế gọi là Pacific 4. Cái khối Pacific 4 đấy về sau muốn mở rộng hơn nữa cái hiệp định của mình ra, và đã chèo kéo Mỹ cùng tham gia. Đến năm 2008, Mỹ chính thức đồng ý thương lượng với Pacific 4, và theo sau họ là một loạt các nước khác cũng muốn nhảy vào tham gia cái hiệp định đấy nốt, trong đó có Việt Nam. Trong quá trình thương lượng, TPSEP dần có một số thay đổi, và nó đã tiến hóa thành TPP (viết tắt của “Trans-Pacific Partnership,” tức “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương”), với Mỹ trở thành một trụ cột chính.

TPP là một thỏa thuận bao phủ khá nhiều mặt, bao gồm cắt giảm các rào cản thuế xuất nhập khẩu, lập ra một cái chuẩn chung đối với các quy định về xuất xứ, bảo hộ hàng nội địa, chính sách bảo vệ môi trường và người lao động,… Trong số này, cái chúng ta cần chú ý nhất đến là điều khoản 18 của hiệp định, tức phần liên quan đến sở hữu trí tuệ. Điều khoản đó yêu cầu tất cả các nước thành viên tối thiểu phải nâng thời hạn bảo hộ bản quyền lên thành 70 năm sau khi tác giả mất, và cái hạn bảo hộ mới đấy phải được áp dụng trong vòng 5 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Anh em nghe quen không?


Đến năm 2016, thằng TPP này đã được phái đoàn tất cả các nước thành viên ký sẽ tham gia. Tuy nhiên, mỗi phái đoàn vẫn phải trình cái hiệp định này lên chính phủ nước mình để phê chuẩn nó đã, xong rồi thì nó mới có hiệu lực được.

Và đây là lúc trục trặc xảy ra.

Cuối năm 2016, Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, và đã lập tức khẳng định rằng mình sẽ rút khỏi cái hiệp định này vì không thấy nó có lợi lộc gì đủ lớn cho Mỹ cả. Và đúng như đã nói, sau khi lên nhậm chức được 3 hôm Trump đã ký lệnh rút khỏi TPP, khiến cái hiệp định đấy trở nên lung lay hẳn. Shinzo Abe, thủ tướng Nhật Bản đương thời, thậm chí còn đã nói toẹt ra luôn rằng mất đi Mỹ thì TPP chẳng khác nào mớ giấy lộn. Và thế là suốt 1 năm trời, tương lai của TPP có phần khá vô định.


Nhưng rồi sang đến 2018, các nước thành viên cũ của TPP cuối cùng cũng cho ra được một phiên bản cập nhật cho cái hiệp định này, và nó mang một cái tên mới là CPTPP (viết tắt của “Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership,” tức “Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương”). CPTPP về cơ bản giống với TPP, nhưng cho phép tạm hoãn thực thi 20 điều khoản của TPP gốc, vốn được đưa vào vì bị Mỹ nài, nhưng nay mất Mỹ rồi thì không còn quá quan trọng nữa. Trong số các điều khoản đấy, ta có chính cái thằng điều khoản 18 kia.


CPTPP đã được đủ các quốc gia thành viên phê chuẩn, và vào 30/12/2018 thì chính thức có hiệu lực. Nếu đây mà là cái TPP cũ, Việt Nam ta sẽ có 5 năm để chuẩn bị nâng mức thời hạn bảo hộ bản quyền lên thành 70 năm sau khi tác giả mất. Thế tức là cùng lắm đến năm 2024, chúng ta sẽ phải ngồi vêu mỏ suốt 2 thập kỷ ròng, không được thấy thêm tác phẩm nào trở thành tài sản công chúng cả. Nói cách khác, ta sẽ chỉ xoay xở hớt thêm được Tolkien cùng dăm ba vị khác, xong cũng trở nên giống như Canada luôn.

Nhưng thật cảm ơn trời phật, đây là CPTPP, thế nên ta chưa phải làm cái việc kia vội.

Vì chỉ tìm hiểu qua loa về CPTPP, thế nên mình không thể khẳng định được là cái chữ “chưa” kia sẽ kéo dài bao lâu. Có khả năng nó sẽ cứ tồn đọng ở đấy mãi, và Việt Nam về cơ bản luôn trong tình trạng sắp tiến lên c̵h̵ủ̵ ̵n̵g̵h̵ĩ̵a̵ ̵x̵ã̵ ̵h̵ộ̵i̵ bảo hộ +70 năm đến nơi rồi, nhưng thực ra chẳng bao giờ chuyện đó xảy ra cả. Nhưng cũng có khả năng một ngày đẹp trời nào đó, ta sẽ không còn được phép trì hoãn nữa, và một cái deadline sẽ được đưa ra. Có khi cái deadline đấy đã có sẵn rồi, và hoang miền công chúng của ta đang lầm lũi tiến đến nước trở thành hoang vu như Canada, nhưng không ai biết cả (hoặc ít nhất là mình không biết đến cái thông tin đấy).

Nói tóm lại là số phận của miền công chúng Việt Nam hiện cũng đang lửng lơ lắm. Hiện thời thì vẫn thấy các bộ luật để 50 năm, nhưng chẳng ai biết lúc nào thì nó nhảy lên 70 đâu.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.