Hôm qua, mình có đề cập đến việc Tolkien sắp sửa được đúc tiền kỷ niệm 50 ngày mất. Bên cạnh việc sự kiện này phần nào cho thấy sức ảnh hưởng khổng lồ của ông cụ đối với văn hóa, nó cũng đồng thời báo hiệu luôn các tác phẩm của ông cụ chỉ còn nhõn một năm trước khi không còn được một số nước bảo kê cho nữa, trong đấy có cả Việt Nam.
Khoản bản quyền của Tolkien thực ra là một đề tài khá thú vị, một phần bởi cái lịch sử của nó, một phần vì một số yếu tố không thực sự chỉ liên quan đến tác quyền thuần túy. Chính thế nên hôm nay, mình cũng định làm một bài gì đó bàn về đề tài ấy. Tuy nhiên, vì từng làm khá nhiều bài về tình trạng bản quyền của Tolkien trong group rồi (với tiêu biểu là bài này: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/09/nhung-cai-bay-ve-thuong-hieu-trong-gioi.html), mình rốt cuộc lại thôi, và quay sang chém về cái con review Xenos.
Cơ mà tình cờ làm sao, vừa mới ban nãy, mình lại vớ được một bài ở một group khác, xoay quanh tình trạng bản quyền của một hình tượng văn hóa Anh rất nổi tiếng khác, và cũng có (hoặc như tính đến nay là từng có) một sự nhùng nhằng về pháp lý, ấy là Sherlock Holmes. Anh em có thể ngó qua nó ở bên dưới.
Thú vị là điểm đáng chú ý nhất của bài viết này thực chất lại không nằm ở bản thân bài viết, mà là bên dưới phần comment của nó. Ở đấy, có nhiều bạn đã bày tỏ sự ngạc nhiên đối với việc Sherlock đến tận ngày hôm nay mới chính thức trở thành “hàng chùa,” trong khi người người nhà nhà đều đã cho xuất bản tùm lum tà la về thanh niên này rồi. Tất cả những comment ấy đại diện cho một quan điểm khá phổ biến mà phần lớn độc giả phổ thông, hay thậm chí giới xuất bản, vẫn tin vào: có một luật bản quyền phổ quát mà tất cả các nước (hoặc chí ít cũng là các nước đã ký công ước Berne) đều tuân theo.
Xét trên một khía cạnh nhất định, nghĩ vậy kể cũng không hẳn là sai, bởi vì công ước Berne có quy định một thời hạn bảo hộ tối thiểu. Tất cả các nước đã ký kết nó đều phải đảm bảo rằng bản quyền của một tác phẩm văn học, bất kể xuất bản ở trong hay ngoài nước, đều phải được bảo hộ trong suốt cuộc đời tác giả, sau đó tiếp tục bảo hộ thêm 50 năm kể từ ngày tác giả mất.
Nhưng từ khóa quan trọng ở đây là “tối thiểu.”
Công ước Berne cho phép các nước thành viên tự đặt ra luật kéo dài thời hạn này, hoặc chấp nhận để một số ngoại lệ xảy ra nếu có những cái luật bản quyền mâu thuẫn tồn tại từ trước khi nước nào đó ký kết công ước. Và điều này dẫn ta đến với việc có nước thì thời hạn chỉ là +50 năm (chẳng hạn như Trung Quốc, Việt Nam, Thái, New Zealand,…); có nước thì +70 năm (Ý, Anh, Nhật, Hàn, Pháp…); có thằng thì chạy loạn cả lên, phân ra ranh giới tác giả chết trước mốc nào thì sẽ được bảo hộ một kiểu, còn sau mốc nào thì bảo hộ một kiểu khác (ở Canada thì sẽ là +50 năm đối với các tác giả chết trước 1972, sau đó thì +70; Úc cũng tương tự, với mốc phân chia là 1955; Thụy Sĩ thì dùng mốc 1942;…); có thằng thì chạy cực kỳ lằng nhằng, chia nhỏ ra tận 4, 5 khúc, mỗi cái áp dụng một kiểu, khiến cho có ông tác giả còn sống sờ sờ mà vẫn có truyện không được bảo hộ nữa, trong khi có ông chết từ đời Tống mà con cháu vẫn rung đùi hưởng bảo hộ (Mỹ là ví dụ tiêu biểu).
Anh em lưu ý rằng việc tác phẩm gốc ra đời ở nước nào hầu như không có ý nghĩa đối với thời hạn bảo hộ bản quyền của nó. Trong công ước chỉ có một trường hợp ngoại lệ duy nhất là “rule of the shorter term” (tạm dịch: “luật thời hạn ngắn hơn”), cho phép các nước được áp dụng thời hạn bảo hộ bản quyền của nước gốc nếu nó ngắn hơn thời hạn của luật nước mình. Vấn đề là đây không phải là quy lệ mặc định áp dụng cho mọi nước đã ký công ước. Nếu muốn áp dụng luật thời hạn ngắn hơn, nước sở tại phải thủ công ra luật, bảo rằng mình công nhận nó mới được.
Để làm rõ hơn cơ chế hoạt động của thời hạn bản quyền, anh em cứ nhìn vào ví dụ như sau nhé.
Nếu một tác giả Việt Nam, cả đời chỉ xuất bản truyện ở Việt Nam, sau đó chết vào năm 1960 thì ngày nay, luật Việt Nam sẽ không bảo hộ bản quyền cho các truyện của ông ấy nữa. Các nhà xuất bản trong nước có thể mặc sức đem truyện ông này đi xuất bản hoặc làm chuyển thể phái sinh đủ kiểu, mà không ai dị nghị gì được (trừ trường hợp có đăng ký nhãn hiệu thương mại, nhưng cái này là một phạm trù riêng rồi).
Tuy nhiên, vì chết năm 60 đồng nghĩa với mới mất có 63 năm, một nhà xuất bản Nhật muốn xuất bản truyện ông kia sẽ vẫn phải trả phí bản quyền cho gia đình ông ấy như thường, vì thời hạn bản quyền của Nhật là +70, và nó không bị ảnh hưởng bởi cái luật +50 của Việt Nam.
Nhưng vì theo như tìm hiểu, trong bộ luật sở hữu trí tuệ của Nhật có quy định sẽ chấp nhận luật thời hạn ngắn hơn, thế nên nhà xuất bản Nhật sẽ có thể áp dụng thời hạn bảo hộ của nước xuất xứ cho các tác phẩm nước ngoài. Điều ấy đồng nghĩa với họ sẽ có thể xuất bản truyện ông Việt Nam kia mà không cần trả phí bản quyền, bởi lẽ ở nước xuất xứ của các tác phẩm ông này là Việt Nam, mà Việt Nam thì không bảo hộ gì nữa rồi.
Ở chiều ngược lại, ta cũng có thứ tương tự: nếu một tác giả Nhật mất năm 1960 thì các nhà xuất bản Nhật vẫn phải trả phí bản quyền để xuất bản truyện ông này, nhưng các nhà xuất bản Việt Nam thì sẽ không bị giới hạn như thế. Vì ông này đã chết 63 năm, vượt quá thời hạn +50 theo luật Việt Nam rồi, bên ta có thể thoải mái vác truyện ông này về dịch và xuất bản mà không một tòa án nào, dù là trong nước, ở Nhật, hay bất cứ nơi nào khác cấm cản được gì cả.
Chính vì điều này mà có rất nhiều tác phẩm các nước khác được làm thoải mái, nhưng ở một số nước nhất định, nó vẫn chưa được “tự do.” Sherlock Holmes rơi vào đúng cái khoản này. Vì Arthur Conan Doyle chết năm 1930 (93 năm trước), thế nên mọi truyện của thanh niên này đều đã trở thành tài sản công chúng (tức “hàng chùa”) ở hầu như mọi nước trên thế giới, trong đó bao gồm Việt Nam (thời hạn +50) và cả đất nước xuất xứ của đồng chí đấy, tức Anh (+70). Chẳng ai có thể kêu ca được gì khi nhà xuất bản ở các nước này đem truyện ông anh đi xuất bản.
Tuy nhiên, ở Mỹ thì câu chuyện lại khác.
Thanh niên này gia nhập Berne khá muộn (1989 mới ký công ước), thế nên nó có một số đạo luật khá quái thai còn tồn đọng lại, trong đấy có luật cho phép một số tác phẩm xuất bản trong giai đoạn 1928 - 1963 được bảo hộ bản quyền trong vòng 95 năm kể từ ngày chúng nó lần đầu ra mắt công chúng. Một số mẩu truyện Sherlock Holmes tình cờ lại ra mắt đúng trong cái khoảng này, và vì Mỹ không công nhận cái luật thời hạn ngắn hơn đã nói ở trên, nó không thể áp dụng cái luật +70 của Anh để cho mấy mẩu truyện đó “sổ lồng” được.
Điều này đồng nghĩa với việc ở Mỹ, thiên hạ chỉ có thể xuất bản chùa được một phần các truyện Sherlock Holmes thôi, còn tầm chục truyện gì đó thì phải trả tiền bản quyền. Thậm chí, con cháu nhà Doyle còn đã vin vào mấy cái truyện chưa hết hạn bản quyền kia để kiện bất kỳ ai phát hành tác phẩm phái sinh về Sherlock ở Mỹ nếu tác phẩm khắc họa bất cứ nhân vật nào trong thế giới của Sherlock với những đặc tính chỉ có ở mấy cái truyện kia (giả dụ: việc Sherlock yêu chó và có tính cách thân thiện hơn, Watson có vợ 2,…). Nổi trội nhất là việc họ kiện bên làm Enola Holmes (cả sách lẫn phim) và Mr. Holmes (bản phim) bởi vì đã thể hiện Sherlock theo một cách có nhân tính cao. Anh em nào quan tâm có thể tham khảo thêm ở đây: https://www.chicagobusinesslitigationlawyerblog.com/when-sherlock-holmes-is-not-in-the-public-domain/.
Lẽ đương nhiên, Sherlock Holmes không phải là trường hợp duy nhất dính đến những nhùng nhằng như thế. SFF của chúng ta cũng nhan nhản những ca nhiễu nhương bản quyền. Tiêu biểu nhất phải kể đến là Philip K. Dick. Ông này chết 41 năm trước (1982), thế nên vẫn còn được hầu hết các nước bảo hộ bản quyền cho mọi tác phẩm. Nhưng riêng ở Mỹ, một lô một lốc tác phẩm của ông anh lại thuộc về công chúng mất rồi, bởi vì Mỹ từng có quy định bắt tác giả phải thủ công đăng ký gia hạn bản quyền, trong khi ông này lười không làm (mình từng làm một bài riêng về thanh niên này rồi, anh em tham khảo ở đây nhé: https://scifivietnam.blogspot.com/2020/02/su-rac-roi-trong-ban-quyen-cac-tac-pham.html).
Tiếp theo thì có J. R. R. Tolkien, với việc hồi ông cụ còn sống nhăn mà vẫn không được bảo hộ bản quyền Lord of the Rings ở Mỹ. Rốt cuộc, đã có nhà xuất bản Mỹ điềm nhiên in truyện ông anh đi phát hành, và Tolkien cay lắm nhưng chẳng kiện tụng gì được cả. Dẫu thế, ông cụ vẫn xoay xở dùng được một mánh không liên quan đến pháp lý, và rốt cuộc vẫn ăn được thị trường này (link về Tolkien ở đầu bài này cũng đề cập đến nó rồi).
Kế đến thì có A. A. Milne, tác giả của gấu Pooh, cũng thuộc kiểu giống Doyle ở chỗ free bản quyền ở gần như mọi nơi rồi, nhưng riêng ở Mỹ thì chỉ vừa năm ngoái mới mãn hạn “tù.” Nhưng mà khác với Sherlock của Doyle, con Pooh của A. A. Milne đã bị một bên tròng cái nhãn hiệu thương mại lên đầu (hay đúng hơn là lên đầu một phiên bản rất cụ thể của nó), thế nên con Pooh đấy vẫn lấp lửng nửa trong nửa ngoài miền công chúng (anh em đọc cụ thể hơn ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/08/gau-pooh-disney-va-mot-quyet-inh-lieu.html).
Và một trường hợp không hẳn của riêng tác giả hay thậm chí SFF gì nhưng cũng đáng nhắc đến, đó là vụ việc của Gutenberg Canada. Đây là một kho lưu trữ điện tử, chứa các tác phẩm văn học đã rơi vào miền công chúng của Canada, do một tiến sĩ kinh tế (hình như vậy) tên Mark Akrigg thành lập và điều hành. Vì trước năm 2023, Canada có thời hạn bảo hộ bản quyền bằng Việt Nam (+50 năm), thế nên Gutenberg Canada chứa rất nhiều sách truyện không thể tìm được trên các trang thư viện miễn phí hợp pháp của Mỹ và Châu Âu. Đối với con dân SFF chúng ta, các tác phẩm tiêu biểu có thể được đọc trên này bao gồm truyện của Aldous Huxley (tác giả của Brave New World), Sinclair Lewis (tác giả của It Can't Happen Here), George Orwell (tác giả của 1984), và Fredric Brown (tác giả của Knock).
Tuy nhiên, từ khoảng năm 2018 trở lại đây, phía Mỹ có tìm cách tuyết phục Canada ký một hiệp ước thương mại mới gọi là USMCA. Trong số các điều khoản của USMCA, có một đoạn yêu cầu Canada gia tăng thời hạn bảo hộ bản quyền lên thành +70 năm. Akrigg phản đối cực kỳ mạnh mẽ cái hiệp ước này, và đã viết thư gửi đủ quan chức Canada để khuyến nghị họ nên cân nhắc lại, vì làm thế sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tiếp cận văn hóa của người Canada. Mọi người có thể tham khảo một bức thư ông gửi tại đây: https://ised-isde.canada.ca/site/strategic-policy-sector/en/marketplace-framework-policy/copyright-policy/submissions-consultation-modern-copyright-framework-online-intermediaries/mark-akrigg-00413.
Nhưng rốt cuộc, nỗ lực của Akrigg chỉ vô ích. Kể từ 30/12/2022, Canada chính thức tăng thời hạn bản quyền lên thành +70 năm. Anh em tham khảo công bố của chính phủ Canada ở đây: https://ised-isde.canada.ca/site/canadian-intellectual-property-office/en/what-intellectual-property/what-copyright.
Điều này không ảnh hưởng đến các tác giả có tác phẩm đã rơi vào miền công chúng trước thời hạn đấy (tức là những ông chết từ năm 1971 về trước vẫn thuộc miền công chúng), thế nên những tác phẩm có trong cơ sở dữ liệu của Gutenberg Canada không bị buộc phải gỡ xuống, và anh em vẫn có thể vào đọc chúng nó như thường. Tuy nhiên, Gutenberg Canada không thể đăng truyện của các tác giả chết từ năm 1972 đổ lên nữa, và đây vẫn là một đòn đánh rất mạnh đối với trang này. Chính vì thế, nếu lên trang Gutenberg Canada (link đây: http://gutenberg.ca/index.html), anh em sẽ thấy chình ình ngay đầu trang là một thông điệp to tướng, chửi cả chính phủ Canada nói chung và Trudeau nói riêng, đồng thời cũng chửi kèm cả Mỹ nữa vì đã làm cái trò này.
Kể cũng mỉa mai là đây lại là một trong những trang web hiếm hoi nơi ta có thể đọc It Can't Happen Here, một tác phẩm đá đểu cách dân tình không ai nghĩ một hiểm họa chính trị rất hiện nhiên lại có thể xảy ra ở nước mình 🐧.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓