Chuyển đến nội dung chính

Do Androids Dream of Electric Sheep? - một cẩm nang đối phó với AI tiềm tàng cho giới họa sĩ

Cái bài về kính AR tích hợp AI bạn Minh đăng hôm qua làm mình nhớ đến một cái clip hồi trước từng bắt được của Steven Zapata, một họa sĩ vẽ tranh minh họa ý tưởng ở New York. Từ trước đến nay, Zapata vốn không mấy thiện cảm với AI cũng như cái tương lai tiềm tàng mà nó đại diện, và trong cái clip đấy, ông anh đã liệt kê ra tất cả những vấn đề cũng như các điểm bất cập của các thuật toán AI nổi trội hiện nay. Anh em nào quan tâm có thể xem bên dưới. 


Mặc dù clip cũng có khá nhiều điểm thú vị, điều để lại ấn tượng mạnh nhất cho mình lại không phải là bản thân cái clip đấy. Thứ đáng chú ý là một lời bình được đăng dưới nó, với nội dung thế này:

AI art will make “real” art more valuable. Like the Blade Runner scene where he asked the snake lady if the Boa was real, to which she said “no way, real ones are too expensive”

Tạm dịch:

Tranh AI sẽ làm cho tranh “thực” trở nên có giá trị hơn. Giống như trong cái phân cảnh của Blade Runner ấy, đoạn ông kia hỏi cô vũ nữ rắn rằng có phải cái con trăn đó là thú thật không, và cô ta bảo "không đời nào, rắn thật đắt lắm"

Nếu có anh em nào thấy tò mò, cái phân đoạn mà đồng chí đấy nhắc đến là đây nhé (tua đến 1:58):


Cái lời bình đấy khiến mình sực nhận ra rằng trong thời đại tranh ảnh AI ngày một tràn lan khắp nơi như thế này, Do Androids Dream of Electric Sheep? của Philip K. Dick (bản tiểu thuyết gốc của Blade Runner) sẽ là một cuốn sách rất nên đọc đối với cánh họa sĩ.

Phòng trường hợp có anh em nào chưa biết, Do Androids Dream of Electric Sheep? lấy bối cảnh là một tương lai hết sức tăm tối. Lúc bấy giờ, Trái Đất vừa phải trải qua một cuộc chiến tranh toàn cầu tàn khốc, khiến bầu khí quyển bị ô nhiễm phóng xạ rất nặng, gây ảnh hưởng trầm trọng đến hệ sinh thái, làm cho thú vật khắp nơi chết la liệt. Chính bởi vậy, việc sở hữu và chăm sóc thú vật dần trở thành một chuẩn mực mới trong xã hội. Ai cũng phải nuôi một con vật nào đấy, bằng không thì sẽ bị hàng xóm láng giềng với bè bạn chẳng coi ra gì cả.

Khốn nạn là vì động vật khi ấy đã chết gần hết sạch cả, lũ thú không phải món đồ rẻ tiền. Trong thế giới của Do Androids Dream of Electric Sheep?, chúng nó gần như một dạng xe hơi vậy: không đến nỗi chỉ tỷ phú mới chơi được, nhưng muốn mua thì cũng phải thuộc diện khá giả trở lên. Nhưng may cho những người với thu nhập từ tầm trung trở xuống, công nghệ chế tạo rôbốt của loài người nay đã đạt được những bước tiến vượt bậc, và đã có thể tạo ra những con thú máy, sở hữu ngoại hình cũng như cách hành xử giống y như đúc thú thật. Bên cạnh đó, lũ thú giả còn không thể bị đau ốm hay có tuổi đời hữu hạn như thú thật, thế nên chúng nó là một lựa chọn hết sức kinh tế, rất hoàn hảo cho những người thiếu tiền nhưng không muốn bị bẽ mặt với thiên hạ.

Nhưng tất nhiên, dẫu không cách nào phân biệt được với bọn thú thật, và thậm chí còn có thể nói là còn ưu việc hơn thú thật về một số mặt, bọn thú giả vẫn không thể bì được với thú thật, ít nhất là trong mắt con người. Lý do một phần vì thú thật là hàng hiếm, khó tìm thấy hơn lên trời, trong khi thú giả thì nhiều nhan nhản, và nếu muốn thì chỉ cần tếch qua một cửa hàng gần đó là có ngay; mặc khác, ta còn có một sự thật rất hiển nhiên thế này: thú thật là thật, còn thú giả là giả. “Thật” mặc nhiên sẽ hơn “giả,” bất kể giả có như thật hay thậm chí hơn thật đến thế nào đi chăng nữa. Do đó, xã hội của Do Androids Dream of Electric Sheep? vẫn cứ tôn những người sở hữu thú thật lên trên những người sở hữu thú giả, và người sở hữu thú giả luôn bị một áp lực cộng đồng ngầm khiến cho muốn tìm mua bằng được thú thật để tăng điểm trong mắt người khác.

Ngay cả trong trường hợp cái thật nhiều áp đảo cái giả, ta vẫn thấy thật mặc nhiên được đề cao. Điều này được thể hiện trong bản thân cộng đồng con người, bởi vì công nghệ giúp tạo ra thú cũng giúp loài người tạo ra một chủng tộc người máy không khác gì người thật để phục dịch mình. Tương tự với lũ thú, lằn ranh giữa con người thật và con người giả mỏng như dao cạo, và nếu không vì cái mác thật giả đó, chưa chắc ai đã hơn ai. Tỉ như Rick Deckard, nhân vật chính của truyện, được xây dựng như một kẻ lạnh lùng, vô cảm, và có thể nói là còn nhẫn tâm nữa. Nhưng ta thanh niên này lại mặc định phải hơn những con người nhân tạo hiền lành, chẳng làm hại gì ai ngoài cố sống đời mình và cống hiến có ích cho xã hội. Iran, bà vợ Deckard, là một con người phờ phạc, trầm uất, vô sức sống, nhưng bằng cách nào đó, bà này lại cũng mặc định phải hơn những con người nhân tạo vui tươi. Đến chính Deckard còn từng tự nhủ rằng phần lớn đám người máy gã từng gặp đều có nhiều sức sống và khao khát sống hơn vợ gã, và cảm thấy chán ghét bà vợ hơn cả một cô người máy. Nếu ngay cả nhân vật chính của tác phẩm mà còn ruồng bỏ người thật để hướng về người giả, liệu thật có thực sự hơn được gì giả nữa không?

Nhưng xã hội đã quyết định rồi: thật > giả. Thật sẽ luôn được đứng trên tất cả trong mắt thiên hạ. Những người có cái giả sẽ mặc nhiên đứng dưới người có cái thật một bậc, và tất cả mọi người sẽ đều phải tôn sùng và hướng đến cái thật, bất kể làm vậy có lợi lộc gì không.

Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường nghệ thuật chưa hẳn đã đến mức thật giả nhiễu nhương như trong Do Androids Dream of Electric Sheep?. Như mình đã nói rất nhiều lần trong hàng loạt các bài về cùng chủ đề này, lũ AI họa sĩ chỉ đủ sức làm được một việc, đó là tạo ra các sản phẩm “đủ tốt.” Trừ một số trường hợp rất hẹp, tranh do AI vẽ hoặc có thể được nhận ra ngay tức thì, hoặc chúng nó đơn thuần không thể nào đú nổi với chất lượng mà một họa sĩ chuyên nghiệp có thể làm được. Và nếu cộng đồng họa sĩ mà bằng cách nào đó dùng các đòn đánh pháp lý bắt đám AI không được “học” vẽ qua tranh của mình nữa, hay thậm chí loại bỏ hẳn những gì đã học được ra khỏi thuật toán, lũ AI sẽ càng khó có thể bì được với họa sĩ người.

Nhưng vấn đề là ngay cả nếu bọn AI bị cộng đồng họa sĩ đánh cho phù mỏ, và bắt buộc không được nhìn vào bức ảnh của các họa sĩ hiện đại nữa, chúng nó vẫn có nguyên một kho tàng khổng lồ các bức tranh thuộc miền công chúng để nhìn vào. Cứ mỗi năm trôi qua, cái miền công chúng này sẽ lại càng phình to thêm, bởi vì lại có thêm cả trăm ngàn bức ảnh và tác phẩm nghệ thuật không còn được bảo hộ bản quyền ở bất cứ đâu nữa, và lũ AI thỏa sức nhìn vào đó mà học. Nó sẽ phải lết với tốc độ rất rùa bò, nhưng sau tầm 20 năm, chưa hết một đời người họa sĩ, nó dễ chừng sẽ về lại chất lượng hiện thời, và từ đấy sẽ tiếp tục tiến. Đấy là còn chưa kể trong 20 năm đó, người ta hoàn toàn có thể cập nhất các thuật toán để chúng nó có khả năng suy diễn giỏi hơn dựa trên một cơ sở dữ liệu bé hơn, hoặc phối hợp với một số công ty/họa sĩ “Quisling” bổ sung các bức ảnh còn bản quyền vào cho con AI, hoặc tìm ra cách tích hợp các loại tác phẩm được xuất bản với giấy phép đủ thoáng như CC BY hay CC BY-SA mà không phạm luật,… Nói chung là việc AI bắt đầu vẽ đẹp được đến ngang ngửa con người sẽ là chuyện tất yếu, chỉ là nó tiến nhanh hay tiến chậm thôi.

Chính bởi thế, các họa sĩ nên học tập Do Androids Dream of Electric Sheep? và bắt đầu định hình một chuẩn mực đề cao cái thật cho xã hội. Nếu bảo rằng hãy tôn thờ cái thật chỉ vì nó là thật như kiểu hãy thờ người chứ đừng thờ người máy thì sẽ hơi khó thuyết phục thiên hạ, nhưng nếu lèo lái cái chất thật thành một thứ thương hiệu quý giá, thể hiện đẳng cấp xã hội, tương tự như thương hiệu của thú vật thật đối với dân San Francisco của năm 1992 trong tâm tưởng thanh niên Ka Đíck, thì chắc sẽ ngon ăn hơn. Lẽ đương nhiên, sẽ vẫn có những gã Deckard khố rách áo ôm, không móc đâu ra được tiền để chơi hàng thật và buộc phải tìm đến với các phiên bản mô phỏng (một lần nữa, như Bookism chẳng hạn <(") ), bất kể cánh họa sĩ có tái định vị thương hiệu ra sao, và các bức tranh mô phỏng đấy sẽ vẫn phục vụ được nhu cầu của họ không thua kém gì tranh thật. Nhưng trong mắt xã hội, những bức tranh AI đấy sẽ chẳng khác nào một con Xiaomi: dùng cũng ok thôi, nhưng nó chắc chắn không mang lại sự “oai” như iPhone rồi.

Và như sự bán chạy của iPhone đã chứng minh, rất nhiều người sẵn sàng xì ra tiền tấn để thể hiện đẳng cấp. Thế nên nếu cứ định vị tranh do người vẽ dưới dạng một tấm giấy chứng nhận đẳng cấp, cánh họa sĩ sẽ không lo chết đói đâu.

Hy vọng thế <(").

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.