Chuyển đến nội dung chính

Gormenghast - một tác phẩm "phản Tolkien" đúng nghĩa

 Cái series Gormenghast mà mình review bữa trước kỳ thực đã được mình đọc xong từ rất lâu rồi, đâu tầm giữa năm ngoái kia. Nhưng mà từ đó đến giờ bận với lười quá (chủ yếu là lười 🐧 ), thành ra mãi không viết review gì cả. Có điều tầm cách đây mấy hôm, mình đã vô tình có lại động lực để lôi series kia ra bàn. Động lực đó đến từ một cái comment reddit như bên dưới.


Gốc thì cái comment này nằm trong một thớt meme về J. K. Wokeling, với trọng tâm là ca ngợi cái series Harry Potter của bà chị. Tuy nhiên, thứ thu hút sự chú ý của mình lại không phải là cái ý chính của comment, mà là cái câu trích được nêu ra để giúp minh họa cho cái luận điểm chính. Cụ thể, nó là một nhận xét Terry Pratchett từng viết về Tolkien hồi cuối thập niên 90, trong một bài luận có tiêu đề Magic Kingdoms (gốc đăng trên The Sunday Times, sau này được tổng hợp trong một cuốn tuyển tập với tựa A Slip of the Keyboard). Nội dung của nó là thế này:

“J. R. R. Tolkien đã trở thành cả một ngọn núi, xuất hiện trong mọi tác phẩm Fantasy hậu bối tương tự cách núi Phú Sĩ thường xuyên xuất hiện trong tranh ảnh Nhật Bản vậy. Đôi khi, ngọn núi ấy lớn sừng sững và nằm ngay gần. Đôi khi, nó là một khối hình nhô lên nơi chân trời. Đôi khi, nó vắng bóng hoàn toàn, và vậy tức là người nghệ sĩ hoặc đã đưa ra một quyết định hết sức thú vị, đó là gạt bỏ ngọn núi đi một cách có chủ đích, hoặc kỳ thực người ta đang đứng ngay trên cái đỉnh núi đó.”

Trong trích đoạn trên, Pratchett đã chỉ ra một điều khá thú vị trong dòng Fantasy, đó là cái bóng của Tolkien trong dòng này lớn đến mức ta rất khó có thể tìm được một tác phẩm gọi là phản Tolkien đích thực.

Tất nhiên, không thiếu gì những tác giả cố tình xây dựng tác phẩm của mình sao cho thật khác Tolkien hết mức có thể thông qua việc làm ngược 180 độ với các mô típ trong truyện của ông cụ hoặc những tác phẩm ăn theo mô típ đấy đâu. Tuy nhiên, bản thân cái quyết định chống lại Tolkien đấy thực chất cũng là một dạng đú Tolkien. Giả dụ như A Song of Ice and Fire có nhan nhản những thứ trông rõ là được George R. R. Martin viết ra để Deconstruct hoặc Subvert (anh em nào không hiểu đó là gì thì có thể tham khảo ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/07/cai-bien-mo-tip-cach-f5-dong-van.html) mấy cái mô típ Epic Fantasy đã được Tolkien đại chúng hóa, hoặc như bản thân Pratchett cũng liên tục đem các mô típ đấy ra để pha trò trong series Discworld của mình vậy. Ấy nhưng cả Martin lẫn Pratchett đều dùng Tolkien làm bàn đạp, tức là họ thực chất cũng đều đang nương vào cái bóng ông cụ, mặc dù theo một kiểu đít lộn lên đầu.

Lẽ đương nhiên, anh em nào mà ở trong group lâu thì cũng biết thừa là Fantasy nó bao la hơn Epic Fantasy hay Medieval Fantasy nhiều lắm (anh em nào muốn biết Fantasy rộng đến đâu thì hãy thử ngó qua đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/06/sff-101-mot-so-dong-fantasy-can-ban.html), và nếu nhìn rộng ra, ta sẽ thấy vô vàn tác phẩm không chứa đựng bất cứ thứ gì gợi cho độc giả nhớ về Tolkien, dù theo bất cứ cách nào. Nhưng vấn đề là những tác phẩm này lại là kiểu “nước sông không phạm nước giếng,” tức là chúng nó quá tách biệt với Tolkien để có thể gọi là phản Tolkien. Tỉ dụ, The Picture of Dorian Gray của Oscar Wilde hoặc các truyện trong thần thoại Cthulhu của H. P. Lovecraft (ờ thì, thằng này lấn sân sang Sci Fi rất nhiều, nhưng hãy cứ tạm ngó lơ mấy thứ có mùi người ngoài hành tinh các kiểu và tập trung vào những truyện mang màu sắc ma mị trong bộ thần toại đấy thôi nhé) rõ ràng chẳng có tí mùi Tolkien nào trong đấy rồi, nhưng chúng nó chỉ đơn thuần là một thứ khác thôi chứ không phải là một dạng đối nghịch của Tolkien. Bảo truyện của Wilde với Lovecraft là phản Tolkien thì cũng ngứa tai như thể bảo √5 là số đối của -1 vậy.

Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa là trong toàn cõi Fantasy, ta không có thứ gì thực sự xứng đáng với danh hiệu tác phẩm phản Tolkien. Và trong số các ứng viên tiềm tàng cho vị trí này, thằng có cửa thắng cao nhất có lẽ sẽ là chính là series Gormenghast của Mervyn Peake.

Điều đầu tiên cần phải nói là Gormenghast hoàn toàn không ra đời dưới cái bóng của Tolkien. 2 cuốn đầu tiên trong series, bao gồm Titus Groan và Gormenghast, lần lượt ra đời vào năm 1946 và 1950. Lúc bấy giờ, Tolkien mới xuất bản có The Hobbit (1937). Mặc dù quyển truyện cũng tạo được tiếng vang tốt, nó chưa biến Tolkien thành một hiện tượng như ngày nay, và sức ảnh hưởng của nó lên Fantasy cũng rất nhỏ. Chỉ đến năm 1954 thì phần đầu tiên trong cuốn Lord of the Rings mới được xuất bản, và phải sau đấy thì Fantasy mới thực sự bị Tolkien khuynh đảo. Chính bởi thế, Peake chẳng hề nương tựa hay đú theo Tolkien gì hết.

Nhưng dù không nhìn về phía Tolkien, Peake lại vẫn vô tình tạo đi theo một con đường khá đối xứng với Tolkien. Tolkien vẽ ra một thế giới khác lạ hoàn toàn với thực tại của con người, chẳng dính dáng gì đến nó ngoài việc nó có bóng dáng châu Âu Trung Cổ trong đấy, phản ánh cái cội nguồn cảm hứng của Tolkien. Peake cũng xây lên nguyên một thế giới biệt lập, không chút chung chạ với thế giới của ta, mặc dù nhìn vào thì vẫn thấy âm hưởng Gothic Trung Cổ lai với tập tục Á Đông, bởi lẽ cảm hứng của Peake đến từ cái này. Đôi bên đều chăm chút cho thế giới bằng những miêu tả cực kỳ tỉ mẩn và chi tiết, đến mức lắm khi còn có thể gọi là thừa thãi, từ đó khơi dậy trong lòng độc giả cảm giác đây là những miền đất với sở hữu một bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời. Ngoài ra, cả hai đều “bơm” vào tác phẩm một chất lượng văn chương cao khủng khiếp, khiến cho không ai có thể nhìn vào chúng mà lại nói đây là những câu chuyện rẻ tiền hoặc tầm thường được cả.

Nhưng nếu đào sâu xuống chi tiết, ta sẽ thấy tác phẩm hai con người này nằm ở hai cái thái cực khác hẳn nhau. Sơ sơ, ta có mấy điểm như sau:

Tolkien gầy dựng thế giới theo một cái kiểu cực kỳ hiển nhiên, nhìn phát là biết đây là một thế giới Fantasy vì nó có tiên với hobbit với người lùn với thanh-niên-bố-ai-biết-là-cái-của-khỉ-gì tên Bombadil. Trong khi ấy, Peake thì bình thường hóa mọi thứ hết mức có thể, hầu như không tạo ra một cái gì hiển nhiên là siêu thực ngoại trừ một tình tiết vô cùng vặt vãnh, nhưng lại khiến người đọc mụ đầu đến mức kể cả có không nhìn vào mấy tiểu tiết chém thì cũng không khỏi ngờ ngợ mình đã bị kéo xệch sang một chiều không gian khác.

Tiếp theo, ta có Tolkien xây dựng câu chuyện theo một kiểu “hướng ngoại” khá mạnh. Ông cụ để nhân vật đi ra ngoài tham gia vào một cuộc phiêu lưu với cái đích rất rõ rệt trong một thế giới rộng lớn, và thường tìm cách khơi dậy sự trầm trồ ở độc giả qua những miêu tả cảnh trí kỳ vĩ, đầy tươi đẹp (ờm, tạm không tính mấy cảnh ở Mordor nhé 🐧 ). Peake thì chơi theo kiểu “hướng nội” mạnh đến mức Bocchi-chan mà trông thấy cũng phải vái lạy. Câu chuyện của ông bó hẹp trong một thế giới tù túng, u ám, và chật chội khôn tả, nơi mọi thứ đều như bóp nghẹt lấy độc giả. Ông cũng chẳng vẽ ra một cuộc phiêu lưu hay đề ra một cái đích cụ thể nào hết, mà chỉ đơn giản để các nhân vật tự loay hoay làm những việc rất vô định thôi.

Rồi thì ta có cách xây dựng nhân vật của họ nữa. Tolkien để dàn nhân vật của mình mang dáng dấp những hiện thân lý tưởng bước ra từ cổ tích với truyền thuyết, trắng đen tốt xấu khá rạch ròi. Ngay cả khi ta có những nhân vật phức tạp hoặc tốt xấu hơi nhập nhèm, họ vẫn nhìn chung dễ hiểu rõ đại khái bản chất thế nào. Peake thì để nhân vật của mình mang đủ mọi kiểu tốt xấu nhập nhà nhập nhèm hết lên, và họ không như bước ra từ cổ tích, mà như kiểu được bốc lấy từ một cái xó London trong tưởng tượng của Dicken vậy.

Bên cạnh đó, cái theme của hai người này cũng nghịch nhau chan chát. Tolkien thì có cái kiểu tôn trọng truyền thống và nhìn về quá khứ với con mắt trìu mến. Những thứ kiểu ngàn năm lịch sử với ông đều rất đáng trân trọng và thể hiện dưới dạng tích cực. Peake thì tô vẽ truyền thống và quá khứ thành một dạng thực thể quái thai, thừa thãi. Cứ cái gì có quá khứ lâu đời trong thế giới của Peake cũng đều trong trạng thái điêu tàn, lạc hậu hết, và khoản truyền thống thì được khắc họa như một dạng gông cùm cổ hủ, chẳng hữu ích gì hơn một thứ kìm kẹp con người.

Chính bởi những điều trên, nếu có anh em nào mà đang cảm thấy quá ngấy với các tác phẩm cứ xoay vòng tròn quanh Tolkien, và muốn tìm đến với một “phản đề” thực sự trái ngược với của chúng nó, nhưng không phản theo kiểu vẫn phải nhìn vào Tolkien để làm mẫu, mọi người hãy thử ngó qua Gormenghast nhé.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.