Vừa hồi chiều có bài AI thay người đọc truyện ngon lành, đến tối lại vớ được một bài về một tạp chí với nội dung gần như do AI thực hiện hết này anh em.
This Entire Sci-Fi Magazine Generated With AI Is Blowing Our Puny Human Minds |
Cụ thể thì ấn phẩm được nhắc đến là Infinite Odyssey, một tạp chí định kỳ hàng tháng với trọng tâm là Sci Fi, nhưng theo như lời giới thiệu thì sẽ còn lấn luôn sang cả Fantasy và kinh dị nữa. Như trang chủ của nó có nói (anh em tham khảo ở đây: https://www.infiniteodyssey.net/) tạp chí sẽ bao gồm các tác phẩm nghệ thuật trong mảng SFF, bao gồm truyện ngắn, tranh ảnh, truyện tranh, các “bài phỏng vấn” những sinh vật ngoài vũ trụ hoặc đến từ chiều không gian khác. Và đáng chú ý nhất, toàn bộ những nội dung ấy sẽ đều do các thuật toán AI tạo ra, chứ không mượn đến bàn tay con người nào cả.
Hoặc đúng hơn là 99% sẽ do AI tạo ra.
Trong bài phỏng vấn với Futurism, Philippe Klein đã chia sẻ về quy trình tạo nội dung của bên mình. Khoản hình ảnh minh họa thì bọn họ chỉ đơn thuần sử dụng hai con AI là Midjourney và Stable Diffusion để tạo tranh, và hai con đó thì hẳn anh em trong này đều đã quá nhẵn mặt rồi. Riêng phần tạo nội dung truyện với “phỏng vấn” thì hơi lằng nhằng hơn tí. Dựa trên con AI trò chuyện mang tên ChatGPT của OpenAI, bọn họ đã chế ra hai mô hình AI mới. Một con được họ gọi là Martin Alpha, và con này được Klein cùng đồng đội luyện cho viết những câu chuyện mang hơi thở Sci Fi và tương lai. Con còn lại là Haides, và nó chuyên viết những thứ mang tính huyền ảo và kinh dị. Nói cách khác, Martin Alpha là “nhà văn” Sci Fi của tạp chí, còn Haides thì là “cây bút” Fantasy.
Bất chấp quảng cáo rằng đây là “[t]ạp chí Sci Fi đầu tiên hoàn toàn được tạo ra bởi AI,” Klein vẫn thú nhận một sự thật hiển nhiên thế này: không thể nào có chuyện bọn AI tự mình cân hết được mọi thứ. Chúng nó vẫn cần đội ngũ của Klein nhập những yêu cầu đầu vào, và thành phẩm tạo ra cũng cần được con người tập hợp với dàn lên thành một bố cục tạp chí tử tế. Tuy nhiên, mọi tranh ảnh của tạp chí đều là thành phẩm thuần túy của AI, không được con người can thiệp chỉnh sửa hậu kỳ; các mẩu truyện trong đó thì chỉ bị chỉnh sửa về những thứ mang tính kỹ thuật như ngữ pháp, và ngay cả phần đấy cũng là do những thuật toán biệt lập cân nốt. Theo cách Klein miêu tả, đội ngũ con người chỉ đóng vai những “nghệ nhân múa rối,” và họ cố gắng đứng cách xa lũ AI hết mức có thể.
Đáng chú ý nhất, dù không thuê tuyển họa sĩ hay nhà văn nào góp ảnh/chữ cho tạp chí của mình, khi được hỏi về việc liệu AI có thay thế hẳn các nhà văn hay nghệ sĩ con người không, Klein đã trả lời thẳng thừng là, “Không.” Klein giải thích rằng như cách anh nhìn nhận, điểm khác biệt mấu chốt giữa các tác phẩm nghệ thuật của AI và con người là cái mục đích. Ở cái dạng hiện tại, các tác phẩm của bọn AI mang tính máy móc rất cao. Chúng nó chỉ có thể diễn đạt được những hình dung của người dùng, trong khi bản thân người dùng cũng muốn nhận được một sự “bừa” nhất định từ lũ AI, thế nên khi nhìn vào thành phẩm chúng nó tạo ra, ta sẽ thấy nó thiếu đi mục đích. Các nghệ sĩ con người thì ngược lại, luôn sáng tác với một mục đích rất cụ thể, và khi nhìn vào tác phẩm họ tạo ra, ta sẽ có thể ít nhiều cảm nhận được đây là một tác phẩm ra đời với một mục đích cụ thể. Klein chốt lại rằng các tác phẩm nghệ thuật của AI sẽ giống như kiểu đồ ăn nhanh dành cho số đông, còn nghệ thuật của con người thì bét nhất cũng sẽ là một thứ hết sức biệt lập và độc đáo so với hàng AI, nếu không muốn nói là đồ ăn hạng sang so với chúng nó.
Cái đoạn về khả năng con người bị AI thay thế mà Klein trình bày ở cuối này có phần hơi mơ hồ với trừu tượng, nhưng nó về cơ bản cũng khá trùng với quan điểm của mình về chỗ đứng của đám AI. Bọn nó luôn tối thiểu cần một người mớm thông tin và định hướng dìu dắt, hay nói cách khác là cung cấp mục đích cụ thể cho, ít nhất là ở bước đầu tiên. Ngay cả sau khi đã được định hướng bước đầu rồi, chúng nó vẫn còn cho ra những thành phẩm rất loạn. Nếu chỉ tạo ra chơi chơi thì dừng ở bước này vẫn được, nhưng nếu để phục vụ công việc với một mục đích cụ thể gì đó, thì có khi phải 9/10 vụ sẽ vẫn cần con người thủ công thò tay vào tinh chỉnh để gò cho thứ chúng nó tạo ra thực sự khớp với cái mục đích mình cần đạt được. Thế nên ngay cả nếu ta chấp nhận tạm gạt sang bên những mập mờ và tranh cãi về pháp lý đối với bọn này, thì tính đến thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai gần, lũ chúng nó sẽ chỉ dừng được ở mức công cụ hỗ trợ thôi, chứ chưa đủ sức thay thế được con người đâu.
Nhưng nói gì thì nói, nhìn cảnh chỉ một nhóm lập trình viên mà cũng tạo ra được gần như trọn vẹn một tạp chí văn học chỉ bằng AI thì cũng thấy rét vl. Không biết trong 10 - 20 năm tới, cái thị trường sáng tạo trông nó sẽ như thế nào đây nhỉ?
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓