Chuyển đến nội dung chính

Một trùng hợp bất ngờ giữa Bảo tàng Khoa học Viễn tưởng Thành Đô và Wheel of Time

 Trong cái bài về việc chính quyền Thành Đô đang gấp rút hoàn tất xây dựng Bảo tàng Khoa học Viễn tưởng Thành Đô để chuẩn bị đón Worldcon hồi chiều, người ta có nhắc đến việc một điểm nhấn của bảo tàng là cái phần mái làm bằng kính, được thiết kế như một con mắt nhìn thấu lên vũ trụ, gọi là Con mắt Khoa học Viễn tưởng (Eye of Science Fiction). Trông vào cái tên gọi của nó cũng như một số thứ râu ria bên rìa của nó, tự nhiên mình lại nhớ đến một thứ khác với kha khá trùng hợp thú vị. Nó là Eye of the World.

Trong trường hợp có anh em nào chưa biết, Eye of the World là tên một địa điểm huyền thoại trong Wheel of Time, một series Epic Fantasy rất nổi tiếng của Robert Jordan. Từ rất xưa trước thời điểm câu chuyện diễn ra, 100 Aes Sedai (tức pháp sư/phù thủy trong thế giới này) đã cùng hiệp lực để tạo ra một dạng hồ chứa. Thay vì đựng nước, cái hồ ấy tích tụ một lượng saidin (một dạng năng lượng phép thuật chỉ nam giới mới dùng được) thuần khiết khổng lồ, để sau này nếu có ai cần thì có thể dùng chỗ saidin tích trong đấy để làm những việc kỳ vĩ. Jordan đã mô tả về nó như sau:

Và hành lang ấy dẫn vào một không gian rộng lớn, có mái vòm; lớp đá xù xì, sống động trên trần của nó điểm xuyết những khối pha lê phát sáng. Bên dưới nó là một cái hồ, và nó choán hết toàn hang, chỉ chừa lại một lối đi rộng tầm năm bước bao trọn xung quanh. Hồ nước mang hình bầu dục như một con mắt, và viền quanh mép hồ là một lớp rìa pha lê dẹt, thấp, tỏa sáng xỉn hơn chỗ pha lê trên cao, song vẫn lại dữ dội hơn so với chúng. Mặt hồ phẳng lặng như gương và trong vắt tựa nước Dòng Suối Rượu. Rand có cảm tưởng mắt mình như có thể nhìn thấu đến tận cùng của hồ, nhưng mãi mà cậu chẳng thấy đáy nó đâu.

Để dễ hình dung, bên dưới mình đã up kèm một ảnh minh họa do Gal Or thực hiện. Anh em tham khảo nhé.


Ok, vậy giờ đã biết cái Eye of the World là gì rồi, thế nó giống gì với Eye of Science Fiction nào?

Cái đầu tiên nằm ở một thứ cực kỳ hiển nhiên: ngoại hình và tên gọi của hai thằng này. Eye of the World và Eye of Science Fiction cùng được thiết kế theo dạng hình bầu dục, trông rất giống một con mắt. Về phần Eye of the World, nó có một bề mặt phẳng và trong vắt như gương (hay chuẩn hơn là kính, vì miêu tả gốc bảo rằng “[i]ts surface was as smooth as glass”), nhưng lại trong suốt để cho ta nhìn xuyên “làn nước” của nó đến tận vô cực, mãi không thấy nổi đáy đâu. Eye of Science Fiction thì được làm bằng kính theo đúng nghĩa đen, vừa phẳng vừa trong vắt, và cũng cho người quan sát nhìn xuyên qua một dung môi trong suốt lên một miền vô cực không đáy (cụ thể ở đây là vũ trụ). Bên cạnh đó, vì thứ kích cho Eye of Science Fiction được khởi công xây dựng lại là Worldcon thế nên ta cũng có thể gọi đây là Eye of the World(con).

Điểm tiếp theo nằm ở cái lore nền cho hệ thống phép thuật của series Wheel of Time, cũng như cái thứ chất mà Eye of the World chứa đựng. Trong cái series này, hệ thống phép thuật được lấy cảm hứng rất nhiều từ cái quan niệm âm dương của Trung Quốc. Cụ thể hơn, nguồn năng lượng phép thuật trong Wheel of Time được chia ra làm hai nửa, saidin và saidar. Saidin là nửa âm của cái phép thuật ấy, và chỉ nam giới mới dùng được (trong này âm dương hơi nghịch đảo một tí); saidar thì ngược lại, là nửa dương của nó, và chỉ nữ giới mới tiếp cận nổi. Cái thời cả Aes Sedai nam lẫn Aes Sedai nữ còn hợp tác được với nhau, họ sử dụng một biểu tượng trông y xì đúc cái biểu tưởng âm dương rất quen thuộc với chúng ta:


Về sau này, lúc các Aes Sedai nam đã hóa điên và chỉ còn các Aes Sedai nữ là tỉnh táo, phía nữ chuyển biểu tượng thành cái nửa dương, và gọi nó là “ngọn lửa,” còn nửa âm thì bị biến tướng thành một ký hiệu nham hiểm, và bị gọi là cái “nanh rồng.”

Biểu tượng Aes Sedai nữ

Biểu tượng Aes Sedai nam

Eye of Science Fiction nói riêng và toàn bộ cái bảo tàng nằm ở chỗ nào thì mọi người biết rồi đấy.

Một điểm đáng chú ý khác của Eye of the World là nó giấu một thứ rất đặc biệt dưới đáy của mình. Trong tác phẩm, đến một lúc nhất định, chỗ saidin trong cái hồ đấy bị một người sử dụng cạn khô, và tự nhiên người ta phát hiện ra bên dưới nó có một số món cổ vật. Một trong số chúng là một lá cờ trắng, bên trên in hình một con vật “giống như một con rắn, có vảy màu đỏ tươi và vàng, chạy suốt dọc chiều dài lá cờ, nhưng nó lại có chân mang vảy, cùng với bàn chân mang năm móng vuốt dài vàng rực, kèm một cái đầu khổng lồ có bờm vàng và một cặp mắt tựa như mặt trời. Nhịp bay phấp phới của lá cờ khiến nó chẳng khác nào đang chuyển động, vảy lấp lánh như kim loại và đá quý, tràn trề sức sống, và [Rand] thiếu điều ngỡ tưởng mình có thể nghe thấy tiếng gầm đầy thách thức của nó.”


Đây chính là hình một con rồng Trung Quốc, và một lần nữa, anh em biết Eye of Science Fiction nằm ở chỗ nào rồi đấy.

Ngoài đó ra, còn một điểm khác dù không hẳn liên quan trực tiếp, nhưng cũng đáng để nhắc đến, ấy là cách tiếp cận cái Eye of the World này. Trong truyện, để đến được đây, đoàn nhân vật của chúng ta phải nhờ đến sự hỗ trợ của một chủng tộc gọi là Ogier. Đội này ít nhiều cũng có một chút ảnh hưởng của Trung Quốc, với nơi ở của họ (các “stedding”) sử dụng một lố tên sặc mùi Trung, bao gồm Mashong, Qichen, Sanshen, Shangtai, Sintiang, và Taijing. Họ cũng sở hữu Book of Translation, một cuốn sách mà ban đầu tác giả định gọi là Book of Changes, tức Kinh Dịch. Đặc biệt nhất, tại các stedding của Ogier, ta có những cánh cổng dẫn vào một nơi gọi là “The Ways.” Đây là một mạng lưới các tuyến đường cổ, cho phép con người ta di chuyển qua những khoảng không gian xa cách nghìn trùng trong một thời gian rất ngắn, và đội nhân vật chính của chúng ta phải sử dụng nó để kịp thời đến Eye of the World. Mặc dù nguồn cảm hứng đằng sau The Ways chưa bao giờ được nói rõ, ta vẫn có thể thấy nó hao hao Con đường tơ lụa, một hệ thống các tuyến đường buôn bán nổi tiếng đã từ hàng nghìn năm, nối thông châu Á và châu Âu. Vậy là trong Wheel of Time, ta có một đoàn người băng qua một vùng đất mang hơi thở Trung Quốc, và sử dụng một con đường giống tuyến đường nối thông Đông - Tây để lặn lội đến một chốn xa xôi tên là Eye of the World; ngoài đời, ta có khách khứa từ những nơi xa xôi lặn lội đến Trung Quốc, với nhiều người là đi từ Tây sang Đông, để đến một chốn gọi là Eye of the World(con). Nghe cũng hợp lý phết.

Bên cạnh đó, còn một điểm khá hài là Eye of the World chỉ chứa rặt saidin. Như đã nói ở trên đấy, saidin là năng lượng phép thuật của nam, và không một người phụ nữ nào có thể động được đến nó. Chính bởi vậy, cái Eye of the World này chỉ dành cho một nhóm Aes Sedai duy nhất sử dụng, và đó là các Aes Sedai nam. Sci Fi thì có truyền thống là một dòng văn “dương thịnh,” nơi từ tác giả cho đến độc giả phần nhiều là đàn ông con trai. Trên thực tế, nó nặng chất “đực” đến mức từng có một số tác giả nữ khi nhảy vào dòng này phải lấy bút danh nam để lăng xê bản thân mình, với ví dụ tiêu biểu bao gồm CJ Cherryh (tên thật là Carolyn Cherry), Paul Ashwell (tức Pauline Whitby), và James Tiptree Jr. (tức Alice Sheldon). Giờ thì cái xu hướng đấy đang dần nghịch đảo, với lượng tác giả và độc giả nữ tham gia vào dòng này (hoặc không ngần ngại công khai mình là nữ khi tham gia vào dòng) đã trở nên ngang ngửa so với nam giới, nhưng cái định kiến về việc Sci Fi là sân chơi của mấy thằng đực rựa vẫn ít nhiều đeo bám cái dòng này. Bởi thế, ta cũng có thể nói là nếu nhìn nhận mọi thứ với con mắt thiên vị, Eye of Science Fiction sẽ giống Eye of the World ở khoản đối tượng nó hướng đến.

Kể cũng thật phi thường là bên Thành Đô lại tình cờ triển cái Eye of Science Fiction theo một kiểu trùng với Eye of the World nhiều đến thế. Hy vọng là trong tương lai, phía họ sẽ tiếp tục có nhiều dịp để chèo kéo thiên hạ đến với Eye of Science Fiction hơn nữa. Nếu chỉ dùng một lần rồi thôi như Eye of the World thì đúng đúng phí của trời.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.